Lm. Andrzej Miotk, SVD
(Lấy từ Arnoldus Nota, tháng 02.2018)
Cha Arnold đã khuyến khích tất cả các môn đệ của ngài làm cho mỗi ngày trở thành “một ngày Thánh Thể”, bởi vì hy tế Thánh Thể là suối nguồn của mọi ân sủng và phúc lành cho nổ lực truyền giáo.
Tinh thần truyền giáo của cha Arnold Janssen đã mang chiều kích Thánh Thể cách sâu sắc trong bản chất của nó, với việc tập trung vào Thánh Lễ như trung tâm của đời sống hằng ngày. Nó bắt nguồn trong gương mẫu của mẹ ngài, một người không bao giờ bỏ Thánh Lễ hằng ngày với bất kỳ lý do nào. Mẹ ngài đã nói: “Nếu tôi không đi tham dự Thánh lễ, tôi sẽ không bao giờ có thể hoàn thành công việc của tôi…” Trong Thánh Lễ, cha Arnold đã cầu xin ơn trở nên một đầy tớ trung tín và hữu dụng của Thiên Chúa. Khi vào nhà thờ, ngài đã quay đầu trước tiên hướng về bàn thờ của Bí tích Thánh Thể, và ngài lưu lại trước nhà tạm trong một thời gian dài. Hơn ai hết, ngài quý trọng giá trị to lớn của Bí tích Thánh Thể qua việc sẵn sàng hổ trợ các Thánh Lễ khác, và sự mệt mỏi của những chuyến đi thường xuyên hay nỗi đau đớn của bệnh tật không bao giờ có thể khiến cho ngài bỏ Thánh Lễ hằng ngày. Tình yêu của ngài đối với Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể đã được thể hiện trong nhiều thực hành sùng kính của thời đại ngài, chẳng hạn như việc viếng thăm thường xuyên Bí Tích Thánh Thể, việc rước kiệu Thánh Thể, việc chầu Thánh Thể và ban phép lành Thánh Thể, Bốn mươi giờ sùng kính Thánh Thể, Giờ Thánh, và việc thờ lạy trước Bí tích Thánh Thể lúc ban đêm hay thường xuyên. Cha Arnold đã chia sẻ sự hiểu biết thần học về Thánh Thể của thời đại đó như là một phương tiện của ân sủng (Matthias Scheeben) nhưng cũng nhấn mạnh sự tham dự vào đời sống của Ba Ngôi chí thánh.
Cha Arnold đã cử hành nhiều Thánh Lễ cho Giám mục Anzer. Ngài cũng đã cố gắng thiết lập một Thánh lễ đặc biệt thường xuyên tại đền thờ quốc gia Fulda để thống nhất tôn giáo của nước Đức và cho sự hoán cải của những người ngoại giáo. Ngài sẽ sẵn sàng mất thời gian trước khi lấy các quyết định quan trọng như đưa ra các bài sai đầu tiên cho những linh mục mới được phong chức, bằng cách xin Chúa Thánh Thần soi sáng trong Thánh Lễ. Tên của họ, vốn được viết trên giấy, đã được đặt dưới khăn thánh trong khi dâng Thánh Lễ. Nhiều người đã rất ấn tượng với lòng sùng kính của ngài đối với việc cử hành Thánh Lễ. Cha Vaske đã nhắc lại lời cầu nguyện tuyệt vời mà ngài đã thường xuyên đọc trong nửa giờ tạ ơn theo thường lệ sau Thánh Lễ: “Chúa Giêsu thân mến, Chúa đã đến với con, và con đã ôm lấy Ngài cách trìu mến, tôn trọng, yêu mến, trong trái tim của con. Xin đừng bao giờ rời xa con nữa.” [AN-SVD/42, số 379] Sau Thánh Lễ sáng, cha Arnold hào phóng hơn với việc cho phép những điều mà khó có thể có được.
Cha Arnold đã xem Thánh Lễ như là nhiệm vụ chính yếu và cao quý nhất của linh mục trong cả ngày. Ngài đã gọi các linh mục là những người con được tuyển chọn của Chúa Thánh Thần (Hiến pháp năm 1885, số 330). “Hằng ngày, Ngôi Lời vĩnh cửu xuống trên đôi tay của họ và Ngài đã đi qua đôi tay của họ để đến trái tim của họ và trái tim của người khác.” Trong các hội nghị Thánh Thể dành cho các linh mục, ngài thường xuyên nhắc đến bài “Le Prêtre è l’Autel” (Linh mục là bàn thờ) (năm 1853) của cha Pierre Chaignon SJ (1791-1883), là một người đã hướng dẫn ba trăm cuộc tĩnh tâm cho giáo sĩ của các giáo phận chính của Pháp trong ba mươi năm. Đối với cha Arnold Janssen, Thánh Thể đã được gắn chặt với việc tôn sùng Bí tích Thánh Thể, vì thế, ngày từ đầu, ngài đã lên kế hoạch để đưa vào Steyl việc tôn sùng Bí tích Thánh Thể cho các thành viên của Ngôi Nhà Truyền Giáo (Mission House). Cuối cùng, ước muốn có Sự Tôn Thờ Thánh Thể thường xuyên để cầu nguyện cho truyền giáo đã trở nên hiện thực với việc thành lập Các Sơ Chiêm Niệm vào năm 1896, mà ngài gọi là vũ khí bí mật để thành công. Tại Steyl, đã có những thực hành suy tôn Thánh Thể vào buổi tối thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần, và các ngài chầu Thánh Thể cá nhân cho những ý chỉ đặc biệt của Hội Dòng (Remembering Arnold Janssen, AN-SVD/42, số 464,685,708,815). Cá nhân ngài, “vào buổi chiều tối, trước khi tôi đi ngủ, tôi có thói quen viếng Thánh Thể lần cuối, trong khoảng thời gian đó tôi nhớ lại mọi người trong các nhà của chúng tôi và các sứ vụ.” (AN-SVD/97, số 114)
Sự ưu việt của Hy tế Thánh Thể
Đối với cha Arnold, Thánh Lễ không phải là một khoảnh khắc duy nhất trong ngày, nhưng ngài đã sống Thánh Thể liên tục như là hy lễ thật sự thiêng liêng khiến chúng ta thành những người tham gia vào bản tính của Thiên Chúa, trong thân thể của Chúa Kitô, và lấp đầy chúng ta bằng sự sống thần linh (Scheeben). Cha Arnold đã bị thu hút cách sâu sắc bởi sự hiện diện kỳ diệu và vĩnh viễn này của Chúa Kitô trong Bánh được thánh hiến mà ngài đã tiếp cận với sự tôn trọng, thờ phượng và tôn thờ. Ngài đã thấy nơi Thánh Thể sự hiện diện của một Chúa-người thật sự, của Đức Kitô, Đấng chịu chết hằng ngày trong hy tế thánh thiện và đẫm máu trên bàn thờ trong nhân đức thánh hiến như là tiếp nối sự nhập thể của Ngài. Đó là “hy tế thiêng liêng của Giao ước mới, mà trong đó hy tế đẫm máu trên đồi Canvê được tưởng niệm và được làm mới lại.” (Hp. 1891/V-11). Bất kỳ công việc truyền giáo đầy hoa trái nào cũng là sự đồng tham dự vào trong hy tế của Chúa Kitô này. “Trong Thánh Lễ, tôi cùng với Đức Kitô sẽ dâng tiến mọi đau khổ và khó khăn của tôi cùng với tất cả những gì mà Thiên Chúa gửi đến cho tôi cho Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống.” Ngài đã viết cho cha Vormann: “Tôi cố gắng hàng ngày tại Thánh Lễ để dâng hiến bản thân mình cùng với Đấng Cứu Độ của chúng ta cho Chúa Cha như một hy tế. Và rồi khi các đau khổ đến, tôi cố gắng ôm hôn chúng và tạ ơn Thiên Chúa về chúng. Bằng cách đó, chúng trở nên ít nặng nề hơn, và tôi hy vọng rằng, xứng đáng hơn, và chúng có thể kết thúc sớm hơn. Hãy thử bước đi và làm tương tự như vậy.”(Thư ngày 18.08.1903) Cha Arnold đã kêu gọi các người con của ngài kết hợp với hy tế của Chúa Giêsu Kitô, vốn hòa giải, làm bừng cháy, đẩy nhanh và củng cố. “Đặc ân thánh hiến, đụng chạm và ăn hằng ngày Thân Thể của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể là động cơ, đặc biệt là đối với các linh mục, để sống thánh thiện và trong sạch.” (Hp. 1885F/149)
Ngai Thánh Thể của Ba Ngôi Thiên Chúa
Thánh Thể là một quà tặng diệu kỳ của Ba Ngôi Thiên Chúa, một quà tặng đặc biệt của Tình Yêu nơi Đấng Cứu Độ. Cái nhìn Ba Ngôi về Thánh Thể của Đấng sáng lập được đặc trưng bởi ý tưởng ba ngai tòa của Ba Ngôi Thiên Chúa: ngai trời, ngai Thánh Thể, và ngai huyền bí (Hp. 1891/V-14). Trên ngai Thánh Thể, cha Arnold tôn thờ Ngôi Lời của Thiên Chúa trong sự liên hệ với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; Ngôi Lời trao ban chính mình như là lương thực cho linh hồn để tham dự nhiều hơn vào đời sống của Thiên Chúa (Quy chế 1876/6); để nuôi dưỡng và duy trì sự ngự trị của Ba Ngôi trong chúng ta. Trong mầu nhiệm Thánh Thể, tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa được thể hiện trong sự tròn đầy của nó. “Với niềm vui trọn vẹn đối với tình yêu vĩ đại của Chúa dành cho chúng ta, chúng ta nên tôn kính nhà tạm, vốn là ngai của Thiên Chúa, Đấng đã tự hạ mình vì chúng ta, đến mức chúng ta dâng hiến tình yêu nội tại của mình cho Đấng đã yêu thương chúng ta trước.” (Hp. 1891 và 1898/V-12). Cha Arnold đã nhấn mạnh vai trò quyết định của Chúa Thánh Thần trong bí tích này và đã khuyên mọi người cầu nguyện để hiểu biết nhiều hơn, yêu mến nhiều hơn, và cầu nguyện cho vinh quang của Chúa Thánh Thần (Luật 1898/11). Các Thánh Lễ ngày thứ sáu trong Hội Dòng đã phải được dâng với ý chỉ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và các Thánh Lễ ngày thứ hai đã được dâng để kính Chúa Thánh Thần để cầu xin ơn sủng cho Hội Dòng và sứ vụ truyền giáo của Hội Dòng. Hiến pháp 1885/129 nói: “Trên hết mọi sự, hãy làm cho các anh em trong Hội Dòng không lơ là, khi Bí Tích Thánh Thể được trưng bày, để thờ phượng Ngôi Lời cách hết sức khiêm nhường và để nhớ rằng cùng với Chúa Con, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần hiệp nhất với nhau cách không thể tách rời và do đó Chúa Cha và Chúa Thánh Thần phải được tôn kính cùng với Chúa Con trong Thánh Thể.” Cha Arnold đã nhấn mạnh sự hiện diện của toàn thể Ba Ngôi trong Bí tích Thánh Thể và trong linh hồn con người nhờ ân sủng. Việc tôn thờ Bí tích Thánh Thể sẽ là suối nguồn niềm vui thật sự qua việc thờ phượng Ngôi Lời và hai ngôi khác của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Ngày Thánh Thể
Bị cuốn hút bởi sự hiện diện độc nhất của Chúa Kitô trong Thánh Thể như là một món quà tuyệt vời và kho báu của Giáo Hội được yêu thương, Cha Arnold đã khuyến khích tất cả các đồ đệ của ngài làm cho mỗi ngày trở nên như một “ngày Thánh Thể”, vì hy tế Thánh Thể là nguồn gốc của mọi ân sủng và phúc lành cho nỗ lực truyền giáo. Trong Thánh Thể, chúng ta nhận được những cảm hứng cao quý nhất. Chúng ta cần lương thực Thần Linh hằng ngày, và chúng ta cần làm mọi thứ có thể để không làm suy yếu sự sống này bằng tội lỗi ngõ hầu rước lễ với niềm vui và tình yêu, vốn bảo vệ chúng ta khỏi việc đón nhận cách bất xứng (Hp. 1891/V-10). Trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu để lại cho chúng ta mẫu gương vâng phục, khiêm nhường và hy sinh, và Ngài mời gọi chúng ta đóng góp cho việc thánh hóa con người và cho việc làm vinh danh Thiên Chúa. Hiến pháp năm 1885 quy địch cách rõ rang Thánh Lễ hằng ngày đối với các anh em trong Hội Dòng: “Các anh em trong Hội Dòng không phải là linh mục phải tham dự ít nhất một ngày một Thánh Lễ. Khi có thể, các linh mục cũng phải dâng Thánh Lễ hằng ngày.” (Hp. 1891/IV-2) Vì thế Ngôi Lời Vĩnh Cửu cũng với nhân tính của Ngài sẽ được thờ phượng trong hy tế Thánh Lễ. Cuối cùng, Thánh Lễ hằng ngày có nghĩa là chiều sâu thiêng liêng đối với Hội Dòng và là nguồn sức mạnh trong công việc phục vụ truyền giáo của chúng ta.
Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD
Trưởng ban dịch thuật chuyển ngữ