LỜI SỐNG (Thứ Năm sau Lễ Tro, Mùa Chay)

0
514

Tin Mừng: Lc 9,22-25

Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Rồi Đức Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?.

—– SUY NIỆM —–

BƯỚC THEO ĐỨC GIÊSU (Lm.  Phêrô Nguyễn Thanh Nhiệm, SVD)

Thuật ngữ bước theo Đức Giêsu là lời mời gọi dành cho hết mọi người tin vào Người, hãy sống như Người đã sống. Đặc biệt hơn, đối với những người sống đời thánh hiến, lời mời gọi này được xem chính là bản chất đời sống của họ vậy.

Đi theo Đức Giêsu là chấp nhận bước vào tiến trình trở nên hoàn thiện. Đức Giêsu định rõ cho những ai tin và đi theo Người “phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” (Lc 9,23). Người đưa ra một nguyên tắc sống, hay nói đúng hơn là một thái độ sống cho hết mọi người có khát vọng hướng đời mình vào sự sống đời sau, “sinh ký, tử quy”. Khát vọng lớn nhất của con người là Thiên Chúa. Tuy nhiên, hành trình hoàn thiện của đời người lắm lúc bị vùi dập bởi những thực tại trần thế về tiền tài danh vọng. Đức Giêsu khẳng định: “Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” ( Lc 9,25).

Vác thập giá mình hàng ngày để đi theo Đức Giêsu nghĩa là gì? Con người suy nghĩ ý tưởng thần học cao vời, mà đánh mất tính thực tế của nó trong hướng thực hành. Đấng đáng kính, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận viết: “Có người vác thánh giá cả làng mà không vác thánh giá của mình. Có người vác thánh giá cả làng và gán thánh giá của mình bắt kẻ khác vác” (Đường Hy Vọng, số 18). Ngài khẳng định: “Các thánh không nên thánh vì nói tiên tri hay làm phép lạ. Các ngài đâu làm gì lạ! Họ chỉ chu toàn bổn phận” (Đường Hy vọng, số 25).

Gẫm mà xem! Mỗi người chu toàn bổn phận trong địa vị của mình thật khó. Tâm lý tự nhiên, con người muốn biến người khác phục dịch mình. Lắm lúc họ lại nhân danh một sứ vụ cao cả để thoái lui không can đảm đưa đôi bàn tay ra để chu toàn bổn phận hàng ngày.

Lạy Chúa, xin cho con biết chu toàn bổn bận hàng ngày của con trong tin yêu, để con biết thực thi đức ái. Amen.


VÁC THẬP GIÁ YÊU THƯƠNG (Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD)

Ở đời, khi người ta muốn có người học trò đến học với mình thì họ phải giới thiệu những gì đem lại sự tiện ích, thoải mái, … Chẳng hạn như, người thầy giáo dạy môn Tiếng Anh phải giới thiệu mình là người thầy dạy giỏi, học trò sẽ nói được Tiếng Anh trong thời gian ngắn mà không phải vất vả nhiều.

Thế nhưng, trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu không làm như thế. Người không nói với những ai muốn làm môn đệ của Người: “Theo Tôi, sẽ có cơm no áo ấm. Theo Tôi, sẽ có tiền dư bạc thừa. Theo Tôi, sẽ có nhà cao cửa rộng”. Nhưng Người nói cách rõ ràng với những ai muốn theo Người: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Nghĩa là ai muốn bước theo Đức Giêsu thì phải chấp nhận đối diện với những đau khổ.

Tại sao người môn đệ của Đức Giêsu lại có số phận như thế? Xin thưa, bởi vì Đức Giêsu đã bước đi trên con đường Yêu Thương và Ngài đã yêu thương nhân loại đến cùng, Người yêu thương ngay cả kẻ thù. Cho nên, chính Người đã “phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết” (Lc 9,22). Do đó, những ai muốn sống yêu thương như Đức Giêsu không thể nào có một số phận khác với số phận của Người.

Nhưng khi theo Thầy Giêsu trên con đường thập giá yêu thương, thì người môn đệ được gì? Thập giá là hệ quả tất yếu của con đường thập giá yêu thương, nhưng không phải là cùng đích mà người môn đệ nhắm đến. Cái đích mà người môn đệ của Đức Giêsu nhắm đến chính là cùng được phục sinh với Người (x. Lc 9,24-25).

Lạy Chúa Giêsu, đau khổ là điều mà không ai trong chúng con mong đợi. Chúng con muốn tránh né các đau khổ trong cuộc sống, không một ai muốn đối diện với chúng. Nhưng đi theo Chúa trên con đường thập giá yêu thương, chúng con phải chấp nhận vác lấy chúng. Nhưng chúng con quá mọn hèn và yếu đuối, nên lắm lúc dễ quỵ ngã trên con đường thập giá tình yêu. Xin Ngài thêm sức cho chúng con, và cũng xin Ngài ban thêm niềm tin cho chúng con. Amen.


 

HÃY VÁC THẬP GIÁ (Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD)

Ở đời ai cũng thích cái đẹp cái hay, yêu lối sống thoải mái, tiện nghi vật chất. Ngược lại, ta ghét cái xấu, cái dở. Ta tìm cách né khó khăn, tránh khổ đau, giảm thiểu bất hạnh. Phàm là con người thì đều sợ chết. Đó là lẽ tự nhiên. Chẳng ai muốn những “thập giá” ngày ngày đè nặng vai gầy của mình cả.

Đời người thường là vậy. Ấy thế mà Chúa Giêsu lại dạy rằng: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Khó quá! Điều kiện Người đưa ra khó khăn hết sức. Người muốn tôi làm ngược lẽ thường. Người bảo tôi thực hiện những điều mà tôi không muốn. Tại sao như vậy? Tại sao theo Thầy Giêsu tôi phải vác thập giá? Liệu tôi được lợi gì không? Tôi hằng đinh ninh cái ngọt ngào, êm ái mới mang lại hạnh phúc. Tôi quên rằng gian khổ mới làm tôi nên kiên cường. Tôi quên là để có trái ngọt tôi phải đổ mồ hôi.

Ngày xưa, Đức Giêsu phải chịu đòn roi, sỉ nhục và đau đớn chết trên thập tự. Người đã mang lấy tội lỗi nhân loại, gánh lấy thập giá để rồi phục sinh vinh quang. Có lẽ, Người muốn tôi cùng chung hưởng hạnh phúc, vinh hiển trên trời nên mới mời gọi tôi như vậy. Người muốn tôi bỏ mình đón nhận nghịch cảnh, an lòng với những mất mát đau thương, thậm chí là đánh đổi mạng sống để bước theo Người. Điều đó thực sự là thách đố. Với bản tính con người hèn yếu, tôi tham lam. Tôi luôn tìm sự an nhàn, dễ chịu ở hiện tại. Tôi cũng ao ước hạnh phúc thiên quốc mai sau. Nhưng thật phũ phàng để có được sự sống đời sau, tôi cần liều lĩnh hy sinh sự sống đời này. Lời mời gọi của Chúa Giêsu xem ra khó thực hiện. Nhưng nếu có Người đồng hành, tôi tin mình có thể làm được.

Lạy Chúa, xin ở cùng con, xin ban sức mạnh và lòng can đảm để con có thể thực hiện điều Ngài muốn. Amen.


 

TẠI SAO LẠI “VÁC THẬP GIÁ”? (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Tư Lễ Tro)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Sáu sau Lễ Tro, Mùa Chay)