LỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 2 Phục Sinh)

0
600

Bài đọc: Cv 5,27-33

Tin Mừng: Ga 3,31-36

Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì  thuộc về đất  và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người; Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật. Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.”

—– o 0 o —–

SUY NIỆM

SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (Tu sĩ Giuse Dương Quốc Khoa, SVD)

Từ xưa con người luôn khao khát có được sự sống đời đời. Họ tìm đủ mọi cách để có thể bất tử. Nhiều người xưa tin những phương thức trường sinh bất lão. Có người còn liều mình uống thủy ngân với hy vọng rằng có thể sẽ sống mãi. Ngược lại, niềm tin vào sự sống đời đời hay bất tử của Kitô hữu lại không nằm ở các phương dược nhưng chỉ đơn giản là tin vào Đức Giêsu Kitô. “Ai tin vào Người Con thì được sự sống đời đời” (Ga 3,36).

Đây chính là lời khẳng định của Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô được tường thuật trong Tin Mừng theo thánh Gioan. Trong câu nói của Người, ta nhận thấy rõ điều kiện mà Chúa đặt ra cho những ai muốn được sống đời đời, là lòng tin. Tin vào những lời của Đức Giêsu, là Lời Hằng Sống có sức cứu độ loài người. Tin rằng Người chính là Đấng được Chúa Cha sai đến trong trần gian để thực hiện công trình cứu chuộc nhân loại. Thêm nữa, ta vẫn thường thấy Người đòi hỏi những ai chạy đến với mình mà muốn được chữa lành thì phải có lòng tin. Qua đó, ta nhận ra đức tin như là tiêu chí hàng đầu để đón nhận được ân sủng. Ân sủng không chỉ là việc được ban cho sự sống vĩnh cửu ở đời sau nhưng còn được ban ơn nâng đỡ ở cuộc sống đời này.

Khát khao đạt được sự sống đời đời cũng là mục đích quan trọng đối với mỗi tín hữu. Tuy nhiên, nhiều Kitô hữu thời nay lại đánh mất đi mục đích quan trọng của mình vì những lo toan ngược xuôi của cuộc sống. Thay vì sống hướng tâm hồn đến sự sống vĩnh cửu đời sau, họ lại lo thu tích vật chất ở đời này. Thậm chí, nhiều người còn xem việc hưởng thụ như là mục đích quan trọng nhất của cuộc sống.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con có được niềm tin kiên vững giữa những thử thách gian truân để có thể chu toàn bổn phận của một Kitô hữu, hầu xứng đáng đón nhận sự sống đời đời mai sau. Amen.


 

TÌNH YÊU SÂU THẲM (Lm.GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

 


 

MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA (Lm.GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

TIN ĐỂ ĐƯỢC SỐNG ĐỜI ĐỜI (Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD)

Sống trong cuộc đời này, ai trong chúng ta cũng thường tự hỏi chính mình rằng: Tôi sinh ra từ đâu và tôi sẽ về đâu? Tôi sinh ra để làm gì và có sứ mạng nào? Trong thân phận con người, Chúa Giêsu cũng có sứ mạng của mình nơi trần thế này.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan Tẩy Giả đã nói về sứ mạng của Đức Giêsu nơi trần gian này. Đó là sứ mạng làm chứng cho nhân loại “về những gì Người đã thấy đã nghe” (Ga 3,32). Tức là Đức Giêsu làm chứng cho nhân loại về Chúa Cha, vì chính Người đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Nhưng quả thật, không phải ai cũng đón nhận lời chứng của Đức Giêsu về Chúa Cha. Bởi lẽ những lời chứng của Đức Giêsu không nằm trong tầm hiểu biết và quan tâm của con người trên trái đất này (x. Ga 3,31). Tuy nhiên, ai tin vào Đức Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến và tin vào những mạc khải của Người về Chúa Cha thì người đó sẽ được sự sống đời đời (x. Ga 3,36).

Thế nhưng, như thế nào là tin vào Đức Giêsu? Và tại sao tin vào Đức Giêsu thì con người sẽ có được sự sống đời đời? Niềm tin vào Đức Giêsu phải được thể hiện bằng việc thực hành những giáo huấn của Người trong cuộc sống thường ngày, vì “đức tin không có việc

làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Mà giáo huấn của Đức Giêsu được tóm gọn nơi giới luật yêu thương. Và khi yêu thương, chúng ta mới biết được Thiên Chúa và ở trong Thiên Chúa cũng như Thiên Chúa ở trong chúng ta (x. 1Ga 4,7-8.16). Nhờ đó mà chúng ta có được sự sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa, là Cha của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con biết rằng khi tin vào Ngài thì chúng con sẽ có được sự sống đời đời. Nhưng xin cho chúng con đừng tin bằng đầu môi chót lưỡi, mà phải biết thể hiện niềm tin ấy bằng một đời sống chan hòa yêu thương cách cụ thể. Để nhờ đó, chúng con được ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong chúng con. Amen.


 

YÊU THƯƠNG VÀ TRAO BAN (Tu sĩ G.B. Cao Xuân Tiến, SVD)

 Khi Đạo Công Giáo mới truyền vào Việt Nam, các cố Tây đã đến sống và làm chứng về tình yêu, về một Đấng đã chịu khổ hình và chết trên thập tự vì yêu nhân loại. Người ta đã gọi đạo ấy là “đạo yêu nhau.”

Thật vậy, yêu thương là giới luật quan trọng nhất và tóm kết mọi điều răn Thiên Chúa. Yêu thương luôn đi cùng trao ban và được trao ban. Ta thấy rõ điều này nơi Đức Giêsu, lúc “Chúa Cha yêu thương người con và đã giao phó mọi sự trong tay Người” (Ga 3, 35), đến nỗi Đức Giêsu cảm nhận được “tất cả những gì là của Cha đều là của con” (Ga 17,10) và “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Tình yêu đó đã thúc đẩy Chúa Giêsu tự hiến chính mình. Người chứng nhận rằng: “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15, 13).

Ngày hôm nay, tương quan giữa con người với nhau dường như mang quá nhiều màu sắc lợi lộc trần thế. Con người khó có thể trao ban trọn vẹn bản thân mình. Cũng vì lòng người ích kỷ, hám lợi, ngại hy sinh, đã khiến tình yêu phai nhạt, biến chất. Con người còn quá nhiều tham, sân, si nên sống vô cảm đến tàn nhẫn trước đau khổ của tha nhân đến nỗi Schopenhauer cay đắng nói rằng: “Homo homini lupus” nghĩa là người là chó sói đối với người. Trong thực tại bi đát ấy chỉ có tình yêu trao hiến, chết cho người mình yêu của Đức Giêsu mới có thể thắp sáng thế giới và làm cho tâm hồn mỗi người biến đổi. Vậy ta hãy để tình yêu Đức Kitô ngự trị và thúc bách, để có thể trở nên thụ tạo mới chia sẻ, trao ban và phục vụ.

Lạy Chúa, xin cho con biết cắm sâu đời mình trong Đức Kitô để có thể vững vàng sống cho Chúa và dấn thân cho tha nhân. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 2 Phục Sinh)
Bài tiếp theoAI TÍN: Bà Cố Têrêxa Phan Thị Nhẫn (thân mẫu của Lm. Giuse Cao Đức Trí, SVD)