… có biết tôi là ai không?

0
437

                                                              Tác giả: Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Con gà hay quả trứng …

Coi trọng thành tích quá, đến mức chịu lệ thuộc vào đó như mắc phải một thứ bệnh nan y khó chữa. Đó là một đề tài lớn hiện nay trong xã hội chúng ta. Trong thực tế, không chỉ một nhóm người mà mọi tầng lớp đều vướng phải chứng bệnh này. Phải ví nó như một chứng nghiện thì đúng hơn. Vì để thỏa đáp sự đòi hỏi to lớn đó, người ta bằng lòng với cả những “hàng đểu” và các giải pháp phi pháp phi đạo đức. Một số lượng đáng kể giấy khen và bằng cấp với nhãn “Chất lượng cao” (dù không có thực chất) được đều đặn “thiết kế” ngay tại những nơi được chờ đợi “dạy thật, học thật, thi thật”. Có nhiều điều đã được nghĩ, nhiều chữ được viết, nhiều lời được nói nhằm truy tìm nguyên nhân và đưa ra các đề nghị thay đổi. Dù vậy, hiện trạng là vẫn dẫm chân tại chỗ[1].

Gọi là “bệnh” nghe như một số phận phải chịu. Ai muốn tồn tại trong hệ thống/cơ chế thì phải chịu mang bệnh. Không có chọn lựa khác. Một con sâu không thể đòi phải nấu lại cả nồi canh! Rầu rĩ than van hay rút kinh nghiệm mãi rồi cũng thế thôi. Nhưng chính cách gọi hiện tượng đó là “bệnh” chỉ cho một hướng đi khác. Bệnh nhắc rằng: những gì tỏ hiện bên ngoài chỉ là triệu chứng, tìm nguyên nhân phải đi vào bên trong con người. Chúng ta cần đến các nhà phân tâm học trong trường hợp này, với hi vọng họ đặt tên được các căn nguyên và phác họa các phương cách chữa trị.

Có một đóng góp của hai chuyên gia tâm lý cao cấp, cho rằng các “căn nguyên cơ bản” của bệnh thành tích trong giáo dục đến từ: áp lực trường chuẩn, áp lực thi đua, tính háo danh và thói ghen ăn tức ở[2]. Thật lòng mà nói, thẩm định này và các giải pháp được đề nghị của họ chỉ lập lại những điều đã được biết, không gợi ý gì thêm từ hiểu biết chuyên ngành. Nhìn từ chiều kích tâm lý thì những điều được họ đặt tên chưa là những “căn nguyên cơ bản” như họ nói. Vì nằm sau tính háo danh, được ủng hộ qua các cơ chế cổ xúy việc lập thành tích (trường chuyên) và làm tăng tính ghen tương (thi đua), là những nhu cầu tự nhiên thuộc bản chất con người. Đó là ước muốn được công nhận, được ngưỡng mộ và được yêu mến. Những con người với các nhu cầu đó hoặc đã tạo nên hoặc (phải) duy trì các cơ chế thi đua lập thành tích, nghĩa là khuyến khích việc phân loại, gây áp lực và lối suy nghĩ ăn thua. Và rồi các cơ cấu này tác động ngược lại trên con người sống trong đó. Có qua có lại vậy. Đáng để ý cho chúng ta ở đây là cái nhìn của niềm tin về tính háo danh, bệnh thành tích và các hệ quả tiêu cực của nó cho con người và cho cộng đoàn. Câu chuyện chọn lựa người và lí do “giảm biên chế” của Thiên Chúa trong sách các Vua (1 V 7,1-8) là một khởi điểm suy tư đáng được để ý đến.  

Chính tay tôi đã cứu lấy tôi!

Photo: agreatdream.com

Thực tế là con người thì ai cũng khao khát, chờ đợi và cố gắng tìm kiếm sự công nhận. Được chấp nhận và qua đó thuộc về một nhóm một cộng đoàn, là một nhu cầu tự nhiên cần phải được thỏa đáp để có thể sống bình an, hạnh phúc. Lòng tự trọng thúc đẩy con người oằn mình tìm danh giá. Con người chịu đau đớn khi lòng tự trọng bị gây tổn thương, thí dụ qua sự thờ ơ lãnh đạm, chối từ, hạ nhục, hay vì mất khả năng tự chăm sóc mình cách thích hợp – như khi bị nghiện ngập.

Khi tầm nhìn của một người chỉ giới hạn ở thế giới này, bởi không tin hay quên mất có một thế giới khác bên kia cái chết, thì việc tìm danh giá ở đây giống như một cuộc chiến quyết liệt, một mất một còn. Đối với những người này thì đó là cơ hội duy nhất để trở nên bất tử. Tức là họ muốn đi vào lịch sử qua những sự nghiệp to lớn của mình. Họ ước ao sống mãi trong những gì họ làm ở đây, bất kể là các công trình đó tốt hay xấu, có ích lợi chung hay chỉ là sự phung phí và phá hoại. Sự tàn bạo dã man của nhiều nhà độc tài trong mọi thời chỉ có thể giải thích như vậy.  

Vậy, tính háo danh – có khi được hiểu như là tham vọng vượt mức, hay được nhìn như là hình thức thăng hoa của việc ham chức quyền – cuối cùng xuất phát từ ý thức phải chết của con người, cũng như từ sự sợ hãi sẽ biến mất qua cái chết và trở nên vô nghĩa. Tôi phải là ai đó, chứ không chỉ là một kẻ tầm thường: phải là anh hùng – hình ảnh con người lí tưởng của thời chiến; là đại gia – hình ảnh con người được đeo đuổi của thời tham nhũng; muốn là “sao” với nhiều fans nhiều likes trong thời sống ảo. Hay ít cũng phải là một người có nhiều bằng cấp, dù không hiếu học. Là người có chức quyền, sở hữu cổ phần trong các cơ sở kinh doanh, dù không có tài cáng và vốn liếng.

Có thời người ta đã nỗ lực tự tạo danh theo một chủ nghĩa: xây dựng một mẫu người không thần thánh, phi truyền thống, và trong một bối cảnh rất bất lợi bởi chiến tranh và nghèo khổ. Kết quả là họ phải làm kinh nghiệm như những con người muốn tự “làm cho danh mình lẫy lừng” (St 11,4), bằng việc xây một tháp cao chọc trời: Họ đã phải tan tác vì không ai hiểu ai nữa. Trong khi đó, căn tính của con người được hình thành một phần là nhờ sự cộng tác và phản hồi chân thành, nhờ hiểu nhau tin nhau. Thiếu các tương quan, việc trao đổi và sự chấp nhận từ đồng loại, thì tôi đúng “không là ai” cả[3]. Và đây là nỗi lo lắng lớn nhất cho những con người nuôi tham vọng định nghĩa mình không cần Trời.

Chấp nhận dùng những thành tích không thật để tự khẳng định mình cho thấy mức độ sợ hãi của họ. Thật vậy, phải thừa nhận rằng sự tồn tại của mình ở trong thế giới này là vô nghĩa vô ích, không cần thiết, thì kinh khủng hơn cả cái chết[4]. Vì thế, bằng mọi giá họ phải tự tạo một căn tính, cho dù hở trước hở sau và không bền như lớp lá được kết lại để che thân của Ađam và Evà. Hai con người

đầu tiên này cũng đã ước mơ tự tạo danh tiếng qua việc tìm quyền lực ngang bằng với Thiên Chúa.

Các kinh nghiệm của con người trong Kinh Thánh trình bày chân lý: những gì chúng ta đang trải nghiệm không là chuyện mới lạ, vì chúng thuộc bản tính con người. Chuyện cũ như trái đất! Con người luôn bị cám dỗ muốn “làm Trời”, và vì vậy họ luôn tìm cách gạt Thiên Chúa sang một bên. Điều này cũng có nghĩa là kẻ háo danh luôn tìm cách mở rộng không gian được công nhận, tốt nhất là trên mọi người. Nó ước ao được mọi người biết đến và quý mến, và qua đó nắm sự thống trị tinh thần trên họ. Nỗ lực này luôn kết thúc ở thất bại với cái giá rất đắt mà đồng loại phải trả, là: phải sống trong gian dối, lừa đảo, bị trói buộc trong những ảo ảnh và những chờ đợi quá sức không thể thực hiện.  

Khi Thiên Chúa bị loại ra khỏi tầm nhìn, thì “phần hồn” bị lãng quên; con người duy vật sống và định hướng đời mình theo vật chất bên ngoài – dựa theo các lí tưởng của chủ nghĩa và của những “giá trị đạo đức” thời chiến. Những người này rơi vào một khủng hoảng căn tính, khi các điều kiện sống (phải) thay đổi hoàn toàn. Câu hỏi là lấy gì lấp vào chỗ trống mới hình thành đó? Đào luyện tâm hồn theo những giá trị từ Trời là cái thiếu gần cả thế kỷ, và đã biến con người trở nên những tạo vật “thiếu nhân bản”. Mối lo lắng rằng tương lai sẽ không thiếu những người “vô cảm, phi nhân tính, phi mỹ học”, vì thiếu hẳn việc “chăm sóc tốt về tâm hồn”[5] trong giáo dục gia đình, là một dự đoán có cơ sở.

Loay hoay giữa chốn một mình …

Gậy ông đập lưng ông là hình ảnh mô tả bệnh thành tích ở mọi tầng mọi lớp. Sự sụp đổ và mất giá trị của cấu trúc thế giới hoang tưởng để lại một lỗ hổng, buộc những con người nuôi tham vọng làm trời phải bắt lại từ đầu. Cơn sốt của bệnh thành tích có một thời gian ủ bệnh khá dài. Vấn đề là tìm ở đâu ra căn tính khi nó bị xóa bỏ một cách có hệ thống từ nhiều thập kỷ? Nhận ra mình trần truồng, chứ không là những “siêu nhân” (F. Nietzsche) thì phải lo tìm lối đi tắt kiếm chút gì che thân – như Ađam và Evà sau khi ăn trái cấm mà không trở nên “ông bà Trời“. Đó là một phản ứng tự nhiên và cần thiết do biết hổ thẹn về mình.

Nhìn quanh thế giới, những người này nhận ra những thua kém lớn của mình. Nhận thức này tạo thêm áp lực tìm danh bằng mọi giá để cho bằng chị bằng em, bất chấp mọi quy ước và rào cản. Các giá trị vật chất là đối tượng được những con người duy vật truy tìm, và biến cả các lối tâm linh vừa được tìm lại thành những cơ hội kiếm tiền cũng như để tự vinh danh. Các thành tích là cái để chứng minh rằng “Tôi là ai”, chứ không chỉ là một anh hùng được in trong sách vở. “Mày có biết tao là ai không?” là câu hỏi ưa được đặt bởi những con người -căn tính mà có nhiều thành tích, khi họ có cảm giác không được tôn trọng tương xứng. Thành tích phục vụ sự khẳng định liên lỉ, rằng tôi đáng được trọng vọng và sự hiện diện của tôi là cần thiết cho sự tồn vinh của thế giới này. Rằng không có tôi thì chợ buộc phải vắng người! Như vậy, để có chút tự trọng tôi phải làm một việc phi-tự trọng, là đồng ý sử dụng các thành tích không thật. Cũng vì việc phòng ngừa bệnh đòi hỏi tầm nhìn xa và đầu tư dài lâu, sự khiêm nhường, chân thật và kiên nhẫn. Loay hoay xoay xở là việc còn lại duy nhất họ có thể làm, khi không thể có nhanh được cái thật.●

Chú thích

[1] “Bệnh thành tích đã và đang là một thực trạng đáng buồn của ngành giáo dục nước ta. Bởi kể từ năm 2006, ngành giáo dục đã chính thức đứng ra phát động cuộc vận động ‘Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục’ nhưng tính đến nay đã hơn 14 năm, căn bệnh này vẫn chưa thuyên giảm bao nhiêu.” SGGPO Chủ Nhật, 3/1/2021.

[2] Bệnh thành tích trong giáo dục gây ra những hậu quả gì?, trong: Dântrí-online 13/09/2020. Nội dung được trích dẫn từ tham luận gửi tới Hội thảo khoa học tại Hà Nội trước đó của TS Tạ Quang Đàm & Th.S Đỗ Thị Minh Nguyệt, Chủ nhiệm khoa Tâm lý, Học viện Chính trị, có tên là: “Thực trạng bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay: Giải pháp ngăn chặn, đi đến xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục.”

[3] Xem chuyện đời người thu thuế tên Giakêu.

[4] Chuyện Cain giết Aben, em mình.

[5] Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều: “Mất 1 mùa văn hóa, mất 9 mùa người”, trong: Tuổitrẻ-online 25/03/2021.

_____________________________________________________

Đăng ngày 4/5/2020

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật IV Phục Sinh năm C (Ga 10,27-30)
Bài tiếp theoNIỀM HY VỌNG – SỐNG VĨNH CỬU (Chúa Nhật IV PS, Chúa Chiên Lành, Năm C)