Đức Tin và Văn Hóa

0
1453

(hình ảnh này mang tính minh họa cho chủ đề: Đức tin và Văn hóa)

Một chút suy tư với câu  hỏi nhận được: “Theo bạn, văn hóa là gì? Quan niệm văn hóa là thành quả sáng tạo của con người và con người là sản phẩm của văn hóa có mâu thuẫn gì với đức tin của người Công giáo coi loài người là tạo vật của Thiên Chúa không? Hãy trình bày quan điểm của mình.”

            Có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa, mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Nhưng có thể nói văn hóa là một phạm trù rộng lớn, ta có thể thấy được điều đó qua định nghĩa của các tổ chức và cá nhân khác nhau.

            UNESCO định nghĩa: Văn hoá nên được xem là tập hợp các đặc trưng tinh thần, vật chất, trí tuệ và cảm xúc riêng biệt của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội, và ngoài văn học và nghệ thuật, nó bao gồm lối sống, cách chung sống, hệ giá trị, truyền thống và đức tin.[1]

            Giáo hội Công giáo cũng đã đưa ra định nghĩa về văn hóa riêng của mình qua thánh Công đồng Vatican 2: “Văn hóa là tất cả những gì con người dùng để trao đổi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; cố gắng chế ngự cả trái đất bằng trí thức và lao động; làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình cũng như đời sống chính trị trở thành nhân đạo hơn, nhờ sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau hết, diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của các thời đại, để giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn”[2].

            Bản thân tôi cũng được học môn Văn hóa học với hai giáo sư khác nhau là Gs. Trần Ngọc Thêm, khi tôi học ở đại học Nhân Văn và Ts. Trần Ngọc Khánh khi học ở học viện Đa Minh. Cả hai người đều là những chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa, và họ cũng đưa ra những định nghĩa khác nhau: Gs. Trần Ngọc Thêm cho rằng: “văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn[3]. Ts. Trần Ngọc Khánh cho rằng: “văn hóa là quá trình: con người vừa là chủ thể sáng tạo, đối tượng tiêu dùng vừa là sản phẩm văn hóa”[4].

            Qua một số định nghĩa như vậy để ta có thể thấy một cái nhìn khách quan về văn hóa. Và chúng ta có thể thấy, dù có điểm giống và khác nhau trong cách định nghĩa giữa các cá nhân hay tập thể nhưng tựu chung lại con người luôn có vai trò là trung tâm hay chủ thể trong các định nghĩa ấy.

            Cá nhân tôi cho rằng, văn hóa là một tổng thể có liên kết những giá trị vật chất và tinh thần mang tính tích cực cũng như tiêu cực mà con người sáng tạo nên theo dòng thời gian. Trong đó, cả  con người và văn hóa tương tác với nhau một cách sâu sắc và phát triển không ngừng. 

            Quan niệm văn hóa là thành quả sáng tạo của con người và con người là sản phẩm của văn hóa theo tôi không có gì là mâu thuẫn với đức tin của người Công giáo nếu họ nhìn nhận vấn đề theo đức tin của mình. Theo Kinh Thánh, khi sáng tạo muôn loài trong bảy ngày, thì con người là sản phẩm được Thiên Chúa yêu thương hơn cả, Ngài ban cho họ làm chủ công trình mà Ngài đã sáng tạo, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa[5]. Và để con người cộng tác vào công trình của mình, Thiên Chúa đã cho con người quyền tạo ra những thứ phục vụ cuộc sống của mình từ những thứ Ngài đã ban. Ngay cả khi con người sa ngã, bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng, Ngài vẫn cho họ khả năng lao động để tạo ra những thứ nuôi sống mình nhưng một cách vất vả hơn[6].

            Và như chúng ta đã thấy, theo dòng thời gian, con người đã tạo ra đủ thứ từ thô sơ cho đến hiện đại như ngày nay để phục vụ cuộc sống của mình một cách tốt hơn. Và những thành quả ấy được ghi nhớ, đánh dấu qua từng thời đại và nơi chốn mà họ đã sống và phát triển. Chính những thành quả, giá trị ấy tạo nên các  nền văn hóa phong phú khác nhau khắp nơi trên trái đất mà chúng ta đã, đang và sẽ khám phá theo dòng thời gian. Như vậy, sự phát triển của con người chính là thước đo sự phát triển văn hóa và sự phát triển văn hóa cũng phụ thuộc vào sự phát triển con người. Nên nói văn hóa là thành quả sáng tạo của con người cũng là một điều hợp lý theo cái nhìn của đức tin người Công giáo vì chính Thiên Chúa đã trao ban cho con người khả năng ấy ngay từ khi Ngài mới tạo dựng nên họ.

            Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường nghe những câu như, “ con người nào thì văn hóa ấy, hay văn hóa nào thì sinh ra con người ấy…”. Đó không chỉ đơn thuần là những câu nói vui nhưng là những nhận xét mang tính triết lý trong đời sống thường ngày mà ông cha ta rút ra được từ kinh nghiệm cuộc sống thực tiễn. Và điều đó chúng ta có thể thấy rất đúng với thực tế, khi nghe giọng nói, nhìn cách nói chuyện, cách ăn mặc hay làm việc của một người chúng ta có thể biết họ đến từ đâu, thuộc vùng văn hóa nào. Và điều đó không chỉ đúng với người Việt Nam chúng ta mà trên thế giới cũng vậy. Không phải tự nhiên mà ta nghe những bình luận như; người Pháp và người Ý thì lãng mãn, người Anh thì lịch thiệp…Đó chính là những nét văn hóa mang đặc tính riêng từng vùng và chính nó hình thành nên những con người mang bản sắc của chính nó. Và nếu người Công giáo để ý thì theo Kinh Thánh, chính Thiên Chúa đã tạo nên những con người khác nhau, mang tiếng nói và văn hóa khác nhau khi Ngài ngăn cản họ xây dựng tháp Baben: “ Nào! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa. Thế là Đức Chúa phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất…”[7]. Nên theo đức tin của người Công giáo, con người là một sản phẩm của văn hóa cũng là xuất phát từ ý định của Thiên Chúa ngay từ đầu khi Ngài muốn làm cho họ bỏ đi tính kiêu ngạo của mình.

            Văn hóa là một phạm trù rộng lớn mang tính phổ quát, nó bao hàm hầu như tất cả những giá trị liên quan đến cuộc sống của con người. Và con người cũng không nằm ngoài quy luật là một phạm trù con thuộc phạm trù văn hóa. Nhưng con người tồn tại trong phạm trù văn hóa với một vị thế đặc biệt, là trung tâm, là hạt nhân để vận hành văn hóa. Nó giống như cái trục để giữ cho trái đất tự quay quanh chính mình. Con người cũng chính là cái trục cần thiết để văn hóa được vận hành và tồn tại. Vì vậy nếu không có con người thì không có văn hóa. Nhưng con người cũng phụ thuộc vào văn hóa để tồn tại và phát triển những nét vốn có của mình, nó giống như một loại văn hóa cộng sinh, anh cần tôi để sống và tôi cũng cần anh để sống. Nên khi con người sinh sản để phát triển và duy trì nòi giống thì cũng xem như là một sản phẩm của văn hóa được tạo ra để duy trì những gì vốn có của mình. Như vậy, con người là sản phẩm của văn hóa, một sản phẩm vừa mang tính vật chất vừa phi vật chất.

            Mỗi người một cách nhìn nhận riêng, suy nghĩ riêng tùy theo niềm tin hay quan điểm của mình, điều đó làm cho cuộc sống này thêm thú vị và phong phú. Cá nhân tôi, một người theo đạo từ nhỏ và bây giờ tiếp bước các Tông đồ trên con đường dâng hiến và phục vụ Thiên Chúa. Tôi cho rằng tất cả đều là hồng ân, sự quan phòng của Thiên  Chúa thông qua bàn tay của con người, là loài Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài và ban cho nhiều ân huệ. Cách này hay cách khác, Chúa đang tiếp tục viết câu chuyện tạo dựng của mình nơi trần thế, và tác phẩm đang càng ngày càng hoàn thiện. Chúng ta là một thụ tạo đặc biệt được cộng tác vào công trình ấy, và tôi nghĩ chúng ta như chiếc bút trong tay người thợ vẽ là Thiên Chúa, Thiên Chúa có thể tạo nên mọi sự nhưng Ngài cũng cần một chiếc bút để vẽ ra ý tưởng và tác phẩm của mình.

                                                                                                                        Tu sĩ Phaolô Quên Lãng, SVD

                [1] vi.wikipedia.org/wiki/Văn_hóa ( năm đưa ra định nghĩa: 2002 ).

                [2] Công đồng Vatican 2, “ Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay” , số 65.

                [3] Gs. Trần  Ngọc Thêm, “Cơ sở văn hóa Việt Nam” (Tp. HCM: Giáo Dục, 2000 ), tr. 10.

                [4] Ts. Trần Ngọc Khánh, “Bài giảng tại lớp Triết 1” (Tp. HCM: Trung tâm Học vấn Đa Minh, 2016).

                [5] X. St 1, 1-31. Tv 8, 6-9.

                [6] X. St 3, 17-19.

                [7] St. 11, 7-8.

Bài trướcVideo Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong 17 Hồng Y mới
Bài tiếp theoGiá trị và sức mạnh của sự tha thứ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.