Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật I Mùa Chay, Năm B

0
440

BÀI ĐỌC I: St 9, 8-15

“Giao ước giữa Thiên Chúa và ông Nôe sau khi ông này được cứu khỏi nướt lụt”.

Trích sách Sáng Thế.

Đây Thiên Chúa phán cùng ông Nôe và con cái ông rằng: “Đây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi: nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa”. Và Thiên Chúa phán: “Đây là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi, và tất cả sinh vật đang ở với các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất. Khi Ta quy tụ mây lại trên trời, mống sẽ xuất hiện trên mây, và Ta sẽ nhớ lại giao ước đã ký kết giữa Ta với các ngươi và mọi sinh vật, và không khi nào nước lụt tiêu diệt mọi loài như thế nữa!”

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9

Đáp:   Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa (x. c. 10).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. – Đáp.

2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. – Đáp.

3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Pr 3, 18-22

“Hiện giờ phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em giống như thể thức ấy”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại. Với Thần Linh, Người đã đến rao giảng cho những tâm hồn bị giam cầm, cho những kẻ xưa kia có lúc không tin, đang khi lòng nhân từ Chúa còn khoan giãn lúc ông Nôe đóng tầu, nhờ đó một số ít người, gồm tất cả tám người, được cứu khỏi nước lụt. Và hiện giờ, phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em cũng giống như thể thức ấy, vì phép ấy không phải chỉ rửa sạch thân xác, mà đó là lời cầu xin Thiên Chúa ban cho một lương tâm ngay thẳng, nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa, sau khi về trời, đã bắt các thiên thần, các quyền thần và các đạo binh suy phục Người.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mc 1,12-15

Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.

Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng”.


 

Chia sẻ chủ đề

CÁM DỖ (Tu sĩ P.X. Nguyễn Trí Long, SVD)

Trong cuộc sống, con người thường thử nhau để nhận ra đúng bản chất của một vật hay một người (như thử vàng, thử máu, thử lòng…). Còn thử thách thường hiểu là những khó khăn, gian khổ, thất bại, bệnh tật, tai họa… xảy đến cho mỗi người. Trong Kinh Thánh, thử thách và cám dỗ có liên quan với nhau. Thiên Chúa thì thử thách con người để biết lòng họ. Còn ma quỷ xúi giục con người phạm tội, làm ngược ý Chúa để đẩy vào cái chết. Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, chúng ta cùng bước với Đức Giêsu vào hoang địa để chịu Xatan cám dỗ. Qua đó, chúng ta có cơ hội chiêm ngắm Người chiến thắng cơn cám dỗ của Xatan và cùng với Người sẵn sàng cho cuộc tập luyện nơi sa mạc cuộc đời. Trong bài chia sẻ hôm nay, tôi xin được chia sẻ hai điểm:

Điểm thứ nhất: Chiêm ngắm Đức Giêsu chiến thắng cám dỗ

Sau khi chịu Phép Rửa, Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa bốn mươi ngày và chịu cám dỗ bởi Xatan. Điều này gợi cho chúng ta hai hình ảnh. Hình ảnh thứ nhất là vườn địa đàng, sau khi tạo dựng, Ađam và Eva được Thiên Chúa đặt trong vườn địa đàng. Ở đó, họ đã thua khi bị cám dỗ, và cửa trời đóng lại từ đó. Sau khi Đức Giêsu chịu Phép Rửa, các tầng trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người. Đó là cuộc sáng tạo mới. Người là Ađam mới vào trong hoang địa viết lại lịch sử mới cho nhân loại. Hình ảnh thứ hai là sa mạc của dân Israel. Sau khi vượt biển Đỏ, dân Israel tiến vào sa mạc, bắt đầu những ngày tháng tự do, tiến về miền đất hứa nhưng cũng đầy gian nan, thử thách và cạm bẫy. Việc dân Israel vượt qua biển Sậy là hình ảnh báo trước của phép Rửa. Sau khi chịu Phép Rửa, Người là thủ lãnh của dân Israel mới, Người sẽ nếm trải kinh nghiệm bốn mươi năm sa mạc của dân Israel xưa.

Sau khi bị Xatan cám dỗ, Đức Giêsu chia sẻ thân phận con người với nhân loại. Người đã cảm nhận được những khó khăn, gian nan, thử thách, yếu đuối của kiếp người. Trong sa mạc bốn mươi ngày, Người bị cám dỗ và thử thách nhưng Người đã cương quyết trung thành với Thiên Chúa, dứt khoát chọn lựa đứng về phía Thiên Chúa. Tin Mừng Maccô hôm nay mô tả cách vắn tặt việc Người bị Xatan cám dỗ. Khi đối chiếu với Tin Mừng Mátthêu và Luca, chúng ta biết Người bị ba cơn cám dỗ bởi Xatan. Cơn cám dỗ thứ nhất của Người rất thực tế liên quan đến vấn đề ăn uống, cơm áo gạo tiền, liên quan đến sự sống còn của con người. Chiến thắng cám dỗ thứ nhất, Người dạy chúng ta một chân lý, cơm áo gạo tiền là điều đáng lo tìm kiếm nhưng không phải trên hết. Cái trên hết đáng tìm của con người là tín thác vào Lời Chúa. Tiếp đến, cơn cám dỗ thứ hai của Người là quyền bính danh lợi. Chiến thắng cám dỗ thứ hai, Người mặc khải cho chúng ta biết rằng Người đến trần gian như là Đấng Mêsia khiêm hạ, sống như bao con người nhưng Người không bị lụy vào hư danh, lợi lộc. Vì đó không thuộc về sứ mạng của Người. Người chỉ tôn thờ, vâng phục và làm chứng cho Chúa Cha. Cuối cùng, cơn cám dỗ thứ ba của Người là quyền lực. Chiến thắng cám dỗ thứ ba, Người dạy chúng ta một chân lý, quyền lực sinh ra để phục vụ con người. Thi hành quyền lực là để cho con người sống hạnh phúc và dẫn đưa con người đến chân lý là Thiên Chúa. Nếu quyền lực nào không phục vụ cho công ích, không giải phóng con người khỏi đau khổ, bất hạnh mà chỉ phục vụ theo ý riêng, thì đó là quyền lực đến từ Xatan.

Trong cuộc chiến cám dỗ, chiến thắng của Người tạo nên nguồn sinh lực mới, mở ra con đường mới và mời gọi chúng ta cùng với Người vượt qua.

Điểm thứ hai: Chúng ta vượt qua cám dỗ

Bạn đã bao giờ nhịn đói một ngày, hai ngày, ba ngày chưa? Lúc đó bạn thấy thế nào? Bạn đã bao giờ nghe những lời chia sẻ của người “vô thất” (nhịn ăn một tuần hay mười ngày) để chữa bệnh chưa? Họ chia sẻ ba ngày đầu bao tử cồn cào, rất khó chịu, không ngủ được. Nhiều lúc chỉ muốn bỏ cuộc, đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến chuyện ăn uống. Đó là một cuộc chiến đấu với ý chí, với chính bản thân. Nhưng khi qua được ngày thứ tư, ngày thứ năm, người “vô thất” thấy nhẹ nhàng và cảm nghiệm được niềm vui chiến thắng bản thân. Là người Kitô hữu, chúng ta phải noi gương Đức Giêsu bằng cách vào sa mạc để chịu Xatan cám dỗ. Người luôn mời gọi chúng ta ăn chay, hy sinh, từ bỏ, sám hối, cầu nguyện, lắng nghe và tin vào Tin Mừng.

Ăn chay là một trong những cách thức giúp chúng ta chiến thắng những thèm khát tự nhiên, chiến thắng nô lệ đòi hỏi của bản năng, để làm chủ bản thân. Khi làm chủ được bản thân, chúng ta dể dàng hy sinh từ bỏ ý riêng để khao khát tìm kiếm ý Chúa. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có rất nhiều dịp hy sinh: Nói không trước một bộ phim xấu, trước những lời kích bác xấu của bạn bè (thử một điếu thuốc, thử một ly bia rượu…), trước cám dỗ sao chép để được điểm cao… Quan trọng nhất là nói không với những ham muốn, những đòi hỏi của dục vọng từ trong tâm hồn chúng ta để sống theo ý Chúa.

Sám hối là ý thức về tình trạng yếu kém, tội lỗi, đầy khuyết điểm của chúng ta. Từ những vấp ngã, cám dỗ, thương tích trong cuộc sống làm chúng ta trở thành con người bị tội lỗi thống trị. Đức Giêsu luôn mời gọi chúng ta cầu nguyện, lắng nghe và tin vào Tin Mừng (x. Mc 1,15). Đó là sức mạnh giúp chúng ta vượt lên tất cả. Trong khi Tin Mừng là chân lý của cuộc sống, thì thử thách và cám dỗ có thể làm ta mất đi sự sống. Tin Mừng cũng là niềm hy vọng của chúng ta, vì con người chúng ta thường rơi vào tình cảnh chán nản, thất vọng, tuyệt vọng khi gặp thử thách và cám dỗ. Hơn nữa, Tin Mừng luôn mang bình an cho chúng ta, vì chúng ta luôn lo âu và bất an khi gặp thử thách và cám dỗ. Cuối cùng, Tin Mừng làm cho chúng ta được cứu rỗi, đó là cứu cánh cuộc đời để chiến thắng những thử thách và cám dỗ của Xatan.

Kiểm điểm đời sống là nhìn lại những suy nghĩ, lời ăn tiếng nói, những cử chỉ hành động của mình trong cuộc sống hằng ngày dưới ánh sáng Lời Chúa. Kiểm điểm để biết rõ bản thân hơn, thấy rõ bản thân đi đúng ý Chúa muốn. Có kiểm điểm, chúng ta mới thấy được những nguyên nhân vấp ngã, những động lực xấu xa đang lèo lái. Nhờ đó mà chúng ta sáng suốt mà đề phòng. Khi kiểm điểm, chúng ta đừng quanh co tự lừa dối, cố gắng tìm lý do bào chữa, nhưng hãy nghe tiếng nói của Chúa qua lương tâm, thẳng thắn phê bình, can đảm nhận lỗi và quyết tâm sửa lỗi.

Chính những việc làm đạo đức thiêng liêng đó giúp chúng ta nghe được ý của Chúa Cha, thấy rõ con đường Chúa Cha muốn Đức Giêsu đi. Cho nên khi bị cám dỗ, Người nhận ra đây không phải là con đường Chúa Cha muốn. Người đã chống lại và đã chiến thắng. Chiến thắng cám dỗ của Đức Giêsu cho chúng ta xác định một sự lựa chọn trong cuộc đời: Tin vào Lời Chúa là trên hết, hơn vật chất ngoài thân, tiền tài làm chủ, danh lợi quyền bính. Đó là con đường duy nhất để chúng ta học theo Người mà chiến thắng cám dỗ hằng ngày.

Lạy Chúa, xin cho chúng con khiêm tốn nhìn nhận thân phận yếu đuối, mỏng dòn, tội lỗi của mình và biết tín thách vào quyền năng và tình yêu thương của Chúa. Đồng thời, xin Chúa ban ơn nâng đỡ để chúng con chiến thắng cám dỗ trong cuộc đời, và dứt khoát chọn Chúa là gia nghiệp đời con. Amen.


 

HÀNH TRÌNH VÀO SA MẠC (Lm. Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD)

Như thường lệ, cứ vào thứ Tư hàng tuần, Đức Thánh Cha lại có bài giảng tại quảng trường Thánh Phêrô – Vatican. Thứ Tư khởi đầu Mùa Chay năm 2020 vừa qua, trong bài giảng, vị Cha chung của Giáo Hội mời gọi đoàn con cái khắp thế giới đi vào một hành trình. Hành trình ấy mang tên “hành trình sa mạc”. Sa mạc được Đức Thánh Cha miêu tả là nơi chỉ có tiếng gió và tiếng hơi thở của người lữ khách. Chính sự thinh lặng gần như tuyệt đối đó là cơ hội để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và Lời của Người. Sa mạc đó cũng được Đức Thánh Cha nói tới như là nơi của sự đơn độc. Và trong sự đơn độc như thế, chúng ta có thể nhận ra những tâm hồn đang phải đối diện với sự cô quạnh sống chung quanh chúng ta. Đó là những người đang chịu sự dày vò tâm can vì lỗi lầm của bản thân hay vì bị hắt hủi bởi người đời. Họ có thể là những người đang sống ngay trong chính ngôi nhà của chúng ta, hoặc hàng xóm bên cạnh chúng ta. Đi vào sa mạc của sự đơn độc như thế, chúng ta có thể nhận ra sứ vụ của mình, từ đó chúng ta cảm thông và chia sẻ để làm vơi đi những nỗi nhọc nhằn của tha nhân.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay hôm nay, thánh Máccô kể về cuộc hành trình vào sa mạc của Chúa Giêsu. Khác với thánh Mátthêu và Luca, thánh sử Máccô đã khéo léo tóm lược câu chuyện trong hai câu, rất ngắn gọn nhưng cũng đầy đủ ý nghĩa. Theo đó, Đức Giêsu mới được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa tại sông Giođan. Tại dòng sông này, Người được thánh hiến để trở thành Tôi Tớ của Thiên Chúa. Nhờ vậy, Người được Thiên Chúa xác nhận: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Và liền sau đó, Người được Thần Khí đẩy vào hoang địa. Trong hoang địa, suốt bốn mươi ngày, Người chịu Xatan cám dỗ.

Hình ảnh hoang địa cùng với con số bốn mươi ngày của Chúa Giêsu, điều đó gợi nhớ cho chúng ta về cuộc hành trình bốn mươi năm của dân Chúa trong sa mạc xưa kia. Nó cũng gợi nhớ về khoảng thời gian dân Chúa chịu thử thách. Đó là một cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ để chọn lựa hoặc Thiên Chúa, hoặc các tà thần.

Chúa Giêsu trong thân phận một con người cũng không thoát khỏi những thử thách như dân xưa kia. Thử thách này buộc Người phải chọn lựa một cách dứt khoát: Thực thi thánh ý Chúa Cha hoặc làm theo ý của Xatan. Và cái giá cho sự lựa chọn vâng phục Chúa Cha không hề rẻ: chính mạng sống của Người.

Nhìn sang Tin Mừng Mátthêu, ta sẽ thấy các cám dỗ của Chúa Giêsu được miêu tả chi tiết hơn, gồm ba cơn cám dỗ. Các cơn cám dỗ này dường như gắn liền với những nhu cầu thiết thực nhất của một con người. Đó là các cơn cám dỗ về lương thực qua lời mời gọi của Xatan: biến hòn đá thành bánh; cám dỗ về danh: nhảy xuống từ nóc đền thờ, và nếu thực hiện được, danh tiếng của Chúa sẽ vang vọng khắp vùng; và cám dỗ về lợi ngang qua việc thờ lạy ma quỷ và được chúng hứa ban cho tất cả vinh hoa trần gian (x. Mt 4,1-11).

Cho dù thánh Máccô miêu tả rất ngắn gọn bằng cụm từ “chịu Xatan cám dỗ” (Mc 1,13) nhưng thánh sử cũng không quên nhấn mạnh đến những cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu phải liên lỉ đương đầu. Thật thế, ở Tin Mừng Mátthêu, dường như cám dỗ chỉ xảy ra vào những ngày cuối cùng của thời gian trong sa mạc: “Người ăn chay suốt bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói…” (Mt 4,2-3). Còn ở đây, thánh Máccô cho thấy Chúa Giêsu chịu cám dỗ suốt cả bốn mươi ngày: “Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ” (Mc 1,13). Sau khi trình bày ngắn gọn về hành trình sa mạc, thánh Máccô tiếp tục nói về sứ mạng của Chúa Giêsu. Sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, cùng với đó là kêu gọi người ta sám hối và tin để được hưởng ơn cứu độ.

Rao giảng Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa là nhiệm vụ hàng đầu của Chúa Giêsu. Hơn nữa, như chúng ta biết Chúa Giêsu cũng chính là Tin Mừng của Thiên Chúa. Tin Mừng đó nhập thể làm người đã không chọn cho mình một gia đình giàu sang, quyền quý nhưng vào cư ngụ trong một gia đình ở vùng quê Nazarét đơn nghèo. Ngày sinh hạ, chẳng có một quán trọ nào muốn chứa chấp Người. Vì thế, Người phải sinh ra trong máng cỏ bò lừa. Ngay sau đó, vua chúa trần gian tìm giết, khiến cha mẹ phải nhiều lần mang con trốn chạy. Đấng là Tin Mừng của Thiên Chúa và là Thiên Chúa đã sống một cuộc đời trần thế không bằng con chim, con cáo. Và sau cùng, Đấng là Con Thiên Chúa phải chết nhục nhã trên cây thập giá, không một mảnh vải che thân. Đây chính là thánh ý Chúa Cha dành cho Ngài. Xatan cám dỗ Chúa Giêsu từ chối thực thi ý định của Thiên Chúa, nhưng Người không bao giờ chấp nhận. Vì đối với Chúa Giêsu, thánh ý Chúa Cha là lẽ sống của Người.

Thực thi thánh ý của Thiên Chúa luôn là một lời mời gọi đầy thách đố, đòi người ta phải can đảm khước từ những lời mời gọi mật ngọt của ma quỷ. Để làm được như thế, người ta phải sống trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Tương quan ấy chính là Giao Ước đã được Thiên Chúa thiết lập từ muôn thuở.

Trong bài đọc thứ nhất, tác giả sách Sáng Thế kể lại việc Đức Chúa thiết lập giao ước của Người với ông Nôê và dòng dõi của ông. Trước khi lập Giao ước với loài người, Thiên Chúa dùng một khoảng thời gian để chuẩn bị và thanh luyện dân. Lụt Hồng Thủy 40 đêm ngày thời Nôê là một tai họa cho nhân loại thời xưa. Sau cơn tàn phá đó, chỉ ông và một số ít người theo ông được cứu thoát. Từ một số ít đó, Thiên Chúa đã ký kết với họ một Giao Ước. Kéo theo đó, một thời kỳ mới được khởi đầu. Đức Chúa hứa sẽ giữ trọn lời Người đã cam kết. Mặt khác, dân cũng phải tuân theo những đòi hỏi của Người. Đòi hỏi ấy mang tên trung thành. Trung thành thờ lạy Thiên Chúa, và dứt khoát khước từ cám dỗ của Xatan.

Ước mong sao Mùa Chay Thánh này, Mùa của thanh luyện, chúng ta ngước nhìn lên Chúa Giêsu và học theo Người. Chúng ta can đảm đi vào sa mạc của cõi lòng để nhìn lại cuộc sống của mình. Từ đó, chúng ta cam kết sống theo những gì Thiên Chúa muốn khi dựng nên chúng ta. Xin Chúa là nguồn tình thương ban sức mạnh cho chúng ta. Amen.


 

LUÔN TRUNG THÀNH VỚI LỜI CHÚA (Lm. Vinhsơn Nguyễn Đức Khanh, SVD )

Mỗi năm, khi Mùa Chay về, chúng ta lại được chiêm ngưỡng hình ảnh Đức Giêsu chiến đấu với ma quỷ, với cơn cám dỗ. Phụng vụ Lời Chúa trong cả ba năm A-B-C của Chúa nhật thứ I Mùa Chay đều liên hệ đến sự kiện này. Đức Giêsu đã chiến đấu với ma quỷ trước khi khởi đầu sứ vụ công khai loan báo Tin Mừng. Ngài đã chiến thắng và vượt lên những mưu mô do ma quỷ bày ra.

Bài đọc I trích sách Sáng Thế trình bày về cơn Hồng Thủy cũng như lời Thiên Chúa hứa với ông Nôê và dòng dõi ông. Hồng Thủy thời Nôê đã tiêu diệt và thanh tẩy khỏi mặt đất những ô uế của tội lỗi, là dấu chỉ của Bí tíchRửa tội trong Tân Ước sau này.Từ đây, một dân tộc mới sẽ phát sinh và Thiên Chúa sẽ kết ước và ban ơn tha thứ, yêu thương cho con người.

Trong bài đọc 2, Thánh Phêrô đã có một sự so sánh giữa hình ảnh con tàu năm xưa của Nôê với Bí tích Rửa tội. Ai vào tàu Nôê thì được cứu thoát và sinh sôi nảy nở thật dồi dào. Cùng một cách thức ấy, ai lãnh nhận Bí tích Rửa tội thì sẽ được thánh hóa và cứu thoát khỏi tội lỗi, khỏi con người ô uế để trở thành tạo vật mới, trở nên con cái Chúa.

Bước qua bài Tin Mừng, chúng ta thấy hình ảnh của Đức Giêsu chiến đấu một cách liên lỉ với ma quỷ: “Người ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Satan cám dỗ”(Mc 1,13). Đây không phải là một cơn cám dỗ một lần rồi thay cho cả đời, mà là một sự triền miên đi theo trọn kiếp con người. Một Satan đã dùng sự quyến rũ của của cải vật chất, quyền lực và tất cả những gì thế giới hôm nay đang mơ có được để “dụ” Đức Giêsu. Nhưng Satan đã hoàn toàn thất bại, vì Đức Giêsu đã có một vũ khí vô cùng lợi hại và sắc bén đó là vâng phục Thánh ý Chúa Chavà Ngài đã chiến thắng hoàn toàn. Cụ thể nhất, ngay chính trong cơn cám dỗ khốc liệt nhất trước cái chết, Đức Giê su cũng đã thốt lên: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”(Mt 26,39). Muốn vâng theo ý Cha, cần phải cầu nguyện, ăn chay, hy sinh và hãm mình. Và Đức Giêsu đã thực hiện rất tốt điều này khi Ngài bước vào hoang địa 40 đêm ngày.

Vâng, còn chúng ta, chúng ta có phải chịu những cơn cám dỗ như Đức Giêsu không? Thưa có và chúng ta vẫn đang ngày đêm chiến đấu. Cuộc chiến này chỉ kết thúc khi chúng ta lìa thế mà thôi. Do đó, số phận đời đời của chúng ta cũng sẽ tùy thuộc vào việc chúng ta vượt thắng những thử thách, hay đầu hàng, buông xuôi bỏ cuộc hay kiên tâm chiến đấu cho đến cùng. Cuộc đời Đức Giêsu không thiếu những cám dỗ, có lúc nhất thời, có lúc dai dẳng. Cuộc thử thách cam go và quyết liệt giữa Đức Giêsu với ma quỷ, không chỉ xảy ra một lần trong sa mạc, mà còn theo Đức Giê su đến tận vườn Cây Dầu, và đến tận đồi Canvê. Con đường cứu độ là con đường thập giá. Chính Đức Giêsu, Đấng Cứu độ chúng ta cũng đã đi qua con đường thập giá ấy. Chúng ta biết thế, nhưng từ chỗ biết, đến chỗ thể hiện sự hiểu biết đó trong cuộc sống hàng ngày, không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế, chúng ta phải luôn biết cầu nguyện cho chính mình và cho mọi người được ơn hiểu biết và sống theo gương Đức Giêsu.

Khi nói về cám dỗ, chúng ta thường liên tưởng đến những điều xấu. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ lầm lạc vì những điều xấu, mà lắm khi những điều tốt cũng có thể khiến chúng ta lạc lối với những mục đích xấu. Qủa thật, mọi cám dỗ đều xuất hiện dưới bộ mặt hết sức tốt đẹp. Chúng ta không chỉ bị tai nạn, thương tích, và thiệt mạng vì những con đường gập ghềnh, quanh co, khó đi, mà ngay cả những con đường bằng phẳng, rộng lớn và đầy những thứ hấp dẫn cũng gây nhiều thiệt hại cho chúng ta.

Những cơn cám dỗ của Đức Giêsu cũng là những cơn cám dỗ diễn ra từng phút, từng giờ trong suốt cuộc đời của mỗi người chúng ta. Đó là những lúc chúng ta khao khát nhu cầu xác thịt mà quên đi lương thực cao cả là Lời Chúa. Đó có thể là những lúc chúng ta dám thách thức Thiên Chúa, là ép buộc Thiên Chúa đáp ứng cho mình những nhu cầu trần thểvà muốn người khác phục vụ mình. Đó cũng có thể là những lúc vì yếu lòng tin rồi chạy theo những sự mê tín, bói toán, ngẫu tượng nhằm mục đích thu vén vật chất cho mình. Đó có thể là những nỗi ham mê tiền bạc, danh vọng mà bất trung với Chúa. Và rất nhiều lần khác vì muốn chiếm cho được thật nhiều danh vọng mà gạt Chúa ra khỏi cuộc đời của chúng ta…

Để chiến thắng được cám dỗ, Đức Giêsu cũng đã hy sinh bản thân mình, không đi tìm thoả mãn những điều mình thích, mình muốn, mà luôn tìm thánh ý Chúa Cha và lấy vũ khí là Lời Thiên Chúa để chống trả. Cũng vậy, chúng ta hãy bắt chước Đức Giêsu khi biết từ bỏ, hy sinh những nhu cầu không chính đáng và thiết tha trong việc lắng nghe Lời Chúa vì chỉ Thiên Chúa mới có thể dẫn dắt chúng ta ra khỏi cái rối ren của hư không và trống vắng để đi vào ánh sáng. Đồng thời chúng ta hãy thực hiện như lời Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại 3 hành động cụ thể gắn liền với Mùa Chay là: cầu nguyện liên lỉ, ăn chay hãm mình, và làm việc bác ái hay là bố thí. Cầu nguyện nhiều hơn để chúng ta gắn bó với Chúa hơn; Ăn chay, hãm mình để chúng ta chế ngự những thói hư, tật xấu, những ham muốn thể xác của mình; và bố thí là một phương thức để chúng ta tỏ lòng yêu thương đối với anh chị em khốn khổ xung quanh mình.

Kết thúc bài chia sẻ hôm nay, tôi xin gợi lại một tấm gương tuyệt vời về đời sống thực thi Lời Chúa trong sinh hoạt thường ngày để chiến thắng cám dỗ mà mỗi người chúng ta cần cố gắng noi theo.

Năm 1975, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận bị bắt, sau đó bị giam 13 năm với nhiều địa điểm khác nhau, đặc biệt trong đó có 9 năm biệt giam, tức là không có sự liên hệ với người ngoài. Tuy nhiên, ngài đã vượt qua mọi khó khăn gian lao. Tại sao ngài làm được như thế? Trong tập sách “Chứng Nhân Hy Vọng, chính ngài kể lại rằng trong những lúc gian nan đó, ngài sống bằng Lời Chúa. Lời Chúa là ánh sáng soi lối chỉ đường cho toàn bộ cuộc sống của ngài, cho nên ngài vẫn bình an, vẫn hạnh phúc. Không những thế, cuộc sống bình an của ngài đã cảm hóa được nhiều người trong lao tù, trong đó có cả viên cai ngục bởi vì Thiên Chúa luôn ở trong ngài.

Trong Chúa nhật đầu Mùa Chay, Hội thánh đã làm nổi bật khuôn mặt Chúa Giêsu, Người Con chí ái của Cha, để mời gọi ta định hướng cho đời sống đức tin của mình. Ước gì việc chiêm ngắm Chúa Giêsu và đón nhận thánh Thể Người giúp ta có thể vượt qua những cám dỗ đời thường, để luôn trung tín và vâng phục Thiên Chúa. Đó chính là nẻo đường sự sống đích thực cho đời sống theo Chúa của chúng ta. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy sau Lễ Tro, Mùa Chay)
Bài tiếp theoChú giải Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay, Năm B (Mc 1,12-15)