LỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 5 TN)

0
427

Tin Mừng: Mc 7,31-37

Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Épphatha”, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”


 

—– SUY NIỆM —–

CÂM ĐIẾC THỰC SỰ ĐÁNG SỢ! (Tu sĩ  Giuse Trần Minh Kiểm, SVD)

Có người nói rằng: Nghe và nói là hai cánh cửa. Nói là cánh cửa mở tâm hồn mình để thông giao, còn nghe là đón nhận thông tin từ thế giới bên ngoài. Không nghe – không nói thì giống như đóng kín cánh cửa, không hiểu người khác và người khác cũng không hiểu mình.

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Máccô thuật lại một người vừa bị câm và điếc. Anh rất đau khổ vì không nói được với ai, cũng chẳng nghe được ai nói với mình. Mối tương quan giữa anh với tha nhân và vũ trụ dường như bị cắt đứt. Anh dường như đã bị loại trừ khỏi kiếp sống làm người, bị liệt vào hàng những kẻ tội lỗi. Nhưng tình thương của Đức Giêsu đã không thể làm ngơ trước sự đau khổ của anh. Người đã kéo riêng anh ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai và nhỏ nước miếng vào lưỡi anh. Khiến anh có thể nghe vào nói được và dễ dàng. Giờ đây, anh có thể nghe được những lời dạy dỗ ngọt ngào của Đức Giêsu, và nói được những lời yêu thương trừu mến cho những người khác. Tuy nhiên, sứ mệnh cứu thế của Đức Giêsu không dừng lại ở việc chữa lành bệnh về thân xác, mà qua việc chữa lành các bệnh tật thân xác là dấu chỉ cho thấy sứ mạng chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền thiêng liêng. Như thế, Đức Giêsu không chỉ trực tiếp giải phóng con người khỏi những nỗi thống khổ về thể xác, nhưng là giải phóng con người khỏi tội, bởi tội chính là căn nguyên gây ra những nỗi bất hạnh của kiếp người.

Thời đại hôm nay, con người rất dửng dưng – vô cảm trước Lời Chúa, qua Huấn Quyền, qua lời giảng dạy của những người có trách nhiệm trong Giáo Hội, qua những biến cố vui buồn xảy đến hằng ngày, … nhưng chúng ta vẫn bịt tai và không muốn nghe. Đó là bệnh câm điếc nguy hại và nguy hiểm hơn rất nhiều.

Chúng ta cũng cầu xin Chúa chữa lành bệnh câm điếc nơi tâm hồn chúng ta để chúng ta có thể lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Amen.


 

HÃY MỞ RA (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

LỜI QUYỀN NĂNG (Tu sĩ Phanxicô X. Nguyễn Trí Long, SVD)

Trong cuộc sống, con người đã trải qua bao nhiêu sóng gió, nghịch cảnh, đau khổ và thất vọng… khiến cho họ nghi ngờ, không còn tin tưởng vào Thiên Chúa. Cùng với những toan tính, kiêu ngạo, ích kỷ, tham lam, biếng nhác đã trở thành những sợi dây buộc lưỡi và bịt tai, làm tâm hồn của họ trở nên điếc và ngọng nghịu.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói lời quyền năng “Ephata” chữa người vừa điếc vừa ngọng. Đây cũng là bài học dành cho chúng ta, nếu cầu xin và tin vào lời quyền năng đó, thì bệnh điếc và ngọng trong tâm hồn chúng ta cũng được chữa lành. Mỗi người chúng ta cũng giống như anh thanh niên trong bài Tin

Mừng được Đức Giêsu đến bên cạnh, kéo riêng ra, đặt tay và nói lời quyền năng “Ephata, nghĩa là: hãy mở ra” (Mc 7,34b) để được chữa lành và đón nhận mầu nhiệm nước Trời. Khi Đức Giêsu nói lời quyền năng: hãy mở tai ra. Người sẽ khai thông mọi ngăn cách đã cản trở chúng ta lắng nghe và học hỏi thánh ý Thiên Chúa. Có như vậy, chúng ta mới biết lắng nghe Lời Người là lời sự sống dẫn dắt ta trên khắp nẻo đường sứ vụ. Không chỉ thế, chúng ta còn biết nghe tiếng Người qua những giây phút thinh lặng, qua những giờ chầu Thánh Thể, qua những tiếng than khóc, và kêu cứu của tha nhân.

Khi Đức Giêsu nói lời quyền năng: hãy mở miệng ra. Người sẽ thánh hóa để chúng ta cất lời tôn vinh, thưa chuyện thân tình với Thiên Chúa. Có như vậy, chúng ta biết nói Lời Người, biết ca ngợi tình thương của Người và tìm lại đời sống cầu nguyện. Từ đó, chúng ta biết nói những lời yêu thương, lời an ủi, lời hy vọng và lời nâng đỡ tha nhân.

Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa mở tai và mở miệng lưỡi linh hồn, để chúng con biết lắng nghe, đón nhận và nói Lời Chúa cho mọi người. Nhờ đó mà chúng con biết yêu mến chân thành, quảng đại hy sinh và dễ dàng đón nhận tha nhân. Amen.

 


 

CHẠNH LÒNG THƯƠNG (Tu sĩ Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD)

Trước những đau khổ và bệnh tật của con người, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương và đã chữa lành cho một người vừa câm, vừa điếc ở vùng Thập Tỉnh. Nơi đây đa số là dân ngoại, Chúa Giêsu thực hiện phép lạ này để cho nhân loại thấu hiểu được rằng ơn cứu độ không phân biệt và loại trừ bất cứ ai.

Quả thực, lời nói là một trong những biểu lộ sống động nhất của sự sống. Người đàn ông này đã bị giới hạn trong sự liên lạc với thế giới xung quanh. Thánh Máccô không nói rõ việc ông này mắc bệnh từ khi nào, nhưng có lẽ từ lúc bẩm sinh. Gắn với nỗi đau thể lý vừa câm vừa điếc của ông là nỗi đau tâm hồn, vì sự kì thị của những người xung quanh. Trong xã hội Do Thái bấy giờ, những người bệnh tật như vậy bị xem như dấu hiệu không được Thiên Chúa chúc phúc và bị dân chúng kỳ thị, xa lánh. Khi đối diện với nỗi thống khổ của người bệnh này, Chúa Giêsu đã không đưa ra một triết lý hay những lời giảng dạy êm tai để xoa dịu họ, nhưng Người hành động bằng cách chữa lành và đem lại niềm vui cho ông.

Việc chữa lành của Chúa Giêsu như lời mời gọi mọi người cùng nhau làm cho bất hạnh của con người vơi đi chút nào hay chút đó. Đặc biệt mang danh là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi cùng hành động để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Thánh Giacôbê đã khẳng định rằng: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17). Chúng ta được mời gọi qua những thái độ cởi mở, những việc làm tốt đẹp như chia sẻ cơm áo cho những người gặp khó khăn, ủi an những người bệnh tật, tôn trọng phẩm giá con người… hầu giúp mọi người nhận ra Nước Thiên Chúa đang hiện diện ở thế gian này.

Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên giống Ngài trong việc yêu thương tha nhân. Xin cho chúng con biết dấn thân như Ngài để đến với những người bệnh tật, những người kém may mắn hầu giúp họ nhận ra Chúa đang hiện diện nơi trần gian này.

Bài trướcThiên Chúa, Ngài là…?
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng MỒNG MỘT TẾT