Love’s Extravagance/ Yêu thương phung phí (Mc 14,1-9)

0
721

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Hp tình hp lí?

Thánh sử Mác-cô bắt đầu tường trình về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu của ông với câu chuyện xức dầu tại Betania (Mc 14,1-19). Qua đó, ngài như muốn đặt vào tay người đọc một chìa khóa, giúp mở cửa bước vào các mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu. Phần đầu này giống như là phần “Dẫn nhập” của một cuốn sách – nghĩa là cần được đọc kỹ, hầu có thể hiểu rõ và cảm nghiệm sâu sắc hơn những gì chờ đợi mình sau đó.

Một phụ nữ mà tên tuổi quê quán không được Mác-cô nhắc đến trong Tin Mừng, cô đập bể và đổ cả chai dầu thơm đắt tiền xức trên đầu cho Đức Giêsu. Qua cử chỉ đó, cô muốn biểu lộ tình yêu thắm thiết và say đắm của mình dành cho con người sắp đi vào đoạn đường khổ hình, dẫn đến cái chết kinh khủng nhục nhã trên thập giá. Việc tỏ tình công khai của cô đã gây nên các phản ứng ngược chiều. Không phải ai cũng đồng ý và hiểu được hành vi đó – dù cô làm cho Đức Giêsu!

Giá tiền cao của chai dầu thơm và thực tế có nhiều người nghèo đã làm cho “ít người” hiện diện bực tức và khó chịu. Ba trăm quan tiền là một khoản tiền lớn, tương đương với ít là 10 ngàn USD [đô la Mỹ] thời nay. Nhìn như vậy thì đó quả là một việc làm hết sức phí phạm và không hợp lý! Vì đem dầu thơm đắt tiền như vậy mà xức trên một thân xác sẽ bị đánh nát tan, và bị đóng đinh vài ngày sau đó thì hỏi được ích lợi gì? Những kẻ biết tính toán nói thật chí lý. Như vậy, sự “phẫn uất[1]” và “gắt gỏng” với người phụ nữ là những phản ứng có thể hiểu được. Chỉ lạ là Đức Giêsu, nhân vật chính trong câu chuyện này, không đồng tình với họ, cho dù họ bênh vực một việc làm tốt – là muốn “thí cho kẻ khó” số tiền được bỏ ra cho dầu thơm. Lối suy, lời lẽ và thái độ của họ không được khen ngợi ở đây.

So đo tính toán, tiết kiệm để bố thí cho những người bần cùng thiếu thốn thì không sai. Nhưng điều cũng đúng là: cơ hội để “làm phúc” sẽ không bao giờ thiếu. Vấn đề nằm ở chỗ là người ta có chịu nhìn thấy họ quanh mình và khắp nơi trên thế giới vào mọi thời hay không thôi. Bố thí cho người nghèo trong truyền thống Do-thái mang nặng tính luật buộc. Mà thực hiện yêu thương qua bố thí luật buộc nghe cứng cỏi, thiếu sự dịu dàng và nhẹ nhàng của dầu thơm quý. Sự bực tức gắt gỏng cho thấy nơi những người nói chí lý thiếu hẳn sự vui mừng. Thiếu tình dù thừa lí.

Trái lại, vào thời Mêssia, chuẩn mực của hành động là yêu thương, chứ không còn là luật buộc. Là ý thức và nhận ra bằng con tim thời điểm có một không hai hôm nay tại đây. Lòng trắc ẩn quyết định mọi hành động chứ không là những cân nhắc tính toán khác. Ở đây, “việc nghĩa” mà người phụ nữ vô danh làm, là một nghĩa cử yêu thương của một con người. Hành động của cô ta quả là phung phí khi tính theo giá tiền phải trả cho bình dầu. Nhưng ai yêu thương chân thành thì đo đời theo một chuẩn mực khác, thì tiêu hết của mà không tính toán, không hối tiếc.

Và thực tế là không có lời biện minh, không thể bào chữa cho hành vi này. Đó chính là Đạo Chúa: sự phung phí cho một Đấng, một người từ một sự sùng kính yêu thương tinh tuyền; sự tận hiến không có gì có thể biện bạch. Tình yêu cho “Một-người” phá toang mọi bào chữa, biện bạch, mọi lãnh vực hành động công lý xã hội. Điên và quá mức như tình yêu tự nó là.

Tình yêu chân thật thì luôn phung phí (vật chất, thời gian, sức lực), vì không đong đo cân đếm và luôn sẵn sàng chịu thiệt thòi. Cũng như cha mẹ đầu tư hết tình cho cho con cái mình mà không tính tháng tính ngày, tính hao tốn bao nhiêu tiền bạc, công sức. Yêu thương với trọn con tim thì không thể hành động khác hơn. Thì cho hết bình chứ không chỉ cho vài giọt!

“Cứ để cho cô làm”, và làm “một việc nghĩa”. Đó là phản ứng của Đức Giêsu. Người trân quý việc làm của người phụ nữ, vì Người nhận ra tình yêu chân thành trọn vẹn của cô trong hành vi mà những người phản đối không hiểu. Người đồng ý với sự phung phí của người phụ nữ. Xức dầu cho thân xác sắp bị giết chết của Người lúc này là việc đáng làm, không uổng phí công sức, tiền  bạc, thời gian. Ai suy dọc theo các con số thì không nhìn ra ý nghĩa nằm đàng sau “việc nghĩa” của người phụ nữ. Ý nghĩa của mùi hương đắt tiền chỉ mặc khải cho những con người đong đời bằng thương yêu. Ngược lại, nếu chỉ nhìn thấy giá trị trong những gì cân đo được, thì không nhận ra các “việc nghĩa” không được đếm đong bằng những con số.

“Cứ để cho cô làm”

Hành động can đảm, mạnh mẽ dứt khoát và đồng thời trìu mến trong cử chỉ xức dầu của người phụ nữ vô danh, đã đánh động Đức Giêsu. Người hiểu và chấp nhận tình yêu của cô. Không ủng hộ những người nói có lý, Chúa nói với những người phản đối người phụ nữ vô danh như vậy: “Cứ để cho cô làm. Điều gì làm được thì cô đã làm.”

Tình yêu biết lúc nào cần hành động. Con tim biết nhận ra cơ hội có một không hai để làm “việc nghĩa” – việc đầy ý nghĩa và có giá trị lâu dài. Nếu là lúc cần bày tỏ tình yêu cho Đức Giêsu công khai thì đó là giờ thuận tiện. Hành động từ xác tín đó, nên người phụ nữ vô danh bất chấp các lời phê bình và sự chống đối từ dư luận. Chính Đức Giêsu đã xác nhận quyết định đó của cô là đúng. Suy đúng là tin rằng mọi cử chỉ làm từ yêu thương có sức mạnh biến đổi hơn cả kho vũ khí. Rằng chỉ một nghĩa cử, được cho là phí phạm của một phụ nữ, được nhắc từ hai ngàn năm nay, chứ không là sự tính toán của một đạo quân có quyền lực.

Vì là tình yêu, chứ không là chuyện giữ luật, nên cô đã không quan tâm đến việc đúng sai của truyền thống, của luật lệ, thói quen – dạy nhỏ vài giọt dầu chứ không đổ cả bình! Không ai hiểu, chỉ mình Chúa hiểu. Và thế là đủ cho cô! Qua đó, người phụ nữ này đã trở thành nhân chứng, vì đã sống thật, đã làm điều con tim của mình cô mách bảo, khi công khai tỏ tình mình cho Đức Giêsu qua cử chỉ gây “phẫn uất”. Và hương tình không ngừng trong phòng tiệc, vì “cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng.”

[1] Bản dịch của Nguyễn Thế Thuấn.

Bài trướcHọc hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2021
Bài tiếp theoThư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng lễ Chúa Phục sinh 2021