PHẬN LỮ HÀNH

0
686

Thầy Giuse Nguyễn Đình Trường – Học Viện Ngôi Lời

Con người ngày nay dường như đang quá bám chấp vào những sự đời này? Kẻ thì đang bị cuốn vào vòng xoáy của những đam mê lạc thú; người thì chạy theo chủ nghĩa hưởng thụ và đề cao tự do cá nhân nhờ những thành tựu khoa học kỹ thuật và sự ủng hộ của các phương tiện truyền thông. Thật khó để nhận ra những sự nguy hại dưới vỏ bọc “văn minh – hiện đại”. Ngay cả những người môn đệ của Chúa Kitô cũng dễ dàng rơi vào tình trạng trên mà chẳng hay biết. Cuộc sống của thế giới hiện đại khéo tạo ra những cơn cám dỗ ngọt ngào và tinh vi đến độ mê say thế gian mà quên đi điều căn cốt trong đời sống của mình. Đó thực sự là vấn nạn của thời đại. Đâu là lời giải cho vấn nạn trên?

Hãy ý thức bản thân là một người lữ khách trên trần thế

Tác giả Prashant Kakode trong cuốn sách mang tựa đề Tỉnh Thức đã viết: Chúng ta bước vào cuộc đời, khoác vào mình bộ y phục cơ thể, trang điểm bằng trang sức là những địa vị, sự sung túc hay thành công và hoá thân vào một “vai diễn”… trong một thời gian ngắn là cuộc đời. Và khi cái chết đến, nó buộc phải để mọi thứ lại đằng sau. Nói cách khác, mỗi người diễn phần vai tạm thời hay trải qua một chuyến viếng thăm ngắn ngủi đến Trái đất như một người lữ khách. Chúng ta thật sự là những người lữ hành trên hành tinh này. Thế nhưng, con người lại tưởng mình đóng vai trò vĩnh viễn trong cuộc đời này và cuối cùng, con người bắt đầu đồng hóa với những vai trò ấy. Rốt cuộc, con người cảm thấy đau khổ nếu phải từ bỏ chúng.[1]

Sau cùng, tác giả Prashant Kakode nhận định:“Con người còn luôn mãi khổ đau một khi chưa tỉnh thức.” Vậy làm sao để có thể tỉnh thức? Tác giả trả lời: “Hãy ý thức bản thân là một người lữ khách trên trần thế.”[2]

Triết gia Công giáo của thế kỷ XX, Gabriel Marcel đã viết một tác phẩm mang tựa đề Homo Viator[3] (Kẻ lữ hành). Nhan đề tác phẩm cũng đã làm toát lên được điều mà G. Marcel đã suy tư. Và ngay trong “Lời mở đầu” của tác phẩm, G. Marcel đã viết: “Có lẽ, một trật tự ổn định chỉ có thể được thiết lập trên trái đất này nếu con người luôn ý thức sâu sắc rằng họ đang trong tình trạng của người lữ hành”[4].

Một cách nào đó, câu trả lời trên của tác giả Prashant Kakode hay điều mà G. Marcel đã diễn tả cần được trân trọng đón nhận những giá trị của nó. Góc nhìn này thực sự không phải là một điều gì mới mẻ hay xa lạ với Kitô giáo. Quả thế, dưới nhãn quan Kitô giáo, cuộc đời dương thế của chúng ta thực sự là một cuộc lữ hành. Đức tin luôn nhắc nhở chúng ta ý thức chúng ta đang là người lữ hành trên đường về quê Trời, quê nhà đích thực. Chúng ta hẳn không được phép quên đi điều đó. Chúng ta phải luôn ý thức được mình đang ở đâu và đâu mới là quê nhà đích thực. Thế nhưng, sẽ chẳng có gì để nói nếu như con người cứ ngộ nhận vậy là tiến về quê Trời, trớ trêu thay khi sống giữa thế gian mà chúng ta lại nghĩ đó là mái nhà đích thực.

Vì vậy, ý thức thân phận lữ hành thật quan trọng biết bao. Chỉ khi khám phá mình thực sự chỉ là lữ khách trên dương thế này, chúng ta sẽ sống với một thái độ, một lối sống khác. Chúng ta sẽ trải nghiệm những vẻ đẹp trong sáng của muôn loài với lòng yêu mến và biết ơn. Là lữ khách, hãy cảm thấy tự do và bình an. Chúng ta có thể sử dụng và chăm sóc cho thế giới này, nhưng hãy luôn giữ ý thức không một điều gì thuộc về mình. Ta chỉ là “người được ủy quyền” đối với tất cả. Chúng ta sử dụng mọi thứ với lợi ích tối đa dựa trên nền tảng là tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Mỗi người sống và xây dựng thế giới này mà chẳng bám chấp điều gì[5]. Nhờ đó, chúng ta luôn sẵn sàng tiến bước trong “cuộc lữ”[6] này.

Vậy chúng ta sẽ sống thân phận người lữ hành thế nào?

Thân phận kẻ lữ hành nhắc nhở chúng ta không để mình rơi vào tình trạng “mê ngủ” trước những đam mê đời này. Bên cạnh đó, thân phận kẻ lữ hành cũng không cho phép chúng ta “mê ngủ” trước những chất vấn của cuộc đời. Ý thức cuộc đời dương thế này là một cuộc lữ hành về Nước Trời, nhưng chúng ta không cổ xúy cho việc xa lánh thế giới này. Cuộc sống của chúng ta phải đương đầu với những thử thách của thời đại và cả những vấn nạn của con người. Người môn đệ không thể đứng yên làm ngơ trước những điều đó. Đời sống theo Chúa Kitô không miễn trừ những lo lắng về cuộc đời, mưu sinh và những trăn trở. Thế nên, thái độ tỉnh thức không cho phép chúng ta né tránh, chạy trốn hay khép mình trước những vấn nạn của kiếp nhân sinh. Chúng ta là người lữ hành nhưng không “độc hành”, chúng ta đang tiến về quê Trời cùng với những người anh em chị xung quanh cùng thân phận như mình. Vậy làm sao chúng ta có thể “ích kỷ” với những người anh em cùng thân phận lữ hành với ta? Chúng ta nào có thể “mê ngủ” trước những khó khăn, sầu khổ của người anh em; “mê ngủ” trước những đòi hỏi của Tin Mừng phải chia sẻ bác ái với những người xung quanh; trước những đau khổ của những người đang gặp thử thách… để cứ “im im” một mình băng về quê Trời? Nhưng nào đã có ai “một mình” tiến về quê Trời?

Ở đây, chúng ta bắt gặp hình ảnh Đức Giêsu, Đấng là Thiên Chúa nhưng đã chấp nhận nhập thể để chung chia thân phận lữ hành với chúng ta. Đức Giêsu đã đến và đã chung chia thân phận với con người để cuộc lữ hành của chúng ta sẽ không còn cảm thấy bơ vơ hay đơn độc. Ngài đã thực sự lữ hành nơi dương thế này và đã trở nên mẫu gương “người lữ hành” cách trọn hảo. Nay đã về Trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha, Đức Giêsu vẫn hằng đồng hành với chúng ta bằng nhiều cách thế khác nhau như lời Ngài đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Chiêm ngắm hình ảnh Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi tiếp tục cuộc lữ hành của mình, hướng về ngày Chúa ngự đến trong quang lâm, ngày sẽ “thình lình đến như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất”(x. Lc 21, 34-35). Thế nên, “hãy tỉnh thức để luôn ý thức mình là người lữ hành trên đường về Quê Trời”.

[1] X. Dr. Prashant Kakode, Tỉnh thức, Dg: First News, Nxb  Tổng hợp Tp.HCM, tr. 36.

[2] Sđd, tr. 35.

[3] Gabriel Marcel, Homo Viator: Introduction to a Metaphysic of Hope, biên dịch Emma Craufurd, (Chicago: Henry Regnery Company, 1951).

[4] “Perhaps a stable order can only be established on earth if man always remains acutely conscious that his condition is that of a traveller”.

[5] X. Dr. Prashant Kakode, Tỉnh thức, Dg: First News, Nxb  Tổng hợp Tp.HCM, tr. 36.

[6] Nói theo kiểu của thi sĩ Bùi Giáng: Sống ở đời này như là rong chơi trong một “cuộc lữ” mênh mông.

Bài trướcDÒNG NGÔI LỜI (SVD) THAM GIA NGÀY HỘI CỔ VŨ ƠN GỌI | CHỦ ĐỀ: “HỌC CÙNG GIÊSU”
Bài tiếp theoBẮT NHỊP THỜI GIAN 2#: THIỆN TÂM