Chúa Nhật – Ngày 14 – Tháng 10
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII
Bài đọc 1 : Kn 7,7-11
Bài đọc 2 : Hr 4,12-13
Tin Mừng : Mc 10,17-30
Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giêsu đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. […] Ông Phêrô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em : Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
ƠN GỌI LÀM MÔN ĐỆ
Ơn gọi làm môn đệ là một hồng ân mà Thiên Chúa dành cho những muốn đi theo Người. Tuy nhiên, ơn gọi ấy cần có sự đáp trả từ những người được tuyển chọn, trong sự tự do mà không bị ràng buộc bởi một điều gì. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chàng thanh niên giàu có, nhưng anh ta đã không đáp lại lời mời gọi của Người. Vì lý do nào mà anh ta lại từ chối, trong khi lại muốn có sự sống đời đời?
Chàng thanh niên đạo đức này có sự hiểu biết nền tảng về các điều răn và tuân giữ nó rất nghiêm túc, đến nỗi chính Đức Giêsu cũng cảm phục và đem lòng thương mến. Thế nhưng anh ta cũng chỉ dừng lại ở việc tuân giữ lề luật chỉ vì luật mà thôi, còn việc tiến xa hơn để chiếm lấy sự sống đời đời theo như những gì Đức Giêsu giới thiệu thì xem ra anh ta chưa sẵn sàng.
Có lẽ anh ta đang còn quyến luyến những thú vui ở trần gian, nơi mà anh ta có thể tận hưởng mọi sự với khối tài sản của mình. Hoặc anh chỉ hỏi Đức Giêsu như một cách chứng tỏ mình là người đang tuân giữ lề luật của cha ông một cách hoàn hảo, chứ không phải phát xuất từ lòng yêu mến và tinh thần khát khao tìm chân lý. Bởi thế nên anh đã sa sầm nét mặt khi nghe lời mời gọi của của Đức Giêsu: “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo. Rồi hãy đến theo tôi.”
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con xác quyết rằng ơn gọi làm môn đệ Chúa là con đường của sự từ bỏ. Và xin cho chúng con có đủ can đảm để từ bỏ những quyến luyến và vướng bận trong lòng để thanh thản làm môn đệ Ngài.
Tu sĩ Phaolô Trần Phúc Chân, SVD
Thứ Hai – Ngày 15 – Tháng 10
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII
Thánh Têrêxa Avila, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ (Tr).
Bài đọc : Gl 4,22-24. 26-27.31 – 5,1
Tin Mừng : Lc 11,29-32
Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna. Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa.
TỪ BỎ
Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho tôi một ý tưởng về sự từ bỏ qua hình ảnh của dân thành Ninivê. Họ đã nghe lời ngôn sứ Giôna loan báo mà sám hối tội lỗi nên Thiên Chúa đã không giáng phạt như ý định ban đầu của Người.
Từ bỏ là một phần trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Ai trong chúng ta cũng có những tật xấu, có những thói quen không tốt và từ bỏ là điều cần thiết mà ai cũng có thể hiểu. Từ bỏ như là hành trình mà có lẽ ai cũng đã từng có lần quyết tâm thực hiện. Và bất kỳ sự từ bỏ thật sự nào cũng đều có thể làm cho người ta cảm thấy đau đớn và mất mát.
Nào có ai sống đến cuối đời mà không còn những thói quen xấu để từ bỏ, ngay cả các thánh cũng vậy thôi. Nên việc từ bỏ phải là hành trình dai dẳng và suốt đời. Việc từ bỏ là dấu hiệu cho thấy một ai đó còn có ý hướng thiện, muốn thay đổi bản thân và còn niềm tin vào cuộc sống. Trong một bài giảng lễ ngày 19.01.2014, tại nhà nguyện thánh Mácta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ rằng: “Chẳng vị thánh nào không có một quá khứ, cũng chẳng tội nhân nào không có một tương lai”. Chính việc từ bỏ là căn cốt để biến đổi một tội nhân trở nên một vị thánh.
Nhìn vào bản thân, tôi thấy mình có rất nhiều thói hư tật xấu và tôi cũng đã từ bỏ được rất nhiều trong số đó nhưng cứ bỏ được tật này thì tật khác lại phát sinh. Hành trình từ bỏ của tôi vẫn dang dở, nhưng tạ ơn Chúa cho đến giờ này, tôi vẫn còn biết ý thức để cố gắng từ bỏ những điều không tốt cho bản thân và ơn gọi.
Lạy chúa, xin cho con biết nhìn vào tấm gương của dân thành Ninivê mà sám hối, từ bỏ những điều xấu xa. Xin ban thêm cho con lòng can đảm để con thay đổi bản thân hầu xứng đáng sống trong trong ân sủng và tình yêu của Ngài.
Tu sĩ Giuse Lê Văn Tuấn, SVD
Thứ Ba – Ngày 16 – Tháng 10
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII
Bài đọc : Gl 4,31b – 5,6
Tin Mừng : Lc 11,37-41
Khi ấy, Đức Giêsu đang nói, thì có một ông Pharisêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. Thấy vậy, ông Pharisêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn. Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pharisêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”
LUẬT YÊU THƯƠNG
Dẫu biết rằng lề luật do chính Thiên Chúa ban cho con người, và ai tuân giữ lề luật thì được Thiên Chúa chúc phúc và ban bình an. Đức Giêsu cũng khẳng định rằng một chấm một phết trong lề luật cũng không được bỏ. Thế nhưng cách giữ luật của Chúa Giêsu lại theo một tình thần mới, tinh thần của luật yêu thương.
Đối với người Do Thái, rửa tay là một lễ nghi mà nếu người ta không làm theo thì bị kể là ô uế. Rửa tay trở nên như một điều luật mà người ta bắt buộc phải giữ. Còn đối với Chúa Giêsu, ăn mà không rửa tay thì không làm cho con người ra ô uế, vì những điều xuất phát tự đáy lòng mới khiến cho người ta ra ô uế mà thôi.
Chúa Giêsu không phá bỏ lề luật nhưng nhấn mạnh tinh thần yêu thương khi tuân giữ luật. Vì thế, những gì luật dạy làm cho con người nên hạnh phúc trong mối thân tình với Đấng mình yêu mến và tôn thờ thì Ngài luôn cổ võ, nhưng những gì làm cho con người ra nặng nề thì Người không mấy quan tâm. Vì vậy, chuyện rửa tay hay không chẳng làm cho những người tin Chúa giảm sút lòng mộ mến, có chăng cũng chỉ là vấn đề vệ sinh mà thôi.
Chú trọng hình thức bên ngoài không hẳn là điều xấu. Nhưng nếu chỉ chú trọng trau chuốt bề ngoài mà bỏ quên việc làm giàu bên trong tâm hồn lại trở thành như một hình thức giả hình. Giữ luật cách đầy đủ và trung thành cũng là điều đáng khích lệ, nhưng giữ luật cách máy móc mà bỏ quên luật yêu thương thì không phải là cách giữ luật mà Chúa Giêsu đòi hỏi.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết hướng lòng mình về với Chúa, bởi chỉ ở trong Ngài chúng con mới cảm nhận được thế nào là tinh thần của lề luật. Và cũng xin cho chúng con luôn biết đối xử với người anh em bằng một tình yêu chân thành hơn là những chỉ thị của lề luật. Amen.
Tu sĩ Phaolô Trần Phúc Chân, SVD
Thứ Tư – Ngày 17 – Tháng 10
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII
Thánh Inhaxiô Antiôkia, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ (Đ).
Bài đọc : Gl 5,18-25
Tin Mừng : Lc 11,42-46
Khi ấy, Chúa phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia. Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ. Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà không hay biết!”. Có một tiến sĩ luật trả lời Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa”. Người đáp lại rằng: “Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới”.
SỐNG THẬT
Sống thật trong một thế giới đầy rẫy sự giả dối quả là một thách đố cho con người. Giữa vòng xoáy của sự tham lam và gian dối, dường như người sống thật là người gặp nhiều bất lợi, và thiệt hại. Tuy vậy, trong một xã hội mà sự dối trá, lừa đảo đã trở thành luật sống, thì sự thật luôn là yếu tố cần thiết trong cuộc sống của con người.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã bốn lần dùng cách nói “khốn cho các ngươi” để quở trách giới lãnh đạo Do Thái. Họ là những người Pharisêu, những nhà thông luật. Họ phải là những người chỉ dẫn cho dân chúng con đường công bình, bác ái đối với tha nhân và tình yêu đối với Thiên Chúa, nhưng họ lại lợi dụng chức vị của mình để sống thiếu tình bác ái, yêu thương. Do đó, Chúa Giêsu đã tố cáo lối sống giả hình của họ.
Nhiều người hôm nay ít quan tâm đến việc đạo đức. Họ chỉ quan tâm đến tri thức, đến cái đầu mà đôi khi coi nhẹ trái tim. Hậu quả là lối sống hình thức, giả tạo phổ biến ở khắp nơi và sự vô cảm, dửng dưng, bất nhân cũng xuất hiện nhan nhản trong xã hội.
Lời Chúa hôm nay hối thúc chúng ta suy xét lại đời mình, cả về lời ăn tiếng nói, lẫn cách sống của chính mình; mời gọi chúng ta biết quan tâm đến đời sống nội tâm hơn là hình thức; biết sống liên đới và lo cho anh chị em của mình được hạnh phúc thực sự.
Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng, với Chúa, bề ngoài không nhất thiết quan trọng, nhưng cần thiết chính là bề trong, nơi sâu thẳm tâm hồn. Xin cho chúng con biết sống theo đường lối của Chúa.
Tu sĩ Giuse Mai Văn Dương, SVD
Thứ Năm – Ngày 18 – Tháng 10
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII
THÁNH LUCA, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính (Đ).
Bài đọc : 2 Tm 4,10-17
Tin Mừng : Lc 10,1-9
Khi ấy, Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”
ĐƯỢC SAI ĐI
Thế giới ngày nay có đầy đủ tiện nghi vật chất, nhưng lại thiếu ánh sáng của Tin Mừng. Cuộc sống hiện đại vẫn còn nhiều bóng đêm, vẫn còn chiến tranh, thù địch, chia rẽ và sự dữ bủa vây. Nhiều Kitô hữu bỏ đạo hay giữ đạo cách hững hờ. Nhiều người coi thường đời sống thiêng liêng và chú trọng đến đời sống vật chất; họ chạy đua với con số và sự thỏa mãn của bản thân.
Lời Chúa hôm nay lại nhắc nhở cho mỗi người chúng ta về sứ vụ truyền giáo. Chúa mời gọi tất cả mọi người trong Giáo Hội, từ khắp mọi nơi trên thế giới: “Anh em hãy ra đi”. Lệnh truyền này, trước hết dành cho các tông đồ và tiếp đến dành cho tất cả chúng ta, những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Chúng ta hãy lên đường đem Chúa Kitô đến cho những ai chưa biết Chúa và hâm nóng tinh thần sống đạo cho các tín hữu đã từng nhận biết Người. Để hoàn thành sứ vụ ấy, chúng ta phải nhận ra sự cao quý của ơn gọi được sai đi. Chúa cho chúng ta được tiếp tục tham gia vào sứ mệnh của Ngài là vì Ngài yêu thương chúng ta.
Hơn nữa, truyền giáo là phải ra khỏi chính con người của mình. Chúng ta phải ra khỏi sự sợ sệt, ích kỷ; phải từ bỏ những gì làm cản trở bước chân người rao giảng Tin Mừng. Người môn đệ của Chúa phải biết nhận ra những giới hạn của mình, không cậy dựa vào sức riêng của mình, không cậy dựa vào những phương tiện vật chất nhưng biết dựa vào sức mạnh và sự quan phòng của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin đốt lên trong lòng chúng con ngọn lửa của “khát vọng truyền giáo”, khát vọng giới thiệu Chúa cho mọi người với một con tim tươi trẻ. Xin Chúa đồng hành với chúng con.
Tu sĩ Giuse Mai Văn Dương, SVD
Thứ Sáu – Ngày 19 – Tháng 10
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII
Bài đọc : Ep 1,11-14
Tin Mừng : Lc 12,1-7
Khi ấy, đám đông tụ họp hàng vạn người, đến nỗi giẫm lên nhau. Bấy giờ Đức Giêsu bắt đầu nói, trước hết là với các môn đệ: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà. “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục…
CAN ĐẢM SỐNG CHỨNG TÁ
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cảnh tỉnh các môn đệ của Ngài hãy tránh xa lối sống giả nhân giả nghĩa của người Pharisiêu; đồng thời, Ngài cũng mời gọi họ hãy can đảm sống chứng tá cho Tin Mừng.
Từ xưa tới nay không thiếu cảnh các Kitô hữu bị bách hại. Nhiều tín hữu bị buộc phải cải đạo, nếu không sẽ bị loại trừ hoặc bị giết chết. Tuy nhiên, vì có đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa, nên nhiều người đã anh dũng hy sinh mạng sống để bảo vệ đức tin, cũng như thể hiện lòng yêu mến của mình vào Thiên Chúa cách tuyệt đối.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm sống thật, hành động thật và tin tưởng phó thác nơi Chúa; đừng sợ những khó khăn thử thách trong đời sống đạo, nhưng biết đón nhận con đường khổ giá như là điều kiện cần cho phần rỗi của mình. Khi chúng ta tin và sống đạo, hẳn chúng ta không thể thoát khỏi sự hiểu lầm, chống đối và đôi khi cả cái chết nữa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa của đau khổ và ngang qua đó, chúng ta sẽ thấy cùng đích của cuộc đời nằm ở nơi Thiên Chúa chứ không phải những thứ mau qua, chóng hết ở đời này.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được yêu mến Chúa, can đảm sống đời chứng nhân trong cuộc sống hằng ngày của chúng con. Xin giúp chúng con sẵn sàng làm chứng cho lẽ phải và sự công bằng. Amen.
Tu sĩ Giuse Mai Văn Dương, SVD
Thứ Bảy – Ngày 20 – Tháng 10
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII
Bài đọc : Rm 4,13.16-18
Tin Mừng : Lc 12,8-12
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha. “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”
SỨC MẠNH CỦA THÁNH THẦN
Sống trong tình trạng không hoàn hảo, con người chắc hẳn phải rơi vào những hoàn cảnh không vừa ý. Có khi họ còn phải rơi vào những tình trạng khó xử, đau buồn, khổ sở. Tuy nhiên, con người luôn được một Đấng hoàn hảo che chở. Đấng ấy chính là Thiên Chúa.
Chúa Thánh Thần, Đấng bởi Chúa Cha và Chúa Con vẫn luôn đồng hành với con người trong mọi biến cố vui buồn của cuộc sống. Trong cảm nhận của mình, có thể con người dễ cảm thấy Thánh Thần vắng mặt. Nhưng trong thực tế, Ngài vẫn luôn theo sát và che chở chúng ta.
Chúa Thánh Thần hướng dẫn suy nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta. Tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận thấy rằng Thánh Thần luôn là thầy dạy của chúng ta trong từng suy nghĩ, lời nói và việc làm. Nhờ đó, chúng ta sẽ không bị “lỡ chân trật bước.”
Chúa Thánh Thần đi trước chúng ta. Đứng trước một vấn đề gì đó, chúng ta thường cảm thấy lo lắng, bồn chồn… Đó là cảm xúc bình thường của con người. Thế nhưng chúng ta nên biết rằng Thánh Thần đã lo trước cái lo của ta. Ngài biết trước chuyện gì sẽ đến và đã dọn đường để ta đi. Cho nên, dù chuyện gì xảy ra đi nữa thì cứ hãy tin rằng đó chính là lựa chọn tốt nhất mà Thánh Thần đã chuẩn bị cho ta.
Tin tưởng vào lời răn dạy của Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta hãy “đừng lo phải bào chữa làm sao, và phải nói gì” vì Chúa Thánh Thần sẽ không bỏ rơi chúng ta trong những thời điểm đó.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết ý thức sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và tin tưởng vào sự quan phòng của Ngài cho chúng con.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Lý, SVD