VÌ SAO ĐỨC GIÊSU PHẢI SINH RA TẠI BÊLEM? (24/12, LỄ ĐÊM VỌNG GIÁNG SINH)

0
1249
Photo: https://www.wrensworld.com/angelssing.htm

Các bài đọc: Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14

TIN MỪNG: Lc 2,1-14

Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”

—oOo—

BÀI GIẢNG

VÌ SAO ĐỨC GIÊSU PHẢI SINH RA TẠI BÊLEM? ( Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD)

Đêm vọng Giáng Sinh là đêm hồi tưởng, kỷ niệm, mừng kính Sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Phụng vụ bài đọc kể lại bối cảnh, và sự kiện Chúa Giáng Sinh làm người, theo như lời Người đã

hứa với dân Người trong sách Cựu Ước. Ngài là Thiên Chúa làm người nên cần một không gian và thời gian để Ngài hiện diện trong không gian và thời gian. Tuy nhiên, Ngài cũng là Thiên Chúa đến từ trời cao nên cũng được sinh ra trong cảnh các cơ binh thiên thần ca hát vang trời. Ngài ở cùng nhân loại với đủ mọi thứ thành phần dân chúng nhưng Ngài chọn sinh hạ với sự hiện diện của tầng lớp bình dân đến nghèo hèn. Tất cả niềm vui mừng, sự giao hòa giữa đất thấp với trời cao sẽ được trình bày trong đêm Giáng Sinh này. Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với nhân loại được diễn ra trong khung cảnh hết sức bình thường nhưng mang lại một cảm xúc bất thường, ngỡ ngàng. Trong đêm cực thánh này người ta sẽ tìm thấy “một Đấng Cứu Độ đã sinh ra” trong thành “của vua Đavít”, và “nằm trong máng cỏ” vì yêu nhân loại.

Một Đấng Cứu Độ đã sinh ra

Đêm Giáng Sinh còn được gọi là đêm huyền diệu, đêm thánh, đêm ánh sáng chiếu soi vào u tối. Bài trích sách ngôn sứ Isaia diễn tả cảnh dân đang bước đi trong tối tăm và nhìn thấy một ánh sáng huy hoàng. Dân sẽ được vui mừng vì Chúa sẽ làm cho họ nên vĩ đại. Chúa sẽ nghiền nát ách nô lệ mà họ đang mang. Tất cả được thể hiện qua việc Chúa sẽ ban tặng cho họ một người con. Tên của Người là “cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn thuở và Vua Thái Bình”. Bối cảnh Isaia loan báo Tin Vui này là bối cảnh quốc gia Ítraen đang lâm vào tình trạng nô lệ đế quốc Átsua một cách khốn khổ. Tin vui “một người con sẽ sinh ra” quả là một niềm hy vọng lớn lao cho toàn dân. Người con này, thuộc dòng dõi vua Đavít, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận (x. 2 Sm 7). Tin vui ấy đã tròn đầy khi Đức Giêsu được sinh ra.

Trong thành của vua Đavít

Đức Giêsu được Thánh Kinh nói trước là một Đấng Mêsia, thuộc dòng dõi vua Đavít. Ngài nhất thiết phải được sinh ra trên quê hương của vua Đavít. Đó là Bêlem (tiếng Do Thái là Beth-Lehem, nghĩa là nhà của lương thực) (x. Mc 5,1-2; Mt 2,1). Người sẽ được một trinh nữ sinh ra một cách lạ kỳ (x. Is 7,14), bởi vì Người cũng là Con Thiên Chúa làm người. Tất cả những tiên báo liên quan đến sự Giáng Sinh của Người sẽ được ứng nghiệm trong trình thuật Giáng Sinh theo thánh Luca. Tuy nhiên, nhà của Maria, theo tường thuật Truyền Tin, là ở Nagiarét, và Giuse cũng định cư tại Nagiarét, dù rằng ông có nguyên quán là Bêlem. Ông có nguyên quán ở Bêlem vì ông là con cháu hoàng gia Đavít. Cuộc kiểm kê dân số đầu tiên đã đưa Giuse và Đức Maria về Bêlem trong lúc Đức Maria đã sắp đến thời sinh nở. Lẽ ra, sẽ tốt hơn nếu cô được ở trong bệnh viện lúc ấy. Sự việc tưởng chừng như ngẫu nhiên, nhưng lại rất hữu ý trong ý định của Thiên Chúa. Nếu như không có cuộc kiểm tra dân số đúng thời điểm Đức Maria gần đến ngày mãn nguyệt khai hoa, và nếu như Giuse không có nguyên quán ở Bêlem và không phải về Bêlem để đăng ký, thì Đức Giêsu không thể sinh ra tại Bêlem. Đức Giêsu không sinh ra tại Bêlem thì không sinh ở quê hương của vua Đavít và cũng không ứng nghiệm lời ngôn sứ Micah: “nhưng ngươi, Bêlem, Épratha, mặc dù ngươi nhỏ nhất trong các chi tộc của Giuđa, từ nơi ngươi, sẽ xuất hiện cho ta một người, người sẽ chăn dắt trên Ítraen” (Mk 5,1-2).

Nằm trong máng cỏ, giữa các thiên thần và các mục đồng

Đức Giêsu được sinh ra tại Bêlem, quê hương của tổ tiên Người là Đavít. Thế nhưng, điều đặc biệt lạ lùng là Người không được sinh ra trong cung điện, cũng không phải ở trong một ngôi nhà đàng hoàng. Ngài được sinh ra trên cánh đồng vắng, trong một cái chuồng bò lừa và được đặt nằm trong máng cỏ chứ không phải chiếc giường nệm ấm chăn êm. Tuy được sinh ra bởi cha mẹ nhân loại trong một bối cảnh lịch sử nhân loại và giữa cánh đồng Bêlem cũng rất nhân loại, rất đỗi tầm thường, nhưng Hài Nhi ấy, thuộc trời cao như đã được nói trước với Đức Maria trong trình thuật Truyền Tin (Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao). Giờ đây, một lần nữa trong một trình thuật Truyền Tin khác, bởi một thiên sứ khác, cho một nhóm người khác, nhóm người chăn chiên đang qua đêm trên đồng. Thiên sứ của Thiên Chúa, trong bối cảnh vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa bao trùm, đã báo tin cho các mục đồng rằng: “hôm nay Đấng Cứu Độ, Đấng Mêsia và là Đức Chúa đã sinh ra cho các ngươi trong thành của Đavít” (Lc 2,10). Ngài chính là “đứa trẻ được bọc tả và được đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Sứ giả của Thiên Chúa, vinh quang của Chúa bao trùm, Hài Nhi được sinh ra là Đấng Cứu Độ, Đấng Mêsia và Đức Chúa. Rồi, đoàn cơ binh thiên thần ca hát, tán dương “vinh danh Chúa trên các tầng trời”. Tất cả những chi tiết ấy nhằm tô đậm nét đẹp của bức tranh hùng vĩ của cánh đồng Bêlem. Bức tranh này khắc họa một sự mạc khải rằng Hài Nhi Giêsu có nguồn gốc từ trời cao, dẫu cho Ngài vẫn đang được đặt trong một máng cỏ trong hang bò lừa. Trước lời truyền tin ấy chính các mục đồng cũng hân hoan hối hả đi Bêlem để kiểm chứng, và tìm hiểu. Họ đã tìm thấy Đức Maria, thánh Giuse và Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ y như lời sứ thần nói. Họ đã tường thuật tất cả những gì đã xảy ra, và những lời sứ thần nói với họ. Họ còn kể lại cho tất cả dân cư thành Bêlem nữa. Và tất cả những ai nghe lời họ tường thuật đều hết sức kinh ngạc. Chính các mục tử thì trở về với niềm hân hoan khôn tả, họ vừa đi vừa ca tụng và ngợi khen vinh quang Chúa. Riêng Đức Maria thì “gìn giữ những sự việc ấy như kho tàng” và “suy đi nghĩ lại trong lòng”. Đây là đặc tính riêng, chỉ có Đức Maria mới có được. Đến khi Đức Giêsu bị lạc, ngồi trong đền thờ Giêrusalem, vừa nghe vừa đặt câu hỏi, Đức Maria lại “gìn giữ những sự ấy như kho tàng” trong lòng mình (Lc 2,51).

Cho chúng ta

Chiêm ngắm hang đá máng cỏ mầu nhiệm Giáng Sinh, các tín hữu được mời gọi gợi nhớ lại ký ức của lần gặp gỡ Chúa đầu tiên khi Ngài Giáng Sinh làm người. Ngài làm người như bao đứa trẻ khác. Nhưng Ngài cũng khác biệt bao đứa trẻ khác ở chỗ Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài hạ mình đến, không ngại đi vào hang bò lừa, chốn nghèo hèn để mang bình an cho nhân loại. Bình an Ngài ban tặng là bình an vĩnh cửu, vững chắc, dù có những sóng gió của cuộc đời. Ai gặp gỡ Ngài sẽ có được niềm vui, một niềm vui đến nỗi không cưỡng lại được việc cất lên lời ngợi khen Thiên Chúa. Một niềm vui thúc bách sự chia sẻ loan tin cho người khác, chứ không giữ riêng cho mình, để cả nhân loại cùng chung niềm vui gặp gỡ con Thiên Chúa làm người. Trời đất giao hòa, nhà nhà người người cùng chung niềm vui với nhau. Đó là niềm vui trọn vẹn tròn đầy của Đêm Giáng Sinh, Đêm Hồng Phúc. Ước gì Đức Giêsu vẫn là niềm mong đợi thiết tha nhất của con người ngày nay. Để mỗi Mùa Giáng Sinh đến, nhân loại lại được tràn ngập niềm vui vì gặp gỡ được Đấng Cứu Độ Giáng Sinh cho chúng ta.

Bài trướcVIDEO TỈNH DÒNG CHÚC MỪNG GIÁNG SINH VÀ NĂM MỚI 2022
Bài tiếp theoChú giải Tin Mừng Lễ Giáng Sinh, Lễ chính ngày 25/12 (Ga 1,1-18)