LỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 16 TN)

0
1463

Tin mừng: Mt 12, 46-50

46 Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.

47 Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”.

48 Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? 49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.

50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.


 

Suy niệm


 

NGƯỜI THÂN CỦA CHÚA (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

 

TỨ HẢI GIAI HUYNH ĐỆ (Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD)

Ngay từ thuở tạo thiên lập địa, con người không phải ở một mình. Nếu Ađam được dựng nên trước thì Evà cũng được tạo thành sau. Tạo Hóa tài tình và khéo léo đã đặt sợi dây tương quan liên kết con người lại, để họ sống chung với nhau. Đó là cái hay của Đấng Tác Thành.

Trải qua bao thế hệ, mối dây tương quan đó dường như dài ra, nghĩa là con người ngày càng xa nhau. Họ phân chia ranh giới tình cảm, phân bì mối quan hệ thân sơ. Điều này trái với ý định ban đầu của Thiên Chúa là đặt con người vui sống với nhau, để họ là anh em một nhà, con cái một Cha. Họ đã quên điều đó. Thế nên, Đức Giêsu trả lời mạnh mẽ, Người chỉ tay vào đám đông, không ngần ngại mà quả quyết: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.” Đức Giêsu không phủ nhận tình huyết thống máu mũ của Người. Nhưng với Người, tình cảm thân thuộc không bó hẹp nơi gia đình hay bà con thân hữu, nhưng là hết thảy mọi người, là toàn thể nhân loại. Người muốn cho ta biết rằng con người khắp bốn bể là anh em với nhau. Thế nhân thập phương là “tứ hải giai huynh đệ.” Điều này cũng là ước mơ chung của bao lớp người chốn nhân gian, xa xưa và ngày nay vẫn thế. Để biến ước mơ này trở nên thực, ta cần làm theo hướng dẫn của Chúa Giêsu là “thi hành ý muốn của Cha tôi.”

Ý của Cha Ngài phải chăng là ăn ngay ở lành, làm lành lánh dữ? Là lá lành đùm lá rách, là tình tương thân tương ái lúc hoạn nạn, trong mùa Covid? Quả đúng như vậy, yêu thương giúp con người sống tốt, tương quan giữa họ sẽ bền chặt mãi. Thương nhau, yêu nhau mới là dấu chỉ của tứ hải giai huynh đệ, là anh em một nhà, chung một Cha vậy.

Qua đoạn Tin Mừng này, Đức Giêsu nhắc nhớ rằng thế nhân là một gia đình, chung một Cha trên trời. Bởi vậy, xin Chúa giúp chúng ta biết sống đẹp với nhau. Amen.


AI LÀ MẸ TA, AI LÀ ANH EM TA? (Tu sĩ Phêrô Phan Thái Hiền, SVD)

Tin Mừng Mátthêu hôm nay nói về giá trị của việc thi hành thánh ý Chúa Cha. Những người tuân theo ý Chúa Cha sẽ được trở thành người thân với Chúa Giêsu, là anh em, chị em và là mẹ của Chúa Giêsu.

Trong ba mươi năm sống ẩn dật tại làng quê Nagiarét, Chúa Giêsu sống với cha mẹ của Ngài. Nơi đây, Ngài được hưởng trọn vẹn tình thương của một người mẹ dịu hiền và người cha thầm lặng. Vì thế, Chúa Giêsu cần phải biết ơn và hiếu thảo với cha mẹ Ngài trong thân phận làm người. Nhưng ngang qua bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Mátthêu tường thuật câu trả lời của có vẻ nghe chói tai của Chúa Giêsu: “Ai là mẹ ta, ai là anh em ta?” Quả thực là thân phận con người và là người thân của Chúa Giêsu khi nghe câu trả lời hàm ý muốn phủ nhận mối quan hệ này, thì chắc chắn hoặc phần nào họ sẽ thất vọng và thậm chí bị sốc. Nhưng ám chỉ tới Chúa Giêsu muốn nói ai làm theo ý Cha của Ngài ở trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ngài. Hiểu trong mạch văn này, chúng ta có thể nói rằng Ngài không phủ nhận hoặc giới hạn mối quan hệ máu mủ với Ngài khi còn sống tại Nagiarét mà thôi nhưng Ngài muốn mở rộng mối quan hệ, muốn cho nhiều người, mọi người trở nên người thân thuộc với Ngài, để nhận biết Ngài là Con Thiên Chúa, và mục đích của Ngài đến thế gian là để thi hành ý muốn của Chúa Cha. Ý muốn đó là làm cho mọi người nhận biết Cha Ngài và hưởng ơn cứu độ nhờ Ngài.

Lạy Chúa, chúng con thường chỉ giới hạn các mối quan hệ của chúng con với những người có quan hệ huyết thống, những người thương yêu chúng con hoặc những người chúng con yêu quý mà thôi. Xin mở rộng con tim của chúng con để biết đón nhận những người anh em khác biệt với chúng con vì chúng con đều là con cái của Cha trên trời. Amen.

Bài trước[Video] Nghi thức gia nhập TẬP VIỆN NGÔI LỜI, khóa 2022-2023
Bài tiếp theoChú giải Tin Mừng Chúa Nhật XVII Thường Niên, năm C (Lc 11,1-13)