Góc Suy Tư: Đạo của Tình Yêu và Lòng Thương Xót

0
518

Tu sĩ Phêrô Hoàng Quốc Việt, SVD

Dẫn nhập

Mỗi một tôn giáo đều có giáo lý riêng để giảng dạy cho môn đệ của mình. Dù điểm chung nơi các tôn giáo là đều hướng đến những gì là thiện hảo, nhưng cách thể hiện có thể không giống nhau. Đối với Kitô giáo, trong đó có Công giáo, điểm giáo lý căn bản và rõ nét để hướng đến điều thiện hảo là tình yêu và lòng thương xót.

Tai sao tôi có thể nói nơi Kitô giáo nhất là Công giáo, tình yêu và lòng thương xót mới biểu lộ rõ nét? Tôi có thiên vị cho đạo tôi đang theo chăng? Tình yêu là đề tài muôn thuở của cuộc sống, là cái không dành riêng cho ai, hay cho bất cứ quốc gia, tôn giáo, đảng phái nào. Vậy mà tôi lại khẳng định, đạo Công giáo là đạo tình yêu và lòng thương xót. Vậy tình yêu và lòng thương xót trong đạo Công giáo có gì đặc biệt mà được gọi như thế?

Để nói về một đạo và một giáo lý của đạo nào đó thì cần có sự am hiểu kỹ càng và phải đã sống đúng, sống thật theo lời dạy của đạo. Ý thức được điều đó, và nhìn lại mình, tôi thấy mình chỉ là một hạt cát giữa đại dương bao la. Nên để nói về đề tài này, tôi nhìn vào (1) tình yêu con người, khám phá (2) tình yêu Kitô giáo trong Kinh Thánhvà dựa theo tinh thần (3) Linh Đạo Dòng Ngôi Lời, là Dòng mà Chúa đang mời gọi tôi bước theo.

Tình yêu con người

Yêu thương cha mẹ, anh em mình, đó là điều bắt buộc trong lẽ tự nhiên của con người. Con người sống dưới một mái nhà, trong một xóm làng, quốc gia và xã hội thì phải biết yêu thương nhau, đó là đạo tự nhiên. Chính cha ông ta cũng đã từng dạy con cái rằng:

      Khôn ngoan đối đáp người ngoài,
     Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.        

 

Hơn nữa, Xuân Diệu đã có một cách cảm nhận rất hay về tình yêu:

Yêu là chết trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu.
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ hoặc thờ ơ, chả biết.
(Thơ Yêu)

 

Ông cho rằng tình yêu chính là cho đi, cho rất nhiều. Thế nhưng tình yêu của ông cho đi có điều kiện, ông muốn được nhận lại, được đáp trả lại sau khi đã trao ban. Chính vì thế mà ông đã đâm ra nghi ngờ tình yêu đó, mà chắc được yêu. Có chăng Xuân Diệu nghĩ tình yêu là sự trao đổi qua lại: yêuđược yêucho – nhận, nên người ta đem ra nghi ngờ và tính toán với tình yêu đó. Đó phải chăng là tình yêu của người đời? Thế nhưng, giáo lý đạo Công giáo đã dạy chúng ta là cần có một tình yêu luôn trao ban mà không cần đáp trả. Một tình yêu luôn sống và chết cho người mình yêu.

Tình yêu Kitô giáo trong Kinh Thánh

Sỡ dĩ tôi gọi đạo Công giáo là đạo tình yêu và xót thương, bởi vì tình yêu và lòng thương xót là vấn đề cốt lõi xuyên suốt giáo lý. Đạo Công giáo dạy con người chúng ta phải biết yêu thương và tha thứ cho nhau, vì Thiên Chúa là Đấng Xót Thương, như thánh Gioan đã dạy: chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra (1 Ga 4,7). Chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta khi Người vâng phục cha mẹ trong mọi sự.

Thế nhưng, giáo lý của đạo Công giáo không muốn các tín hữu của mình chỉ dừng ở đó, mà nó còn đòi hỏi chúng ta phải biết yêu và cầu nguyện cho kẻ thù mình nữa: Thầy bảo các con: “Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con” (Mt 5,43-44). Đây là một điều khá xa lạ và mới mẻ so với giáo lý của Nho giáo và Phật giáo. Vì ở đây, Chúa không những đòi hỏi chúng ta phải yêu thương kẻ thù của mình, mà chúng ta còn phải cầu nguyện cho họ nữa. Chính vì Tình yêu mà Chúa Giêsu, một vị Thiên Chúa đầy quyền năng, đã xuống thế làm một con người bé hèn, phải chịu sỉ nhục, đánh đập và chịu chết. Khi bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu đã không quên cầu xin Thiên Chúa Cha tha tội cho những kẻ sỉ nhục, đánh đập Người: Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Lc 23,34). Cũng chính nhờ cái nhìn bao dung và chất chứa đầy yêu thương của Người dành cho ông Phêrô (một môn đệ hằng ngày đi theo Người nhưng đã chối bỏ Người trong đêm người bị bắt và tra khảo) mà làm cho ông tỉnh thức và ăn năn tội, để sau này trở thành vị thánh trụ cột của Giáo hội. Phật giáo cũng dạy con người là phải biết yêu thương, nhịn nhục, nhưng không dạy con người chúng ta cầu nguyện, chúc phúc cho kẻ thù mình. Còn Nho giáo thì dạy con người yêu ghét rõ ràng, cho rằng xã hội chỉ tồn tại hai loại người, đó là quân tử và tiểu nhân. Chính vì thế họ chỉ yêu thương và kính trọng những bậc chính nhân quân tử, còn những kẻ tiểu nhân thì bị họ gạt ra lề xã hội.

Hơn thế nữa, giáo lý của đạo Công giáo không dừng lại ở việc yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù của mình, mà còn dạy chúng ta hướng tới một tình yêu cao đẹp hơn, một tình yêu vẹn toàn hơn. Đó là tình yêu hy sinh cho người mình yêu. Người mình yêu ở đây là ai? Người mình yêu ở đây là tất cả những người được Thiên Chúa tạo dựng: Các con hãy yêu mến nhau như thầy đã yêu mến các con (Ga 9,23).

Yêu kẻ thù, cầu nguyện và chúc phúc cho họ đã là một tình yêu rất đẹp và cao thượng. Thế nhưng nơi Thiên Chúa, Người muốn chúng ta hướng tới một tình yêu cao thượng và vẹn toàn hơn. Chính Chúa Giêsu đã chứng minh cho chúng ta qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, mà đỉnh điểm của tình yêu đó được thể hiện nơi cái chết của Người trên thập giá. Cái chết cho tình yêu và vì tình yêu. Một tình yêu hoàn toàn mới mẻ với nhân loại mà Người muốn: Anh em hãy làm việc này mà nhớ tới thầy (Lc 22, 19 ).

Linh đạo Dòng Ngôi Lời

Điều cốt lõi của Linh đạo Ngôi Lời là Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Ngôi Lời và Chúa Thánh Thần. Chính nơi Ba Ngôi, ta bắt gặp được tình yêu và lòng thương xót trọn vẹn. Tình yêu nhân loại bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Cha thánh Arnold Janssen đã để lại cho Dòng Ngôi Lời một di sản linh đạo được định hình trong Mầu Nhiệm Ba Ngôi. Ngài đã nhìn thấy được Ngôi Lời đến từ Chúa Cha, và trong Chúa Thánh Thần để chia sẻ điều kiện sống của con người. Và dẫn chúng ta tới đích điểm của  tình yêu và lòng thương xót qua cái chết và sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô. Trong cách này, con cái khắp nơi của Thiên Chúa được quy tụ lại cùng nhau trong Thánh Thần và làm thành dân Thiên Chúa khi họ biết quay trở về cùng Chúa Cha, là Cha của Tình yêu và lòng thương xót. Tình yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Ba Ngôi được thể hiện rõ nét qua từng ngôi một trong Linh đạo của Dòng Ngôi Lời. Đó là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Cha thánh Arnold, đấng sáng lập, đã đặt tên cho Dòng là Dòng Ngôi Lời. Sứ vụ đối thoại của chúng ta được bắt nguồn từ sự suy tư trầm lắng của từng cá nhân trong sự gặp gỡ với Ngôi Lời Nhập Thể. Sự tiếp xúc với Ngôi Lời diễn ra trong toàn bộ môi trường xung quanh: nơi con người, nơi thiên nhiên, nơi những sự kiện, nơi những nền văn hoá và nơi những tôn giáo khác. Chúng ta gặp Ngôi Lời một cách đặc biệt trong Kinh Thánh, trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể, và trong cầu nguyện và nguyện gẫm. Hiệp nhất nên một cộng đoàn quanh Ngôi Lời của Thiên Chúa, và chia sẻ chính bản thân chúng ta với người khác, chúng ta được tranh đua và khuyến khích nhau đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu và lớn lên trong tình yêu.

Kết luận

Tóm lại, chúng ta thấy đạo Công giáo là đạo của tình yêu và lòng xót thương. Chính nơi Ba Ngôi, Chúa Cha và Ngôi Lời là nguồn mạch của tình yêu. Nơi đó tình yêu được vẹn toàn. Vì vậy, mỗi chúng ta, những người con của Ngôi Lời, trước mặt Thiên Chúa cần phải biết nhìn lại tình yêu của mình, không những đối với cha mẹ, anh em, xóm làng, cộng đoàn mà còn đối với tất cả mỗi người, kể cả kẻ thù của mình và đối với Thiên Chúa nữa. Từ đó, chúng ta kịp thời có những điều chỉnh cho phù hợp để cho tình yêu của chúng ta ngày càng nên giống với tình yêu “mẫu” nơi Ba Ngôi Chí Thánh.

Tôi thiết nghĩ, chúng ta là những thành viên của Ngôi Lời, là hậu duệ của cha thánh Arnold thì chúng ta  phải tổ chức cuộc sống của chúng ta như thế nào cho phù hợp với đức tin của mình, bằng cách luôn lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần. Đấng luôn luôn đồng hành, trợ lực và nói với chúng ta trong trong đời sống cộng đoàn và trong Giáo Hội, cũng như trong các biến cố thời đại của chúng ta. Lời đáp trả của chúng ta phải được thực hiện trong lời cầu nguyện và hành động. Những thành viên Dòng Ngôi Lời phải là trung gian và sống với Chúa Ba Ngôi, Đấng luôn luôn yêu thương dân của người. Nhờ đó chúng ta chia sẻ, làm chứng và tạo nên một sự hiệp nhất yêu thương với tất cả nhân loại.

Khởi sự cho Năm Lòng Thương Xót Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã soạn một bản kinh để giúp các tín hữu cầu nguyện trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này (từ 08-12-2015 đến 20-11-2016). Trong lời kinh, Đức Thánh Cha nài xin Chúa làm cho Năm Thánh Lòng Thương Xót trở nên một năm hồng ân để Hội Thánh thêm lòng nhiệt thành mang Tin Mừng đến với người nghèo, loan báo tự do cho những người bị giam cầm và áp bức, và cho người mù lại được nhìn thấy.

Bài trướcMột thầy dòng Phanxicô thắng giải giáo viên giỏi nhất thế giới
Bài tiếp theoVIDEO: Tầm quan trọng của việc Xưng Tội

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.