LỜI SỐNG (Thứ Tư Lễ Tro)

0
698

Tin mừng: Mt 6,1-6.16-18

1 “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.

2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.

3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

5 “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.

6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

16 “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.

17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

—– SUY NIỆM —–

MÙA CHAY – MÙA TRỞ VỀ (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Xuyên, SVD)

Mùa Chay Thánh bắt đầu với nghi thức xức tro trên đầu để nhắc nhở người tín hữu về thân phận yếu đuối của kiếp người. Trình thuật Tin Mừng hôm nay mời gọi các tín hữu trở về với Thiên Chúa bằng những phương thức: ăn chay, cầu nguyện và làm các việc lành phúc đức.

Ăn chay: Trong bài đọc một, để dân chúng ăn năn sám hối quay trở về với Đức Chúa, ngôn sứ Gioen đã nói: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với ta… hãy ăn chay, khóc lóc và thống thiết kêu van”. Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự sẽ tha tội cho dân. Còn Chúa Giêsu dạy: “Khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm… và Cha anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả lại cho anh em”. Vậy, ăn chay là việc cần thiết và nhắc nhở chúng ta phải biết tự chế ngự, làm chủ các ham muốn, sám hối, cầu nguyện …

Cầu nguyện: Vì cầu nguyện là hơi thở của đời sống đức tin, nên mỗi tín hữu được mời gọi cầu nguyện liên lỉ trong mọi biến cố vui buồn của cuộc sống. Đặc biệt trong Mùa Chay, vì đây là mùa để giúp mỗi người nhìn lại cuộc đời mình: những lỗi lầm, thiếu sót, ăn năn sám hối và đến với bí tích Hòa Giải. Khi cầu nguyện và giao hòa với Thiên Chúa, chúng ta sẽ lãnh nhận được những ân huệ của Người.

Làm các việc lành phúc đức: Đức Thánh Cha Phanxicô viết rằng: “Con đường khó nghèo và từ bỏ chính mình qua việc giữ chay, quan tâm và yêu thương chăm sóc người nghèo qua việc làm bác ái, và trò chuyện như trẻ thơ với Chúa Cha qua việc cầu nguyện giúp chúng ta có thể sống đức tin chân thành, đức cậy sống động và đức ái hiệu quả.” Vậy chúng ta được mời gọi giảm bớt chi tiêu ăn uống để làm bác ái: giúp đỡ người nghèo, thăm viếng bệnh nhân, người neo đơn, bất hạnh…

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con trong Mùa Chay này biết từ bỏ con đường tội lỗi mà trở về với Chúa và xin cho chúng con biết cầu nguyện với Chúa, biết chế ngự ham muốn bản thân và thực thi bác ái với tha nhân. Amen.


VIỆC LÀNH PHÚC ĐỨC (Tu sĩ  Phêrô Nguyễn Xuân Thành, SVD)

Với khuynh hướng đề cao cá nhân như ngày nay, người ta muốn được biết đến và tung hô, khi thực hiện các việc bác ái. Chẳng hạn, làm việc bố thí với quy mô rầm rộ, hỗ trợ xây dựng nhà cửa cho bà con dân tộc thiểu số với điều kiện là phát sóng trên các kênh truyền hình… Tuy nhiên, các việc làm trên đi trái với tinh thần mà Tin Mừng hôm nay đề cập.

Ngang qua Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu khuyên ta tránh cách thực hành các việc lành phúc đức theo kiểu khoe khoang, nhằm nâng cao giá trị bản thân. Đồng thời, Người chỉ ra phương thức thực hiện cách hiệu quả, đó là: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng” (Mt 6,1). Quả thật, mọi việc làm với ước mong cốt để cho người khác biết thì chỉ làm lợi cho cá nhân, còn đối với Thiên Chúa đó chỉ là những việc trống rỗng. Thiên Chúa muốn ta thực hành các việc lành một cách kín đáo, tránh khoe khoang. Đồng thời, việc lành đó phải được thực hiện khởi đi từ tấm lòng. Chỉ khi làm với trọn cả tấm lòng thì ta mới tỏ lộ sự chân thật đối với tha nhân và Thiên Chúa. Hiển nhiên, việc làm này được Thiên Chúa ưa thích: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 12,7).

Ước mong rằng, Lời Chúa hôm nay thấm nhập tâm hồn mỗi người. Để từ đó, ta sống và thực hành theo tinh thần của Chúa Giêsu cách triệt để trong suốt cuộc đời. Đặc biệt, trong Mùa Chay thánh này, ta cần kiên quyết gạt bỏ tư tưởng làm việc lành theo kiểu thế gian là khua chiêng múa trống cốt để mọi người nhìn thấy, thay vào đó là tinh thần của Đức Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, Ngài biết rõ mọi sự nơi chúng con. Nhưng với tình yêu bao la, xin Ngài tha thứ lỗi lầm của chúng con; đồng thời ban cho mỗi người chúng con biết sống và hành động một cách chân thật. Amen.


KHUA CHIÊNG ĐÁNH TRỐNG (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Tâm, SVD)

Chiêng trống là những dụng cụ âm thanh dùng để thu hút sự  chú  ý  của mọi người. Khi muốn mọi người để ý đến hành động của mình, người ta thường “khua chiêng đánh trống”. Song trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại nhắc nhở rằng anh em chớ có khua chiêng đánh trống nhất là trong khi làm việc lành phúc đức.

Người ta vẫn thường nói: “Ở đời, không ai cho không ai cái gì bao giờ.” Quả thế, khi làm bất cứ việc lành gì ta vẫn thường làm với mục đích nào đó. Có người làm việc lành với mục đích đánh bóng tên tuổi của mình. Có người làm với hy vọng sẽ nhận được sự trả ơn trong tương lai. Hay như có người làm với mục đích để cho lương tâm mình cảm thấy thoải mái,… Như thế, suy cho cùng, ta vẫn đang làm việc lành vì lợi ích bản thân chứ chưa phải vì tình yêu với người anh em mình. Đây cũng là cách thức mà những phường đạo đức giả thường làm. Đức Giêsu đã kịch liệt phản đối thái độ này và khuyên chúng ta cần tránh cho bằng được. Khi làm phúc bố thí giúp đỡ ai hay làm việc đạo đức nào đó, ta cần làm với tất cả tình yêu. Nghĩa là việc lành ta làm phải xuất phát từ chính tình yêu của ta, trước là với Thiên Chúa, sau là dành cho anh chị em mình. Bất cứ mục đích nào khác ngoài tình yêu thì ta cần tránh cho bằng được.

Hôm nay, Giáo Hội bước vào bốn mươi ngày chay thánh. Đây là khoảng thời gian thuận lợi để mỗi người chúng ta nhìn lại con người mình. Lâu nay, ta đã thật sự sống, cầu nguyện và làm việc lành phúc đức với tình yêu hay chưa? hay ta đang làm vì lời qua tiếng lại của người xung quanh? Đâu là thái độ và mục đích của ta khi làm việc lành phúc đức?

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa đốt lên trong chúng con ngọn lửa của tình yêu Chúa, để chúng con biết thực hành những lời Chúa dạy bảo với con tim yêu mến và tâm tình khiêm tốn đơn sơ. Amen.


 

KÍN ĐÁO (Tu sĩ Phêrô Hoàng Quốc Việt, SVD)

Đã là con người ai cũng thích được nhiều người biết về mình, biết về việc mình làm và biết về thành tích của mình đã làm cho người khác. Nhưng đối với Chúa Giêsu, Người lại muốn điều ngược lại.

Thật vậy, trong bài Tin Mừng theo thánh Mátthêu hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ và mỗi người chúng ta khi làm việc tốt lành thì đừng cho ai biết. Xem ra lời dạy của Đức Giêsu thật khó chấp nhận theo cái nhìn của con người. Nhưng chắc gì những điều làm trong sự kín đáo thì tốt lành: hối lộ, ăn cắp, ăn trộm… Thiết nghĩ Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh: ai sống tốt lành thì tốt thật từ tâm chứ đừng chỉ có hình thức bên ngoài; có giúp đỡ ai thì vì lòng yêu thương con người chứ đừng chỉ để đánh bóng tên tuổi; hay khi muốn hy sinh hãm mình thì bằng cả sự đơn sơ chân tình chứ đừng giả hình giả bộ… vì Đấng thấu suốt những gì kín đáo thì thích sự kín đáo!

Xã hội càng tiến bộ và văn minh thì con người, cả đời lẫn đạo, lại càng đặt ra những giá trị và tiêu chuẩn để chọn hay loại trừ một con người. Cũng chính vì những tiêu chuẩn này, nên ai cũng muốn cố gắng để danh tính mình được nổi trội, việc làm mình được nhiều người biết đến và được coi là tốt lành. Người ta luôn tìm cách, tìm dịp và thậm chí tìm thủ đoạn để đánh bóng tên tuổi của mình chứ ít ai thích mình bị lu mờ. Vậy nên lời mời gọi của Chúa Giêsu là một thách đố cho mọi Kitô hữu mà mục đích đời sống là để cho “danh thánh Cha vinh hiển” (x. Mt 6,9).

Lạy Chúa, chúng con cảm thấy thật khó để sống theo lời Chúa dạy trong xã hội ngày hôm nay, vì chúng con vẫn ưa thích sự khoe khoang, phô trương hơn là sự âm thầm và kín đáo. Xin Chúa giúp sức cho chúng con. Amen


 

CỐT Ở TẤM LÒNG (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

Bài trướcCHƯƠNG II: MẦU NHIỆM CỦA MÙA CHAY
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Thứ Tư Lễ Tro