LỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 5 Phục Sinh)

0
476

Bài đọc: Cv 15,1-6

Tin Mừng: Ga 15,1-8

Thầy là cây nho, anh em là cành (Ga 15,5)

1 “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.

3Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

5Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.

6Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.

8Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.


 

Suy niệm

HÃY Ở LẠI TRONG THẦY (Tu sĩ  G. B. Hoàng Gia Bảo, SVD)

Trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tầm quan trọng của mối tương quan giữa Người với các môn đệ. Đồng thời, Chúa Giêsu mời gọi các Tông Đồ cũng như mỗi người chúng ta “hãy ở lại trong Thầy”.

Cành cây muốn sống tốt thì phải gắn liền với nguồn sống là thân cây. Mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa cũng giống như cây và cành nho vậy: nếu không gắn liền thì không thể có sức sống và nếu không gắn liền thì tình trạng gãy nứt sẽ xuất hiện. Vì lẽ đó, Chúa Giêsu mong mỏi các môn đệ hãy ở lại trong tình yêu của Người. Chúa Giêsu đã luôn ở lại và gắn kết với Chúa Cha để từ đó Người kín múc tình yêu và làm lan toả tình yêu đó. Chúa Giêsu đã nêu gương trong việc “ở lại” trong Chúa Cha. Chúa Giêsu biết những ơn ích thiêng liêng của hành động “ở lại” này nên Người mời gọi mỗi Kitô hữu cũng hãy đến và “ở lại” trong Người. Vì khi “ở lại trong Thầy”, người môn đệ sẽ được tiếp sức để chống lại những cám dỗ của thế gian, sẽ có nguồn nhựa sống tinh thần để nuôi dưỡng linh hồn, sẽ có thêm can đảm và tin yêu để vững bước theo Thầy trên con đường khổ giá mà tiến về Thiên Quốc. Tuy nhiên, khi đã ở lại trong Thầy, ta phải ước muốn được

nên giống Thầy, được kết hiệp mật thiết và trở nên một với Thầy. Để được như vậy, giống như cành nho cần được cắt tỉa, mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa cũng cần phải có sự lựa chọn, gọt dũa và hy sinh. Lúc đó, cành nho sẽ sinh nhiều hoa trái hơn và mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa sẽ trở nên chặt chẽ, gần gũi hơn. Đó cũng chính là “điều làm Chúa Cha được tôn vinh hơn: anh em hãy sinh nhiều hoa trái.”

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tìm đến và ở lại trong biển tình của Chúa để từ đó chúng con nhận lãnh được tình thương và bình an của Ngài. Amen.


Ở LẠI (Philipphê Trương Hoàng Trung Nguyên)

Đạo Công Giáo được gọi là đạo yêu thương. Tình yêu thể hiện ở chiều sâu của mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Không có tương quan không thể có tình yêu. Do đó, Chúa Giêsu mới nhấn mạnh đến điều này trong bài Tin Mừng hôm nay.

Chỉ riêng từ “ở lại” đã được Chúa Giêsu lặp lại đến tám lần. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của mối tương quan hay sự gặp gỡ trong đời sống. Ai có thể tự tin nói rằng mình có liên hệ với người khác mà không một lần gặp gỡ họ. Cũng vậy, nếu chúng ta không kết hợp với Thiên Chúa như cành nho gắn liền với cây nho, chắc chắn cuộc đời chúng ta không thể triển nở như lòng Chúa mong ước “cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,4).

Thực tế cuộc sống cho thấy nhiều người “ở lại” trong Chúa trên danh nghĩa là người Kitô hữu, thế nhưng lại “chẳng sinh được hoa trái” nào. Họ đã bỏ Chúa mà chạy theo những ngẫu tượng của tiền tài, danh vọng và quyền lực. Họ “ở lại” trong niềm vui của “sự chết”. Hậu quả là “cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi” (Ga 15,2). Bên cạnh đó, có nhiều người chu toàn Lề luật một cách máy móc, họ vẫn “ở lại” trong Chúa nhưng chỉ sinh lá. Những người này chỉ nhìn đến lợi ích bản thân, cầu xin ơn Chúa để thỏa mãn những ích kỷ của bản thân; họ ít khi để ý đến nhu cầu của tha nhân. Cuối cùng, sự “ở lại” đích thực phải đạt được kết quả là “sinh nhiều hoa trái.” Đổi lại, chúng ta phải chấp nhận sự cắt tỉa đau đớn với những hy sinh trong cuộc sống. Qua những cắt tỉa này, tình yêu của chúng ta sẽ lớn lên và chúng ta sẽ mạnh dạn làm chứng cho Chúa. Càng “ở lại” sâu trong Chúa, chúng ta càng trở nên bén nhạy hơn với những nhu cầu của anh chị em xung quanh mình.

Lạy Chúa, Chúa biết chúng con luôn cần đến Chúa, xin ở lại với chúng con luôn mãi. Amen.


 

GẮN CHẶT VÀ TÁCH LÌA (Tu sĩ Phêrô Trần Văn Bằng, SVD)

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thưởng thức một bức thư tình tuyệt đẹp với đầy thi vị của tình yêu. Chúa Giêsu như đang nài nỉ chúng ta đến, ở lại và kết hiệp mật thiết hơn với Người như cây nho gắn chặt với thân nho. Nơi Người, chúng ta được thưởng nếm hương vị ngọt ngào của suối nguồn yêu thương, tràn trề nhựa sống trong tình yêu, được chăm sóc, dưỡng nuôi và cắt tỉa hầu trổ sinh nhiều

hoa thơm quả ngọt cho đời. Anh em hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Bởi, Thầy là cây nho, anh em là cành. Cành nho sẽ không thể tự sinh hoa trái nếu không gắn liền với cây nho. Giữa những lo toan và bận rộn của cuộc sống thường ngày, lắm lúc làm chúng ta mệt mỏi và mất hết nguồn sinh lực. Thiết nghĩ, đây là lời mời gọi cần thiết giúp chúng ta ý thức hơn về căn tính của người Kitô hữu. Bởi, Kitô hữu nghĩa là bạn của Chúa Kitô, có Chúa Kitô ở trong mình, sống nhờ thần khí và sức mạnh nơi Người. Chúng ta được mời gọi trở về để sống thân mật với Chúa, trở về để gắn chặt vào Chúa, để được Chúa yêu thương và nâng đỡ. Quả thế, khuynh hướng của con người là chạy theo những ham muốn của cá nhân, thỏa mãn nó trong những điều dễ dãi tầm thường và bị nó lôi kéo ngày càng tách lìa ra khỏi tình yêu của Chúa. Sự mời gọi của thế gian đang làm cho chúng ta trở nên những cành nho vật vờ, héo úa, thiếu sức sống và không sinh hiệu quả cho người trồng. Vì thế, chúng ta cần biết phản tỉnh mà trở về với thân nho đích thật là Đức Kitô để hưởng trọn nguồn sung mãn của sự sống nơi Người.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là cây nho đích thật, là nguồn mạch dưỡng nuôi những chi thể là chúng con. Xin cho chúng con luôn biết đến, ở lại và sống sung mãn trong sự dưỡng nuôi của Chúa mỗi ngày nơi Thánh Thể Chúa. Amen.

GIÁ TRỊ CỦA SỰ CẮT TỈA (Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Căn, SVD)

Cứ sau mỗi mùa thu hoạch, chủ vườn đều cắt bỏ bớt những cành nho già, kém năng suất để ươm những chồi non mới với mục đích là có được năng suất tốt hơn trong vụ mùa kế tiếp. Cũng vậy, trên con đường tiến tới sự hoàn hảo, mỗi Kitô hữu phải không ngừng loại bỏ dần những thói hư tật xấu để ngày càng hoàn thiệnchính mình hơn.

Chúa Cha là người trồng nho, Chúa Giêsu là cây nho và chúng ta là cành nho. Để có thể trổ sinh được nhiều hoa trái, chúng ta phải để cho Chủ vườn chăm sóc và cắt tỉa.

Bản chất của sự cắt tỉa chính là quá trình chúng ta loại trừ dần những giá trị không phù hợp, để biết hướng đến những giá trị cao đẹp hơn. Dù rằng, cắt tỉa thì đau đớn, nhưng cắt tỉa mà không đau đớn thì sự cắt tỉa đó không có giá trị.

Sách Gương Phúc dạy rằng: lửa thử vàng, gian nan thử đức. Như lửa loại bỏ những tạp chất để vàng trở nên tinh ròng hơn thế nào, thì sự cắt tỉa cũng là quá trình chúng ta tôi luyện mình để trở nên một con người có ích và tốt đẹp như thế.

Thật vậy, muốn sống có ích cho tha nhân, cho môi trường mình đang sống và thuộc về. Chúng ta cần can đảm buông bỏ những giá trị bất cập, những tư tưởng không phù hợp, để cùng nhau hướng đến cái chung, cái đại đồng và hơn hết là sự hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa luôn đồng hành với chúng con. Vì theo Chúa là đi ngược lại với lời mời gọi của thế gian; là chọn đi trên con đường hẹp; là chấp nhận bị cắt tỉa để trổ sinh được nhiều hoa trái hơn; là chấp nhận bị tôi luyện như lửa thử vàng để trở nên tinh ròng hơn… nhờ đó chúng con sẽ ngày càng thuộc trọn về Chúa hơn. Amen.

Bài trướcSỐNG TINH THẦN LAUDATO SÍ VÀ FRATELLI TUTTI
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 5 Phục Sinh)