Tin mừng: Mt 15,29-37
29 Đức Giê-su xuống khỏi miền ấy, đến ven Biển Hồ Ga-li-lê. Người lên núi và ngồi ở đó. 30 Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa.
Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, 31 khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en.
32 Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường.”
33 Các môn đệ thưa: “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no ?” 34 Đức Giê-su hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh ?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ.”
35 Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. 36 Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. 37 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.
—oOo—
Suy niệm
CHẠNH LÒNG THƯƠNG (Tu sĩ Tôma Nguyễn Siêu Quốc, SVD)
Xuyên suốt Tin Mừng, nhìn vào đâu ta cũng dễ dàng bắt gặp được hình ảnh một Đức Giêsu xót thương. Chúa Giêsu đã
thổn thức khi bà mẹ goá đưa tiễn người con trai duy nhất ra nghĩa trang. Người chạnh lòng vì dân chúng như đàn chiên không người chăn dắt. Người đã khóc thương khi Lazarô qua đời. Ngày hôm nay, Người lại chạnh lòng thương trước những đói khát của dân chúng. Phải chăng ta đang được mời gọi để biết cảm thương như Giêsu?
Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại hình ảnh một Thiên Chúa xót thương. Người chữa lành cho dân chúng, cho người câm điếc nghe nói được, người đui mù nhìn thấy, và người què quặt bước đi. Trước khi chia tay, Chúa Giêsu còn chạnh lòng thương dân chúng vì họ đã ở với Người suốt ba ngày mà không ăn uống gì. Ai tinh ý thì đều biết rằng mỗi khi Chúa Giêsu chạnh lòng thương thì đều có phép lạ xảy ra. Không ngoại lệ, với bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ, Người đã làm phép lạ cho đám đông ai nấy đều ăn no nê. Chúng ta được mời gọi mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu mà đến với tha nhân. Đó chính là tâm tình biết cảm thương, biết chạnh lòng thương như Chúa Giêsu. Dường như con người của thời đại chỉ tập trung vào cái tôi ích kỷ riêng mình mà quên mất những nhu cầu của người khác. Gặp một người đói khổ, ta khinh bỉ; gặp một người tàn tật, ta chế giễu; gặp một người bị tai nạn, ta lờ đi; … Phải chăng lòng trắc ẩn và biết cảm thương dường như là một điều gì đó quá xa xỉ đối với ta?
Đã mang thân phận con người là mang lấy sự đói khát và thiếu thốn. Mỗi người chúng ta phải ý thức rằng chính ta là những kẻ đói khát, ta rất cần đến những giúp đỡ của người khác. Ta có thể sống ích kỷ riêng mình nhưng đừng quên rằng ta không thể sống tròn đầy và sống hạnh phúc nếu không có tha nhân. “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,31).
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết cảm thương và giàu lòng trắc ẩn với mọi người. Amen.
LƯƠNG Y (Giuse Nguyễn Đình Khiêm)
Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu mô tả Đức Giêsu là một vị lương y toàn năng, Người không chỉ chữa lành phần xác mà còn phần hồn của con người. Ngoài ra, Người cảm thông cho số phận hữu hạn của con người với lòng từ bi xót thương.
Thánh sử Mátthêu trình bày công việc hằng ngày của Đức Giêsu đối với dân chúng: “Người lên núi và ngồi ở đó. Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành” (Mt 29 -30). Có thể nói, Đức Giêsu thể hiện lòng thương xót qua hành động tận tình củaNgười. Bằng chứng là tất cả người bệnh đều được đón nhận chứ không bị loại trừ, phân biệt, dù mang trong mình những căn bệnh nặng hay nhẹ, giàu sang hay nghèo khó, lành lặn hay đói rách.
Điểm khác biệt của vị lương y Giêsu và các lương y khác là: phần lớn những ai hành nghề y đều chú trọng đến thu nhập kinh tế là chính, mà ít khi quan tâm đến sức khoẻ của người bệnh. Điều này khiến cho các lương y sa ngã về tiền bạc kéo theo phẩm chất bị suy đồi. Ngược lại, Đức Giêsu thể hiện mình là một vị lương y hoàn hảo, từ chuyên môn đến đạo đức nghề nghiệp.
Người không chỉ chữa bệnh về thể lý mà còn cả tâm hồn, không một lương y nào trên thế giới có thể làm được “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi” (Mt 9, 2). Điều này chứng tỏ, Đức Giêsu không phải là một vị lương xuất thân bình thường, nhưng một vị lương y đến từ Thiên Chúa. “Chính Thầy là Con Thiên Chúa” (Ga 1, 49).
Lạy Đức Giêsu là vị lương y của nhân loại, xin hãy chữa lành thể xác con khỏi những căn bệnh thuộc về thế gian. Hãy cất khỏi tâm hồn con những cặn bẩn làm vẩn đục, ngõ hầu biến đổi con người mới.
YÊU THƯƠNG BẰNG HÀNH ĐỘNG (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
CHẠNH LÒNG THƯƠNG (Tu sĩ Giuse Vũ Tiến Lợi, SVD)
Cơ thể mỗi người luôn cần được cung cấp những điều cơ bản như: đói cần ăn; khát cần uống. Nếu không được ăn uống đầy đủ, thì cơ thể sẽ không có đủ năng lượng để duy trì sự sống. Một cách tương tự, đời sống thiêng liêng cũng luôn cần được “ăn uống” đầy đủ, nếu không nó cũng sẽ dần trở nên suy nhược, và không còn sức sống.
Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu chạnh lòng thương đám đông, vì họ đã ở với Người ba ngày và không có gì ăn. Người biết họ cần ăn uống để có sức trở về nhà, nếu không họ sẽ bị xỉu dọc đường vì đói. Bởi thế, Đức Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để cho dân chúng được “ăn no nê.”
Nếu coi nhân loại như một cơ thể sống, thì dịch virút Côrôna đã tàn phá và làm kiệt quệ cơ thể ấy. Thật vậy, nhân loại dường như chỉ biết rên siết trong đau khổ, chết chóc khi Côrôna viếng thăm. Nhân loại càng tự mãn, kiêu căng về khả năng của mình bao nhiêu, thì họ càng cảm thấy bất lực, nhỏ bé và mong manh bấy nhiêu khi virút Côrôna; nhân loại càng ngão nghễ, vỗ ngực về chính mình bao nhiêu, thì họ càng cúi đầu bái chào virút Côrôna bấy nhiêu. “Cơ thể nhân loại” dường như bị bầm dập, thương tích khắp nơi, và hơi thở như đang lịm dần. Nó cần phải được chữa trị và chăm sóc để “giành lại” sự sống.
Vị bác sĩ có thể giúp chữa trị vết thương và giúp cho nhân loại sống dồi dào đó chính là Thiên Chúa, bởi vì chính Người là Đấng ban sự sống và cứu độ họ; Đấng giàu lòng thương xót và biết chạnh lòng thương khi con cái của Ngài đang lầm than khốn khó. Dịch virút Côrôna là cơ hội tốt để nhân loại “sám hối” đích thật để trở về cùng Thiên Chúa; để biết được sự giới hạn, yếu đuối của bản thân và phó thác hoàn toàn vào tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa.
Lạy Chúa! Xin tỏ tình thương của Chúa và đến chữa trị, chăm sóc và dẫn chúng con trở về cùng Ngài. Amen.