Bài đọc: Is 65,17-21
Tin Mừng: Ga 4,43-54
43 Khi ấy, sau hai ngày lưu lại Sa-ma-ri, Đức Giê-su đi Ga-li-lê.
44 Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình.
45 Khi Người đến Ga-li-lê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ.
46 Vậy Đức Giê-su trở lại Ca-na miền Ga-li-lê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um.
47 Khi nghe tin Đức Giê-su từ Giu-đê đến Ga-li-lê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết.
48 Đức Giê-su nói với ông: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!”
49 Viên sĩ quan nói: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!”
50 Đức Giê-su bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về.
51 Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi.
52 Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.”
53 Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình: “Con ông sống”, nên ông và cả nhà đều tin.
54 Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm, khi Người từ miền Giu-đê đến miền Ga-li-lê.
—– o0o —–
—– SUY NIỆM —–
THẤY MỚI TIN HAY TIN SẼ THẤY? (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
—– SUY NIỆM —–
TIẾNG NÓI NGÔN SỨ (Tu sĩ Giuse Đinh Ngọc Hiển, SVD)
Trong một xã hội mà sự thật đang bị bóp méo bởi biết bao lý do: chính trị, quyền lực, lợi ích, tôn giáo,… Một sự thật được nói ra chưa hẳn là một điều tốt đối với người nói. Ngược lại, đôi khi vì những sự thật đó mà người phát ngôn mang vào mình những tai họa không lường trước. Điều này không chỉ trong Cựu Ước, Tân Ước mà cho đến ngày nay, tiếng nói ngôn sứ vẫn luôn phải đối diện với những thảm cảnh đó.
Chúa Giêsu quả quyết: “Ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình.” (Ga 4,44) Quả thật, nơi quê hương, tiếng nói ngôn sứ dường như không được coi trọng. Ngoài xã hội, tiếng nói ngôn sứ bị bóp méo, chà đạp. Vậy liệu có ai dám đứng ra để nói tiếng nói của ngôn sứ? Tiếng nói của ngôn sứ là tiếng nói của sự thật, của chân lý. Thế nhưng, tiếng nói của ngôn sứ không chỉ đối diện với sự chèn ép, bắt bớ mà còn phải đối diện với tiếng nói của những ngôn sứ giả. Đó là tiếng nói của những kẻ xuyên tạc sự thật, bóp méo sự thật, thêm thắt hay bớt đi sự thật để hướng người nghe đi đến một nội dung và mục đích khác mà họ đã sắp đặt, định sẵn. Nguy hiểm hơn khi tiếng nói ngôn sứ bị chèn ép, bắt bớ, bách hại, bị thêu dệt hay bóp méo làm cho sai sự thật.
Là những Kitô hữu, chúng ta được Chúa mời gọi để thực thi vai trò ngôn sứ của mình giữa bối cảnh xã hội hôm nay là gióng lên tiếng nói của Chúa, của chân lý, của sự thật để làm chứng cho Chúa, để thiết định công bình, lẽ phải, để bảo vệ những người thấp cổ bé miệng, bị áp bức và coi khinh.
Lạy Chúa, vì tiếng nói ngôn sứ mà Ngài đã phải lãnh lấy cái chết đau thương trên thập giá. Ngài đón nhận tất cả chỉ vì yêu nhân loại. Xin ban cho mỗi chúng con biết can đảm nói lên tiếng nói ngôn sứ ngay chính trong môi trường xã hội mà chúng con đang sống. Amen.
—————-
SUY NIỆM
TIN ĐỂ ĐƯỢC CHỮA LÀNH (Lm. Phaolô Nguyễn Phước Hiền, SVD)
Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong tác phẩm “Đường Hy Vọng” viết rằng: “Xem hành động của con, phản ứng của con, đủ biết đức tin của con sống động hay là một đức tin nhãn hiệu”. Và nếu “không có đức tin thì không đẹp lòng Thiên Chúa, vì đến với Thiên Chúa thì cần tin rằng Người hiện hữu và là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm” (Hr 11,6). Tin Mừng hôm nay cũng cho ta thấy đức tin son sắt của vị quan triều đình. Vậy đức tin của ông đã thể hiện thế nào?
Tin Mừng thuật lại vị quan nhà vua có đứa con nằm bệnh ở Caphácnaum, đang trong cơn thập tử nhất sinh. Nghe tin Đức Giêsu đến, ông đã nài xin Người chữa lành cho con của mình. Người chỉ bảo ông: “Ông cứ về đi, con ông sống” (Ga 4,50a). Ấy thế mà, vị quan này đã tin vào Lời Chúa Giêsu, không một chút do dự. Không dễ gì để một người vô đạo tin vào Lời Chúa, nhất là người ấy lại làm quan ở triều đình! Thế mà, vị quan này lại tin mạnh mẽ vào Chúa bằng đức tin không toan tính, không phân tầng giai cấp, nhưng đặt trọn niềm tin vào Người. Nhờ đó, con ông đã được chữa lành, và cả nhà ông đều tin theo Người. Đức tin của vị quan triều đình đáng để ta suy gẫm và noi theo. Không chỉ có đức tin, mà ta còn được mời gọi thể hiện đức tin bằng hành động với người anh em đồng loại, những người nghèo khổ, người bị bỏ rơi bên lề xã hội.
Ước gì Lời Chúa hôm nay thúc đẩy chúng ta luôn đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa. Dù cuộc sống có khó khăn, thử thách, đối diện với thiên tai, dịch bệnh, hay gặp phải những cạm bẫy, nhưng niềm tin vào tình yêu của Chúa trong tim ta vẫn không bao giờ vơi cạn. Amen.