Tu Nguyệt – Học Viện Ngôi Lời
- Đời ai cũng lắm những đam mê.
Haiz………! Một buổi tối, hắn ngồi nhìn ra khung cửa tu viện, tự nhiên cảm thấy Sài Gòn khác hẳn. Cũng lâu rồi, hắn không lắng lòng nhìn ngắm vùng đất này, nó và hắn ở gần mà lại xa, xa còn hơn khoảng lòng của những người hàng xóm sống ở Sài Gòn. Đôi khi, họ ở sát bên nhau một bức tường mà cả chục năm chưa nói với nhau một lời. Nói thế chứ thành phố này như người mẹ, dung dưỡng biết bao phận người, chỉ cần một mét đất ngoài đường cũng có thể là chỗ dựa vững chãi cho cả gia đình. Thành phố hoa lệ, nhiều “hoa” mà cũng lắm “lệ”. Thi thoảng như hôm nay, hắn nhìn lại, chợt nhận ra nó thay da đổi thịt hết rồi; “thịt” thì thay bằng bê tông cốt thép; “da” thì trang điểm thêm hàng triệu đèn led đủ màu, sáng rực. Mỗi độ vài năm, nó thay một cái “mũi” mới, cao hơn và đẹp hơn.
Hắn hít một hơi dài, chợt nhớ lời của thằng bạn thân lâu rồi mới gặp “Đất Sài Gòn này cả rừng thứ để nghiện mầy ơi!” Thì ra giữa một đống bê tông vẫn còn có một khu rừng, “Rừng đam mê”. Nó mê xe, mê thêm mấy thứ mà người ta ai cũng mê nữa, mê ngây ngất. Nó còn nói: “Còn trẻ mà không có đam mê chán lắm, chết mẹ cho rồi!” Hắn chợt nghĩ, trẻ gì nữa cơ! Tự nhiên giật mình, người ta ở ngoài kia, lăn lộn giữa cuộc đời, có lắm thứ đam mê, hắn thì sao, đi “trốn đời” bao nhiêu năm rồi, có còn đam mê nữa không?
Nhớ lúc nhỏ, đam mê của hắn đơn giản là những cuốn truyện Doraemon, Conan… Hắn phải trốn chui trốn nhủi để đọc, mẹ cấm vì sợ hư mắt; đam mê những buổi tắm sông cùng bạn bè, trốn nhà đi chăn trâu với thằng bạn, đá cá lia thia, bắt dế… Đơn giản lắm! Lớn thêm một chút đam mê của hắn là những trò chơi điện tử Contra, Mario, Game of War… Hắn mê đến nỗi bỏ luôn học hành. Rồi cũng có ngày, hắn ngộ ra mấy câu thơ của tiền nhân “Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”[1], mà muốn có danh thì phải học. Hắn lao đầu vào học, rơi cả cái tuổi trẻ ở đâu chả biết. Tuổi trẻ của hắn tóm tắt chỉ trong một chữ “học”. Hắn chỉ thích lý thuyết các môn Khoa học Tự nhiên, sách và vở; thằng bạn hắn thì lại thích đâm đầu vào mấy con IC với máy móc; mấy cô bạn cùng lớp thì luôn tám chuyện đâu đâu bên Đại Hàn; cũng có mấy tên thì thích xăm mình rồi được đồng bọn tôn lên làm đại ca. Tuổi đó ai cũng có một đam mê, mà đã mê thì mãnh liệt lắm!
Hazzzi……! Thời sinh viên, hắn phơi phới như diều gặp gió, tự do tung bay, chẳng có ai cấm cản. Lúc này, hắn chịu mê thì đúng là một rừng. Cũng may mắn, hắn không rơi vào những cái đam mê dẫn đến hủy hoại đời người, chỉ là mấy cái mê thường thường cho bằng anh bằng em. Đối với bao người, thời sinh viên luôn là “những tháng năm rực rỡ”, để rồi, một lúc bất giác, giật mình tỉnh lại giữa một giấc mơ dài. Bây giờ, hắn mới hiểu ra cái “chân lý” mà hơn 100 năm trước Alain Fournier đã viết trong “Kẻ Lãng Du” : “Đời ai rồi cũng gặp một người có đủ sức phá hủy cả một thời thanh xuân êm ả, để đến khi người đó rời đi, ta không còn cảm thấy bình yên được nữa”. Hắn thì không chìm đắm trong cái quãng sóng gió ấy, vẫn tìm thấy bình yên sau một giấc ngủ dài. Thanh xuân của hắn cũng là của chính hắn, không ai có thể lấy mất. Nó vẫn đẹp, như những phút ban đầu, như chưa từng có ai đó đụng chạm vào cuộc đời của nhau.
Như chàng hoàng tử thức giấc giữa lâu đài cổ, câu thơ ngày nào của Nguyễn Công Trứ sống lại trong hắn một lần nữa: “Phải có danh gì với núi sông” chứ. Hắn lao đầu vào học, bất chấp tiếng réo hì hục của thanh xuân. Cho đến một ngày, bỗng nhưng có một thúc đẩy kỳ lạ, không sao hiểu nổi. Thế rồi, hắn đi tu, nghe có vẻ hao hao giống mô-típ của một vở Cải lương “Lan và Điệp”, nhưng đó thực sự là một câu chuyện của đời.
Khổng Tử gọi cái tuổi của hắn là “Tam thập nhi lập”. Điều đó có nghĩa là : khi con người tới 30 tuổi thì sức tự thân lập nghiệp mới có thể chắc chắn và vững vàng. Hắn không lập nghiệp, hắn từ bỏ ước mơ như bao người. Nhưng hắn tự hỏi mình, ở tuổi này, đi theo ông Thầy Giêsu ngót nghét cũng 7 năm, hắn có thoát ra khỏi “Rừng đam mê” hay chưa? Hay cũng như thằng bạn hắn “không mê gì thì chết mẹ cho rồi!”
Hắn, vẫn còn mê chứ, nhưng dè dặt, xung đột và đấu tranh hơn giữa những sự lựa chọn. Cái nào là tốt nhất cho cuộc đời mình? Cái nào nên vứt bỏ đằng sau lưng? Đi dạy giáo lý, đi ra xứ, hắn nhìn thấy những học trò bé nhỏ xinh đẹp như thiên thần, nhìn thấy những người đồng trang lứa ẵm một em bé sơ sinh, mũm mĩm, thanh thản trong sự bảo bọc của mẹ, hắn cũng thấy “mê” và “mơ” về một gia đình êm ấm. Ở tuổi 30, dường như con người ta có một sự đấu tranh mạnh mẽ giữa thiện và ác, giữa phù du và vĩnh cửu, giữa đam mê thế tục và chân lý vĩnh hằng. Ôi! Tạo hóa gây chi cuộc hí trường![2] Liệu hắn có đủ mạnh mẽ để thoát khỏi những thứ đam mê trần tục không? – Hắn tự hỏi mình.
Tâm lý học định nghĩa “Đam mê là một xu hướng độc quyền, độc đoán làm trung tâm điểm của sinh hoạt tâm linh, làm bá chủ nhân cách và kìm hãm lại những khuynh hướng nào đó không sai khiến và phục tùng theo nó được. Tình yêu, tham vọng, tham dục, hà tiện đều sẽ đạt đến đam mê khi đã đạt đến một mức độ nào đó”[3]. Thế nhưng Hegel, triết gia nổi tiếng người Đức lại cho rằng: “ Không gì cao cả trên cõi đời này lại có thể hoàn tất được mà không cần có những đam mê”[4]. Quả vậy, sống là phải có đam mê, nhưng định nghĩa của tâm lý học nhắc nhở ta rằng bất cứ đam mê nào cũng có giới hạn của nó, nếu cứ mãi đắm chìm trong nó, thì dù cho có khởi đầu bằng những thứ xem ra rất tầm thường như cây như cỏ thì cũng gây nên hậu quả “nghiêm trọng” cho chính cuộc đời mình. Vậy khi đi tu rồi, chẳng lẽ không được mê cái gì?
Hazzzi…………! Hắn lại thở một hơi dài, chợt nghĩ ra, giữa rừng đam mê của thế gian này, ta vẫn phải mê một thứ, đang mê, sẽ mê, và hy vọng mê đến suốt cuộc đời.
- Chẳng lẽ đời ta mãi cứ mê?
Ở giữa “rừng đam mê”, lắm lúc con người không biết mình phải đi về đâu, lắm lúc tự hỏi, mấy thứ đam mê đó có nghĩa lý gì cho cuộc đời ta không? Đâu đó, người ta thấy chán nản và trống rỗng ẩn hiện dưới những đam mê. Có một thứ đam mê kì lạ lắm, nó đã từng thôi thúc hắn đi tu, và nó cũng thôi thúc những con người sống giữa cuộc đời phải tìm kiếm. Hắn không biết đó là gì. Rồi hắn nhớ lại, những vĩ nhân được cho là giác ngộ trong lịch sử, họ cũng có một đam mê mãnh liệt. Đam mê tìm kiếm chân lý.
Thế nhưng hắn nhận ra rằng, sự khao khát tìm kiếm chân lý ở mỗi người mỗi khác. Ở phương Tây, cách đây chưa đến trăm năm, giữa hai cuộc Thế Chiến, sự bi thảm của chiến tranh đặt lại cho con người những mối bận tâm về chính cuộc đời mình. Mấy bậc có đầu óc ngồi trầm tư suy nghĩ. Có người cho rằng cái thế giới này nhầy nhụa, mọi thứ đều đông đặc, trơ trơ và lầm lì; cũng có người bận tâm đến sự chết và nghiêm túc xem đó là một vấn đề triết học đáng quan tâm nhất, vì ông ta[5] thấy cuộc đời này chán nản, lặp đi lặp lại giống như Sisyphus trong Thần thoại Hy Lạp, cứ lăn tảng đá lên, nó bị rớt xuống, rồi lại lăn lên, làm vậy qua ngày đoạn tháng; lại có người thì đi tìm giá trị của sự “tồn tại” và “dấn thân” trong cuộc đời để rồi thấy rằng “khiêm nhường phục vụ là hành động cao cả nhất của hiện hữu con người”[6]. Đó là đam mê của họ, họ sống, cố gắng tìm kiếm giải thích những ưu tư của cuộc đời mình.
Nghĩ lại, hắn thấy xấu hổ, bên đó người ta suy nghĩ về cuộc sống, về cái ý nghĩa cuộc đời, để rồi vươn lên, giành lấy những khát vọng sâu thẳm nhất của mình, chân lý cho chính mình. Tôi là huyền thoại của chính tôi.[7] Ở bên ta, vào cũng một thời điểm, nghèo xơ xác, nghèo đến chết mấy triệu người, nghèo đến nỗi chỉ có mấy bát bánh đúc cũng có thể lấy được vợ. Thế mà “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao… Ta vẫn còn chung nhau một ánh trăng gần”[8]. Sao ta cũng đẹp, sao ta cũng được, hèn chi nghèo mãi, dốt mãi. Thôi không bàn tới nữa. Haizzzz…….!
Tại sao con người cần có thứ đam mê tìm kiếm chân lý? Có thể vì nó khiến cho con người ta luôn hướng về phía trước; nó cũng đảm bảo cho mọi việc làm của con người trên cuộc đời luôn có một ý nghĩa. Quả thật, nếu một ngày nào đó, không thấy được chân lý của cuộc sống, con người ta dễ tìm đến cái chết để giải thoát khỏi mọi chán chường, bế tắc. Nói đến đây, hắn nhớ đến một cô bạn, có đôi mắt đẹp hút hồn, tài năng thì khỏi nói, quen biết nhau trong lần đi cắm trại của tỉnh, nhiều người theo đuổi lắm. Bẵng đi một thời gian, hắn nghe tin cô ấy “nhảy cầu”. Mất rồi! Cây cầu đó, mỗi lần về quê hắn đều phải đi qua, đều phải nhớ đến cố nhân. Chung quy cũng chỉ là sự quyết định dại dột của những giây phút cảm thấy bế tắc, không còn tìm thấy chân lý của cuộc đời. Có vẻ ông triết gia lúc nãy đã đúng. Vậy, chân lý là gì mà quan trọng thế?
Không có ai định nghĩa được điều đó cho ai cả. Nhiều người đã thử làm việc này, cũng chẳng đi đến đâu. Hắn không dám chỉ cho người khác con đường tìm kiếm chân lý. Chỉ là đối với hắn, một tu sĩ, chân lý là đi theo con đường hắn đã chọn, theo Giêsu. Hắn chọn cho mình một đam mê, đam mê của đau khổ. Nghe qua có vẻ lạ nhưng thực chất là có thứ đam mê như vậy.
Trong tiếng Việt đam mê và đau khổ dường như không có dính dáng gì về mặt ngôn ngữ. Nhưng trong tiếng Anh, đam mê và đau khổ chỉ gói gọn trong ý nghĩa của một từ “Passion”. “Passion” vừa chỉ những đam mê, quyến rũ của nhục dục, sự cuốn hút của thế tục vừa mang ý nghĩa là “Sự khổ nạn” dành để chỉ Cuộc Thương Khó mà Đức Giêsu phải chịu trước khi hoàn thành công trình Cứu Độ.
Đức Giêsu, cả một đời cũng hăng say với đam mê, say mê linh hồn con người, say mê cứu vớt con người khỏi tội lỗi. Chính vì thế Ngài chấp nhận chịu lấy mọi đau khổ. Cuối cùng, Ngài nhận lấy một cái chết đầy bi thảm trên thập giá. Thế đó, để đưa con người ra khỏi “Passion” (sự đam mê tội lỗi) mà con Thiên Chúa phải chịu “Passion” (Cuộc Thương Khó). Hắn ngẫm nghĩ, người ta đam mê cái gì đó mà không đạt được là khổ, đam mê càng mãnh liệt, càng khổ. Thiên Chúa là tình yêu và “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Có người hỏi hắn “Thiên Chúa có khổ không?” Hắn trả lời, “Không biết nữa”, nhưng chỉ biết chắc một điều, lúc sinh thời Đức Giêsu thì luôn đau khổ, khổ cả hồn lẫn xác, khổ đến độ không thể giữ im lặng “linh hồn Thầy buồn sầu đến nỗi chết được” (Mt 26,28).
Hắn đi tìm chân lý của đời mình, đi theo Giêsu, cũng là lúc hắn từ bỏ chính mình, học cách gánh lấy thập giá của đau khổ. Bài học đó, hắn phải học trong mỗi giây phút hiện tại, mỗi ngày, mỗi năm và cả một đời người. Hắn biết bài học đó rất khó mà cái khó hơn nữa là học lấy sự đam mê đau khổ như Giêsu, không những dám chấp nhận nó mà còn phải đam mê gánh vác lấy nó nữa.
Ai cũng có một con đường tìm kiếm chân lý, không có con đường nào rải đầy hoa hồng, chân lý chỉ có thể tìm kiếm bằng việc không ngừng đam mê nó trong suốt cả đời người. Nếu phải chọn lấy một đam mê, tại sao không chọn đam mê tìm kiếm chân lý, thứ đam mê duy nhất có giá trị trong cuộc đời này. Chính hắn cũng cảm nhận được rất nhiều hạnh phúc trên con đường tìm kiếm chân lý, chứ không phải chỉ toàn đau khổ. Hạnh phúc là khi ta làm cho một con người vơi bớt đi nỗi khổ của cuộc đời họ, hạnh phúc hơn nữa là khi đưa được một người về với chân lý vĩnh hằng là Thiên Chúa.
Hắn đang tìm kiếm chân lý. Ở tuổi này biết được cái mình muốn tìm là đã may mắn lắm rồi. Chẳng mấy năm nữa, hắn bước qua tuổi 30. Ở tuổi đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng. Tới năm 33 tuổi, Ngài dám chết để làm chứng cho tình yêu và chân lý. Còn Đức Phật thì giác ngộ ở tuổi 35. Có người bước qua tuổi 35 vẫn chưa thể giác ngộ, có người sống hết cả đời người vẫn chưa một lần giác ngộ. “Rừng đam mê” như một mê cung vô tận và đầy cạm bẫy. Ở giữa rừng có một cái cây “trông thì lạ, ăn thì đắng nghét, ăn xong lại ghiền”: “Cây chân lý”. Trông nó y hệt cây thập tự, trên đó có treo một con người tên là Giêsu. Hắn hy vọng những ai có đam mê tìm kiếm nó thì hãy đi cho đến cùng. Hắn cũng hy vọng gặp lại bạn dưới chân cây “Chân lý”.
[1] Trích từ bài thơ “Đi thi Tự Vịnh” của Nguyễn Công Trứ.
[2] Ý thơ lấy từ bài “Thăng Long Hoài Cổ” của Huyện Thanh Quan, “ Tạo hóa gây chi cuộc hí trường/ Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương/ Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.
[3] Trần Nhựt Tân, Tâm Lý Học, Nxb Lao Động, 2003, tr. 145.
[4] Trần Nhựt Tân, tr. 139
[5] Ý muốn nói đến Albert Camus (1913 – 1960), một nhà văn, triết gia, thủ môn bóng đá, viết kịch, lý luận người Pháp nổi tiếng. Cùng với Jean-Paul Sartre, Albert Camus là những đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa hiện sinh. Ông là tác giả của hai tiểu thuyết nổi tiếng Người xa lạ và Dịch hạch.
[6] Nguyễn Ngọc Hải, Phẩm giá con người theo quan điểm của Gabriel Marcel, Học Viện Thánh Anphongso, Lưu hành nội bộ, 2019.
[7] Kierkegaard, Nhật Ký Kẻ Mỵ Tình, Quế Sơn dịch, Nxb Văn Học, 2015, tr. 5.
[8] Lời bài hát “Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao” của Phan Huỳnh Điểu.