MÙA HÈ ƠI… “CHỚ” TRỞ LẠI BAO GIỜ!

0
759

Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD

Bầu trời Sài Gòn sáng nay nắng nhẹ, gợn những áng mây trôi lững thững; không gian xung quanh vắng lặng. Có thể nghe rõ tiếng chim nhà ai hót vọng lại. Lâu lâu từ xa tiếng xe cứu thương hối hả xua tan bầu khí tĩnh lặng. Lại thêm một ai đó đang phải chiến đấu để giành giật từng hơi thở khó nhọc. Trong cái nóng bức của mùa hè, Sài Gòn như mất đi sự sôi động vốn có, đang cố bước đi loạng choạng, trong sự ngột ngạt của cách ly, phong tỏa, giãn cách vì đang bị “cô vy” bủa vây tứ bề.

Năm nay mọi kế hoạch mục vụ hè của anh em học viện đều không thể thực hiện. Một đám thanh niên trai trẻ, đầy năng động và căng tràn sức sống, phải chôn chân trong không gian chật hẹp, nóng bức của mùa hè Sài Gòn. Nào khấn lại, khấn trọn, nào chức lớn, chức nhỏ đều diễn ra trong âm thầm, thậm chí không dám đàn hát lớn, sợ gây chú ý, sợ lạc điệu với người người, nhà nhà xung quanh đang thu mình lại, ai rút về cố thủ nhà nấy, trốn dịch trong phập phồng, âu lo của toàn xã hội.

Khi con số người nhiễm tăng từ hai con số, lên ba, rồi bốn con số trong một ngày, số người liên quan trực tiếp lẫn gián tiếp cũng tăng lên chóng mặt, làm cho các bệnh viện và cơ sở y tế ở thành phố vốn đã mấp mé quá tải từ trước, nay phải gồng mình hết cỡ mà vẫn không thể đáp ứng con số bệnh nhân tăng cao đột ngột, dù đã thành lập thêm nhiều cơ sở dã chiến. Nhiều bệnh nhân không có nơi tiếp nhận, nên đành phải ở nhà mặc cho số phận đẩy đưa; nhiều người chứng kiến người thân ra đi trong cô đơn và bất lực. Nỗi sợ các dịch vụ mai táng quá tải ngày nào còn mơ hồ thì nay hiện rõ mồn một khi đoàn xe chở quan tài xếp hàng dài trước các cơ sở hỏa thiêu.

Để hạn chế lây nhiễm, các chỉ thị giãn cách ngày càng nghiêm ngặt và kéo dài không biết bao giờ chấm dứt, số người buộc phải chôn chân trong nhà càng lớn, trong thời gian dài, khiến nhiều người lâm vào cảnh thiếu ăn. Những người nghèo, không nghề nghiệp ổn định, kiếm sống qua ngày, thậm chí công nhân bị mất việc, hay những người sống trong các khu nhà trọ… là những đối tượng bị tổn thương hơn cả. Và đây đó vọng lên tiếng kêu cứu cấp bách và khẩn thiết. Trong hoàn cảnh nhạy cảm này, có nên làm gì để đáp lại chút nào đó tiếng kêu cứu của họ, hay chỉ ở nhà đóng kín cửa chống dịch cho an toàn? Trong hoàn cảnh đó, Lời Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ xưa, nay lại vọng về: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16).

Nếu các môn đệ xưa kia chỉ cần mang đến cho Chúa Giêsu “năm chiếc bánh và hai con cá”, để rồi qua tay Chúa Giêsu, dân chúng được ăn no nê mà còn dư (x. Mt 14,15-21), thì các môn đệ thời nay, nếu muốn “cho họ ăn”, phải đối diện với nhiều khó khăn và bất trắc: “Năm chiếc bánh và hai con cá” liệu có thấm vào đâu so với nhu cầu to lớn của biết bao người? Làm sao để của ăn đến được với những người đang cần trong hoàn cảnh phong tỏa nghiêm ngặt? Muốn “cho họ ăn” thì không chỉ mở lòng, mở hầu bao, mở miệng nhờ các mạnh thường quân cộng tác, mà còn phải mở cửa, mở cổng, mở luôn lối cho “cô vy” có thể vào nhà bất cứ lúc nào. Giữa lợi ích cấp bách của bao người nghèo khổ, bất hạnh, túng quẫn, và sức khỏe, mạng sống của cá nhân, sự an toàn và ổn định của cả một tập thể, chọn lựa sao đây?

Đóng cổng lại, khép cửa vào, thu mình lại trong tư thế phòng thủ an toàn, mặc kệ tiếng lòng thổn thức, day dứt trước nỗi khổ của dân nghèo? Hay sẵn sàng hy sinh, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm sự an toàn của cả một tập thể, để không ngó lơ trước tiếng kêu cứu của những người yếu thế? Không ai nỡ khép lòng mình lại trước nỗi khổ đau của đồng loại, nhưng mở cửa, mở lòng, mà không mở đường cho “cô vy” vào nhà là điều xem ra không thể dung hòa. Vẫn còn đó bài học thực tế của biết bao tập thể dòng tu bị “cô vy” lẻn vào nhà, dù đã hạn chế tối đa mọi sự tiếp xúc với bên ngoài. Đứng trước sự chọn lựa khó khăn, đã có những lúc căng thẳng, có cả những bất đồng, giằng co, nhưng rồi cuối cùng lời mời gọi “hãy cho họ ăn” vẫn được anh em đáp lại, dù phải chấp nhận những rủi ro và mạo hiểm về sức khỏe và sự an toàn trong tinh thần đồng trách nhiệm, nếu lỡ…

Đều đặn mỗi ngày, những hộp cơm nóng ấm tình người vẫn được phân phát cho những người lang thang, bơ vơ đây đó, những người chỉ mong có miếng ăn qua ngày mà lắm khi còn là điều xa xỉ. Những phần quà yêu thương gồm những loại thực phẩm thiết yếu cũng được phân phối đến nhiều đối tượng khác nhau đang bị kẹt trong các khu phong tỏa, các khu nhà trọ, cho những người đang bị mắc kẹt giữa thành phố phồn hoa này: không người thân, không công việc, không tiền bạc, không chỗ tựa nương lúc khốn cùng. Những bó rau, những phần củ quả bỗng trở nên quý như vàng giữa thời dịch này để duy trì sức khỏe thể chất, vẫn được phân phát tận tay cho bà con hàng xóm, cho những người lâu nay gần mà xa lạ, cho cả các ân nhân lâu nay vẫn hỗ trợ cộng đoàn, cho những người nghèo trong khu phố. Những phần quà thường ngày chẳng đáng là bao nay lại trở nên cao quý bởi đong đầy tình thương mến, sự hy sinh, và cả sự mạo hiểm vì nhau và cho nhau; đó chính là nguồn bổ dưỡng cho sức khỏe tinh thần giữa đại dịch này, bởi nó là biểu hiện của sự quan tâm, chia sẻ, khích lệ nhau giữa lúc khó khăn với bao nỗi sợ đang bủa vây.

Giữa bầu khí nặng nề, vắng lặng, căng thẳng, hoang mang, sợ hãi của người dân Sài Gòn những ngày hè oi ả, cộng đoàn vẫn ngày ngày vang lên tiếng cười nói rôm rả, đầy hân hoan và tín thác, xen giữa tiếng rửa rau, băm thịt, chiên xào, nấu nướng, chuẩn bị quà cho người nghèo… Trong không gian chật hẹp mà đa phần đều ở trong nhà từ hơn hai tháng nay, vẫn đều đều tiếng nguyện cầu kinh lễ cho sự bình an của đất nước và thế giới, vẫn lách cách tiếng đominô, cờ tướng xen lẫn tiếng cười đùa vui vẻ, vẫn đều đặn nâng tạ để nâng cao sức đề kháng, vẫn những cặp đấu bóng bàn xả stress mỗi chiều…

Sống giữa những bủa vây của bao nguy cơ thường trực, tinh thần anh em vẫn lạc quan, tương trợ lẫn nhau và luôn trong tâm thế tỉnh thức và sẵn sàng. Trong hoàn cảnh khó khăn, có thể thấy rõ tinh thần dấn thân, sự hy sinh, tính năng động và sáng tạo, dám chấp nhận mạo hiểm của các anh em trẻ, hướng đến những người khốn khó đang cần đến mình. Cùng với đó là sự rộng lượng của biết bao người có lòng, sẵn sàng chia sẻ tài lực, vật lực và cả nhân lực, để cùng chung tay thắp lên tia lửa hy vọng của niềm tin, ủi an và nâng đỡ của tình người, giữa những bộn bề âu lo và sợ hãi.

Từ “năm chiếc bánh và hai con cá” ban đầu, giờ nhà cửa nơi đâu cũng chất đầy nhu yếu phẩm. Vẫn biết dù có cố hết sức thì cũng chỉ như muối bỏ biển. Nhưng như lời ông bà dạy, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”; chút lòng thành lúc hoạn nạn thay cho bao lời an ủi. Nhưng trên hết, qua những hành động nho nhỏ giúp xoa dịu cơn đói tạm thời, anh em như đang họa lại và giới thiệu về Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng ban Chúa Giêsu là Bánh Trường Sinh, là nguồn an ủi và hy vọng cho những ai, dù phải đối diện với cơn đói và cái chết thể xác, vẫn vững tin nơi Người rằng họ sẽ được thông phần Sự Sống Vĩnh Cửu từ nơi Người.

Chưa bao giờ anh em học viện Sài Gòn trải qua một mùa hè hồi hộp và nhiều cung bậc cảm xúc như năm nay. Tương lai phía trước vẫn là một huyền nhiệm. Bao giờ Sài Gòn có thể trở lại nhịp sống năng động thường ngày? Năm học mới có thể bắt đầu đúng lịch hay không? Các anh em thực tập OTP có thể trở về kịp để tiếp tục chương trình huấn luyện hay không? Một số nhỏ anh em đang thực tập trong nước bao giờ và bằng cách nào trở lại học viện? Biết bao thắc mắc chưa có câu trả lời chỉ vì không ai biết tình hình dịch bệnh sắp tới sẽ ra sao.

Thời gian vẫn trôi đi, trời vẫn trong xanh, chim vẫn hót, nhưng dịch bệnh vẫn đang rất căng thẳng và nặng nề! Nhiều người ngoài kia đang vất vả từng ngày để chiến đấu giành giật từng hơi thở, từng mạng sống; họ thậm chí không thể về nhà để gặp người thân. Chút hy sinh nhỏ bé của ta nào có là gì! Từ tận đáy lòng, ước mong mọi người được bình an. Nhưng dù thế nào, mong sao một mùa hè như thế này đừng bao giờ trở lại!

Cộng Đoàn Thần Học – Hè 2021

Bài trướcTưởng nhớ cha Stan Uroda, SVD (15/8/1948 – 18/3/2021)
Bài tiếp theoHỌC VIỆN NGÔI LỜI: TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ MÙA COVID