BÓNG ĐÁ VÀ ĐỜI TU

0
616

Thầy Phaolô Đặng Văn Lãng – Học Viện Ngôi Lời

Có lẽ, người dân Việt Nam nằm trong số những quốc gia quan tâm tới bóng đá cuồng nhiệt nhất. Từ ông già bà cả ở thành phố đến những đứa trẻ lấm lem bùn đất trên đồng ruộng ở thôn quê… họ đều có thể kể vanh vách tên các huấn luyện viên, tên các cầu thủ, đá ở vị trí nào, trình độ ra sao cả ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới. Thậm chí, họ còn có thể đề ra các chiến thuật như một huấn luyện viên, một nhà điều hành đội bóng thứ thiệt. Mỗi lần Đội tuyển Việt Nam có trận đấu nào, dù giải “ao làng” hay giải quốc tế thì hầu như mọi hoạt động khác đều được ngừng lại để nhường chỗ cho bóng đá, bóng đá len lỏi khắp các lĩnh vực trong đời sống.

Và trong đời tu, một lĩnh vực tưởng như không liên quan gì đến bóng đá cũng không phải là một ngoại lệ. Không khí trong nhà tu cũng sôi động hẳn lên khi có những trận cầu hấp dẫn. Người thích đội này, người thích đội kia, bàn luận nên cho ai đá, nên thay ai, một cách hết sức sôi nổi từ bàn cơm, bàn cờ, domino… cho đến ra sân bóng. Vậy ta thử đặt câu hỏi, giữa hai lãnh vực tưởng như không có mối liên quan ăn nhập gì với nhau này có mối liên hệ nào không? Cá nhân tôi, một người đang sống đời tu và cũng rất thích môn thể thao vua có vài cái nhìn liên kết giữa hai lãnh vực trên.

SỰ GẮN KẾT là yếu tố quyết định để tạo nên một đội bóng mạnh và một cộng đoàn tu trì lý tưởng.

Từ xưa đến nay, môn bóng đá chưa bao giờ được xem là môn thể thao của một người. Chính vì thế nó được gọi là “môn thể thao tập thể” cùng lối chơi dựa trên sự liên kết phối hợp của các cầu thủ đang hiện diện trên sân bóng cũng như với các thành viên của ban huấn luyện. Qua thực tế, chúng ta dễ dàng thấy được rằng, đội bóng nào có các cầu thủ càng hiểu lối chơi của nhau, thì các đường banh trên sân bóng lại càng chính xác, nhịp nhàng, nhuần nhuyễn như có một sợi dây liên kết các đường banh ấy lại. Và trong các trận đấu có họ tham gia, họ thường luôn là người làm chủ cuộc chơi trên sân. Chính vì thế, khi gặp bất cứ đối thủ nào, thì trên sân, họ luôn là người làm chủ cuộc chơi với những trận đấu có vẻ dễ dàng, thăng hoa, đẹp mắt và không khó để dành chiến thắng. Đội bóng của họ luôn đủ sức để đua tranh cả một mùa giải dài, vì các cá nhân không phải quá sức gánh một tập thể, và tập thể không phải suy yếu vì gánh cho một cá nhân yếu kém. Năng lượng vận động của họ được dàn trải một cách đồng đều qua sự liên kết chặt chẽ như vậy. Nhờ đó họ luôn được thừa nhận là một đội bóng mạnh, là hình mẫu cho các đội bóng khác học tập.

Những năm gần đây, chúng ta thấy được điều này nơi các đội bóng lớn như Barcelona với lối chơi Tiki Taka bật nhả chính xác gần như tuyệt đối. Đỉnh cao là thời huấn luyện viên Pep Guardiola, họ đã thống trị thế giới bóng đá các câu lạc bộ trong một thời gian dài bằng lối chơi gắn kết của mình. Real Madrid dưới thời huấn luyện viên Zinedine Zidane với những thành tựu chưa từng có tiền lệ trong lịch sử bóng đá thế giới. Hay bây giờ như Liverpool của huấn luyện viên Jürgen Klopp với lối chơi pressing (chạy và dồn ép đối phương liên tục) khiến cả Châu Âu khiếp sợ. Để vận hành được lối chơi mang lại kết quả như vậy, tất cả những đội bóng trên đều có một điểm chung duy nhất, đó chính là sự gắn kết đến nhuần nhuyễn trong lối chơi vì tất cả các cầu thủ đều thấu hiểu từng đồng đội mình. Dường như họ đá, chạy và chuyền banh không cần nhìn đồng đội vì đã quá hiểu lối chơi, năng lực của từng người cùng cách vận hành của đội bóng. Trong thế giới bóng đá, họ hay gọi những cầu thủ như vậy là người có con mắt “phía sau”, họ quan sát được mọi phía và khiến đối phương không kịp chống đỡ.

Để đạt được những thành tựu trên, có rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan nơi mỗi đội bóng, nhưng tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất chính là các đội bóng được điều hành và quản lý bởi một huấn luyện viên xuất sắc. Ông hiểu tính tình và khả năng từng cầu thủ, biết động viên và ủy lạo tinh thần khi họ cần, biết răn đe hay bảo vệ cầu thủ khi họ có những dấu hiệu đi chệch hướng, xao lãng chuyện chuyên môn. Và quan trọng nhất, ông chính là chất kết dính gắn kết các cầu thủ với nhau. Chúng ta cũng thấy được điều này nơi ông Park Hang-Seo, huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam, nhờ ông mà đội tuyển Việt Nam gần đây có lối chơi gắn kết, đẹp mắt và đạt nhiều thành tích cao trong đấu trường khu vực và châu lục. Tất cả các cầu thủ có xuất sắc thế nào mà không có một huấn luyện viên gắn kết được họ nên một với nhau thì cũng “vứt”. Argentina những năm gần đây với các cá nhân kiệt xuất nhất của bóng đá thế giới trên mọi tuyến nhưng cũng chỉ là con số 0 tròn trĩnh khi thi đấu các giải vì các cầu thủ không gắn kết được với nhau, đá rời rạc. Một M.U. bỏ cả tỷ bảng Anh để sắm cầu thủ chất lượng và thay rất nhiều huấn luyện viên sau thời Alex Ferguson cũng chỉ đạt được mức trung bình ở giải Ngoại Hạng Anh vì các huấn luyện viên không phát huy được vai trò và gắn kết các cầu thủ.

Nhắc đến đời sống tu trì, chúng ta cũng sẽ hình dung ngay đến đời sống của tập thể. Cộng đoàn là nơi của những người cùng chung một lý tưởng sống đời thánh hiến trong linh đạo của một hình thức tu trì nào đó. Cộng đoàn có vận hành tốt đẹp và thể hiện được gương mặt Đức Kitô hay không đều phụ thuộc vào sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đoàn đó với nhau, nó chính là yếu tố quan trọng nhất.

Sự phức tạp trong đời sống cộng đoàn có lẽ không cần phải nói thêm nhiều, ai cũng hiểu. Một gia đình chỉ với hai vợ chồng và vài đứa con nếu không có sự liên kết chặt chẽ với nhau đã khó tồn tại lâu dài (ly dị, ly thân, ngoại tình, đi bụi…). Nói vậy để chúng ta thấy rằng, cộng đoàn là tập thể của những con người xa lạ, khác dòng máu, khác văn hóa, ngôn ngữ, thức ăn, học vấn, tính tình… cùng sống với nhau trong một nhà, nếu không có sự gắn kết đủ chặt chẽ giữa các thành viên thì sẽ không tồn tại được lâu dài. Mối dây liên kết các thành viên trong cộng đoàn đó chính là sự cảm thông, khiêm nhường, yêu thương, chia sẻ, thấu hiểu… của từng cá nhân với nhau. Chỉ khi có mối dây liên kết với các yếu tố như vậy thì các thành viên trong cộng đoàn sẽ không còn đố kỵ, hiềm khích, nói xấu, chia rẽ nhau. Cộng đoàn lúc đấy là một tập thể lý tưởng phản ánh khuôn mặt Chúa Ba Ngôi trong đời sống tu trì.

Cũng như bóng đá cần một vị huấn luyện viên xuất sắc, biết “cầm trịch” trong nhiều lĩch vực để tạo nên một đội bóng ổn định, hùng mạnh thì cộng đoàn tu trì cũng cần một người “anh cả” khôn ngoan để hướng dẫn anh em đi đúng linh đạo của Hội Dòng và lòng Chúa mong ước. Mỗi cá nhân là một nhân vị với những khả năng riêng, không ai giống ai. Khi gắn kết được những khả năng ấy thì đời sống cộng đoàn thật phong phú. Người thì giỏi đàn, người giỏi bóng đá, người giỏi anh văn, người giỏi nấu ăn… Trong mối tương quan gắn kết tình anh em ấy, ai cũng học được điều hay của nhau qua sự yêu thương chia sẻ. Chính vì thế, dù sau này họ có đi đến đâu, sống trong môi trường nào, văn hóa nào, ngôn ngữ nào họ cũng có thể làm việc và sống được, vì họ đã từng được cảm nghiệm và thực hành đời sống tu trì trong tinh thần “nhất tâm đa diện”, tâm ở đây chính là Đức Kitô.

Tóm lại, đội bóng muốn mạnh và cộng đoàn tu trì muốn đạt tới lý tưởng thì cần có sự gắn kết giữa các thành viên với nhau. Và sự gắn kết ấy chỉ xuất hiện nếu đội bóng cũng như cộng đoàn được “đồng hành” bởi những người “đứng đầu” khôn ngoan. Vì, tàu muốn chạy nhanh thì đầu kéo phải mạnh.

Bài trướcTHÁNH GIÁ – ÁNH SÁNG CUỘC ĐỜI
Bài tiếp theoGẶP GỠ THẦY PHÊRÔ HOÀNG QUỐC VIỆT – OTP CONGO