THÁNH ARNOLD JANSSEN – PHI THƯỜNG TRONG TẦM THƯỜNG

0
466

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

LTS: đây là một cái nhìn của một người đứng ngoài, một linh mục dòng Tên, chuyên gia cho đời sống thiêng liêng và báo chí. Một nhận xét mang chất Đức: lạnh lùng, không phe cánh, mang tính nhận định phê phán, rõ ràng và fair. Có thể gây khó chịu, nếu chúng ta nghe quen lối văn mượt mà, mang tính chúc tụng, ngợi khen khi nói về một vị thánh, về Đấng lập dòng của mình. Tôi được nghe bài này trong thời còn là sinh viên thần học, và từ đó không quên cái nhìn thẳng thắn từ bên ngoài này.

Phác họa một hình ảnh về sự thánh thiện của người lập Dòng Ngôi Lời, cha Arnold Janssen[1], tức là điều làm cho ngài cách đặc biệt trở thành gương sáng, động viên việc bắt chước sống thánh thiện và yêu thương trọn hảo, là một việc không dễ dàng. Bởi vì không có gì đặc biệt cả nơi con người và trong lí lịch của ngài, để có thể nhắc nhớ đến sự thánh thiện theo cách hiểu bình thường. Chắc chắn là công trình được ngài dựng nên đáng ngưỡng mộ (SVD, SSpS, SSpSp), vì là những thành tích phi thường; cả ba dòng ngày nay có đến 10.000 thành viên.

Những điều đó không mang tính quyết định cho câu hỏi của chúng ta. Bởi vì một thành công to lớn như vậy, ngay cả trong lãnh vực sống đạo và trong Giáo Hội, không nhất thiết tự động phải có trước một mức thánh thiện tương xứng. Lịch sử Giáo Hội có nhiều chứng tích tương tự. Như vậy, điều gì khiến cho Giáo Hội trao cho cha Arnold Janssen danh hiệu cao quý nhất, mà Giáo Hội có thể phong tặng, là Thánh – tức là đặt ngài làm gương sáng phi thường cho đời sống Kitô, khi ngài đã chỉ sống một đời bình thường mà thôi, đã làm những gì như mỗi Kitô hữu phải thực hiện, nếu coi trọng việc chu toàn nhiệm vụ sống đạo và sống từ niềm tin?

Câu hỏi này càng cần phải đặt, vì vị lập các hội dòng truyền giáo này, như được chứng thực, chỉ là một tài năng trung bình và tỏ lộ nhiều khuyết điểm, những điều gây khó khăn cho việc hợp tác với ngài. Có một số người cùng thời, người ngoài và anh em trong dòng, đã phê bình ngài mạnh mẽ. Cuốn sách được biên soạn xuất sắc của cha Fritz Bornemann[2] (B) với nhiều chứng cớ không ngại ngùng trình bày lại những điều đó: ngài là một người đạo đức, nhưng quá đạo đức và quá khắt khe trong các đòi hỏi khổ chế, theo lời chứng của một giám mục. Ngài thiếu sự thông minh, sự khéo léo mềm mại, sự thận trọng, khả năng suy xét khôn ngoan. Ngài có thể chạm trán, làm mất mặt người khác, như được kể lại. Ngài cứng đầu, bướng bỉnh, không nhượng bộ, không chịu thay đổi ý kiến của mình, không đón nhận lời khuyên, lời phê bình v.v…. (B 95).

Đây là những lời được nói từ những hoàn cảnh nhất định, vào những thời điểm nhất định và không có thể đứng vững trước một nhận định toàn diện, hay tốt hơn chúng cần được nhìn trong liên hệ với những đức tính tuyệt vời khác mà không ai có thể chối cãi. Dù thế nào đi nữa, Đấng lập dòng đã biết những nhược điểm và khiếm khuyết của mình; lắm lúc ngài đã thẳng thắn nói về chúng (B 459). Nhưng tất cả chỉ chạm đến những điều tương đối bên ngoài, những gì phần lớn liên quan đến tính khí tự nhiên mà không ai tránh khỏi. Đáng chú ý hơn trong lịch sử đời sống của ngài chạm đến những điều sau đây: một ơn gọi bên trong, đầy ân sủng, được ý thức dần, và những quyết định phù hợp cho từng mục đích sống cụ thể (cái này hay cái kia) trong bước đường theo Đức Kitô, trong quá trình phát triển của nó khó có thể nhận ra được.

Gần như ngẫu nhiên cậu Arnold vào được Trường La-tinh nơi thành phố cậu sinh ra, được Địa phận thành lập chủ yếu cho các ứng sinh linh mục. “Nếu cha phó Ruiter không tìm đến Janssen ở Frauenstrasse, thì Arnold chắc đã bước vào công việc chuyên chở và nông nghiệp của cha mình, và đã không vượt qua được ranh giới gia đình mình.” (B 11). Và cả về sau, khi quyết định làm linh mục đã rõ, vị ứng sinh này coi bộ không cảm thấy bị thôi thúc lo việc chịu chức cho lắm. Các học kỳ triết ở Münster và Bonn, hầu như thuộc về các môn toán và các môn khoa học tự nhiên, là những môn yêu thích của chủng sinh này, được kéo giãn đến bảy học kỳ, trong khi đó chỉ có bốn học kỳ cho thần học. Cậu muốn trở thành thầy giáo trung học, và việc mục vụ không là việc ưu tiên của chủng sinh này.

Khả năng truyền đạt, khiếu giao thiệp của Arnold có vẻ giới hạn, vì thế sự khéo léo sư phạm cũng không xuất sắc, đặc biệt đây không là điều kiện tốt cần thiết cho nghề giáo; lớp học (như bài giảng) của ngài phải là khô khan ảm đạm lắm (B 13,15,19, 75). Mới thoáng nhìn người ta cảm thấy thiếu sự chỉ đạo nội tâm, sự kiên quyết mạnh mẽ, những gì làm nên một vị thánh. Người ta gặp một sự bất nhất như vậy một lần nữa giữa khả năng và mục đích được đeo đuổi, khi ý tưởng truyền giáo xuất hiện. Một mặt, Arnold xác tín mạnh mẽ rằng mình không có ơn gọi truyền giáo (B 50), và cả đời ngài giữ vững quan điểm đó; mặt khác, mặc dù sau những chống chế lúc ban đầu, ngài cảm thấy mình bị thôi thúc thành lập một Chủng viện truyền giáo cho vùng nói tiếng Đức. Arnold Janssen là một “chiến sĩ lẻ loi”.

Là người có tài tổ chức và lo chuyện giấy tờ (viết lách), ngài muốn tạo điều kiện cho các linh mục có nhiệt huyết truyền giáo thực hiện ơn gọi của họ. Trong suốt thời gian chuẩn bị, ngài cứ nhấn mạnh, rằng đây sẽ là một chủng viện cho linh mục triều; trong khi thực hiện ngài lại áp dụng một trật tự nghiêm nhặt hơn là trong một hội dòng, và cho thực hiện một linh đạo không khác chút chi các dòng và hiệp hội tông đồ, với hệ quả là cuối cùng dẫn đến việc thành lập một hội dòng. Người ta khó lòng nhận ra một phát triển thẳng lối. Không lấy làm lạ rằng chính vì vậy mà có những điều mập mờ trong việc đặt mục đích và cơ cấu nội bộ của công cuộc truyền giáo, với một sự bành trướng phi thường về mọi hướng, những gì buộc các thế hệ sau cứ rồi lại phải ngồi lại giải quyết.

Nhưng chính vì những đặc điểm được phác họa ở đây của con người và cuộc đời cha Arnold Janssen, thì việc tìm ra nét riêngnét đặc biệt của sự thánh thiện của ngài đúng là một việc đáng công và hấp dẫn. Sự bình thường xuyên suốt trong đời sống của ngài, và những điều như tình cờ trong quá trình xây dựng tác phẩm cuộc đời, chắc chắn có thể giúp xóa bớt một loạt những quan niệm rập khuôn về sự thánh thiện (như chúng ta quen).

Arnold Janssen sinh trưởng trong một hoàn cảnh bình thường. Ngài là con thứ hai trong một gia đình có mười người con. Ba đứa mất sau khi sinh. Chân trời của cậu thiếu niên này không vượt xa hơn những sự kiện trong gia đình và trong làng quê Goch/Germany. Và khi là linh mục và thầy giáo trẻ, thì bên cạnh những quan tâm về khoa học tự nhiên chỉ còn là những điều quan trọng và các sự kiện liên quan đến Giáo Hội; Arnold đứng tương đối xa những biến chuyển chính trị và văn hóa thời đó, ngay của cả đất nước ngài.

Trong chân trời này niềm tin tôn giáo đóng một vai trò chủ yếu. Arnold lớn vào trong đức tin Công Giáo và các thực hành đạo đức một cách tự nhiên. Đó mới thực sự là thế giới của ngài, và rõ ràng đã quyết định mọi sự. Vì thế, ngài đã thừa hưởng trọn vẹn quan niệm niềm tin và các hình thức đạo đức của thời đại. Những điều này cũng định đặt đời sống và trật tự của Hội Dòng Truyền Giáo non trẻ. Chỉ sau khi nghe những khuyên bảo và áp lực từ bên ngoài, ngài mới giảm bớt sự nghiêm nhặt lúc ban đầu, thí dụ như việc ăn chay và tiết chế. Nhưng một chút khắt khe trong các câu hỏi về đức tin như luân lý, hay là truyền thống thần học và khổ hạnh thì ngài không bao giờ bỏ được, ngay cả khi ngài (phải) nhượng bộ trong một điểm nào đó, nhìn từ bên ngoài vào; ngài vẫn trung thành với mình.

Nhưng không phải lý thuyết là điều quyết định cho thái độ thánh thiện của ngài. Ngài là một người của thực hành và của nền đạo đức được sống. Dù mọi giản dị trong suy nghĩ và thận trọng trong hành động, thì ngài thật gần gũi, như chạm đến với thế giới Thiên Chúa, các thiên thần và các thánh. Thế giới nó không sai lầm bao giờ; ngài đón nhận sự chỉ bảo và giúp đỡ từ đó. Thế gian và các lí tưởng của nó được Arnold nhìn với sự ái ngại ngờ vực, và ngài cho rằng con người thì yếu đuối, luôn cần đến sự trợ giúp liên lỉ từ cầu nguyện và hi sinh; nhất là khi con người đã dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa và Nước Chúa. Trước hậu cảnh này và từ các điều kiện được nêu mà chúng ta nhận định đời ngài.

Arnold không sở hữu một sức mạnh tinh thần để phác họa một mục đích sống cho dài lâu, và vì thế cũng không nghĩ mình sẽ làm một việc gì đó to lớn vĩ đại, không cột chặt mình một lần và không thay đổi cho những mục đích chắc chắn nào đó. Nói đúng hơn, ngài làm từng bước một và chờ đợi trong sự tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng ban cho ngài sự che chở và bảo đảm, rằng ngài mỗi một lần sẽ nhận rõ điều cần làm cho phù hợp với Ý Chúa. Arnold Janssen không hấp tấp khi thực hiện; tính cẩn trọng của ngài chú ý điều này. Ngài có thể kiên nhẫn chờ đợi, cho tới khi thời điểm hành động đến.

Có lẽ chính trong thiên hướng này cùng với thái độ đạo đức là nền tảng cho nhận định, mà chúng ta có ấn tượng rằng mọi quyết định mang vẻ tình cờ ngẫu nhiên, hay là việc có vẻ như không dứt khoát với con đường của mình. Nhưng với cha Janssen thì đó chính là cách thức để nhận ra việc cần làm tại giờ này tại đây; vì đó là điều xuất hiện sau nhiều nghiền ngẫm cân nhắc kỹ lưỡng, đi chung với việc cầu nguyện liên lỉ. Và trong trường hợp như vậy, ngài kiên trì giữ vững quyết định đã được làm và không để cho phản đối hay chướng ngại nào đẩy ra khỏi lối đi đã chọn. Và vì ngài ít khi chia sẻ với người khác, cả những cộng tác viên sát cánh nhất, để họ hiểu được ý định của các động cơ của ngài, nên thực tế đã có không ít lần gây khó chịu hay phiền muộn cho ngài và cả người khác. Cha Janssen chịu đựng điều đó, dù biết rằng người khác phê bình mình hay là hơn nữa cười diễu vì “tính đơn sơ” của ngài.

Ngay cả đối với các đấng có chức vị cao trong Giáo Hội, những người mà ngài trong chức vị bề trên thượng cấp thường hay phải gặp gỡ và đàm phán, ngài cũng không bỏ những nhận định của mình. Ngài có thể từ chối những lời kêu xin, nếu ngài cảm thấy những điều đó đi ngược lại với lợi ích của Hội Dòng hay một dự án nào đó. Vì thế, ngài đã phải chịu nhận sự khiển trách “từ trên”, và qua đó đã làm cho mình không được mến thích nơi cửa quyền. Như các tường trình sau này cho thấy, khi nhìn lại thì trong hầu hết các trường hợp xích mích như vậy các quyết định của ngài đều đúng đắn (B 497). Vì vậy, càng lớn tuổi thì uy thế của ngài càng lớn dần, trong và ngoài Hội Dòng, không chỉ vì số lượng công việc gây ngạc nhiên và các thành công, nhưng vì người ta nhận ra càng ngày càng rõ hơn con người của cầu nguyện, hi sinh, phục vụ và là người cha của con cái mình.

Cho nên không ngạc nhiên là khi cha Arnold Janssen qua đời đã có sự thương cảm thật lớn, và các nhận xét về chiều sâu đạo đức và sự trong sáng chân thành của con tim đều giống nhau: “Chúng ta đã tiễn đưa một người công chính đến nơi an nghỉ cuối cùng” (B 499), là lời của Giám mục địa phương trong lời phát biểu tại bàn trong ngày an táng. “Ước cho tinh thần tốt lành, mà Đấng sáng lập đã thổi vào và đã gieo vào, tinh thần của đức tin, của cầu nguyện và của sự sẵn sàng hi sinh, luôn luôn sống động trong Hội Dòng.” (B 499).

“Chúng ta đã tiễn đưa một người công chính”, một người “của đức tin, của cầu nguyện và của sự sẵn sàng hi sinh”. Lời này nói tóm lại điều quan trọng nhất về sự thánh thiện của cha Arnold Janssen. Điều đặc biệt của sự thánh thiện này là nó đã ẩn mình và phát triển trong cái không-đặc-biệt, cái bình thường hằng ngày. “Rằng các Thánh có thể ở giữa chúng ta trong cuộc sống hàng ngày không có gì nổi bật, nơi bàn giấy và bàn hội họp, là điều hồi xưa (và biết đâu hôm nay) vẫn còn ít phổ biến.” (B 499). Khi cuộc sống thường nhật ngày càng trở nên nặng nề hơn với nhiều nhiệm vụ và những khốn khó, thì một gương mẫu như vậy đối với chúng ta là cần thiết. Trở nên thánh trong việc chấp nhận các giới hạn của mình, trong sự nhìn nhận những thất bại, trong sự quan tâm đến người khác, trong những khó khăn của đời sống và làm việc chung: đó là nhiệm vụ được trao cho Kitô hữu ngày nay. Và họ chỉ có thể thực hiện, những người sống từ niềm tin như vậy, như vị sáng lập Hội Dòng Ngôi Lời đã làm, đặc biệt trước mầu nhiệm của niềm tin Kitô: Chúa Ba Ngôi, trước Ngôi Lời và Thần Khí.

______________

CHÚ THÍCH

[1] Viết theo bài “Arnold Janssen” của cha Friedrich Wulf SJ, xuất bản năm 1975 vào dịp phong Chân phước của Cha Arnold Janssen trong “Geist und Leben” 1975, Heft 5. Cha Wulf nguyên là chủ biên tập “Tạp chí cho đời sống khổ hạnh và huyền bí”; ngài là chuyên gia cho Công đồng và là người thành lập Hiệp hội bề trên thượng cấp Đức quốc.

[2] Bản tiếng Việt của tác phẩm này đang được chuẩn bị.

 

Đọc thêm về cha thánh Arnold Janssen, bấm vào đây >>>

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật II Thường Niên, năm C (Ga 2,1-12)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (16/1, Chúa Nhật 2 TN)