LỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 5, Mùa Chay)

0
1098

Bài đọc: Ds 21,4-9

Tin Mừng: Ga 8,21-30

Đức Giêsu lại nói với họ: “Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được.” Người Do Thái mới nói: “Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: Nơi tôi đi, các ông không thể đến được?” Người bảo họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.” Họ liền hỏi Người: “Ông là ai?” Đức Giêsu đáp: “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.”

—– o0o —–

—– SUY NIỆM —–

ĐI VÀ ĐẾN (Tu sĩ Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD)

Hành trình đời người luôn gắn liền với hai hành động “đi và đến”. “Đi” là bước khởi đầu của một cuộc hành trình và “đến” là điểm kết thúc của cuộc hành trình đó. Trong trình thuật Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu cũng đã nói đến hai động thái này nhiều lần. Vậy, thử hỏi Đức Giêsu đi đâu và đến nơi nào?

Trình thuật Tin Mừng hôm nay là những lời mạc khải tiếp theo của Đức Giêsu. Khung cảnh diễn ra những lời mạc khải là cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và nhóm Pharisêu liên quan đến bản thân Ngài. Trong khung cảnh ấy, Đức Giêsu mạc khải về hành trình “Ngài sẽ đi và nơi Ngài sẽ đến”. Tuy nhiên, những người Pharisêu không biết Ngài đi đâu và đến nơi nào. Họ không biết Ngài đi đâu bởi họ thuộc hạ giới, còn Đức Giêsu thuộc về thượng giới, nghĩa là họ thuộc về thế gian, còn Đức Giêsu thuộc về chốn trời cao. Họ hành động theo kiểu con người, còn Đức Giêsu thực thi sứ mạng theo thánh ý và kế hoạch của Chúa Cha. Còn hành trình Đức Giêsu đi là hành trình lên Giêrusalem, vác thập giá lên Núi Sọ để hiến tế chính mình cứu chuộc nhân loại. Nơi Đức Giêsu đến chính là thập giá, nơi mà Con Người được giương cao (x. Ga 8,28). Con người được giương cao nghĩa là Đức Giêsu sẽ bị treo lên trên thập giá, và nhờ đó, Ngài sẽ kéo mọi người lên với Ngài, cùng Ngài chiến thắng sự chết, tội lỗi để đến sống trong vương quốc của Chúa Cha.

Hành trình đời sống đức tin của người Kitô hữu cũng gắn liền với hai động thái “đi” và “đến”. Chúng ta “đi” theo Chúa, nghĩa là chấp nhận vác thập giá đi với Ngài trong hành trình đời sống của chúng ta. Và chúng ta cũng khao khát “đến” được nơi mà Ngài đã đến, đó là được chỗi dậy từ trong cõi chết, được phục sinh vinh hiển với Ngài và cùng Ngài hưởng vinh phúc trong vương quốc của Cha Ngài.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan và thông hiểu để chúng con nhận ra những dấu chỉ Chúa mạc khải trên hành trình đời sống, nhờ đó, chúng con vững bước đi theo Ngài và đến được nơi Ngài đã đến. Amen.

 


 

MANG TỘI MÀ CHẾT (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

—————

ĐI VÀ ĐẾN (Tu sĩ Louis Nguyễn Tuấn Lâm, SVD)

Đi và đến có lẽ là hai khái niệm trái ngược nhau. Nếu “đi” là điểm xuất phát, thì “đến” là điểm đích. Nhưng với bản tính yếu đuối, thì con người chưa chắc đã đi là sẽ đến. Thật vậy, mỗi chúng ta đều xuất phát từ Thiên  Chúa, nhưng không phải tất cả đều đến được đích nơi Thiên Chúa.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta về cuộc đời của Người, một cuộc trở về với đích đến. Người xuất phát từ Chúa Cha để đến với, đến ở, và đến cứu chuộc loài người, và rồi Người lại trở về với Chúa Cha. Ngang qua hành trình đó, Người cũng chỉ dạy cho ta biết về con đường để đến đích điểm là Nước Trời. Người dạy ta bỏ đi những con đường của thế gian mà hướng lên thượng giới. Người muốn ta chiêm ngắm cuộc thương khó của Người, đặc biệt là chiêm ngắm chính Người trên cây thánh giá để được cứu độ.

Với những lời chỉ dạy ấy, có những vị thánh đã theo chân Chúa Giêsu mà đến được với Người. Còn mỗi người chúng ta thì sao? Chúng ta đang trên đường đi, nhưng chúng ta có đến được đích là Nước Trời không? Hay chúng ta đang trên con đường mà Đức Giêsu đã nói: “Các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết”. Thật vậy, thế gian đang thâu tóm con người chúng ta theo đường hướng của nó, mà bỏ đi những lời dạy của Chúa. Từ đó, chúng ta chỉ biết đi mà không thể đến đích.

Mùa Chay là dịp mà mỗi người chúng ta nhìn lại cách sống mà tự biết sám hối, ăn năn để quay trở về với Thiên Chúa là đích điểm. Đây cũng là dịp mà ta có thể nghỉ ngơi trong Chúa, chiêm ngắm khuôn mặt đầy yêu thương của Người trên thánh giá. Và để ta nhận biết rằng chỉ trong tin yêu vào Đức Giêsu thì ta mới có thể đi đến cùng đích là chính Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm cho chúng con niềm tin yêu và lòng tín thác vào Ngài để chúng con vũng bước hơn trên đường về nhà Cha. Amen.

—————

THẬP GIÁ – BIỂU TƯỢNG TÌNH YÊU (Tu sĩ G.B. Nguyễn Tuấn Kiệt, SVD)

Thập giá là một hình ảnh rất quen thuộc với người tín hữu Công Giáo. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, thập giá được treo cao ở nơi trang trọng trong thánh đường, nguyện đường, gia đình Công Giáo. Vậy, nhìn lên thập giá, ta thấy gì?

Mỗi lần nhìn lên thập giá, bằng cái nhìn thể lý bình thường, ta nhận thấy nơi đó một xác thân đau đớn, trần truồng. Một xác thân nhận lấy những sỉ nhục, thất bại của kiếp người. Nhiều người thậm chí chẳng dám nhìn lâu lên thập giá, bởi vì hình ảnh nơi đó quá ghê rợn. Nhiều nghệ nhân cố gắng khắc hoạ Chúa Giêsu với hình ảnh thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng, điều chúng ta cần nhìn thấy nơi mầu nhiệm thập giá chính là tột đỉnh của một tình yêu hiến tế cao cả.

Với con mắt đức tin, nhìn lên Con Người được giương cao trên thập giá, ta nhận thấy tội lỗi của bản thân, thấy tình yêu thương của Thiên Chúa và còn nhận thấy ơn cứu độ. Mỗi lần chiêm ngắm thập giá, ta thấy Thiên Chúa gánh lấy tội lỗi cho chính mình, “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây Thập Giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính” (1Pr 2,24). Qua khổ hình thập giá, Người đã cứu chuộc nhân loại. “Hoa sự sống” đã mọc ra từ cây thập giá. Vì vậy, ngước nhìn lên Con Người được giương cao trên thập giá, ta chiêm ngắm mầu nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa. Nhờ đó ta can đảm làm chứng cho một Thiên Chúa Yêu Thương.

Lạy Chúa Giêsu, Thánh giá của Chúa là biểu tượng tình yêu, xin cho chúng con biết tin tưởng vào tình yêu Chúa là cứu cánh và cùng đích của đời con. Để mỗi lần nhìn ngắm Chúa giương cao trên thập giá, chúng con biết sống cuộc đời công chính để xứng đáng với tình yêu của Người. Amen.

Bài trướcCÁO PHÓ: Ông Cố Gioan B. Nguyễn Văn Trông (thân phụ của Lm. GB. Nguyễn Văn Thuật, SVD)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá – Năm A