LỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 2 MV)

0
385

Tin Mừng: Mt 11,16-19

Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông rằng; “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi  tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than.’ Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu  thuế  và  phường  tội lỗi.’ Nhưng Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”

—– o0o —–

SUY NIỆM

GIÁ TRỊ THẬT CỦA MỖI NGƯỜI (Tu sĩ Giuse Vũ Tiến Lợi, SVD)

Đâu là tiêu chuẩn để xác định giá trị thật của mỗi người? Tiêu chuẩn đó có phải là phụ thuộc vào những lời khen ngợi hay phê phán của người khác về họ? Hay phụ thuộc vào khối lượng tài sản, số lượng bằng cấp, các mối tương quan mà họ có? Hay là những yếu tố khác…

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu xác tín rõ: giá trị thật của một người không tuỳ vào lời phê phán của người khác, nhưng tuỳ vào chính hành động, vào lối sống của người đó: “Đức Khôn Ngoan được minh chứng bằng hành động” (Mt 11,19). Qua việc đưa ra tiêu chuẩn này, Đức Giêsu muốn giúp những người thuộc thế hệ của Người, cách riêng là những người Do Thái, đặt lại tiêu chuẩn chính xác khi nhận xét ai đó, bởi vì, họ đã quá “ngô nghê” như đứa trẻ. Cách cụ thể, Người đã dùng hình ảnh cuộc chơi: đám cưới – đám ma của hai đám trẻ để làm nổi bật giáo huấn của Người. Một nhóm bày trò đám cưới, thổi sáo và mong nhóm kia nhảy múa, nhưng nhóm kia chẳng tham gia. Nhóm này lại chơi trò đám ma, hát những bài hát bi thương, nhưng nhóm kia vẫn thờ ơ mà không giả vờ khóc.

Một cách tương tự, thế hệ này giống như đám trẻ kia, ngây ngô, dửng dưng và vô cảm. Họ không biết nhìn nhận giá trị thật của một người qua những hành động tốt lành của người đó. Thật vậy, ông Gioan Tẩy Giả sống đời khổ hạnh, phù hợp với lời ông giảng về Nước Trời gần đến. Ông sống hãm mình, giảm bớt các nhu cầu thân xác, để mở lòng mình ra đón nhận Đấng Cứu Thế, thì họ giải thích là “người bị quỷ ám”. Còn Đức Giêsu đến hòa mình vào dòng chảy của nhân loại. Người tiếp đón, đồng bàn với những người tội lỗi. Lối sống của Người phản ánh Tin Mừng mà Người rao giảng, một Tin Mừng đem lại niềm vui và sự giải thoát. Thế mà họ lại gán cho Người cái mác là “tay ăn nhậu”.

Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi sự ngây ngô và mê muội của cái nhìn ấu trĩ. Xin Chúa cho chúng con biết nhìn nhận, đánh giá người khác đúng như họ là. Amen.


 

ĐÔI MẮT TÌNH YÊU (Tu sĩ Phanxicô Xaviê Dương Hữu Công, SVD)

Bài Tin Mừng hôm nay nói đến những đánh giá của người Do Thái dành cho ông Gioan và Đức Giêsu. Ông Gioan bị coi là kẻ bị quỷ ám với lối sống khổ hạnh của ông. Ngược lại, với lối sống vui tươi và hoà đồng, Đức Giêsu lại bị coi là tay ăn nhậu, bạn bè với phường tội lỗi. Vậy phải sống như thế nào mới có thể chiều lòng họ đây?

Thực ra, điều quan trọng không phải nằm ở cách sống của ông Gioan và Đức Giêsu, nhưng vì lòng thù ghét và ganh tị của họ. Chính vì điều này mà họ luôn có lý do để nguỵ biện và bênh vực cho những cái nhìn phiến diện về người khác.

Giữa cuộc sống hôm nay, con người vẫn thường nhìn nhận và giản lược các vấn đề trong một cái nhìn chủ quan. Do đó, họ đóng khuôn và uốn nắn mọi sự theo những điều họ nghĩ tưởng. Cùng với đó, mỗi người chỉ đón nhận người khác, hay thậm chí cả Thiên Chúa hợp với sở thích cũng như quyền lợi của mình. Nếu có điều nào làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân, họ sẵn sàng chối bỏ và kết án, dù cho đó là chân lý, là sự thật hiển nhiên.

Cha ông ta vẫn thường dạy rằng: “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau thì quả bồ hòn cũng vuông”. Quả thật, tình yêu có sức mạnh lớn lao để có thể chấp nhận và xoá bỏ đi những sai lỗi cũng như khuyết điểm của người khác. Chỉ trong tình yêu và với tình yêu, mỗi người mới có thể nhìn thấy những điều tốt lành và vẻ đẹp nơi người đối diện.

Lạy Chúa, sống trong tâm tình của Mùa Vọng, xin cho chúng con biết nhìn thế giới dưới đôi mắt tình yêu của Chúa. Nhờ đó, chúng con vượt qua được các thành kiến hẹp hòi, vươn lên khỏi những ràng buộc của quyền lợi để rộng mở tâm hồn đón tiếp Chúa và những người anh em bên cạnh con. Amen.


 

SAO CHO VỪA LÒNG NGƯỜI? (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


SỰ KHÔN NGOAN ĐÍCH THỰC (♦ Tu sĩ Phêrô Phan Văn Thắng, SVD)

Điều căn bản của người Kitô hữu là phải đặt niềm tin vào Đức Kitô. Niềm tin ấy không chỉ ở nội tại hay tuyên xưng ngoài miệng mà còn phải được thể hiện một cách sống động, hiện thực và cụ thể bằng chính đời sống của mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Mátthêu thuật lại việc Đức Giêsu đến và rao giảng lời chân lý cho một đám đông. Thế nhưng, lời rao giảng của Ngài xem ra thừa thãi trước những kẻ luôn tự xưng mình là thông thái và khôn ngoan. Họ có tai mà không muốn nghe, có mắt mà không muốn nhìn và tâm hồn đã trở nên chai đá. Cho nên, dầu Đức Giêsu có rao giảng như thế nào, họ cũng chẳng tin. Và rồi Đức Giêsu đã than trách họ rất nặng lời. Đồng thời, Ngài cũng chỉ rõ cho họ thấy sự giả tạo khi tự xưng mình là khôn ngoan, thông thái. Thực ra, sự khôn ngoan mà họ tự hào là sự dốt nát. Vì nó không dạy cho họ con đường sống, con đường nhận ra Đấng Cứu Độ, nhưng đã dẫn họ tới con đường vong thân và mất ơn nghĩa. Chính vì sự tự mãn và chai lì trong tâm hồn, họ đã đánh mất hạnh phúc mà lẽ ra họ được thừa hưởng.

Ngang qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn nhắc nhở tôi phải sống kh- iêm hạ để nhận ra thân phận bất toàn, yếu kém của mình. Đồng thời, nhận thức được sự khôn ngoan đích thực là biết lắng nghe, tin và làm theo Lời Chúa dạy. Niềm tin vào Thiên Chúa mở ra cho tôi con đường hy vọng, dẫn tôi bước đi trên nẻo chính đường ngay, sống tròn đầy, hoàn thiện chính mình, và chờ đợi ngày hạnh phúc vĩnh cửu.

Lạy Chúa, xin ban cho con sự khiêm nhường của Chúa và xin cho con biết mở lòng ra để đón nhận chân lý mà  Chúa mạc khải và biết trở về với Chúa là Chân – Thiện – Mỹ.

Bài trướcMANG HƠI ẤM CHÚA HÀI ĐỒNG ĐẾN VỚI NGƯỜI NGHÈO
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 2 MV)