MÙA GIÁNG SINH (tiếp theo 2) – NĂM A

0
486

Chúa Nhật – Ngày 12 – Tháng 1

CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Lễ Kính

Bài đọc 1: Is 42,1-4.6-7
Bài đọc 2: Cv 10,34-38
Tin Mừng : Mt 3,13-17

Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” Nhưng Đức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người.
Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”

PHÉP RỬA

Trong lịch sử nhân loại, nước luôn là một biểu tượng quan trọng của nhiều nền văn hoá và tôn giáo. Nước là biểu tượng cho sự sống và cũng là biểu tượng cho sự thanh tẩy, gột rửa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, nước là thành phần quan trọng trong phép rửa của ông Gioan.
Đoàn dân đang mong đợi Đấng Cứu Thế. Ông Gioan đang bị lầm tưởng là Đấng phải đến. Người dân tuôn đổ đến với ông để đón nhận phép rửa tỏ lòng sám hối. Hòa lẫn trong đám đông đó có Chúa Giêsu. Để bắt đầu sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã đến xin ông Gioan làm phép rửa cho mình, dù Ngài là Đấng không mang tì vết của tội lỗi. Phép rửa của ông Gioan là để kêu gọi người ta ăn năn, sám hối trở về với Chúa. Còn Chúa Giêsu đến để kiện toàn phép rửa này.
Nước được dùng để tẩy rửa khỏi mọi ô uế thể xác thế nào thì phép rửa cũng tẩy rửa mọi ô uế phần hồn như vậy. Hơn thế nữa, phép rửa không chỉ mang đến cho người lãnh nhận ơn tha tội nhưng còn mang đến hồng ân lớn lao, là được làm con cái Thiên Chúa. Chúa Giêsu không chỉ làm phép rửa trong nước mà cả trong Thánh Thần. Đó là phép rửa đánh dấu một cột mốc mới, một điểm khởi đầu mới, một cuộc đời mới, một sứ vụ mới, một con người mới.
Ngày được lãnh bí tích Thánh Tẩy, Thiên Chúa đã ban xuống cho mỗi người Kitô hữu ân huệ lớn lao là được làm con cái Ngài. Kể từ đó, mỗi Kitô hữu cũng có trách nhiệm đổi mới đời sống để xứng đáng với phép rửa, với ân ban mình được lãnh nhận.
Lạy Chúa, được làm con Chúa trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội quả là một hồng ân lớn lao. Xin Chúa giúp con sống xứng đáng với ơn gọi, với ơn phúc Chúa đã ban cho con.
Tu sĩ Gioan Baotixita Nguyễn Văn Tùng, SVD

Thứ Hai – Ngày 13 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I
Thánh Hilariô, GM, TSHT

Bài đọc : 1 Sm 1,1-8
Tin Mừng : Mc 1,14-20

Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy ông Simôn với người anh là ông Anrê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG

Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, mở đầu sứ vụ công khai Chúa Giêsu đã rao giảng: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Đây là lời mời gọi khẩn thiết và quan trọng của Chúa Giêsu đối với mọi người, là lời rao giảng đầu tiên và quan trọng nhất trong sứ mạng cứu độ của Ngài. Vậy sám hối là gì? Sám hối mang lại lợi ích gì cho tôi?
Trước hết, sám hối là hành động thể hiện lòng tin. Chỉ khi tin vào một Thiên Chúa yêu thương và tha thứ, hành động sám hối mới chân thành. Vì thế, lòng sám hối cần đi kèm với lòng tin vào Tin Mừng, nghĩa là tin Đức Giêsu chính là Tin Mừng cho nhân loại: Tin Mừng của yêu thương, tha thứ và cứu độ.
Tiếp đến, sám hối là sự quyết tâm quay về, làm lại, sửa lại những bất toàn, sai trái, thiếu sót. Sám hối chính là quay về với chính lòng mình để xem thử điều gì là đúng, điều gì sai, điều gì không phù hợp với những giá trị của Tin Mừng; đồng thời, định hướng lại đời mình theo những đòi hỏi và thôi thúc của những giá trị đó.
Vì sám hối là tiến trình nhận biết mình tội lỗi, yếu đuối, bất toàn và quyết tâm thay đổi lối sống của mình, nhắm tới sự canh tân đời sống của bản thân, nên sám hối đòi hỏi một thái độ khiêm tốn, tin tưởng và phó thác cho tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa yêu thương.
Lòng sám hối chân thành nhắc tôi biết dựa vào sức mạnh và quyền năng biến đổi của Chúa hơn là chỉ dựa vào những nỗ lực của bản thân. Tiến trình sám hối hiệu quả cần sự phối hợp giữa ơn Chúa và sự quyết tâm thay đổi của bản thân.
Lạy Chúa, xin cho con biết dựa vào sức mạnh của Chúa để con can đảm sống điều mình quyết tâm là sám hối và tin vào Tin Mừng để bước đi với Chúa trong bình an.
Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thành Trung, SVD

 

Thứ Ba – Ngày 14 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Bài đọc 1 : 1 Sm 1, 9-20
Tin Mừng : Mc 1,21b-28

Ngày sabát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê.

LỜI CHÚA VÀ ĐỨC TIN

Hôm ấy, lần đầu tiên Đức Giêsu vào hội đường Caphácnaum để giảng dạy, và lời giảng của Người đã làm độc giả hôm ấy vô cùng sửng sốt, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư (Mc 1, 21-22).
Quyền uy ấy của Người còn bộc lộ cách tỏ tường hơn nữa khi Người ra lệnh cho thần ô uế đang cầm giữ một người trong hội đường phải xuất khỏi người này. Tuy nhiên chúng ta không khỏi thắc mắc tại sao Người lại ngăn cấm thần ô uế khi chúng nói đúng về Người, rằng Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa? Thánh Máccô sẽ còn cho thấy ở những lần khác Chúa Giêsu không cho phép những người được Người chữa lành bệnh đi nói công khai (1,44; 5,43), hay thậm chí Người cũng không cho phép các môn đệ tiết lộ thiên tính của Người ra ngoài (8,27-30). Vậy đâu là lý do?
Phải chăng để có thể nhận ra Đức Giêsu là ai để tin, người ta cần phải cố sức để nghe, để nhìn, để cảm nghiệm trực tiếp lời Người chứ không nên hời hợt tin theo lời mách lẻo của thần ô uế hoặc những lời truyền tai nhau theo kiểu “tam sao thất bản”? Và hẳn là chỉ đến khi người ta ngước nhìn lên Đấng bị đâm thâu trên thập giá, mà bề ngoài như thể là một sự thất bại ê chề, nhưng vẫn dám tuyên xưng Người là Con Một Thiên Chúa, đã dám chết vì nhân loại, thì đức tin ấy mới thật sự tinh ròng.
Là những Kitô hữu, chúng ta phải không ngừng để cho Lời quyền năng của Chúa biến đổi, đỡ nâng và dẫn lối chứ không phải uốn nắn Lời Chúa theo ý mình nhằm tìm kiếm sự dễ dàng. Chúng ta cũng phải dám tin rằng, Chúa luôn chở che thế giới đầy khổ đau này, và sức mạnh của Người vượt trên sự dữ, để không bao giờ đánh mất niềm hy vọng.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tín thác nơi Ngài.
Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Du Trí, SVD

 

Thứ Tư – Ngày 15 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Bài đọc : 1 Sm 3,1-10.19-20
Tin Mừng : Mc 1,29-39

Vừa ra khỏi hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simôn và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simôn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài. Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai. Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Simôn và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

MỤC VỤ VÀ CẦU NGUYỆN

Nhiều người quá coi trọng mục vụ đến nỗi không còn thời gian để cầu nguyện với Chúa. Ngược lại, có nhiều người lại chỉ chăm chú cầu nguyện mà vô tình quên đi bổn phận với tha nhân. Cầu nguyện và mục vụ là hai khía cạnh không thể thiếu đối với một môn đệ Đức Kitô, điều quan trọng là phải biết kết hợp hai khía cạnh này sao cho hài hoà và hợp lý.
Trong bài Tin Mừng hôn nay, thánh Máccô cho ta thấy chân dung của một Đức Giêsu luôn tất bật với công việc. Người làm việc cả ngày mãi cho tới khi mặt trời đã lặn. Dù cả ngày bận rộn với việc rao giảng, chữa lành và trừ quỷ nhưng Chúa Giêsu vẫn tranh thủ tìm một thời gian thích hợp để cầu nguyện. Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.
Là tu sĩ và là môn đệ của Chúa Giêsu,
tôi ý thức rằng cuộc đời của tôi được dệt bằng sự hy sinh phục vụ tha nhân kết hợp với việc phụng thờ Thiên Chúa. Tôi tưởng tượng mình đang đi trên một con đường. Trên con đường ấy, tôi không đi một mình, nhưng có Chúa Giêsu và cả tha nhân cùng đồng hành. Giả như tôi chỉ biết dõi theo Chúa Giêsu để rồi vô tâm bỏ mặc tha nhân thì tôi quả là một người ích kỷ đáng lên án; ngược lại, giả như tôi chỉ biết chú tâm đến tha nhân để rồi quên đi sự tồn tại của Chúa Giêsu thì chắc chắn tôi sẽ lạc lối. Thật may mắn, tôi có tới hai cánh tay. Do đó, một tay tôi sẽ nắm chặt lấy Chúa Giêsu để không lo lạc đường, tay còn lại tôi sẽ nắm lấy tha nhân để cùng dẫn họ đi theo Chúa.
Lạy Chúa Giêsu xin cho con biết luôn kết hợp với Ngài trong nguyện cầu, để con có thể kín múc sức mạnh mà phục vụ tha nhân. Xin cũng giúp con kết hiệp với tha nhân để con cùng với họ phụng sự Ngài trong đức ái duy nhất.
Tu sĩ Phêrô Hoàng Văn Toàn, SVD

Thứ Tư – Ngày 15 – Tháng 1

LỄ THÁNH ARNOLD JANSSEN
ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG NGÔI LỜI
Lễ Trọng

Bài đọc 1: Is 52,7-10
Bài đọc 2: Ep 3,8-12. 14-19
Tin Mừng : Ga 1, 1-5. 9-14. 16-18

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. […]

TRỞ VỀ

Socrates đã từng nói: “Cuộc sống mà không suy xét thì không đáng sống”. Suy xét ở đây có nghĩa là nhìn lại, nhận định, phân tích để thấy rõ vấn đề. Thiết nghĩ, trong ngày lễ kính thánh Tổ Phụ Arnold Janssen, mỗi anh em Ngôi Lời hãy dành chút thời gian để trở về, để tìm lại sức mạnh, định lại hướng đi, và để xác tín hơn vào ơn gọi của mình.
Trước tiên, trở về để tìm lại sức mạnh. Sức mạnh dựa vào việc “bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu” (Cl 2,7). Chúa Giêsu là nền tảng duy nhất cho cuộc đời người Kitô hữu. Trở về để sống niềm vui gặp gỡ. Niềm vui ấy mang lại niềm hy vọng cho con người. Đó là niềm hy vọng có sức biến đổi con người. Thánh Arnold đã gặp được Niềm Hy Vọng đó, nên Ngài đã lập nên Dòng Ngôi Lời.
Tiếp đến, trở về để định lại hướng đi. Cuộc sống hỗn tạp giữa đời và đạo, nhiều lúc cũng làm cho con người lạc trôi, vô hướng. Vì vậy, rất cần một chiếc la bàn để định lại hướng đi. Thánh Arnold đã xác tín rất rõ rằng: “Cuộc sống của Ngài là cuộc sống của chúng ta, sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta”. Sống sứ vụ là họa lại đời sống của Đức Kitô, trở nên ‘đồng hình đồng dạng’ với Người, và để có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Quả thật, con đường sứ vụ đó sẽ mãi là lựa chọn đúng cho mỗi thành viên SVD bước theo.
Cuối cùng, trở về để sống đúng đặc sủng và ơn gọi, đó là “Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất” (Cha thánh Arnold Janssen). Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội và của mỗi Kitô hữu. Là chi thể của Đức Kitô, mỗi người cần ý thức vai trò ngôn sứ của mình, nghĩa là người dẫn đường, chứng nhân Tin Mừng cho con người của thời đại hôm nay.
Lạy Chúa, trở về luôn là điều cần thiết cho mỗi người chúng con. Xin cho chúng con luôn biết trở về với chính Chúa là nguồn sức mạnh. Về với Chúa, mỗi người chúng con sẽ tìm lại được sức mạnh, sẽ trở về với tình yêu thuở ban đầu, sẽ sống ơn gọi cách tinh tuyền, trọn vẹn và dấn thân cho sứ vụ của Đức Kitô, Thầy Chí Thánh.
Tu sĩ Gioan Baotixita Cao Xuân Tiến, SVD

Thứ Năm – Ngày 16 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Bài đọc : 1 Sm 4,1-11
Tin Mừng : Mc 1,40-45

Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

THUẬN THEO Ý CHÚA

Trình thuật Tin Mừng kể lại câu chuyện người phong hủi tìm đến với Đức Giêsu và quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1,40).
Phong cùi là căn bệnh nan y, dễ lây lan mà không có thuốc chữa vào thời điểm bấy giờ. Theo luật Cựu Ước, người mắc bệnh phong cùi buộc phải sống cách ly với mọi môi trường xã hội. Bởi thế, họ rất đau khổ vì phải gánh chịu cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Nỗi đau thể xác là bị căn bệnh gặm nhấm từng thớ thịt và nỗi đau tinh thần là bị người đồng loại xua đuổi và nguyền rủa vì cho rằng bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Gánh chịu cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần như thế, chắc chắn rằng điều mà họ mong muốn lớn nhất lúc đó là được Thiên Chúa chữa lành.
Quan sát thái độ, hành động và lời nói của người phong cùi, chúng ta có thể thấy được anh ta là một người có lòng tin vững vàng và lòng khao khát được chữa lành rất lớn. Loạt động từ “tìm đến, quỳ xuống và van xin” nói lên thái độ khiêm nhường chân thành, một niềm tin vững vàng và lòng khao khát được giải thoát của anh ta. Tuy nhiên, đó không phải là một niềm tin và sự mong muốn thượng tôn ý riêng mà là thuận theo ý Chúa: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Với bản thân, anh khao khát được chữa lành, nhưng anh quy chiếu tất cả vào điều Chúa muốn chứ không phải điều mình muốn, dẫu đó là một khao khát chính đáng. Đây là lời van xin thật tuyệt vì là lời cầu xin đi tìm ý Chúa chứ không phải ý riêng mình.
Thói quen thường thấy trong hành trình đời sống đức tin của ta là: tìm đến với Chúa để cầu xin điều này hay điều khác là để nhằm thoả mãn những nhu cầu mình muốn hơn là đi tìm thánh ý Chúa trong cuộc đời.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm đến với Chúa với tâm tình và thái độ tin tưởng, khiêm hạ để biết kiếm tìm ý Chúa và thuận theo ý Ngài trong mọi sự.
Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD

Thứ Sáu – Ngày 17 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I
Thánh Antôn, Viện phụ – Lễ Nhớ (Tr.)

Bài đọc : 1 Sm 8,4-7.10-22a
Tin Mừng : Mc 2,1-12

Vài ngày sau, Đức Giêsu trở lại thành Caphácnaum. Hay tin Người ở nhà, dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ. Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giêsu một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” Tâm trí Đức Giêsu thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: ‘Con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi’, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt,- Ta truyền cho con : Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!” Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ !”

BẠI LIỆT

Qua đoạn Lời Chúa hôm nay, thánh Máccô kể một câu chuyện về việc Chúa Giêsu chữa người bại liệt khỏi tật nguyền. Nhờ niềm tin vào quyền năng và sự tha thứ của Chúa Giêsu mà anh bại liệt được chữa khỏi bệnh thể lý và bệnh tinh thần là tội lỗi.
Hình ảnh người bại liệt trong bài Tin Mừng hôm nay làm mỗi người chúng ta suy nghĩ đến sự tê liệt của bản thân. Sự bại liệt không chỉ có ở bên ngoài thân xác nhưng nó ẩn giấu bên trong tâm hồn mỗi người qua sự dửng dưng hay thờ ơ với những người xung quanh, những người đang chịu đau khổ, bị bỏ rơi trong cuộc sống. Sự vô tâm đó có thể do chúng ta quá mải mê vào những thứ khác như công việc, sở thích hay những đam mê của cá nhân…
Sự bại liệt còn có thể xảy đến cho tinh thần khi người ta bị tội lỗi không chế và chi phối. Sự bại liệt do tội lỗi gây ra không thể bị loại trừ hay chữa lành nếu không nhờ ân sủng và sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng chiến thắng tội lỗi. Vì thế, người ta cần năng đến với Chúa để nhờ ơn thánh của Người mà được chữa lành khỏi sự bại liệt tinh thần do tội lỗi gây ra.
Lạy Chúa, hình ảnh người bại liệt trong Tin Mừng hôm nay là cơ hội cho chúng con tái khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngài đang mời gọi chúng con bước ra khỏi sự bại liệt của bản thân mà đến cùng Chúa, đến với anh chị em, những người sống chung quanh để nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi người khác, và qua sự hiện diện đó mà chúng con được củng cố niềm tin và được chữa lành khỏi sự bại liệt của tâm hồn.
Tu sĩ Giuse Phạm Văn Tịnh, SVD

Thứ Bảy – Ngày 18 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Bài đọc : 1 Sm 9, 1-4. 17-19; 10, 1a
Tin Mừng : Mc 2,13-17

Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giêsu và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người. Những kinh sư thuộc nhóm Pharisêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA

Chúa Giêsu nói với ông Lêvi: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo người (Mc 2, 14). Qua câu nói này, Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót đối với kẻ tội lỗi là ông Lêvi và cho cả những người tội lỗi ngày nay.
Ông Lêvi là người tội lỗi, kẻ thu thuế và tay sai cho đế quốc Rôma. Người Do Thái xem ông như là kẻ phản bội và loại trừ ông ra khỏi dân thánh. Chính ông cũng ý thức về tình trạng tội lỗi và mất nhân phẩm của mình. Nhưng ai có thể trả lại cái nhân phẩm và quyền làm con Thiên Chúa cho ông? Ông đã nghe về thầy Giêsu,
về một Đấng đầy quyền năng và lòng xót thương. Ông nhận ra chỉ có Đấng ấy mới có thể trả lại những điều mà ông hằng khát khao. Vì vậy, khi nghe Đấng ấy gọi: “Anh hãy theo tôi!”, ông mừng rỡ và tức khắc từ bỏ lối sống cũ, đứng dậy đi theo Ngài. Quả thật, Thiên Chúa không loại trừ ai bao giờ; Ngài luôn mở vòng tay chào đón mọi người biết ăn năn hối cải.
Trước mặt Chúa, mỗi người chúng ta cũng có thể là một tội nhân như ông Lêvi. Vì những lý do khác nhau như tham lam, gian dối, ghen ghét, thù hận hay do các đam mê và dục vọng bản thân mà chúng ta có thể làm nhiều việc trái với lương tâm, đạo đức, trái với tinh thần yêu thương của Tin Mừng. Lời Chúa hôm nay là lời mời gọi chúng ta ăn năn hối cải trở về với Thiên Chúa, để được nhận lãnh lòng thương xót của Thiên Chúa và trở nên con cái của Ngài.
Lạy Chúa, xin cho con sự can đảm để từ bỏ những thói hư tật xấu và chạy đến với lòng thương xót của Chúa để được chữa lành và trở nên môn đệ của Ngài.
Tu sĩ Phêrô Đinh Hứa Quốc Thịnh, SVD

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa – Năm A
Bài tiếp theoThánh Lễ Truyền Chức Linh Mục và Phó Tế, Tỉnh Dòng Ngôi Lời – Giuse Việt Nam 2020

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.