THIẾU NIÊN ARNOLD JANSSEN: CON ĐƯỜNG HỌC VẤN*

0
365

 

Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD (chuyển ngữ)

Lm. Hermann Fischer, SVD (tác giả) [1]

Tiếp nối câu chuyện về cuộc đời của vị thánh sáng lập Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, thánh Arnold Janssen. Bài này nói về con đường học vấn từ thời niên thiếu đến lúc chuẩn bị thụ phong linh mục của ngài.

—O—

Lên 10 tuổi, cha Arnold nhập học tại trường học tiếng La Tinh trong vùng. Đây là trường học có chất lượng cao, nhất là về mặt tôn giáo. Tuổi 11 cận kề với lúc rước lễ lần đầu, Arnold đã tham gia nhóm những sinh viên ghi nhớ Giáo Lý Nâng Cao (Great Catechism) ở Overberg. Họ đã nhận chứng chỉ sau khi vượt qua bài thi đầy thử thách. Sau đó, cha mẹ của Arnold đã gửi ngài đến trường đại học của giám mục tại Geasdonck [tiểu chủng viện], cách gia đình khoảng 30 phút di chuyển. Ở đây, Arnold đã nhận được sự hướng dẫn tận tình của hiệu trưởng, tiến sĩ Perger, người đã đào tạo những sinh viên giống như cách thức mà gia đình Janssen đã làm, và đặt ưu tiên kép cho sự phát triển tu đức.

Arnold sớm lãnh nhận bí tích Thêm sức. Ở tuổi già, ngài nói rằng ngài đã nhận được nhiều ân sủng vào thời điểm này do có sự chuẩn bị sốt sắng và dưới sự hướng dẫn của thầy hiệu trưởng. Arnold nói: “Sau này tôi có cảm tưởng rằng tôi sẽ không nhận được ơn Chúa như tôi đã từng nhận nếu tôi không chuẩn bị tốt như vậy.”

Vào thời học trung học của Arnold ở Gaesdonck, chúng ta chỉ có thể biết những điều sau đây. Ở tuổi 13 và 14, cậu học trò Arnold đã soạn một bản kinh chiều cho gia đình ngài và họ sử dụng nhiều năm sau đó. Kinh cũng được lưu hành và nhiều gia đình khác cũng sử dụng. Một bản sao viết tay của lời kinh này từ khi Arnold còn niên thiếu, được dùng đi dùng lại, một lần nữa ở trong tay cha Arnold khi tuổi già. Ngài cho biết thêm: “Kinh chiều ‘Thánh, Thánh, Thánh’ do tôi giới thiệu cho gia đình làm lời nguyện chung và gia đình tôi đã dùng để cầu nguyện nhiều năm. Trong số bảy anh chị em của tôi thì đã có năm hoặc sáu người thuộc kinh này, và ba trong số họ vẫn dùng để cầu nguyện sau khi họ lập gia đình.” Mục đích chính của kinh là để có được nhiều ân xá cho các linh hồn đau khổ (poor souls). Viết một lời nguyện nhỏ thì thực sự không có gì đặc biệt, nhưng vì mục đích của quyển sách này nên việc đề cập đến kinh nguyện này là cần thiết. Ở tuổi thiếu nhi thì việc tự biên soạn bản kinh chiều như vậy là hiếm thấy. Hơn nữa, xét theo nguyên lý cơ bản, tính cá nhân của lời nguyện này đáng để chú ý hơn.

Kinh nguyện này dài và cần 25 đến 30 phút để cầu nguyện. Bản văn cấu thành một sự đối đáp qua lại giữa một người dẫn dạy cầu nguyện và những ai theo người đó. Nó giống như một kinh cầu trọng thể với nhiều thay đổi và nhiều phần. Người xướng kinh xướng lên mục đích còn người đáp thưa những lời nguyện cho được ân xá, thường là lời nguyện ngắn. Cấu trúc của kinh gồm bốn phần, và phần đầu là dài nhất: 1) Ngợi khen và tạ ơn, 2) Xét mình và ăn năn tội, 3) Lời nguyện xin, 4) Lời chuyển cầu.

Mối quan tâm chủ yếu của chúng ta nằm ở tầm quan trọng của phần người chủ sự (xướng kinh). Chắc chắn soạn giả trẻ Arnold đã dùng những cách thức theo phong tục mà ngài đã đọc trong sách về các ân xá. Trong phần thể hiện ngợi khen Thiên Chúa đầu tiên gồm những lời nguyện từ nhóm Anh Em Phạt Tạ (The Brotherhood of Atonement) cho những ai đã sa ngã lìa xa Thiên Chúa. Nhưng việc lựa chọn và sử dụng các lời cầu nguyện đòi hỏi phải có sự hiểu biết đạo nghĩa mà chắc chắn là khó có thể thấy vào lúc chuẩn bị bước vào tuổi vị thành niên. Ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa chiếm vị trí quan trọng nhất. Một phạm vi ý hướng rộng và nội dung quan trọng xuất hiện giữa những lời khẩn nguyện, cầu xin, và chuyển cầu. Lòng thành kính sâu sắc rõ ràng: tôn vinh Thiên Chúa thực và thánh ý Thiên Chúa, ơn cứu độ các linh hồn nhờ bửu huyết, hợp nhất với Giáo hội, sự cần thiết của ân sủng, và sự chuyển cầu của các thánh. Chúa Ba Ngôi thường xuyên được tôn vinh. Ví dụ: “Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh! Trời đất đầy vinh quang Chúa. Vinh danh Chúa Cha! Vinh danh Chúa Con! Vinh danh Chúa Thánh Thần! Amen.” Lời kính tôn này được lặp lại ba lần trong suốt kinh nguyện. Theo sau những lời ngợi khen, hành động tạ ơn và phó dâng được đáp lại bằng một hoặc các lời nguyện ngắn khác. Đây là một vài ví dụ:

Hãy ngợi khen Chúa vì sự nghiệp của Người.

Hãy dâng niềm kính tôn vì Người sáng tạo.

Ngợi khen Thiên Chúa vì ơn Người cứu độ.

Chúc tụng Chúa vì Người thánh hóa chúng con.

Tạ ơn Chúa vì ơn thiên triệu dành cho chúng con.

Cảm tạ Chúa vì Đức Thánh Maria của chúng con.

Xin tri ân Chúa Ba Ngôi vì đã ban cho Thánh Mẫu Maria

và tất cả các thánh những ân huệ và ơn phù trợ

mà họ lãnh nhận vào ngày Đức Mẹ lên trời.

Trong số những lời nguyện, ta thấy: “Vì ích lợi của bửu huyết Chúa Giêsu, chúng con nguyện: mãi mãi chu toàn thánh ý Chúa, trở nên kết hợp với Chúa, chỉ suy nghĩ về Chúa, chỉ yêu mến một mình Chúa, làm tất cả cho Chúa, chỉ tìm vinh danh Chúa, thánh hóa chính chúng con cho Chúa, nhận thức hơn về sự hư không của chúng con, nhằm hiểu biết thánh ý Chúa hơn.”

Sau những lời nguyện cho thân nhân và những vị bề trên, ta thấy những lời nguyện xin: cầu cho người nghèo khổ, cho người cô đơn và đau bệnh, cho người nghèo và những Kitô hữu đau khổ, cho ai sẽ qua đời tối nay, cho người gặp nguy hiểm mất linh hồn, cho người công chính kiên trì đến cùng, cho Hội Thánh được máu Chúa Kitô cứu thoát, cho dân ngoại chưa bao giờ biết về tình yêu và sự nhân lành của Đức Kitô, cho các linh hồn đau khổ trong luyện ngục, cho việc chê ghét tội lỗi chống lại Thiên Chúa, cho được bảy ơn Chúa Thánh Thần, cho ơn sức mạnh và thăng tiến nhân đức, cho việc yêu quý sự thiện hảo đời đời, học quý trọng theo thánh ý Chúa, cho thoát khỏi sự tự mãn, luôn chuẩn bị thuận theo ý Chúa; lạy Chúa, xin cho chúng con luôn chuẩn bị chu toàn thánh ý Chúa,…

Soạn giả trẻ của lời kinh chiều này cho thấy một mẫu tu đức đẹp, một linh đạo quan trọng, có tính Công giáo, quý phái và phóng khoáng. Trong nhiều năm kể từ đây, không có nguồn tài liệu nào cho chúng ta biết về sự phát triển đạo nghĩa của người sinh viên trẻ. Arnold là thành viên của Hiệp hội Đức Maria (Sodality of Mary) ở Bonn và Muenster và ngài cũng hoạt động trong ban lãnh đạo của Hiệp hội.

Trước khi được phong chức phụ phó tế và phó tế vào tháng 3/1861, Arnold đã cất giữ một quyển sổ tay nhỏ trong lúc ngài tĩnh tâm do Regens Kress [hướng dẫn]. Arnold đã lập quyết tâm: “Tôi nên cử hành Thánh lễ vào các ngày Chủ Nhật để tôn vinh Chúa Ba Ngôi để ngợi khen sự sáng tạo, ơn cứu chuộc, và ơn gọi linh mục của tôi.”

“Vào các ngày Thứ Hai, tôi cử hành thánh lễ tôn kính Chúa Thánh Thần, Đấng là cuộc sống và nâng đỡ sức mạnh thiêng liêng của tôi. Tôi hiến dâng tất cả học vấn và sự cố gắng cho Ngài. Tôi nguyện ước trong mỗi thánh lễ: ‘Lạy Chúa, xin làm cho con trở nên tôi tớ đích thực và hữu ích’; là một tôi tớ của Đức Giêsu, Đấng biết và không mong điều gì ngoài biết Thiên Chúa, hoặc như Thánh Nicholas Flüe đã nói: ‘Lạy Chúa, xin lấy ra khỏi con những gì chia cách con với Ngài. Con hoàn toàn phó dâng con cho Ngài.’

Vài ngày trước khi được phong chức linh mục (15/08/1861), Arnold đã viết cho cha mẹ của ngài: “Hãy vui mừng và ngợi khen Thiên Chúa với con. Thiên Chúa muốn ưu ái cho con quá nhiều. Chúa đã dẫn con đi sâu vào tình yêu, và chỉ vài ngày nữa, Ngài sẽ tuôn đổ thêm những tặng ân trên con. Nhưng hãy cầu nguyện cho con và dâng lên Chúa những việc làm của cha mẹ vì con, để Thiên Chúa không thấy nơi con là một linh mục bất xứng trong Nước Chúa. Kìa! Bàn tay Chúa tuyệt diệu và trìu mến đã dang rộng để tuôn đổ muôn ơn thánh chức trọng đại trên con. Có lẽ Thiên Chúa đang chờ những lời nguyện xin của cha mẹ. Hãy sốt sắng cầu nguyện cho con.”

[ Thông tin bổ sung về học vấn theo https://www.svdcuria.org/public/histtrad/founders/aj/ajen.htm

1848-1855: Học tiểu học ở Goch và tiểu chủng viện Gaesdonck

11/7/1855: Thi ra trường ở Muenster

1855-1859: Học toán, khoa học tự nhiên và triết học ở Bonn và Muenster

1859-1861: Học thần học cũng ở  Bonn và Muenster ]

(còn nữa)

Đón đọc: “Người linh mục trẻ Arnold”

Các bài trước:

– Thân mẫu Cha Arnold: https://ngoiloivn.net/pin_post/than-mau-cua-cha-thanh-arnold-janssen-chung-nhan-cau-nguyen/

– “Ảnh hưởng của thân phụ…”: https://ngoiloivn.net/pin_post/anh-huong-cua-than-phu-den-linh-dao-cua-cha-thanh-arnold-janssen/

_____________________

[*] Tựa đề bài viết do người dịch đặt.

[1] Trích dịch sang tiếng Việt từ tác phẩm của Hermann Fischer, You Are the Temple of the Holy Spirit. Người dịch chuyển ngữ dựa theo bản dịch tiếng Anh của linh mục Paul LaForge, SVD (Manila, Philippines: Logos Publications Inc., 1996, 1999), trang 6-8.

 

 

 

Bài trướcĐTC Phanxicô mời gọi hãy để mình được “nhiễm” tình yêu chứ không nhiễm virus
Bài tiếp theoGX. THÁNH GIA: TRẠI HÈ 2020 – ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI (PHẦN 1)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.