Thế giới hôm nay đang vươn lên một tầm cao mới, khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ vượt bậc, đời sống con người được cải thiện và nâng cao. Nhưng bên cạnh đó cũng kéo theo những hệ lụy không nhỏ cho từng cá nhân trong xã hội. Những xu hướng sống không lành mạnh, chạy theo lợi lộc vật chất, trào lưu hưởng thụ, các tệ nạn xã hội như nghiện ngập, trộm cướp, giết người… ngày cang tràn lan. Những thay đổi và những xu hướng đó đang từng ngày từng giờ tác động một cách mạnh mẽ vào đời sống tu trì, nhất là trong lãnh vực đời sống thiêng liêng. Nó mang đến cho những người tu sĩ một làn gió mới, nhưng đồng thời cũng là một thách đố lớn đối với những ai đang dấn thân cho lý tưởng tu trì.
Đi tu xuất phát từ lời mời gọi bước theo Đức Giêsu với một niềm hy vọng nên giống như Ngài. Người tu sĩ chấp nhận từ bỏ mọi sự để dấn thân theo tiếng gọi yêu thương của Chúa, vì họ xác tín rằng: “Có Chúa là có tất cả!”. Tuy nhiên con đường đó lại đầy chông gai và khó khăn, nó đòi hỏi người tu sĩ phải đi ngược với các xu thế của thời đại. Nếu thế gian đang tìm kiếm sự giàu có, hưởng thụ vất chất, chủ nghĩa cá nhân, sự tự do, tình yêu đôi lứa, vinh quang, sự sôi động… thì đời tu lại đi theo hướng ngược lại. Thay vì tìm kiếm của cải vật chất, lối sống hưởng thụ thì người tu sĩ lại tìm đến một cuộc sống nghèo nàn, từ khước sở hữu của cải qua lời khấn KHÓ NGHÈO. Thay vì tìm kiếm chủ nghĩa cá nhân và sự tự do thì người tu sĩ lại hướng đến đời sống cộng đoàn, khước từ việc làm chủ ý riêng qua lời khấn VÂNG PHỤC. Thay vì đề cao tình yêu đôi lứa, người tu sĩ lại tìm cách mở rộng tình yêu với hết mọi người, không dành tình cảm cho riêng một ai khác ngoài Thiên Chúa. Điều này được thực hiện qua lời khấn KHIẾT TỊNH. Thay vì tìm kiếm sự ồn ào náo động, người tu sĩ lại tìm về với những giây phút thinh lặng để gặp gỡ Chúa và nhìn lại bản thân. Nếu thế gian đang tránh xa những người nghèo đói, ngại hy sinh, ngại khổ thì đây lại là điều mà người tu sĩ tìm đến để rèn luyện và làm lan tỏa tình yêu Chúa mỗi ngày. Để làm được như vậy đòi buộc người tu sĩ phải chết đi cho thế gian, từ bỏ những ham muốn, những mời gọi hưởng thụ của thế giới hiện tại. Đây là một thách đố rất lớn đối với những người chọn lựa và sống trong đời sống dâng hiến.
Người tu sĩ hôm nay được mời gọi “ xuất phát lại từ Đức Giêsu”, nghĩa là lấy Ngài làm mẫu mực để noi theo. Hơn nữa người tu sĩ phải đi lại trên con đường mà Đức Giêsu đã đi “Ai muốn theo Thầy thì phải từ bỏ chính mình vác thập giá mỗi ngày mà theo” (Mc 8,34). Nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa Ngôi Hai đã từ bỏ phẩm vị của mình để xuống ở với và sống cùng con người trong sự nghèo hèn và vâng phục Chúa Cha cho đến chết thì người tu sĩ cũng cần phải bước theo gót chân của Người qua việc từ bỏ ý riêng và sống theo ý Chúa. Đã là con người ai cũng muốn cho mình một chỗ đứng trong xã hội, được người khác phục vụ mình, nhưng khi người tu sĩ bước theo Chúa thì lại đi con đường ngược lại. “ Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em”( Mc 10,43). Con người trong xã hội hôm nay đang bị cảm dỗ bởi ma lực của đồng tiền, có tiền là có tất cả. Đồng tiền đối trắng thay đen, công lý hay đạo đức cũng bị đồng tiền chi phối, xem đồng tiền là cứu cánh cho cuộc đời mình. Nhưng Đức Giêsu lại dạy rằng: Trước tiên anh em hãy lo tìm kiếm nước Thiên Chúa, rồi mọi sự người sẽ ban cho” (Mt 6,33). Dường như luôn có sự đối lập về phương tiện, mục đích giữa thế gian và đời sống dâng hiến. Nếu thế gian đang đánh giá con người qua các phương tiện vật chất thì đời tu lại đánh giá ở đời sống nội tâm qua tương giao với Chúa và với tha nhân. Nếu xã hội hôm nay gạt bên lề những người nghèo, người khuyết tật, người bị bỏ rơi thì đây lại chính là đối tượng mà người tu sĩ hướng đến. Nếu thế gian đang tìm và vun vén cho hạnh phúc của chính mình thì người tu sĩ lại mang tình yêu và hạnh phúc để đến với người khác. Khác với Phật Giáo với chủ trương “xuất thế” để mong tìm về cõi Niết Bàn thì người Công Giáo lại chủ trương “nhập thế”. Điều đó đòi buộc người tu sĩ phải hòa mình vào dòng chảy của thời gian và sống giữa thế gian. Giữa xã hội hôm nay, người tu sĩ vẫn chịu ảnh hưởng bởi các trào lưu ngoài xã hội, vì thế họ cần phải chết đi bản thân mình cho thế gian. Cũng như hạt lúa mì, muốn sống và nảy sinh nhiều bông hạt khác nó phải tự hủy chính mình vì nếu nó không chết đi thì nó sẽ trơ trọi một mình mà thôi. Muốn có những chồi non thì lá già phải rụng, bởi thế người tu sĩ muốn sống giữa thế gian thì phải chết đi những ham muốn của bản thân, những tiện nghi vật chất và những gì đang cản trở bước chân người tu sĩ tìm kiếm Thiên Chúa. Lời Chúa vẫn vang vọng cho những ai đang đi tìm Ngài: “Như Cha đã sai Con đến thế gian, Con cũng sai họ đến thế gian” ( Ga 17,18). Có sống giữa thế gian người tu sĩ mới có thế đem Chúa đến và làm chứng về Chúa cho mọi người.
Làm sao để sống trong thế gian, để hòa nhập chứ không hòa tan là một thách đố đối với người tu sĩ hôm nay. Nó đòi buộc người tu sĩ phải chọn lựa, phải lội ngược dòng mỗi ngày. Hình ảnh nắm men trong thúng bột là một ví dụ, nhìn bề ngoài cả men và bột đều giống nhau về màu sắc nhưng một nắm men cũng đủ để làm cho cả thúng bột được dậy men. Cũng vậy, người tu sĩ cũng cần phải trở thành những nắm men trong thế gian để làm cho thế gian được dậy men Tin Mừng và để Lời Chúa được trải rộng khắp nơi bằng chính chứng tá của mình. Để sống trọn vẹn đời dâng hiến thật không dễ vì người tu sĩ cũng mang trong mình kiếp phàm nhân, nếu không giữ vững tương quan với Chúa thì người tu sĩ sẽ bị hòa tan trong một thế giới tục hóa hôm nay. Giữa những đổ vỡ của xã hội, chúng ta cần suy gẫm lại câu nói của Đức Giáo Hoàng Gioan Paul VI đã nhắc nhở người tu sĩ: “Đi tu là tìm cái thế gian tránh và tránh cái thế gian tìm. Đi tu là sống giữa thế gian nhưng chết cho thế gian”. Với tôi, tôi cũng đang chập chững bước đi con đường dâng hiến theo linh đạo của dòng Truyền giáo Ngôi Lời. Tôi cần ý thức rằng đời sống thiêng liêng là linh hồn của đời dâng hiến, và cầu nguyện là hơi thở của đời sống tâm linh. Nếu thiếu vắng cầu nguyện, đời tu của tôi sẽ mất hết giá trị và trở nên vô nghĩa. Bởi thế tôi cần kết hợp mật thiết với Chúa mỗi ngày. Bên cạnh đó tôi cũng cần phải sống tương quan với anh em, dám dấn thân để hy sinh phục vụ người khác nhất là những người nghèo. Dám đi ngược với những xu thế của thời đại, dám từ bỏ, sẵn sàng “ra đi- đến với- sống cùng” mọi người ở mọi nơi. Có như vậy tôi mới mong trở thành nắm men hòa vào thúng bột thế gian và làm cho thế gian được dậy men Tin Mừng như lời Thánh Tổ Phụ đã để lại.
“Cuộc sống của Ngài là cuộc sống của chúng ta- Sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta”
(Thánh Arnold Janssen. Tổ Phụ dòng Truyền Giáo Ngôi Lời)
Antôn Hoàng Phi, SVD