Bài đọc 1: Cv 10,34a.37-43 ; Bài đọc 2: Cl 3,1-4 hay 1 Cr 5,6b-8
Tin mừng: Ga 20,1-9 (hay Mc 16,1-8, hay Lc 24,13-35)
1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.
6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.
8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
Tin Mừng: Lc 24,13-35
13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.”
19 Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy ?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.
20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.
22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.
24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”
25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.”
Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.
32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?”
33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.”
35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
—– SUY NIỆM —–
NGÔI MỘ TRỐNG (Tu sĩ P. X. Nguyễn Văn Sơn, SVD)
Biến cố Phục Sinh là một mầu nhiệm siêu việt mà lý trí con người chẳng thể nào thấu hiểu tận căn. Con người chỉ có thể đón nhận mầu nhiệm này nhờ đức tin, kèm theo đó là những thực chứng và những lần tỏ hiện của Chúa Giêsu sau khi Người đã sống lại.
Sau cái chết đau thương trên thập giá, Đức Giêsu đã thực sự phục sinh. Dấu chứng đầu tiên về sự Phục Sinh của Đức Giêsu chính là “ngôi mộ trống”. Tin Mừng hôm nay thuật lại việc bà Maria Mácđala ra thăm mộ Đức Giêsu lúc vừa tảng sáng, nhưng bà chẳng còn thấy xác Người trong mộ. Ngôi mộ đã trống. Hình ảnh ngôi mộ trống ắt hẳn đã gây hoang mang cho bà Maria. Bà chẳng biết làm gì ngoài việc chạy về thông báo cho các môn đệ. Hai môn đệ đi ra, chứng kiến cảnh tượng đó và các ông đã tin: Ông đã thấy và đã tin (x. Ga 20,8).
Trước đây, lúc còn đồng hành với Đức Giêsu, các môn đệ đã đặt trọn niềm tin vào Người khi chứng kiến uy quyền của Người. Tuy nhiên, niềm tin ấy không thuần khiết, còn bị lây nhiễm quá nhiều bụi trần. Niềm tin ấy đã tiêu tan khi Đức Giêsu chịu tử nạn trên thập giá. Hôm nay, đứng trước ngôi mộ trống, niềm tin của các môn đệ đã được khơi lại, được biến đổi trở nên thuần khiết và vững chắc hơn. Có lẽ ngôi mộ trống đã gợi lại cho các môn đệ ký ức về những lời giáo huấn của Thầy Giêsu. Giờ đây họ ý thức rằng chỉ khi rũ bỏ vướng bận trần thế, tâm hồn họ mới có chỗ trống cho Đức Giêsu Phục Sinh ngự vào. Ắt hẳn, người Kitô hữu hôm nay cũng giống như tình trạng của các môn đệ trước mầu nhiệm Phục Sinh. Họ phải gánh vác quá nhiều thứ. Đôi vai nặng trĩu khiến tâm hồn họ đầy dư bụi trần. Lời Chúa hôm nay là liều thuốc tiêu hóa giúp cho tâm hồn mỗi người tiêu giảm những thứ không cần thiết, hầu có khoảng trống cho Đức Kitô Phục Sinh cư ngụ.
Lạy Đức Kitô Phục Sinh, xin tẩy rửa tâm hồn chúng con sạch mọi bụi trần, trở nên trống rỗng để được đầy tràn Chúa. Amen.
CHỨNG NHÂN PHỤC SINH (Tu sĩ P. X. Nguyễn Trí Long, SVD)
Mầu nhiệm Đức Giêsu Phục Sinh là trung tâm đời sống đức tin của Giáo Hội. Thân xác phục sinh của Chúa Giêsu đã trở nên con đường cứu độ. Để được cứu độ, chúng ta phải tin và loan báo niềm tin ấy cho mọi người. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy bà Maria Mácđala, ông Phêrô và Gioan là chứng nhân thể hiện niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.
Bà Maria Mácđala là nhân chứng đầu tiên của biến cố Chúa Phục Sinh. Khi thăm mộ, bà đi với những bước chân nặng nề, tâm hồn lạnh lẽo, buồn bã và khóc lóc. Bỗng nhiên, bà trở nên vui mừng hớn hở, rạng rỡ vì bà đã gặp được Đức Giêsu Phục Sinh. Ngay lập tức, bà trở về loan tin vui ấy cho mọi người. Được báo tin, hai môn đệ Phêrô và Gioan cùng chạy đến mộ. Mặc dầu kẻ trước, người sau, nhưng hai ông có một điểm chung là khao khát được thấy Chúa Phục Sinh. Họ đã gặp nhau trong niềm vui và niềm xác tín duy nhất là thầy đã sống lại. Từ đó, hai ông đã làm chứng về Tin Mừng Chúa Phục Sinh mà chính các ông đã được Thiên Chúa mạc khải. Các ông xác tín rằng, Thầy đã chết và đã sống lại vì Người đã hiện ra và vẫn hoạt động trong đời sống thường ngày của các ông.
Đối với thân phận con người yếu hèn, Đức Giêsu không hề chê bỏ chúng ta yếu đuối, kém cỏi, lỗi lầm, mà Người tha thiết mời gọi chúng ta thực hành giới răn yêu thương trong chính đời sống hằng ngày, mạnh dạn loan báo Chúa đã sống lại và đang hiện diện trong cuộc đời ta. Chúng ta nhiệt tâm xây dựng Nước Trời nơi mà chúng ta được sai đến, bằng chính đời sống chứng tá. Làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh bằng đời sống cầu nguyện, yêu thương, bác ái, công bình và sự thánh thiện để biểu lộ khuôn mặt của Thiên Chúa cho tha nhân.
Lạy Chúa, xin cũng cố đức tin nơi chúng con, để chúng con noi theo các bậc thánh nhân trở thành nhân chứng sống động và xác tín cho Tin Mừng Phục Sinh của Chúa cho tất cả mọi người. Amen.
MẦU NHIỆM PHỤC SINH (Tu sĩ Gioan Hoàng Xuân Hải, SVD)
Với niềm tin Kitô giáo, đời sống con người không chấm dứt ở cái chết nhưng cái chết lại là một khởi đầu cho một sự mới mẻ, một đời sống vĩnh cửu. Điều đó được bảo đảm qua biến cố Đức Giêsu Phục Sinh. Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đã thuật lại sự kiện Đức Giêsu Phục Sinh qua dấu chỉ ngôi mộ trống, và chính các Tông Đồ đã thấy và đã tin (x. Ga 20,1-9).
Thật vậy, biến cố Đức Giêsu Phục Sinh là nền tảng, trung tâm và chóp đỉnh của niềm tin Kitô Giáo. Đó là niềm hy vọng duy nhất và là cùng đích cho nhân loại nói chung và cho mỗi Kitô hữu nói riêng. Thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15,14). Đức Bênêđíctô XVI cũng khẳng định: “Phục Sinh là biến cố ngoại thường, là hoa trái đẹp nhất của ‘Mầu Nhiệm Thiên Chúa’, đồng thời nó cũng là một sự kiện có thật và có thể kiểm chứng. Đó là nội dung chính yếu và lý do để chúng ta tin”. Thế nhưng, ngày nay nhiều người vẫn hoài nghi, không tin vào biến cố Phục Sinh của Đức Kitô. Vì không tin như vậy, nên con người không được sống trong niềm vui trọn vẹn và niềm hy vọng vĩnh cửu. Họ đang đánh mất ý nghĩa cuộc hiện sinh của mình.
Dẫu biết rằng không dễ để có thể tin vào biến cố Đức Giêsu Phục Sinh nếu không có ơn Chúa. Bởi biến cố Phục Sinh là một mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thế nhưng biến cố Phục Sinh của Đức Kitô là sự thật không chút sai lầm mà Thiên Chúa mạc khải cho con người. Vì thế mỗi người chúng ta được mời gọi hãy vững tin và đón nhận mầu nhiệm Chúa Giêsu Phục Sinh. Nhờ đó chúng ta luôn được sống trong niềm vui và niềm hy vọng vì được Chúa cứu độ.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Chính Chúa đã chịu chết và phục sinh để cứu độ chúng con. Xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con tin nhận và biết loan truyền mầu nhiệm Phục Sinh đến với mọi người. Amen.
THẤY VÀ TIN (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
THẤY (Tu sĩ GB. Đinh Dương Minh Quân, SVD)
Đức tin là một cú nhảy ra khỏi những hiểu biết thông thường của lý trí, đặc biệt nơi biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã thực sự mai táng trong mồ và giờ đây trỗi dậy. Nơi biến cố này, thánh Gioan là người đầu tiên “đã thấy và đã tin” (Ga 20,8b) vào sự sống lại của Đức Giêsu.
Trong trình thuật Tin Mừng Phục Sinh hôm nay, thánh Gioan đã lập lại bốn lần động từ “thấy” để nhấn mạnh về cái thấy của con người trong tương quan với Thiên Chúa. Cái thấy của Maria Mađalêna và thánh Phêrô dường như vẫn chỉ dừng lại ở khía cạnh giác quan, và hiểu biết về sự kiện “ngôi mộ trống” trong sự sợ hãi, lo lắng và hốt hoảng. Riêng thánh Gioan khi vừa thấy những điều diễn ra trong mộ Chúa, thánh nhân lập tức nhận biết và tin rằng, Thầy mình đã sống lại. Và “cái thấy” ở đây là sự hiểu biết gắn liền với tương quan và triển nở trong đức tin.
Nơi “cái thấy” của thánh Gioan, con người chúng ta luôn kinh nghiệm thấy sự mong manh và yếu đuối của phận người. Chúng ta chỉ thấy và hiểu biết về tha nhân, về chính mình qua những dấu chỉ bên ngoài của đời sống, thậm chí là với Thiên Chúa. Chúng ta chưa có được một “cái thấy” trong tương quan yêu thương thực sự với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Vì có quá nhiều lợi ích bên ngoài hay những khó khăn trong cuộc sống, chúng ta đã bị nhấn chìm trong bao nhiêu lo lắng và suy tư. Chúng ta không còn thấy biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu là mầu nhiệm đức tin và một lời mời gọi hoán cải. Thấy không còn giúp ta triển nở yêu thương và thăng tiến trong đời sống đức tin.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến hoán cải và giúp chúng con thấy và tin Chúa đã phục sinh. Từ đó, chúng con có thể sống yêu thương và mang bình an, niềm vui Phục Sinh đến với mọi người. Amen.
CHÚA LÀ NGUỒN VUI (Tu sĩ Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD)
Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ trong những bối cảnh sống khác nhau nhưng họ đều không nhận ra Chúa. Hôm nay, Tin Mừng thuật lại câu chuyện hai môn đệ trên đường trở về làng quê Emmau. Hai ông cũng không nhận ra Chúa khi Ngài đồng hành với mình.
Được nhận ra Chúa là một ơn lành Chúa ban. Chúa chỉ xuất hiện với những người mà Chúa muốn bày tỏ. Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta câu chuyện về hai môn đệ trên đường trở về làng quê Emmau sau khi Thầy mình bị giết chết trên thập giá và an táng trong nấm mồ. Họ bước đi trong thinh lặng với tâm trạng mệt mỏi và chán nản. Thầy đã chết thật rồi, các ông đã bỏ cuộc trở về quê nhà. Ngay lúc tâm trạng các ông buồn chán và thất vọng, Đấng Phục Sinh hiện ra đồng hành và giải thích ý nghĩa sự đau khổ, sự chết và phục sinh cho họ. Thế nhưng lòng các ông còn trĩu nặng nên chưa nhận ra Thầy. Cho đến khi Ngài cùng đồng bàn, bẻ bánh thì các ông mới nhận ra Ngài. Nhận ra Chúa, lòng các ông tràn đầy niềm vui và hy vọng. Đó là điểm khởi đầu cho sứ vụ mới và ngay lập tức các ông quay lại Giêrusalem để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các môn đệ khác. Trong cuộc sống ít nhiều chúng ta cũng gặp những cảnh huống làm chúng ta thất vọng và chán nản. Nhiều khi chúng ta toan tính bỏ cuộc. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng mình có thể giải quyết theo cách của mình. Tốt nhất chúng ta nên mở rộng tâm hồn để đón Chúa cùng đồng hành với mình. Chỉ có Chúa mới thực sự là nguồn vui và niềm hy vọng đích thực cho mỗi người chúng ta.
Lạy Chúa, xưa Chúa đã hiện ra và đồng hành với hai môn đệ. Xin cho chúng con luôn biết mở rộng tâm hồn để đón Chúa cùng đồng hành với chúng con. Amen.