LỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 2 TN)

0
447

Tin Mừng: Mc 3,1-6

Đức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày Sabát không, để tố cáo Người. Đức Giêsu bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” Rồi Người nói với họ: “Ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Nhưng họ làm thinh. Đức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu.


SUY NIỆM 

NHÌN (Tu sĩ  Phêrô Nguyễn Văn Hậu, SVD)

Khi bàn về việc giữ đạo nói chung, giữ ngày Sabát nói riêng thì quan điểm của Chúa Giêsu và nhóm biệt phái có sự đối nghịch và mâu thuẫn. Trình thuật Tin Mừng hôm nay được thánh Máccô khắc họa rõ nét hai cái nhìn đối lập nhau đó.

Với nhóm biệt phái, họ nhìn vào lề luật để bắt bẻ, tố cáo và lên án người khác. Họ chỉ thấy những khoản luật về ngày Sabát. Những khoản luật ấy che khuất tầm mắt của họ nên họ không thấy nỗi khổ của bệnh nhân mà chỉ coi đây là cơ hội để bắt bẻ Chúa. Khi Chúa Giêsu chữa cho người bị bại tay thì họ không vui mừng mà còn tức giận và “tìm cách hại Người”. Còn đối với Chúa Giêsu, Ngài thấy rõ hơn hết trong hội đường ngày hôm ấy, có một người bị bại tay. Người nhìn thấy, thấu hiểu và chạnh lòng thương nên muốn cứu anh ta. Cái nhìn của Chúa Giêsu xuất phát từ một tấm lòng yêu thương và nhân hậu. Và Ngài cũng mong muốn nhóm biệt phái cũng có cái nhìn như Người khi sống luật ngày Sabát.

Một sự việc nhưng luôn có hai hay nhiều cái nhìn khác nhau. Quả vậy, đó đây ngay giữa cộng đoàn, gia đình hay nhóm hội vẫn còn đó những thành phần chống đối, đố kỵ, ghen tuông… luôn cho ý kiến của mình là nhất: giỏi nhất, tốt nhất, đúng nhất, đến độ thấy điều đúng mà không theo; thấy điều tốt mà không công nhận, thậm chí còn phá hoại. Vẫn còn đó những người mang thói gia trưởng, áp đặt, cứng nhắc trong lề luật và đặc biệt là lấy quyền hành để thống trị người khác. Bên cạnh đó cũng không thiếu những người có cái nhìn đầy lòng thương cảm. Họ biết quan tâm, đồng cảm, thấu hiểu và đầy bao dung. Vậy thử hỏi tôi và bạn, chúng ta đang có cái nhìn thế nào trong cuộc sống đối với người khác?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn ý thức và sống họa lại hình ảnh của Ngài là biết nhìn tha nhân với ánh mắt của lòng xót thương, để nhờ đó, chúng con luôn sẵn sàng giúp đỡ tha nhân, dù có phải hy sinh và gặp nhiều phiền toái. Amen.


 

SỐNG ĐẠO (Tu sĩ Carôlô Nguyễn Đình Giá, SVD)

ạo chính là con đường dẫn đưa con người đến cùng Thiên  Chúa.  Thế nhưng trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường sống với việc giữ đạo, nghĩa là sống đạo một cách hình thức. Đây là thái độ Đức Giêsu thường lên án đối với những người luôn có lối sống hình thức, điển hình là những người Pharisêu.

Thiên Chúa luôn muốn điều tốt lành đến với con người. Đối diện với người bại tay, Đức Giêsu sẵn sàng làm ngược lại với những điều luật ngày Sabát quy định. Đức Giêsu đã nhận thấy những sự khổ đau mà người bại tay phải chịu và những việc làm của Người xuất phát từ tình yêu đối với con người. Ở đây, Đức Giêsu cho chúng ta thấy rằng tình yêu dành cho đồng loại thì trổi vượt lên trên lề luật. Trái ngược với thái độ của Đức Giêsu là thái độ của những người Pharisêu. Họ không những không cảm thông với người bại tay mà con lên án việc làm tốt lành của Đức Giêsu. Họ là đại diện cho nhóm người sống đạo hình thức và vô cảm với nỗi đau người khác. Đức Giêsu chỉ cho họ thấy rằng lề luật chỉ mang giá trị cứu độ khi nó được dùng để cứu thoát con người.

Có lẽ trong cuộc sống, không ít lần chúng ta cũng đối diện với những con người đau khổ. Họ cần chúng ta xoa dịu nỗi đau mà họ đang gánh chịu. Đối diện với họ, lương tâm của chúng ta sẽ phải trả lời câu hỏi: Tôi phải làm gì đây? Lối sống đạo đích thật luôn mời gọi chúng ta sẵn sàng ra tay cứu giúp những người đau khổ, cho dù họ là ai. Họ có thể là người chúng ta quen biết và họ cũng có thể là một người xa lạ mà chúng ta vô tình gặp trên đường. Như ánh mắt của Đức Giêsu nhìn người bị bại tay, chúng ta cũng hãy nhìn đồng loại của mình với một tình yêu cao cả, sẵn sàng cứu giúp mà không sợ nguy hiểm đến với chính mình.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một trái tim yêu thương để chúng con nhìn người anh chị em với trái tim của Chúa nhờ đó chúng con không còn vô cảm trước những khổ đau của đồng loại. Amen.


 

BÊN “LÝ” BÊN “TÌNH” (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

ĐIỀU ĐẸP Ý CHÚA (Tu sĩ Giuse Đinh Ngọc Hiển, SVD)

Điều đẹp ý Ngài, xin dạy con thực hiện (Tv 143,10). Từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã ban hành các lề luật cho nhân loại thông qua ông Môsê và đến thời Tân Ước, Thiên  Chúa kiện toàn những luật đó qua người Con Chí Thánh là Đức Giêsu. Thiên Chúa ban lề luật cho con người hầu muốn họ sống và giữ những luật đó để được hưởng ơn cứu độ. Tuy nhiên, sống và giữ luật như thế nào thì đẹp ý Thiên Chúa?

Tin Mừng nói khá nhiều về những người theo nhóm Biệt Phái, họ giữ luật một cách nghiêm ngặt. Vì vậy, khi thấy Đức Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát, họ đã tỏ ra khó chịu và bắt đầu bắt bẻ Người về việc vi phạm luật Môsê. Nhưng Đức Giêsu lên tiếng: “Ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi” (Mc 3,4). Rõ ràng, cứu người là điều cần phải làm. Như thế, Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy việc tuân thủ luật cách máy móc của những người theo nhóm Biệt Phái. Thiên Chúa ban lề luật là để phục vụ lợi ích của con người. Vậy, nếu luật không mang lại lợi ích cho con người và đẩy con người xa Chúa thì rõ ràng, điều này trái với đường lối của Chúa.

Giữ luật và sống đúng tinh thần của luật là điều đáng ca ngợi và đẹp ý Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã sống và thực thi điều đó. Người đã kiện toàn mọi thứ luật trong yêu thương. Đó là luật trên mọi thứ luật khác. Thế nhưng, là Kitô hữu, là tu sĩ, dường như không ít lần chúng ta giữ luật theo phương cách của những người theo nhóm Biệt Phái; không ít lần chúng ta chỉ sống và giữ nhiều luật chỉ để không bị trách phạt, để không bị người khác bắt bẻ … Có vẻ như, chúng ta vẫn chưa thực sự sống và giữ những luật đó theo đúng tinh thần của Chúa, là đặt để vào đó tình yêu.

Lạy Chúa, xin thương biến đổi tâm hồn, để chúng con biết chu toàn luật Chúa với tình yêu mến vì đó là điều đẹp ý Ngài. Amen.

Bài trướcCHÚA NHẬT LỜI CHÚA 21/01/2024: TỰ SẮC & HƯỚNG DẪN CỬ HÀNH MỤC VỤ
Bài tiếp theoDIỆN MẠO MỚI CỦA TẬP VIỆN NGÔI LỜI MÙA GIÁNG SINH 2023