Tin Mừng: Mc 8, 27-33
27 Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai ?”
28 Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”.
29 Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai ?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Đấng Kitô”.
30 Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.
31 Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại.
32 Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người.
33 Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.
—– SUY NIỆM —–
NGHỊCH LÝ CỦA MỘT ĐẤNG KITÔ (Tu sĩ Giuse Phạm Văn Tịnh, SVD)
“Thầy là Đấng Kitô” đó là lời tuyên xưng niềm tin của ông Phêrô. Lời tuyên xưng ấy dường như là một nghịch lý đối với cuộc đời Đức Giêsu, vì sau lời tuyên xưng đó, Chúa Giêsu cho các môn đệ biết Ngài phải chịu đau khổ.
Đấng “Kitô”, tiếng Hy Lạp nghĩa là Đấng “được xức dầu”. Ngài được Thiên Chúa thánh hiến, Ngài có quyền tối cao trên mọi loài thụ tạo. Nhưng tương lai gần, đưa Ngài đến sự đau khổ dưới nhà cầm quyền Rôma. Nghịch lý này khiến niềm tin của ông Phêrô bị lung lay, ông không thể chấp nhận khái niệm về một Đấng Kitô như thế và ông liền can ngăn Người. Thật vậy, Đức Giêsu là Đấng Kitô của sự nghịch lý, nhưng sự nghịch lý này không dẫn đến sự phi lý nhưng là sự hợp lý và có lý trong chương trình cứu độ của Ngài. Ngài chịu đau khổ nhằm mục đích chung chia thân phận đau khổ của kiếp con người. Mục đích của Đấng Kitô đến với con người là cho ta một thân phận mới, thân phận thuộc về Chúa. Ngài chịu đau khổ cùng ta, với ta và vì ta, để ta biết, ta thuộc về Ngài và Ngài thuộc về ta, vì chẳng có ai dám chết cho cái mà họ không thuộc về. Do đó, nghịch lý của một Đấng Kitô không chỉ là nghịch lý của sự đau khổ nhưng là sự hợp lý và có lý của một món quà tình yêu cho không, biếu không gửi đến nhân loại.
Trong cuộc sống, ta không thể tránh được những điều phi lý hay nghịch lý. Những lúc như thế, ta cần nhớ đến Đấng Kitô, Ngài cũng đã mang những nghịch lý đó trong cuộc đời để chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha và nhân loại. Qua tấm gương đó, ta cũng xin Chúa giúp ta hiểu được giá trị thật đàng sau của những nghịch lý trong đời không nằm ngoài thánh ý Ngài trao, để tôi luyện thêm đức tin và tình yêu đồng loại nơi ta.
Lạy Đấng Kitô, những điều nghịch lý trong đời Ngài, nay tồn tại trong cuộc sống của chúng con. Xin Ngài biến những điều nghịch lý ấy nơi chúng con thành điều hợp lý với thánh ý Ngài. Amen.
THẦY LÀ AI? (Tu sĩ Giuse Thái Viết Mậu, SVD)
Thầy là ai? Một câu hỏi ngắn ngủi nhưng thật khó để trả lời một cách trọn vẹn, bởi lẽ mỗi một người đều có cảm nhận khác nhau về người Thầy Giêsu mà họ theo đuổi.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Máccô đã trình bày cho chúng ta thấy một cuộc đối thoại xoay quanh câu hỏi: Thầy là ai? Có rất nhiều câu trả lời khác nhau đến từ đám đông dân chúng: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (Mc 8,28). Tuy nhiên, Đức Giêsu không mấy quan tâm đến những gì các môn đệ thuật lại, nhưng Ngài muốn nghe câu trả lời đến từ môi miệng của cá nhân mỗi người môn đệ “còn anh em, anh em bảo thầy là ai?” (Mc 8,29). Câu hỏi của Đức Giêsu dành cho các môn đệ không nhằm củng cố lý chứng vững chắc về Ngài, nhưng nó giống như một bài kiểm tra, nơi đó cá nhân từng người sẽ nói lên cảm nhận của họ về người Thầy mà họ đã, đang và sẽ đi theo.
Đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu cần phải được tuyên xưng trong chính đời sống tại thế. Tuy nhiên, việc tuyên xưng không phải là hành vi tập thể hay do “người khác nói” nhưng là một hành vi mang tính cá nhân. Nghĩa là tôi theo Chúa, tôi cảm nhận về Chúa, về Giáo Hội và tôi tuyên xưng niềm tin của chính cá nhân tôi vào Thiên Chúa mà tôi tôn thờ. Đặc biệt hơn, trong vai trò là những tu sĩ bước theo Chúa trên đường dâng hiến, người tu sĩ phải trả lời câu hỏi “Thầy là ai?” từng giây từng phút ngang qua đời sống thiêng liêng dành cho Chúa và qua hành động phục vụ tha nhân của mình trong mỗi ngày sống.
Lạy Chúa Giêsu, hành trình bước theo Ngài đòi hỏi chúng con phải trả lời câu hỏi: Thầy là ai? Xin thêm sức mạnh để từng ngày sống chúng con biết trả lời câu hỏi ấy một cách trọn vẹn nơi tình yêu dành cho Chúa và cho tha nhân. Amen.
THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ (Tu sĩ Phêrô Đinh Hứa Quốc Thịnh, SVD)
Sau nhiều năm, các môn đệ ở cùng và sống với Chúa Giêsu. Họ được nghe và chứng kiến các phép lạ của Chúa Giêsu. Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn biết các môn đệ nghĩ gì về Người nên đã hỏi các ông: “Anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29).
Với kinh nghiệm ở cùng và sống với Chúa Giêsu, Phêrô đã đại diện cho các môn đệ thưa với Người: “Thầy là Đấng Kitô”. Đấng Kitô có nghĩa là người được xức dầu, được thánh hiến và là Đấng hoàn tất mọi niềm hy vọng của dân Do Thái. Đối với Chúa Giêsu, việc tuyên xưng này là một bước tiến về nhận thức của các môn đệ, nhưng Người muốn đẩy nhận thức của các ông đi xa hơn nữa. Vì vậy, khi Phêrô tuyên xưng niềm tin xong, Chúa Giêsu liền mạc khải về cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Người. Qua đó, Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ hiểu được việc tuyên xưng niềm tin: “Thầy là Đấng Kitô” đòi buộc họ phải bước theo con đường của Người và thi hành thánh ý Thiên Chúa.
Ngày nay, Chúa Giêsu cũng hỏi mỗi người chúng ta: “Phần con, con bảo Thầy là ai?”. Để tuyên xưng niềm tin “Thầy là Đấng Kitô”, chúng ta phải có kinh nghiệm về Thiên Chúa. Kinh nghiệm này đến từ việc học hỏi Lời Chúa trong Kinh Thánh và cả trong tự nhiên. Chính qua tự nhiên, ta thấy được những dấu tích kỳ diệu của Thiên Chúa. Còn qua Kinh Thánh, ta nhận ra ý muốn của Người. Chính từ kinh nghiệm đó, ta dùng đức tin để cảm nhận và hiểu mà đi vào cuộc khổ nạn và Phục Sinh với Đấng Kitô. Qua đó, ta mới có thể tuyên xưng niềm tin một cách chính xác về Người.
Lạy Chúa, để tuyên xưng đức tin vào Chúa một cách mạnh mẽ thì chúng con phải có đức tin. Xin Chúa cũng cố và ban cho chúng con một đức tin vững mạnh vào Chúa. Amen.
SỰ THẬT VỀ ĐẤNG KITÔ (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)