Giá trị và sức mạnh của sự tha thứ

0
730

“Tha thứ là hành động tôi làm cho chính bản thân mình chứ không phải người khác.

Nó thực sự là một trải nghiệm ý nghĩa trong cuộc đời mà tôi học được và nó giúp tôi tiếp tục bước đi.” (Danh ngôn)

Vào trung tuần tháng 7 năm 2016, một đoạn video với thời lượng hơn 3 phút đã được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội Facebook. Đoạn video mang tựa đề “The Power of Forgiveness”.

Nội dung đoạn video kể về một phiên tòa xét xử tù nhân vào năm 2003 tại tiểu bang Washington, Hoa Kỳ . Phạm nhân là Gary Leon Ridgway, một sát thủ máu lạnh đã giết 48 phụ nữ trong khoảng thời gian từ 1980 đến 1990. Khi quan tòa nêu tên từng phạm nhân và hỏi “anh đã giết người này phải không?”, tên sát nhân đều trả lời xác nhận “tôi đã giết” một cách hết sức lạnh lùng. Tiếp đến, lần lượt từng người thân của các nạn nhân xấu số hướng về phía Gary Leon Ridgway nói những lời hết sức căm phẫn. Mặc cho bao lời mắng nhiếc sỉ vả, Ridgway vẫn tỏ ra lạnh lùng, vô cảm cùng một thái độ hết sức bình thản. Thế nhưng, thái độ ấy của y bỗng dưng bị cắt đứt khi ông Robert Rule, bố của cô Linda, nạn nhân bị Gary Leon Ridgway giết chết, đứng lên nói với y: “Anh Ridgway, có nhiều người ở đây căm ghét anh, nhưng tôi không phải là một trong số đó. Anh đã khiến cho tôi thật khó có thể sống theo những gì tôi hằng tin tưởng, cũng là những gì Chúa yêu cầu chúng ta làm, và đó là Tha Thứ. Chúa không nói là chỉ tha thứ cho một số người nhất định, mà Ngài nói là tha thứ cho tất cả. Vì thế, anh cũng được tha thứ”. Khi ông Robert Rule vừa dứt lời thì cũng là lúc tên sát nhân rơi lệ, những giọt lệ thể hiện sự ăn năn, hối lỗi. Phải chăng đó cũng là những giọt nước mắt biểu hiện niềm hạnh phúc khi nhận được Sự Tha Thứ.

Giá trị và sức mạnh của sự tha thứ là gì?

Khi bàn về Sự Tha Thứ, ta nhận thấy ngay được rằng, Kinh Thánh đã nói đến tha thứ. Trong Cựu ước, ta thấy Thiên Chúa đã tha thứ cho hai ông bà nguyên tổ sau khi họ phạm tội. Thiên Chúa đã có thể hủy diệt, loại bỏ tổ tiên của chúng ta để tạo dựng những con người mới nhưng Ngài đã không làm như thế. Ngài vẫn giữ lại hai con người đầu tiên này và tha thứ lỗi lầm của họ bằng cách hứa ban Đấng Cứu Độ (x. St, 3).

Đến thời ông Noah (x. St, 6), khi con người ngày càng lún sâu vào sự sa đọa, kiêu ngạo, tội lỗi và bất trung: “ĐỨC CHÚA thấy rằng sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày”. Vì thế,  “ĐỨC CHÚA hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng. ĐỨC CHÚA phán: “Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, vì Ta hối hận đã làm ra chúng.” Tuy vậy, Thiên Chúa vẫn một mực yêu thương con người. Thiên Chúa đã tìm thấy trong số loài người được một con người đáng được sống để xây dựng lại nhân loại: “ông Nô-ê được đẹp lòng ĐỨC CHÚA”. Hình ảnh ông Noah cho thấy, dù muốn xóa sạch thế gian, Chúa vẫn luôn tha thứ cho con người và muốn con người tiếp tục được sống.

Thời ông Môsê, ngay sau khi Thiên Chúa kết Giao ước với dân Israel, họ đã vi phạm Giao ước đó bằng cách đúc tượng một con bê vàng và thờ lạy nó. Thiên Chúa rất giận. Ngài cho Môsê biết Ngài muốn tiêu diệt họ, thay vào đó Ngài sẽ tạo một dân mới từ dòng dõi Môsê. Nhưng Môsê đã van xin Thiên Chúa và cuối cùng Thiên Chúa nguôi giận không giữ ý định tiêu diệt dân Israel nữa. Thiên Chúa tha thứ cho dân chúng không phải vì không phải vì Môsê mà vì chính lòng nhân từ của Ngài. (x. Xh, 32). Cũng vì lòng nhân hậu, khoan dung mà Chúa đã dùng con rắn đồng mà tha thứ cho dân Israel khi họ than trách Chúa vô và coi thường quyền năng của Ngài trong sa mạc. (x. Ds, 21).

Qua Tân ước, Đức Kitô là một hình ảnh chân thực nhất để chúng ta thấy rõ về Ơn Tha Thứ mà Thiên Chúa muốn trao ban cho con người. “Ánh mắt yêu thương của Chúa đã cứu Giakêu (x. Lc, 19) và Matthêu khỏi vòng nô lệ tiền bạc” (x. Mt, 9; Mc 2:13 -14; Lc 5:27 -28); đã giúp người đàn bà ngoại tình(x. Ga, 8) và Mađalêna không còn kiếm tìm hạnh phúc nơi thụ tạo (x. Lc, 7); đã khiến Phêrô khóc lóc vì trót phản bội Chúa (x. Lc, 22), và đã hứa Thiên Đàng cho người trộm cướp có lòng ăn năn (x. Lc, 23).

Không những tha thứ cho con người, Chúa còn dạy con người còn phải biết tha thứ cho nhau. Qua hình ảnh ông Phêrô hỏi Chúa là phải tha thứ bao nhiêu lần, Chúa đã dạy dạy ta phải tha thứ “bảy mươi lần bảy” (x. Mt, 18; Lc 17), nghĩa là ta phải tha thứ một cách vô hạn, không giới hạn số lần tha thứ, nếu người có lỗi với ta ăn năn hối hận.

Chúa còn dùng hình ảnh “Người cha nhân hậu” (x. Lc 15) để nói đến sự tha thứ mà người cha dành cho người con trai hoang đàng. Quả vậy, nếu không có sự tha thứ thì tấm lòng nhân hậu của người cha khó có thể tỏ lộ với người con của mình.

Chúa Giêsu còn nêu lên trường hợp người đầy tớ được tha thứ nhiều nợ nần, nhưng lại không tha thứ cho người khác chỉ nợ anh ta phần nhỏ. (x. Mt, 18). Chúa dùng cơ hội này để kêu gọi loài người hãy tha thứ và làm hòa với nhau. Đó cũng là cơ hội để ta học cái bài học của người đầy tớ không chịu tha thứ. Cái điều mà người ta hy vọng nơi người đầy tớ đã được tha thứ thật là hiển nhiên. Anh ta đã được tha thứ nhiều, khiến ta nghĩ rằng anh ta cũng phải đền đáp bằng việc tha thứ cho người chỉ mắc nợ anh ta một phần nhỏ.

Và rồi khi hấp hối trên thập giá, Chúa Giêsu còn dùng chút hơi thở cuối cùng để nài xin Thiên Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã định tâm giết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc, 23, 34)

Một vài trưng dẫn trên đây để cho thấy về Ơn Tha Thứ vô biên mà Thiên Chúa dành đã dành cho nhân loại theo thời gian. Chúng ta thấy được rằng, “khi tha thứ, sự tha thứ của Thiên Chúa vĩ đại đến nỗi có thể nói rằng Ngài đã thực sự quên hết…” mọi lỗi lầm của con người. Về phần mình, “chúng ta nắm trong tay toàn bộ lịch sử cuộc đời của rất nhiều người, từ thời Cổ Đại, Trung Cổ rồi Phục Hưng và Hiện Đại phải không? Và chúng ta không hề quên được? Tại sao vậy?” Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời rằng: “Đó là vì chúng ta không có tấm lòng thương xót” và vì chúng ta không có lòng quảng đại về Sự Tha Thứ.

Tôi đã từng đọc một cuốn sách về cầu nguyện, cuốn sách có đoạn viết về sự tha thứ như sau: “lúc còn thơ bé chúng ta thường biết yêu và yêu thương một cách tự nhiên, yêu bằng một tình yêu chân thành và vô vị lợi; và chúng ta tha thứ một cách cũng rất tự nhiên. Chẳng cần phải nỗ lực, phấn đấu gì, chúng ta cũng có thể yêu thương và tha thứ”. Thế rồi khi lớn lên, được học hành, được dạy dỗ và tích lũy được một chút “vốn” kiến thức chúng ta lại có cách ứng xử khác. Chúng ta trở thành những con người ít nghe, nhanh giận, lâu tha thứ và nuôi hận thù. Nếu chúng ta có thể thực hiện được việc yêu thương và tha thứ thì cũng phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều.

Chúng ta có thể trở lại tình trạng đơn sơ, ngay lành và chân thực của con người mình; trở lại với tình yêu, trở về với khả năng yêu thương, lòng quảng đại, bao dung và tha thứ vốn có của chúng ta. Để được như vậy, chúng ta hãy cố gắng lau sạch những oán hờn, phẫn nộ, bất mãn khỏi con người và cuộc đời mình.

Trong cuộc sống, mọi sự đều liên tục xảy ra, những hiểu lầm và xung đột có thể và vẫn thường xảy ra. Chính vì vậy, chúng ta hãy mở rộng lòng mình ra, rộng mở trái tim mình ngay bây giờ và trao gửi tình yêu, lòng quảng đại đến tất cả mọi người. Chúng ta hãy tha thứ và học cách tha thứ vì tất cả mọi sự tha thứ giữa con người với nhau đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Sở dĩ, con người có thể tha thứ cho nhau được là vì Thiên Chúa đã tha thứ cho con người và chính Thiên Chúa cũng dạy và muốn con người tha thứ cho nhau. Nhìn từ một khía cạnh nào đó, tha thứ chính là biểu đạt của tình thương yêu. Tha thứ là chấp nhận tình yêu. Trước hết, tha thứ là yêu thương chính mình. Sau nữa, tha thứ là yêu thương người được tha thứ. Chúng ta hãy gửi trao tình yêu trong trái tim đến với chính mình. Tình yêu chính là con người, là bản chất của chúng ta. Hãy để cho tình yêu được phát tỏa, được hoạt động theo trái tim đầy yêu thương.

Trong một bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu nguyện: ‘Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con’. Đây là một phương trình phải luôn đi đôi với nhau. Nếu bạn không thể tha thứ, thì làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ cho bạn? Ngài muốn tha thứ cho bạn, nhưng nếu bạn đóng cửa lòng, thì lòng thương xót không thể bước vào. Có người sẽ hỏi rằng: ‘Thưa cha, con tha thứ nhưng con chẳng thể quên được điều tồi tệ mà người đó làm cho con…’. Đây lại là một vấn đề khác. ‘Hãy khẩn cầu Thiên Chúa để Ngài giúp bạn quên điều đó đi.’ Thật vậy, người ta có thể tha thứ nhưng để quên đi lỗi lầm thì không luôn luôn thành công. Đôi khi chúng ta nói rằng tôi tha thứ cho bạn nhưng thật ra ý tôi là muốn bắt đền bạn; bạn phải trả giá. Tha thứ kiểu này thật sự không được. Hãy tha thứ như Thiên Chúa tha thứ: đó là tha thứ đến tận cùng.” (nguồn Internet)

Hãy tha thứ! Ta sẽ được chữa lành mọi vết thương và một khi mọi vết thương được chữa lành thì chúng ta sẽ hạnh phúc. Hơn nữa, tha thứ chính là một trong những cách tốt nhất chứng tỏ tình yêu thương đối với chính mình và với người khác; là lòng quảng đại với bản thân và với tha nhân.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Thanh, SVD

Bài trướcĐức Tin và Văn Hóa
Bài tiếp theoGặp mặt Giáo viên Công giáo Đà Nẵng, nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11-2016

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.