Thực Tập Mục Vụ

0
432

Thầy Gioan Trần Văn Vinh – Học viện Ngôi Lời

Thực tập mục vụ là quảng thời gian quý báu đối với mỗi thực tập sinh. Khoảng thời gian để các chủng sinh được trải nghiệm thực tế và trưởng thành. Dù ít hay nhiều để lại cho mỗi người những cảm nghiệm và kỷ niệm khó quên. Tôi may mắn thực hiện bài sai thực tập ở Paraguay, một vùng đất ngoại biên xa xôi.

Paraguay, thủ đô là Asuncion, một nước Công giáo, thuộc khu vực Nam Mỹ với tổng dân số khoảng 7 triệu người. Nó tiếp giáp với Argentina ở phía Nam và Tây Nam, Tây Bắc giáp Bolivia và Đông Bắc giáp Brazil. Địa hình tương đối bằng phẳng, sông Paraguay chia đất nước thành hai phần; phía đông gồm các vùng đồng bằng và đồi núi thấp, khí hậu ôn hòa thuận lợi cho dân cư sinh sống. Phía tây là thảo nguyên Chaco, vùng sa mạc, khí hậu nắng nóng khắc nghiệt, dân cư thưa thớt.

Tôi cùng một anh em khác đến Paraguay lúc nửa đêm, một ngày giữa tháng 9. Lúc này ở Paraguay là mùa xuân, thời tiết lạnh. Chúng tôi được cha giám tỉnh và hai cha người Việt Nam đón. Quảng đường từ sân bay về tỉnh dòng ánh đèn lấp loáng, hai bên đường cây xanh hoa nở lưa thưa, không nhiều không đẹp như đường phố Việt Nam. Chúng tôi được đưa về cộng đoàn tỉnh dòng nghỉ ngơi. Tỉnh dòng Paraguay là một cộng đoàn đa văn hóa. Thành viên là các cha, các thầy đến từ nhiều nước như: Paraguay, Đức, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Argentina, Ba Lan, Ghana, Zambawe. Ba ngày sau, chúng tôi được gửi đến cộng đoàn thỉnh sinh gần đó để học tiếng Tây Ban Nha. Cộng đoàn này gồm hai cha, năm em thỉnh sinh cộng với anh em chúng tôi nữa là chín thành viên. Dù xa lạ nhưng tôi hòa nhập nhanh với anh em. Tôi chủ động bắt chuyện, gợi mở những câu hỏi về đất nước, con người họ hoặc kể về Việt Nam. Sau ba tháng học tiếng, chúng tôi nhận bài sai ra giáo xứ thực tập. Trước lúc thực hiện bài sai, chúng tôi gồm: các cha trẻ, anh em OTP, thỉnh sinh, đệ tử chia thành nhóm mỗi nhóm hai người phụ trách hai giao điểm khác nhau. Công việc của chúng tôi là vào từng gia đình; thăm hỏi sức khỏe, đọc một đoạn Tin Mừng và cầu nguyện với họ. Bất kể gia đình đó là Công giáo hay không, chúng tôi đều ghé thăm cả. Tôi gặp một vài khó khăn trong việc đàm thoại với người dân, vì họ chủ yếu nói tiếng Guarani. Tôi luôn phải nhờ em thỉnh sinh giải thích giúp. Thực phẩm của họ cũng khó ăn hơn của người ở thành thị. Tôi vui mừng vì nhiều gia đình mời tôi dùng bữa chung với họ nhưng nhiều lần tôi bị đau bụng vì món ăn họ đãi. Vì tôn trọng họ, muốn họ vui, nên dù biết ăn vào sẽ đau bụng nhưng tôi vẫn ăn chung với họ.

Sau thời gian này, tôi thực hiện bài sai của mình tại Santa Fe, một giáo xứ vùng ven, tiếp giáp với Brazil. Cha xứ là người Indonesia coi sóc khoảng 2000 giáo dân, phần lớn là dân nhập cư từ Brazil. Họ sống tập trung thành từng làng hoặc từng nhóm nhỏ. Người dân chủ yếu làm nghề trồng trọt, canh tác hoa màu như ngô, sắn, đậu tương trên những cánh đồng rất rộng lớn. Mỗi gia đình sở hữu từ vài chục đến vài trăm ngàn mẫu đất là bình thường. Phần lớn dân nhập cư Brazil sở hữu nhiều đất đai và giàu có. Dân bản địa Paraguay chủ yếu làm thuê mướn và có cuộc sống giản tiện hơn. Thoạt nhìn ngôi nhà có thể phân biệt gia đình đó là kiều bào Brazil hay người bản xứ. Giáo dân trong xứ rất vui mừng vì có một thành viên mới. Tôi thường thăm viếng các gia đình trong xứ vào buổi chiều, vừa để thực tập ngôn ngữ, vừa tìm hiểu gia cảnh, đời sống đạo, văn hóa của người dân nơi đây. Vì họ là kiều bào Brazil được sinh ra và lớn lên ở Paraguay nên họ có thể nói ba thứ tiếng khác nhau: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Guarani. Những người trung tuổi nói chuyện với giọng điệu khó nghe hơn so với giới trẻ. Tôi được họ dạy làm bánh Chipa, một loại thức ăn phổ biến ở Paraguay. Đi tham dự thánh lễ, rước thánh giá hay đồng hành dạy giáo lý với giáo dân ở giáo điểm xa giáo xứ làm tôi thực sự xúc động. giáo dân ít đi lễ những hễ ai tham dự thì rất sốt sắng. Tôi dành thời gian vận động giáo dân tham dự lễ, xưng tội. Đồng thời tôi tìm kiếm các bạn thanh thiếu niên gia nhập ca đoàn, nhóm giúp lễ. Trong các buổi sinh hoạt chung, tôi giúp họ hiểu hơn về tầm quan trọng của thánh lễ, của một ca viên, một lễ sinh. Thỉnh thoảng tôi dành một ít tiền túi mua quà bánh, nhu yếu phẩm như bột sắn, gạo, dầu để thăm hỏi những gia cảnh khó khăn quanh xứ. Cởi mở, thân thiện và lạc quan là cảm nhận đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với họ. Dù nghèo hay giàu, người bản địa hay kiều bào, họ sống rất vui tươi và đầy năng lượng tích cực. Trên khuôn mặt họ không hề xuất hiện nếp nhăn của lo lắng, toan tính. Họ không mảy may suy nghĩ được thua, thiệt hơn. Mỗi lúc gặp gở, họ chào hỏi nhau nồng nhiệt. Nếu là thân quen thì ôm áp má, nếu là xa lạ thì tay bắt mặt mừng. Cuộc sống ở nơi này khá bình an, hạnh phúc.

Tuy nhiên, cuộc sống thường nhật của họ hạnh phúc, vui tươi bao nhiêu thì đời sống đức tin ảm đạm, phức tạp bấy nhiêu. Giáo dân ở đây thích bóng đá, ca nhạc hơn là tham dự thánh lễ. Kiến thức giáo lý cơ bản của giáo dân còn nhiều hạn chế và bất cập, đặc biệt là giáo dân ở cách xa giáo xứ, không được tham dự thánh lễ, lắng nghe giáo lý thường xuyên. Hôn nhân gia đình là một vấn đề thách thức và nhức nhối đối với giáo hội Paraguay. Nhiều cặp vợ chồng Công giáo ly hôn và tái hôn một cách tự nhiên. Nam nữ ăn ở với nhau, sinh con đẻ cái nhưng không làm phép cưới. Tôi tham dự nhiều lễ cưới cô dâu và chú rễ tay dắt mấy đứa con theo. Tình trạng các bạn trẻ chung sống với nhau như vợ chồng là chuyện bình thường ở giáo xứ tôi mục vụ, thậm chí họ là giáo lý viên, những người được học giáo lý đàng hoàng. Có nhiều đứa trẻ sinh ra mà không biết cha mình là ai hay mẹ mình là người nào, thậm chí có những cô gái có nhiều con và mỗi đứa con là một người bố khác nhau. Tôi hỏi một số người lớn tuổi (các sơ, ông bà, những người thường xuyên tham dự nhà thờ) rằng: tại sao tình trạng ly hôn, tái hôn không theo luật Giáo Hội, nam nữ sống chung chạ lại nhiều như vậy? Tôi nhận được câu trả lời đại loại như họ thích như vậy hay đó như là một nét “văn hóa” ở nơi này rồi.

Qua một khoảng thời gian ngắn mục vụ ở một đất nước ngoại biên, tôi cảm nhận rằng công việc truyền giáo một chút ‘chạm’ vào lòng tôi. Tôi hiểu hơn về đời sống cộng đoàn “nhất tâm đa diện”. Cộng đoàn đa văn hóa, chủng tộc, ngôn ngữ, màu da, khác biệt về tính cách nhưng anh em sống chung một nhà và cùng một chí hướng. Tôi hiểu hơn về sứ vụ truyền giáo một cách thực tế. Mặc dù đã đọc, tìm hiểu qua sách vở hay được học hỏi về truyền giáo trước khi đi mục vụ, nhưng công việc thực tế vất vả hơn tôi tưởng rất nhiều. Ngôn ngữ là cái khó trước nhất. Tôi được học tiếng Tây Ban Nha. Tuy nhiên, nơi tôi thực tập lại là một giáo xứ kiều bào người Brazil nói tiếng Bồ Đào Nha lẫn Guarani. Người dân phát âm hỗn tạp, không rõ ràng nên cái khó lại tăng lên. Khó khăn thứ hai là thức ăn. Thực phẩm chủ yếu của họ là sắn, bột ngô. Mỗi bữa ăn của họ luôn có khoai mì luộc, dù gia đình đó giàu hay nghèo. Tôi luôn được mời dùng bữa với khoai mì luộc, các loại bánh làm từ bột ngô có tên gọi là chipa (nướng chín rất cứng) và paraguaya (mềm). Tâm trạng cô đơn nhớ nhà làm tôi chia trí. Thời gian bố tôi bệnh nặng rồi qua đời, tôi không về chịu tang được là lúc tôi đau buồn nhất.

Con đường truyền giáo thật khó khăn trắc trở. Nhưng nó giúp tôi trưởng thành hơn trong ơn gọi và vững vàng trong tương quan với Chúa. Và cầu nguyện là hành động đầu tiên tôi làm để vượt qua những thách đố này. Việc giữ đời sống nội tâm, tương quan mật thiết với Chúa luôn quan trọng nhất. Một giây phút thinh lặng suy niệm trong nhà nguyện, một khoảng thời gian nhất định trong ngày để lần hạt, nó giúp tôi vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn. Lúc học hành mệt mỏi hay khi buồn bã, tôi xem các bộ phim truyền giáo như “the mission”, “the silence” hay nhớ lại những câu chuyện truyền giáo của cha Ngô Phúc Hậu, của làng Buôn Hồ. Từ đây tôi có thêm động lực, xốc lại tinh thần chịu khó dấn thân. Còn nữa, anh em Việt Nam trong tỉnh dòng cũng động viên nhau, chia sẻ những câu chuyện nơi mục vụ để vơi bớt nổi buồn.

Thời gian thực tập mục vụ tuy ngắn nhưng đọng lại trong tôi kỷ niệm buồn vui. Tôi được trải nghiệm thực tế đời sống truyền giáo ở một đất nước xa lạ, văn hóa khác hẳn Việt Nam. Tôi chạm mặt và cảm nghiệm một chút nào đó những khó khăn thử thách mà một nhà truyền giáo phải trải qua. Đúng thật là đi thì mới hiểu. Tôi động lòng, cảm thương các cha, các thầy, những nhà truyền giáo lâu năm ở đây. Trở về Việt Nam, lòng tôi vẫn quyến luyến về một vùng đất ngoại biên xa xôi. Vùng đất thiếu mục tử rao giảng Tin Mừng. Nơi đó vẫn còn nhiều người thèm được nghe Lời Chúa, được học giáo lý Hội Thánh. Tôi ước Giáo Hội ngày càng có nhiều ơn gọi tông đồ. Tôi mong muốn trở thành một nhà truyền giáo có lòng nhiệt tâm, tận tụy trong việc truyền giáo.

Bài trướcThứ Sáu tuần IV thường niên B
Bài tiếp theoVỢ CHỒNG TỔNG THỐNG GHANA THAM DỰ THÁNH LỄ TẠI GX. KITÔ VUA, DÒNG NGÔI LỜI