Thường Niên – Tuần III – Năm C

0
367

Chúa Nhật – Ngày 27 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Bài đọc 1 : Nkm 8,2-4a. 5-6. 8-10

Bài đọc 2 : 1 Cr 12,12-30

Tin Mừng : Lc 1, 1-4; 4,14-21

[…]  Rồi Đức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:  Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”

CHẤP NHẬN CHÚA

Tin Mừng thuật lại, khi Đức Giêsu giao lại Sách Thánh cho người giúp việc hội đường, mọi người đều chăm chú nhìn Người. Sở dĩ như vậy là vì trước đó danh tiếng Người đã nổi khắp các vùng lân cận (x. Lc 4, 14-15). Giờ đây họ trông chờ những lời được thốt ra từ miệng con người danh tiếng lẫy lừng này. Và quả thật điều Người nói với dân làng hôm đó là một lời vô cùng hệ trọng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Lời này lạ lẫm ở chỗ, kể từ ngày từ Babylon trở về, dân Chúa chịu thống trị bởi các thế lực ngoại bang, nghĩa là lời sấm của Isaia (x. Is 62, 1-2) đã không ứng nghiệm cho tới hôm đó. Thế mà hôm ấy, tại hội đường làng Nadarét, Đức Giêsu đã nhận mình là hiện thân của lời sấm của Isaia. Quả là một điều quá sức tưởng tượng của dân làng. Đời nào con bác thợ mộc vô danh trong làng lại là Đấng giải thoát toàn dân được chứ?

Đã mấy trăm năm đợi chờ Đấng Cứu Độ, thế rồi khi Đấng ấy đến ngay bên, chính người nhà cũng chưa sẵn sàng chấp nhận (x. Ga 1,11-12). Người ta trầm trồ, thán phục và tự hào Đức Giêsu là người làng mình, nhưng chẳng ai dám chấp nhận Người là Đấng Cứu Độ, bởi Đấng ấy trong lòng họ khác xa với Đấng đứng trước mặt họ. Họ đã đóng khung Thiên Chúa trong quan niệm của mình.

Là những Kitô hữu, chúng ta phải sẵn sàng cho một sự thật rằng, ý Chúa và chương trình của Người thì khác lắm so với suy nghĩ của ta. Vì thế, đừng bao giờ đóng khung Chúa trong nghĩ suy của ta, hãy để cho Chúa là Chúa, để Người có thể biến đổi chúng ta. Chúng ta chỉ nên đóng khung mình trong một điều duy nhất rằng, tôi là người được Chúa yêu thương vô điều kiện và yêu không ngừng nghỉ.

Lạy Chúa, xin cho con biết sẵn sàng nói về Chúa cho người khác, cho dù con có bị xua đuổi chăng nữa. Amen. 

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Du Trí, SVD

 

Thứ Hai – Ngày 28 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Thánh Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Hr 9,15.24-28

Tin Mừng : Mc 3,22-30

Khi ấy, các kinh sư từ Giêrusalem xuống nói về Đức Giêsu rằng Người bị quỷ vương Bêendêbun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó. “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám.”

TÍN THÁC  

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại hoạt động thường ngày của Chúa Giêsu ở Caphácnaum, miền Galilê. Giờ đây, danh tiếng của Ngài không chỉ vang vọng ở miền Galilê nữa mà đã tạo được tiếng vang lớn đến tận Giêrusalem. Và sự nổi tiếng của Ngài đã làm cho các luật sĩ ganh tị và khó chịu. Sự khó chịu đó thể hiện qua việc họ đã giải thích sai lạc về những việc Ngài dùng quyền năng của mình để trừ ma quỷ.

Và chính vì sự ganh tị đó mà họ đã ngoan cố không nói theo sự thật, không nhìn nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thậm chí còn mặc cho Ngài chiếc áo xấu xa của ma quỷ. Họ đã nói rằng Ngài đã bị quỷ vương Bêendêbun ám và đã dùng quyền của quỷ vương để trừ quỷ.

Lẽ ra họ phải vui mừng vì trong dân tộc xuất hiện một con người vĩ đại, hoặc ít ra họ cũng vui mừng vì một số người trong dân của họ được chữa lành bệnh. Trái lại, họ lại tỏ ra ganh tị và tức tối tìm đủ mọi cách hạ bệ Chúa Giêsu, thậm chí họ còn dùng những lời lẽ hết sức mâu thuẫn để hạ bệ danh tiếng của Ngài.

Trong cuộc sống hàng ngày, lẽ ra trước một niềm vui nào đó của tha nhân, chúng ta phải vui mừng với họ. Tuy nhiên, vì lòng ganh tỵ, chúng ta thường tỏ ra khó chịu, thậm chí còn tìm đủ mọi cách để hạ bệ họ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn tin tưởng vào Chúa trên hết mọi sự, để chúng con luôn biết cậy dựa vào quyền uy của Chúa mà chống lại ý đồ của Xatan; đồng thời, xin cho chúng con cũng đủ khiêm tốn để nhận ra những điều tốt lành nơi anh chị em con mà biết chúc tụng tạ ơn Chúa thay vì ganh tỵ, ghen ghét.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thành Trung, SVD

 

Thứ Ba – Ngày 29 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Thánh Giuse Freinademetz, Nhà truyền giáo SVD đầu tiên đến Trung Hoa

Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Rm 15:13-19a, 20-21

Tin Mừng : Lc 10,1-9

Khi ấy, Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.  Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. […] Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.’”

TRUYỀN GIÁO

Thiên Chúa toàn năng, tức thì, Người có thể biến một hòn đá thành con cái Ápraham, biến một kẻ ngoại đạo thành Kitô hữu. Và cứ lý này mà xét, tất cả ắt hẳn sẽ được quy tụ dưới một mái nhà Thiên Chúa, cần gì Người lại phải sai các môn đệ đi truyền giáo vào những nơi nguy hiểm, không bao bị, không giày dép?

Thiên Chúa toàn năng nhưng Người cũng quảng đại và yêu thương; Người muốn chia sẻ phần phúc cho những tâm hồn quảng đại. Đó là lý do Thiên Chúa đã kêu gọi các nhà truyền giáo cộng tác trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Sứ vụ này không phải là một gánh nặng nhưng thực sự là một món quà mà Thiên Chúa ưu ái cho những người được tuyển chọn. Ý thức được điều đó, qua dòng thời gian, có biết bao con người đã sẵn sàng ra đi, chấp nhận mọi gian nan khốn khó để loan truyền danh Chúa. Trong số ấy, thánh Giuse Freinademetz, thuộc Dòng Ngôi Lời, thật đáng là một tấm gương để chúng ta noi theo. Vì Tin Mừng, ngài đã từ bỏ quê hương đến Trung Hoa lục địa, đối mặt biết bao gian khó bởi bất đồng văn hóa, chính trị. Dẫu không biết đọc, biết viết tiếng Hoa, nhưng bằng “ngôn ngữ tình yêu”, ngài đã chinh phục rất nhiều linh hồn. Dõi bước theo thánh nhân, các nhà truyền giáo trẻ Dòng Ngôi Lời vẫn tiếp tục cất bước, rao truyền danh Chúa tới những miền xa xăm trên khắp địa cầu.

Lạy Chúa, vì sự nhiệt tâm của tôi tớ Ngài là thánh Giuse Freinademetz, xin ban ơn dồi dào cho các nhà truyền giáo để họ có thể hăng hái và tận tâm cho sứ vụ.

Tu sĩ Phêrô Hoàng Văn Toàn, SVD

Thứ Tư – Ngày 30 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Bài đọc : Hr 10,11-18

Tin Mừng : Mc 4,1-20

Đức Giêsu lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ: “Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu;  nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả : hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.” Rồi Người nói : “Ai có tai nghe thì nghe!”  […]

THỬA ĐẤT TÂM HỒN

Chúng ta đã được nghe dụ ngôn “Người Gieo Giống” rất nhiều lần. Chúng ta cũng đã hiểu khá rõ ràng ý nghĩa của dụ ngôn qua việc giải thích của chính Đức Giêsu về các hình ảnh trong đó. Điều cần thiết là làm sao để những hình ảnh đó trở nên sống động trong cuộc sống của con người hôm nay.

 Thửa đất tâm hồn chúng ta là nơi để Lời được sinh sôi và phát triển. Thế nhưng, thửa đất ấy có màu mỡ và được chuẩn bị sẵn sàng cho Lời trổ sinh hoa trái, hay vẫn đầy cỏ dại và sỏi đá, điều đó phụ thuộc vào mỗi chúng ta. Cũng giống như người nông dân, họ phải bỏ sức để cày xới, làm cỏ, bón phân, thì rồi đây họ mới có được một mùa bội thu. Nhưng nếu gieo giống xong mà họ không chăm sóc ruộng vườn, bỏ bê cho cỏ mọc chung với hoa màu, không tưới nước, không bón phân thì làm sao có cái gì để thu hoạch.

 Mỗi người chúng ta đã được lãnh nhận hạt giống Nước Trời. Hạt giống ấy là Lời đang bén rễ và nảy sinh ơn cứu độ trong mỗi tâm hồn chúng ta. Chúng ta phải nhổ đi những cây cỏ dại, nhặt đi những viên đá trong thửa đất tâm hồn mình. Đó là khi chúng ta khước từ những đam mê, bỏ đi những tật xấu, tránh xa tội lỗi. Đồng thời, thửa đất ấy cũng cần được tưới nước, bón phân, vun xới. Đó là khi chúng ta biết chăm lo cho đời sống đức tin, năng chạy đến với Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, hiệp thông với Giáo Hội trong đời sống bí tích, làm nhiều việc lành phúc đức và sống chan hòa với tha nhân. Những việc làm ấy chính là cách thức làm cho Lời được trổ sinh hoa quả thiêng liêng và đem lại ơn cứu độ cho mỗi chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho con biết dành thời gian để cải biến thửa đất tâm hồn mình. Xin cho thửa đất ấy xứng đáng là nơi đón nhận Lời và làm cho Lời được trổ sinh hoa trái ơn cứu độ trong con.

Tu sĩ Giuse Lê Văn Tuấn, SVD

 

Thứ Năm – Ngày 31 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Thánh Gioan Bosco, linh mục.

Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Hr 10,19-25

Tin Mừng : Mc 4,21-25

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao? Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng. Ai có tai nghe thì nghe!” Người nói với các ông: “Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi.”

 

ĐỂ TIN MỪNG ĐƯỢC LAN TỎA

 “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?” (Mc 4,21). Đức Giêsu mang Tin Mừng đến không phải để bị che giấu nhưng cần được khám phá, cần được lan tỏa đến khắp mọi dân nước.

Để Tin Mừng được lan tỏa, các nhà truyền giáo cần phải có những cách thức đúng đắn, phù hợp với đối tượng nghe Tin Mừng. Tuỳ thuộc vào hoàn cảnh và phương tiện mà chọn cách thức rao giảng Tin Mừng phù hợp và có hiệu quả. Chẳng hạn như hàng giáo sĩ chú trọng đến việc giảng thuyết, cử hành các bí tích…; còn các Kitô hữu thì được mời gọi rao giảng bằng đời sống chứng tá…

Thiên Chúa mời gọi con người sống tương quan với mọi người nhằm làm cho hạt giống Tin Mừng được trổ sinh, để ngày càng có nhiều người được biết đến Lời Chúa và từ đó mang Lời Chúa đến với mọi người. Vì thế, để Tin Mừng được lan tỏa, người tín hữu cần để tâm trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Việc sống và thực hành Lời Chúa chính là lời mời gọi và cũng là trách nhiệm của mỗi tín hữu. Người tín hữu đọc, nghe, học hỏi, suy niệm Lời Chúa và làm cho sức sống của Lời Chúa được lan rộng.

Để Tin Mừng được lan tỏa, chúng ta  cần phải có thời gian. Cùng với thời gian, người tín hữu sẽ hiểu được Tin Mừng của Thiên Chúa nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng; cũng vậy, những người làm công tác loan báo Tin mừng có cơ hội để hiểu và sống hòa nhập với những người mà mình tiếp xúc.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dùng đời sống, gương sáng và những việc làm theo đúng tinh thần của Tin Mừng để loan báo Lời Chúa và cách sống Lời Chúa cho tha nhân. Xin cho chúng con biết nhận ra giá trị của Tin Mừng trong mỗi ngày sống của chúng con.

Tu sĩ Giuse Trương Vĩnh Tường, SVD

 

Thứ Sáu – Ngày 1 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Bài đọc : Hr 10,32-39

Tin Mừng : Mc 4,26-34

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.”

Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

NƯỚC THIÊN CHÚA

Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu kể hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Cả hai dụ ngôn cho chúng ta thấy Nước Thiên Chúa có sự khởi đầu rất nhỏ bé, nhưng về sau nước ấy đạt tới sự viên mãn lớn lao mà người ta không ngờ tới. Chính Thiên Chúa đang âm thầm hoạt động để Nước Thiên Chúa lớn lên và đạt tới sự viên mãn ấy.

Khi nhìn vào thế giới ngày nay, chúng ta thấy đầy rẫy những bất công, đau khổ, tội lỗi. Thậm chí, nhiều người có cảm tưởng như Thiên Chúa vắng mặt. Vì thế, nhiều khi sự ác lan tràn làm cho chúng ta nản lòng, mất niềm tin, chẳng còn muốn làm điều thiện nữa! Lời Chúa hôm nay nhắn nhủ chúng ta rằng những việc lành nhỏ bé ta làm mỗi ngày sẽ không rơi vào quên lãng. Chúa sẽ âm thầm làm cho những việc nhỏ bé của ta thành vĩ đại, lớn lao. Điều quan trọng là chúng ta có đủ hy vọng, đủ kiên nhẫn để vun xới hạt mầm Nước Thiên Chúa đã gieo và có đủ đức tin để luôn xác tín rằng Thiên Chúa sẽ hoạt động và đem lại những kết quả mà chúng ta không ngờ tới.

Lạy Chúa, Xin ban cho chúng con đôi mắt đức tin để nhận ra tình thương và quyền năng của Chúa vẫn đang âm thầm hoạt động nhằm biến đổi cuộc sống loài người mỗi ngày một tốt hơn. Xin giúp chúng con biết kiên nhẫn và góp phần nhỏ bé để tình yêu và ánh sáng của Chúa mỗi ngày một lớn lên trong thế giới này.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Trung Tuyến, SVD

 

Thứ Bảy – Ngày 2 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH

Lễ Kính (Tr).

Bài đọc : Ml 3,1-4 hoặc Hr 2,14-18

Tin Mừng :  Lc 2,22-40

Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng : “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non […] Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơnuên, thuộc chi tộc Ase. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.

Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nadarét, miền Galilê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

ÂM THẦM

Khi nói về đức tính âm thầm, có lẽ chúng ta thường nghĩ ngay đến thánh cả Giuse. Thế nhưng, qua đoạn Tin Mừng của thánh Luca hôm nay, chúng ta gặp thấy một hình ảnh của sự âm thầm khác; đó chính là bà ngôn sứ Anna.

Thực vậy, Tin Mừng cho chúng ta biết, bà Anna đã ở góa từ lúc còn trẻ và luôn sẵn sàng làm những công việc “âm thầm” nơi Đền Thờ để phục vụ Chúa và tha nhân với một tâm hồn đạo đức, thánh thiện (x. Lc 2,37-38). Vì thế, Thiên Chúa đã đáp lại lời nguyện xin của bà bằng việc cho bà được nhìn thấy Hài Nhi Giêsu.

Hình ảnh và nhân đức của bà Anna thức tỉnh mỗi người chúng ta, giúp chúng ta soi chiếu lại bản thân. Bởi vì nhiều lúc trong cuộc sống, thay vì chọn những công việc âm thầm thì chúng ta lại đề cao bản thân, vì nghĩ rằng mình sẽ bị thua thiệt. Để rồi chúng ta lại luôn tìm những công việc có cơ hội để phô trương cho mọi người biết.

Mỗi người chúng ta hãy tự chất vấn lương tâm mình và đặt lại cho mình câu hỏi: Tôi làm việc đó vì ai, vì lòng yêu mến hay vì danh tiếng cho bản thân? Nhờ đó, chúng ta luôn biết cố gắng và ý thức hơn với những việc mình làm, đó là làm rạng danh Chúa và phục vụ tha nhân cách hữu hiệu hơn, như lời Thánh Vịnh: “Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, vâng lạy Chúa, xin đừng, nhưng xin cho danh Ngài rạng rỡ, bởi vì Ngài thành tín yêu thương” (Tv 115,1).

Lạy Chúa, xin giúp con luôn biết chọn những công việc hi sinh trong âm thầm trong mỗi ngày sống của con.

Tu sĩ Antôn A Bảo, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 4 Thường Niên – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.