Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật IV Thường Niên – Năm B (Mc 1,21-28)

0
3102

LINH HỒN Ô UẾ Ở TRONG HỘI ĐƯỜNG

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

15

Bản văn và dịch sát nghĩa

Hy Lạp Việt
21 Καὶ εἰσπορεύονται εἰς Καφαρναούμ· καὶ εὐθὺς τοῖς σάββασιν εἰσελθὼν εἰς τὴν συναγωγὴν ἐδίδασκεν.

22 καὶ ἐξεπλήσσοντο ἐπὶ τῇ διδαχῇ αὐτοῦ· ἦν γὰρ διδάσκων αὐτοὺς ὡς ἐξουσίαν ἔχων καὶ οὐχ ὡς οἱ γραμματεῖς.

23 Καὶ εὐθὺς ἦν ἐν τῇ συναγωγῇ αὐτῶν ἄνθρωπος ἐν πνεύματι ἀκαθάρτῳ καὶ ἀνέκραξεν

24 λέγων· τί ἡμῖν καὶ σοί, Ἰησοῦ Ναζαρηνέ; ἦλθες ἀπολέσαι ἡμᾶς; οἶδά σε τίς εἶ, ὁ ἅγιος τοῦ θεοῦ.

25 καὶ ἐπετίμησεν αὐτῷ ὁ Ἰησοῦς λέγων· φιμώθητι καὶ ἔξελθε ἐξ αὐτοῦ.

26 καὶ σπαράξαν αὐτὸν τὸ πνεῦμα τὸ ἀκάθαρτον καὶ φωνῆσαν φωνῇ μεγάλῃ ἐξῆλθεν ἐξ αὐτοῦ.

27 καὶ ἐθαμβήθησαν ἅπαντες ὥστε συζητεῖν πρὸς ἑαυτοὺς λέγοντας· τί ἐστιν τοῦτο; διδαχὴ καινὴ κατ᾽ ἐξουσίαν· καὶ τοῖς πνεύμασιν τοῖς ἀκαθάρτοις ἐπιτάσσει, καὶ ὑπακούουσιν αὐτῷ.

28 καὶ ἐξῆλθεν ἡ ἀκοὴ αὐτοῦ εὐθὺς πανταχοῦ εἰς ὅλην τὴν περίχωρον τῆς Γαλιλαίας. (Mk. 1:21-28 BGT)

21 Và sau khi họ đi vào thành Caphácnaoum, ngay lập tức vào những ngày Sabát, đi vào hội đường, Người liên tục giảng dạy.

22 Và người ta (họ) liên tục sửng sốt về giáo huấn của Người, vì Người luôn giảng dạy họ như một Đấng có uy quyền và không như các kinh sư.

23 Ngay lập lức trong hội đường của họ, có một người với một linh hồn ô uế[1] đang ở trong hội đường của họ, và anh ta la lên,

24 Nói rằng: “Điều gì liên can đến ông và đến chúng tôi, hỡi ông Giêsu Nadarét? Có phải ông đến để tiêu điệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi, là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

25 Nhưng Đức Giêsu trách mắng nó rằng: “Im đi và ra khỏi anh ấy”

26 Sau khi lay mạnh anh ta và hét lên một tiếng lớn, linh hồn ô uế ra khỏi anh ta.

27 Và mọi người kinh ngạc, vì thế, họ nói với nhau rằng: “Điều đó là gì vậy? Giáo huấn thì mới theo uy quyền, và ông ta ra lệnh cho các linh hồn ô uế và chúng nghe theo ông ấy”

28 Và tin tức về Người ngay lập tức lan rộng khắp nơi, vào vùng lân cận của vùng Galilê.

 

Bối cảnh

Đoạn Mc 1,21-28 có sự thống nhất về thời gian, không gian, nhân vật và nội dung. Về không gian: Đức Giêsu đang ở trên bờ biển hồ Galilê, Người đi vào một hội đường ở Caphácnaoum. Về nhân vật: Đức Giêsu và bốn môn đệ đầu tiên (Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan) và những tín đồ Do Thái giáo trong các hội đường. Về thời gian: những ngày giảng dạy đầu tiên của Đức Giêsu trong các hội đường ở Caphácnaoum. Thời gian này có thể kéo dài theo cách dùng thì của động từ giảng dạy (thì vị hoàn) và số nhiều của danh từ “ngày Sabát” (số nhiều). Nội dung bàn về uy quyền giảng dạy của Đức Giêsu mà không trích dẫn cụ thể giáo huấn của Người và một sự kiện cụ thể. Đó là một phép lạ trừ quỷ (linh hồn ô uế). Đoạn này được tách biệt ra khỏi những đoạn trước đó và sau đó bởi những cách diễn tả về không gian. Tách biệt với đoạn trước: Họ đi vào Caphácnaoum, trong cách hội đường (1,21). Tách biệt với đoạn sau: họ đi ra khỏi hội đường và vào nhà ông Simon và Anrê. Đây rõ ràng là một thay đổi về không gian dành cho một trình thuật khác: phép lạ chữa lành mẹ vợ ông Simon.

Cấu trúc

Dựa theo trạng từ “lập tức”, có thể thấy cấu trúc về nhịp độ câu chuyện. Tác giả Máccô cho thấy nhịp độ nhanh chóng của tình tiết câu chuyên bằng cách sử dụng ba lần trạng từ “lập tức”: “Lập tức” giảng dạy như Đấng có uy quyền, “lập tức” linh hồn ô uế xuất hiện, đối đầu và “lập tức” tin đồn về Người lan rộng.

Dựa theo tầm mức uy quyền của lời giảng dạy, trung tâm của trình thuật Mc 1,21-28 là câu chuyện trục xuất quỷ bằng lời uy quyền (cc.23-26). Trung tâm của câu chuyện trục xuất quỷ là lời quở mắng đầy uy lực: “Im đi và ra khỏi người này”. Bao quanh câu chuyện trung tâm này là hoạt động giảng dạy như một Đấng có uy quyền, đi kèm với thái độ “kinh ngạc” của tất cả mọi người (cc.22.27). Mở đầu và kết thúc câu chuyện là mô tả về không gian ảnh hưởng của Đức Giêsu, từ hội đường ở Caphácnaoum đến khắp các vùng Galilê (cc.21.28).

A-Mở đầu: Caphácnaoum,… lập tức, vào ngày Sabát,… trong hội đường …giảng dạy (21).

B-Họ kinh ngạc về giáo huấn của Người – Đấng có uy quyền (22)

C-Thể hiện uy quyền qua lời nói (23-26)

c-Lập tức, một người trong linh hồn ô uế đang ở trong đền thờ của họ, la lên

c1-Giêsu Nadarét – Đấng thánh của Thiên Chúa

c1’-Đức Giêsu quở mắng: “Im đi và ra khỏi anh ấy”

c’-Linh hồn ô uế hét lên một tiếng lớn, ra khỏi anh ta

B’-Tất cả kinh ngạc về giáo huấn của Người – Giáo huấn với uy quyền (27)

A’-Kết thúc: Lập tức, tin tức về Người lan rộng khắp nơi …trong vùng Galilê (28)

 

Một số điểm chú giải

  1. Thành Caphácnaoum: Thành này có gốc trong tiếng Hípri có nghĩa là “ngôi làng của Nahum” (làng của sự an ủi: םוּח‎נַ רפַכְּ). Là một thành phố ở phía Bắc, cuối biển hồ Galilê.[2] Đây là một thành phố khá sầm uất thời Đức Giêsu. Theo sử gia Josephus, đây là một khu vực trù phú và giàu có nổi tiếng về công nghệ đánh bắt cá. Theo Mc 2,1, đây là thành có nơi mà Đức Giêsu hay ở lại, được gọi là nhà (người ở nhà).[3] Nơi đây, các nhà khảo cổ tìm thấy một đền thờ hình lục giác được xây trên một nền nhà cổ được cho là nhà của thánh Phêrô. Ngày sau trình thuật này, độc giả sẽ thấy Đức Giêsu đi ra khỏi hội đường và vào nhà của thánh Phêrô. Có lẽ đây là ngôi nhà mà Máccô muốn đề cập.
  2. “Những ngày Sabát”: Danh từ ngày Sabát được dùng ở số nhiều. J. Marcus lấy lại ý tưởng của Lohmeyer, người cho rằng cách dùng số nhiều ở đây không nhất thiết nói về nhiều ngày Sabát mà Đức Giêsu giảng dạy. Ông lý giải rằng trong tiếng Hy Lạp cổ điển, và trong Tân Ước, cách dùng số nhiều thường được dùng cho các ngày Lễ Hội (Mc 6,21 và 14,1)[4]. Tuy nhiên, cũng không có vấn đề gì nếu cách dùng số nhiều ở đây được hiểu như là nhiều ngày Sabát, vì Đức Giêsu có thể lưu lại đó nhiều tuần và mỗi tuần Người đều giảng dạy vào ngày Sabát. Hơn nữa động từ “giảng dạy” được dùng ở thì vị hoàn, diễn tả một hành động kéo dài, hoặc lặp lại, một thói quen. Danh từ ngày “Sabát” có động từ tiếng Do Thái là “שׁבת” (Sabát), có nghĩa là ngưng hoặc nghỉ ngơi. Động từ này xuất hiện trong trình thuật thứ nhất về cuộc sáng tạo, trong đó Thiên Chúa đã dừng và nghỉ vào ngày thứ bảy: “Vào ngày thứ bảy Thiên Chúa kết thúc công việc mà Người đã làm và vào ngày thứ bảy, Người nghỉ ngơi khỏi tất cả công việc mà Người đã làm; vì thế, Người chúc lành cho ngày thứ bảy mà thánh hiến nó vì vào ngày ấy, Người ngưng khỏi tất cả công việc ma Người đã làm trong việc sáng tạo” (St 2,2-3). Trong Do Thái giáo, ngày Thứ Bảy được gọi là ngày Sabát. Đó là ngày nghỉ hoàn toàn. Tất cả hàng quán của người Do Thái đều đóng cửa trong ngày này. Vào ngày Sabát, những người Do Thái tại thánh địa Jêrusalem thường đến bức tường phía Tây đền thờ (bức tường còn lại, sau khi đền thờ bị phá hủy năm 70) để đọc Thánh Kinh và cầu nguyện cá nhân, hoặc tập thể. Buổi chiều tối họ tập trung ở hội đường lớn để cầu nguyện, với các Thánh Vịnh và đọc cũng như nghe giảng về Torah. “Nhớ ngày Sabát và coi đó là ngày thánh” là một điều trong mười điều răn mà Chúa đã ban cho dân Ítrael. Mười Điều Răn được ghi lại hai lần trong Thánh Kinh Cựu Ước (Xh 20,1-17 và Đnl 5,6-21). Lý do được đưa ra cho việc phải “nhớ ngày Sabát” có hơi khác nhau giữa hai lần này. Sách Xuất Hành lý giải rằng: “Vì trong sáu ngày Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày Sabát và coi đó là ngày thánh (Xh 20,8). Sách Đệ Nhị Luật lý giải khác một chút: “Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ bên Ai Cập, và Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày Sabát” (Đnl 5,15). Dù lý do gì đi nữa, ngày Sabát vẫn là một ngày rất quan trọng đối với người Do Thái, đến nỗi bất cứ ai làm việc trong ngày này thì sẽ chịu án tử hình (Xh 31,15). Ở đây, ngày Sabát được nhấn mạnh như là ngày để nghe lời giảng của Đức Giêsu. Lời Giảng của Đức Giêsu có thể là về Torah, hay về các sách Ngôn Sứ, như trong trường hợp Lc 4,14-44, Người giảng về sách Các Ngôn Sứ.
  3. “Hội đường”: “Hội đường” là một nơi hội họp gặp gỡ, cầu nguyện của người Do Thái từ thời cổ đại. Vào giai đoạn Đền Thờ thứ hai (sau 515 BCE), thuật ngữ “hội đường” vừa nói về nhóm người hoặc một tòa nhà. Dầu cho những ý niệm này không loại trừ lẫn nhau, rất có thể là vào lúc khỏi đầu danh từ “hội đường” không nói đến một tòa nhà thật sự nhưng nói đến một nhóm hoặc cộng đoàn các cá nhân những người gặp nhau để thờ phụng hay những cho những mục đích mang tính tôn giáo. Vào thế kỷ thứ nhất, “hội đường” đã trở nên quá quan trọng và là trung tâm của một thiết chế cho đời sống người Do Thái tại Palestin đến nỗi những ghi chú của các Rabbi, trong Talmud Palestine nói đến 480 hội đường từng tồn tại dười thời của Vespasian.[5] Hiện tại, các nhà khảo cổ học vẫn chưa tìm thấy một hội đường nào được tính vào thơi của Đức Giêsu. Có một hội đường ở phía trên nền một hội đường khác được khám phá tai Caphácnaoum cũng được tính vào khoảng thế kỷ thứ tư, hoặc thứ năm. Nghĩa là, hội đường hiện tại ở vào khoảng 4-5 thế kỷ sau thời của Chúa Giêsu. Sau khi đền thờ thứ hai bị phá hủy vào năm 70, những hình thức quy tụ thờ phượng của người Do Thái chuyển qua mô hình các hội đường. Họ quy tụ và học hỏi, chia sẻ về Thánh Kinh Cựu Ước với nhau. Đức Giêsu cũng là một thành viên thường xuyên và nghiêm túc của các buổi quy tụ này. J.R. Donahue – D.J. Harrington ghi nhận phản ứng khác nhau của Đức Giêsu trước và sau khi bị từ chối tại hội đường Nadarét. Theo đó, Đức Giêsu thường xuyên xuất hiện trong các hội đường vào phần đầu của Tin Mừng Máccô (1,21.23.39;3,1; 6,2). Tuy vậy, Người bị chối từ tại hội đường Nadarét, nơi Người bị những người đồng hương đặt dấu hỏi về nguồn gốc của sự khôn ngoan của Người vì họ không tin (6,2-6). Từ đó trở đi, hội đường trở thành biểu tượng của sự thù ghét (12,39; 13,9). Và Đức Giêsu giảng dạy chủ yếu trong các nhà riêng, nơi Người đưa ra những chỉ dẫn riêng cho các môn đệ (7,17; 9,28.33-35; 10,10-12).[6] Trong câu chuyện này, danh xưng hội đường được sở hữu hoá bằng đại từ sở hữu số nhiều “của họ” (hội đường của họ). Có thể, đây là một cách nói ngụ ý rằng Đức Giêsu bị loại trừ khỏi hội đường của Người Do Thái.
  4. “Người giảng dạy”. Động từ giảng dạy, được chia ở thì vị hoàn, với chủ ngữ là Đức Giêsu được dùng một cách dày đặc trong Tin Mừng Máccô trong khi lại ít xuất hiện trong các Tin Mừng còn lại. Máccô dùng gấp ba lần so với các tác giả còn lại (Mt 5,2; 13,54; Mc 1,21; 2,13; 4,2; 9,31; 10,1; 11,17; Lc 4,15; 5,3; Ga 7,14; 8,2). Có thể thấy đây là một động từ mang đậm nét Máccô. Trong Tin Mừng Máccô, hành động “dạy” của Đức Giêsu được nhấn mạnh về tần số cũng như độ dài. Động từ này được dùng ở thì vị hoàn (imperfect), diễn tả một hành động luôn kéo dài. Vì thế mà bản dịch Anh Ngữ là “was teaching” (ESV), tiếng Ý là “insegnava” (CEI) và tiếng Pháp là “inseignait” trong khi đó bản Tiếng Việt là “giảng dạy”(CGKPV) dường như không cho thấy được sự kéo dài của hành động.
  5. Người ta kinh ngạc”: Nội dung giảng dạy của Đức Giêsu không được Máccô ghi lại. Ông chỉ ghi lại cảm xúc và phản ứng của thính giả. Họ kinh ngạc về lời giảng của Người. Động từ “ἐκπλήσσω” (kinh ngạc) được chia ở thì vị hoàn ứng với thì vị hoàn của động từ giảng dạy. Hành động giảng dạy của Đức Giêsu được kéo dài và mỗi lần Người giảng dạy thì họ đều kinh ngạc. Một trong những đặc tính nổi bật của Máccô là mẫu thức ngạc nhiên, lạ lùng, và sợ hãi (xuất hiện hơn 34 lần). Những cảm xúc kiểu như thế bao phủ tất cả mọi đặc tính của sứ vụ Chúa Giêsu. (1) phản ứng trước giáo huấn của Người (1,22; 6,2; 10,24.26; 11,18; 12,17); (2) Như là kết luận của những câu chuyện dấu lạ (1,17; 2,12; 4,41; 5,15.20.33.42; 6,50.51; 7,37); (3) Trong trình thuật về thần hiện (4,1; 6,50-51; 9,6; 16,5; 16,8); (3) Ghi nhận về nỗi kinh hoàng của các môn đệ trước những lần báo trước về cuộc thương khó (9,32; 10,33) và (4) Những phản ứng của những đối thủ cả trước và trong suốt cuộc thương khó (11,18; 12,12; 15,5.44).[7] Sự kinh ngạc ở đây sẽ được nâng cao và hoàn tất bằng sự kinh ngạc sau đó của tất cả mọi người, sau khi chứng kiến phép lạ (1,27).
  6. Thường giảng dạy với uy quyền” (ἦν γὰρ διδάσκων): Liên từ “γὰρ” nhằm trưng dẫn lý do tại sao dân chúng lại kinh ngạc. Lý do là Người giảng dạy với uy quyền. Có thể Máccô ngụ ý rằng lời dạy của các kinh sư thì thiếu uy quyền. Cấu trúc “ἦν διδάσκων” (trợ động từ eimi + động từ ở dạng phân từ, cấu trúc periphrastic trong tiếng Anh) lại diễn tả một hành động mang tính kéo dài. Máccô còn so sánh với sự giảng dạy của các kinh sư (không như các kinh sư). A. Collins – H. Attridge ghi chú về hai nhóm kinh sư khác nhau. Nhóm kinh sư ở Jêrusalem là những cán bộ chính thức còn nhóm kinh sư nơi những làng quê Galilê chỉ là những bản sao chép và là những cán bộ cấp thấp.[8] Tuy nhiên, dù là kinh sư ở kinh thành Jêrusalem hay ở những vùng quê Galilê thì lời dạy của họ vẫn không uy quyền bằng lời dạy của Đức Giêsu. Hơn nữa, trong Tin Mừng Máccô, các kinh sư không nhất thiết là một nhóm thống nhất mà bao gồm cả các thầy dạy, những người giải thích Thánh Kinh (9,11; 12,35) và thậm chí các luật sĩ (12,38-40).[9] Uy quyền của Đức Giêsu có thể gợi nhớ đến bối cảnh liên quan đến Phép Rửa (1,9-11) nơi mà Người được Thánh Thần ngự xuống trên mình tựa như chim bồ cầu và được tấn phong Con Thiên Chúa, Đấng Mêsia. Máccô có lẽ tiếp tục chủ đề Đức Giêsu như là “Đấng mạnh hơn” từ Lời Tựa (1,7) và nhấn mạnh uy quyền của Người (1,27; 2,10; 11,33) và quyền năng (3,27; 5,30; 6,14). Một đỉnh cao khác sẽ được bộc lộ: quyền năng của Đức Giêsu sẽ được tỏ lộ không phải bởi sự thống trị nhưng trong sự phục vụ.[10]
  7. Người đàn ông trong linh hồn ô-uế” (αὐτῶν ἄνθρωπος ἐν πνεύματι ἀκαθάρτῳ). Đây là lối diễn tả hết sức lạ kỳ. Phải nói là linh hồn ô uế trong người đàn ông này mới đúng chứ. Nhưng có lẽ vì con người được điều khiển bởi linh hồn, nên một khi linh hồn bị thống trị bởi linh hồn ô uế thì con người bị nó điều khiển hoàn toàn. Cụm giới từ “ἐν πνεύματι” có thể hiểu như là “dưới ảnh hưởng cách đặc biệt của linh hồn ô uế”.[11] Linh hồn ô uế tượng trưng cho cách diễn tả quen thuộc của người Do Thái về quỷ. Hai khái niệm được dùng đồng nghĩa trong Tin Mừng Máccô (3,30 = 3,22; 7,25= 7,26.29.30). Khái niệm “quỷ” thường được dùng trong bối cảnh “trục xuất” (1,34).[12] Điều vô cùng lạ lùng là “linh hồn ô uế” lại ở trong “hội đường của họ”. Hội đường vốn là nơi thánh thiêng để quy tụ dân thánh nhằm mục đích đọc, tôn kính và giải nghĩa Sách Thánh, nay lại là nơi ở của “linh hồn ô uế”. Sự thánh thiêng, đối lại với sự ô uế; Chúa đối lại với quỷ. Đức Giêsu Đấng Thánh của Thiên Chúa đối lại với quỷ, linh hồn ô uế và Người phải trục xuất nó.
  8. Có vần đề gì giữa chúng tôi và ông?” (τί ἡμῖν καὶ σοί): (nghĩa đen: có chuyện gì đối với ông và đối với chúng tôi?). Đây là một thành ngữ của Cựu Ước (לי ולךְ מה) với hai nghĩa khác nhau: (1) “Điều gì gây sự thù hằn giữa chúng ta?” (Tl 11,12; 2Chr 35,21; 1 V 17,18) và (2) liệu chúng ta có cái gì chung chăng?” (2 V 3,13; Hs 14,8). Cả hai trạng thái đều được ngụ ý ở đây. Quỷ muốn biết lý do tại sao Đức Giêsu có thái độ thù hằn đối với chúng. Ý hướng này được tiếp nối bởi ý hướng sau đó: “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi à?”, nhưng chúng cũng ý thức sự khác biệt về bản chất giữa chúng với Đức Giêsu.[13] Giữa quỷ và Đức Giêsu không thể có điểm chung được.
  9. Đấng Thánh của Thiên Chúa”: Linh hồn ô uế biết nguồn gốc của Đức Giêsu và chúng biết rằng Đức Giêsu có quyền năng trên chúng. Chúng cũng biết rằng Đức Giêsu đến là để trục xuất chúng khỏi con người. Có lẽ đối với linh hồn ô uế, bị trục xuất chúng khỏi một người là như bị tiêu diệt chúng vì phá hủy nơi chúng dung thân. “Đấng Thánh đến từ Thiên Chúa” xảy ra trong Cựu Ước và đề cập đến nhiều người khác nhau như Aharon (Tv 106,16), Êlisa (2 V 4,9) và Samson (Tl 16,7).[14] Danh hiệu này chỉ được gọi hai lần khác nữa ngoài bối cảnh đoạn Tin Mừng này. Lc 4,32 cũng lặp lại danh xưng này nhưng cũng trong cùng trình thuật trừ linh hồn ô uế giống như Máccô. Chỉ có trong Tin Mừng Gioan, Phêrô đại diện các môn đệ khác để tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6,69). Đó là xác tín của Phêrô và nhóm 12, sau khi có nhiều môn đệ đã rút lui, và Đức Giêsu chất vấn các môn đệ về chọn lựa của họ. Phêrô chẳng những tin, mà còn biết Đức Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Đây là một kiến thức khá lạ lẫm với Phêrô của Tin Mừng Nhất Lãm. Trong Tin Mừng Nhất Lãm Phêrô chỉ biết rằng: Thầy là “Đấng Kitô”, hoặc “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, “Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Mc 8,29; Mt 16,16; Lc 9,20; 23,35). Trong Tin Mừng Nhất Lãm, hiểu biết rằng, Đức Giêsu là Đấng Thánh chỉ là kiến thức của linh hồn ô uế. Và Đức Giêsu dường như không muốn danh xưng này được công bố bởi linh hồn ô uế.
  10. Im lặng đi và ra khỏi anh ta”: Đâu là lý do Đức Giêsu bảo linh hồn ô uế phải im đi? Quỷ nói nhiều điều nhưng ngay khi nó nói rằng nó biết Đức Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”, thì Đức Giêsu lập tức bảo nó: “Hãy im đi”. Điều này chứng tỏ rằng Đức Giêsu không muốn quỷ tiết lộ căn tính của Người. Mc 1,34 nói rõ rằng Đức Giêsu không để quỷ lên tiếng vì “chúng biết Người là ai”. Một lần khác khi linh hồn ô uế cũng la lên rằng “ông là Con Thiên Chúa, lập tức Đức Giêsu ra lệnh cho chúng không được bật mí thân phận của Người (3,11-12). Điều này có thể được lý giải như là Đức Giêsu muốn tránh được chứng thực bởi những nhân chứng không xứng đáng, hoặc đó là một phần của chủ đề rộng hơn của bí mật của Đức Giêsu. Không chỉ quỷ bị cấm tiết lộ mà ngay cả những người được chữa lành (1,44; 5,43; 7,36; 8,26) và thậm chí các môn đệ (8,3) cũng bị cấm bật mí thân phận Mêsia của Người, hay là vinh quang của Người trong biến cố biến hình (9,9).[15]
  11. Tất cả mọi người kinh ngạc”: Đây là lần thứ hai trong đoạn văn ngắn, dân chúng lại kinh ngạc. Động từ được dùng trong câu này khác so với lần đầu. Động từ “θαμβέω” thay vì động từ “ἐκπλήσσω”. Có lẽ, Máccô chỉ tránh lặp lại động từ chứ không có ý phân biệt hai lần kinh ngạc này của dân chúng. Lý do cho sự kinh ngạc lần này rõ nét hơn. Đó là vì sau khi Đức Giêsu ra lệnh cho quỷ và chúng đã tuân lệnh thể hiện qua việc xuất khỏi người đan ông. Chủ ngữ của động từ “kinh ngạc” cũng được nhấn mạnh rõ ràng hơn. Đó là “tất cả mọi người” chứ không chỉ nói chung chung là bằng động từ ngôi thứ ba số nhiều (họ kinh ngạc, người ta kinh ngạc) như ở 1,22. Có thể thấy là tình tiết câu chuyện có sự diễn tiến rõ nét từ chung chung cho đến cụ thể và mạnh mẽ hơn. Lúc đầu người ta kinh ngạc vì Người giảng dạy với uy quyền. Đến lúc này thì lời của Người có tác dụng uy quyền cụ thể. Nó có sức mạnh làm cho linh hồn ô uế phải khuất phục và chịu thua. Sự kinh ngạc trước dẫn đường, giới thiệu cho sự kinh ngạc sau đó. Sự kinh ngạc sau có thể có mức độ mạnh hơn và xác tín hơn về uy quyền của Đức Giêsu, vì nó được minh chứng bằng hành động trục xuất quỷ. Sự kinh ngạc của nhiều người đã trở thành sự kinh ngạc của tất cả mọi người.
  12. Giáo huấn mới cùng với uy quyền”: Đây là nhận xét của tất cả mọi người. Họ bàn luận với nhau về những điều mắt thấy tai nghe. Điều này cho thấy rằng Đức Giêsu đã đi vào lòng và tâm trí của mọi người bằng lời dạy và hành động của Người. Danh từ “uy quyền” cũng được lặp lại. Thính giả ấn tượng về “uy quyền” của lời dạy của Người. Giới từ “kata” ghép “giáo huấn mới” với “uy quyền” có thể diễn tả rằng tính mới mẻ của giáo huấn thể hiện ở chỗ “có uy quyền”. Tính “mới” làm nổi bật tính cách diệu kỳ của đặc tính “giảng dạy với uy quyền” của Đức Giêsu về nền tảng cánh chung của nó. Đức Giêsu đến không chỉ để đe dọa linh hồn ô uế. Theo Máccô, nó báo trước sự tiêu diệt chung cuộc, cánh chung của lực lượng Xatan trong kỷ nguyên mới. Nó biểu lộ một vương quốc mới (1,14-15). Vương quốc của Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa thống trị trên mọi linh hồn ô uế.[16] “Giáo huấn mới với uy quyền” của Đức Giêsu được thể hiện qua việc “Người ra lệnh cho linh hồn ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Đó là lời chứng rất logic và có sức thuyết phục của “tất cả mọi người”. Dù cho những người này không kết luận về thân phận Mêsia của Đức Giêsu, độc giả qua mọi thời biết rằng quyền năng này có nguồn gốc nơi việc Đức Giêsu được chọn lựa như là Đấng Mêsia và được Thánh Thần ngự xuống trên mình.[17] Sau này, khi sai các môn đệ đi rao giảng Đức Giêsu cũng ban cho các ông quyền xua trừ ma quỷ (3,15; 6,7;). Ngoài uy quyền trừ quỷ Đức Giêsu (Con Người) cũng có quyền tha tội trên trái đất này (2,10).
  13. Tiếng đồn về Người lan ra khắp mọi nơi”: Lời dạy mới mẻ với uy quyền trừ quỷ của Đức Giêsu không chỉ được biết đến từ “nhiều người” cho đến “tất cả mọi người” trong vùng Galilê mà còn lan rộng đến “mọi nơi”, khắp tất cả các vùng lân cận của Galilê. Nó bao gồm khu vực chủ yếu là dân ngoại.[18] Sự lan rộng của sự nổi tiếng của Đức Giêsu trong vùng Galilê là một đề tài lặp đi lặp lại (x. 1,33.37.45; 2,1-2; 3,7-9). Cùng với những chủ đề về bí mật và thiếu sự nhận biết trong Tin Mừng Máccô, chủ đề nổi tiếng cũng của thầy dạy, trừ quỷ và cứu chữa cũng nổi bật không kém.[19] Lược đồ không gian về tầm ảnh hưởng của Đức Giêsu đi từ hội đường Caphácnaoum ra đến tất cả các vùng ở Galilê.

Bình luận

Đức Giêsu được giới thiệu ngay từ đầu như là “Đấng mạnh hơn” (1,7) và sau khi chịu phép rửa, trước khi bắt đầu cuộc đời rao giảng Người được Thánh Thần dẫn vào hoang địa để chịu Xatan cám dỗ bốn mươi ngày (1,13). Người đã chiến thắng Xatan trong cơn cám dỗ này. Sau khi tuyển chọn các môn đệ Đức Giêsu bắt đầu khai mạc sứ vụ công khai của mình với họ tại Caphácnaoum. Đây là một thị trần gần đại lộ Đông Tây, con đường giao thương của nhiều người kinh doanh buôn bán. Caphácnaoum cũng là nơi có nhà Phêrô, là nơi có công nghệ đánh cá phát triển thời bấy giờ. Đức Giêsu cũng được ghi lại là “ở nhà” tại Caphácnaoum. Có thể nói là đây là nơi khá quen thuộc với Đức Giêsu và bốn môn đệ đầu tiên. Ở Caphácnaoum có những hội đường, nơi mà những người Do Thái đạo đức thường tụ họp để cầu nguyện và học hỏi về Sách Thánh. Đức Giêsu hòa mình vào dòng những người Do Thái quy tụ nơi hội đường vào ngày Thứ Bảy. Tuy nhiên, Người thường đến đó với vai trò thầy dạy. Hội đường ấy được xác định là hội đường “của họ”, không phải của Đức Giêsu. Nghĩa là, Ngài chỉ là một vị khách của hội đường. Động từ “dạy” được dùng cho Người và với thì vị hoàn, hành động giảng dạy của Người kéo dài liên tục. Lời dạy và phong cách giảng dạy của Người làm cho người ta phải kinh ngạc. Sự kinh ngạc được nhân rộng từ “nhiều người” cho đến “tất cả mọi người”. Tiếng lành về Người vang xa từ Phaphácnaoum cho đến các vùng lân cận của miền Galilê. Điều làm cho người ta kinh ngạc là “sự uy quyền”, tính “mới mẻ” của lời giảng của Đức Giêsu. Uy quyền của “lời của Người” thể hiện ở chỗ Người có thể ra lệnh cho “linh hồn ô uế” và nó vâng lời ngay lập tức. Đức Giêsu khai mạc thời cánh chung, thời của Vương Quốc Thiên Chúa, như lời Người đã rao giảng “Nước Thiên Chúa đã đến gần” (1,15). Nước Thiên Chúa không có chỗ cho quỷ dung thân. Có biết bao nhiêu linh hồn ô uế còn ở trong các tín hữu ngày hôm nay. Bất cứ một thế lực hay một đam mê nào khiến người ta không thể sống cho ra người thì đó là “linh hồn ô uế”. Một người bị tình, tiền, hay quyền điều khiển là dấu chứng người đó đang ở trong linh hồn ô uế. Một người bị những đam mê như rượu chè, cờ bạc, hút xách, trai gái lôi kéo trở thành nô lệ cho những đam mê ấy. Đó là những biểu hiện của linh hồn ô uế. Chỉ có lời của Đức Ki-tô mới dó đủ uy quyền để “trục xuất” những thứ quỷ ma này ra khỏi con người. Miễn là người ta còn biết “kinh ngạc” và thu hút bởi “uy quyền” của Lời Chúa. Hội đường, hay nguyện đường là nơi Thiên Chúa trục xuất mọi thứ ma quỷ, xấu xa trong mỗi con người. Một tâm hồn bất an, có thể tìm đến Chúa để đặt mình trước mặt Chúa. Sau mỗi giờ kinh, Thánh Lễ trong nhà nguyện, lẽ thường là người ta tìm được sự bình an vì được giải thoát mọi thứ xấu xa, quỷ quyệt trong con người mình. Lắng nghe Lời Chúa, nói chuyện với Chúa, để cho lời của Người tác động và biến đổi. Người tín hữu sẽ luôn tìm được niềm an ủi, niềm vui và sự bình an trong Chúa. Ví dụ như một người có lòng thù hận, với Lời Chúa họ sẽ bỏ qua lòng thù hận và làm hòa với người khác, hoặc ít ra không thù hận người khác nữa. Một người đang tức giận kẻ khác, sẽ gặp được nơi Lời Chúa lòng nhân từ và sự tha thứ, có sức trục xuất sự tức giận nơi người ấy. Mỗi người tín hữu luôn được mời gọi đến với Chúa với tâm thức sẵn sàng để cho lời Chủa thể hiện sức mạnh biến đổi nơi mình. Bình an sẽ đến. Các mối tương quan đổ bể sẽ được nối kết. Chúa luôn lắng nghe và giảng dạy dân Người đặc biệt là khi con người bị thần dữ chế ngự.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích

[1] πνεύματι ἀκαθάρτῳ, thường được dịch là “thần ô uế” (CGKPV; NTT). Tuy nhiên, danh từ “πνεύμα” có nghĩa là “tinh thần”, “khí”, “gió”, “hơi thở”, rất khỏ để hiểu đây là một vị thần. Đây là một thụ tạo thuộc tinh thần, không có thể xác, khác với con người, gồm hồn và xác. Ở đây, người viết đề xuất cách hiểu là “linh hồn” theo nghĩa là một thụ tạo không có thể xác.

[2] J. Marcus, Mark 1–8. A New Translation with Introduction and Commentary (AYB; New Haven – London 2008) XXVII, 186.

[3] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2005) 78.

[4] J. Marcus, Mark 1–8. A New Translation with Introduction and Commentary, 186.

[5] E.M. Meyers, “Synagogue”, The Anchor Bible Dictionary (ed. D.N. FREEDMAN) (New York 1992) 6: 251-252.

[6] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 79.

[7] Ibid.

[8] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia CHCB; Minneapolis 2007) 164.

[9]  J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 80.

[10] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 79.

[11] R.T. France, The Gospel of Mark. A Commentary on the Greek Text (NIGTC; Grand Rapids 2002) 103.

[12] R.A. Guelich, Mark 1-8:26 (WBC 34A; Dallas 2002) 56.

[13] J. Marcus, Mark 1–8,187.

[14] R.A. Guelich, Mark 1-8:26

[15] R.T. France, The Gospel of Mark, 105.

[16] R.A. Guelich, Mark 1-8:26, 58.

[17] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark, 174.

[18] J. Marcus, Mark 1–8,190.

[19] R.T. France, The Gospel of Mark,

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 3 TN)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 4 Thường Niên – B