Mùa Thường Niên – Tuần VII – Năm A

0
520

Chúa Nhật – Ngày 19 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII

Bài đọc 1 : Lv 19,1-2.17-18

Bài đọc 2 : 1 Cr 3,16-23

Tin Mừng : Mt 5,38-48

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng” […].

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính […]

YÊU KẺ THÙ

Tu sĩ Gioan B. Phan Tuấn Thể, SVD

Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại! Đó là khuynh hướng tự nhiên; ai cũng muốn trả thù và phải làm cho kẻ thù đau khổ hơn những gì người ấy đã gây ra cho mình; phải làm cho nó sống không bằng chết. Luật dạy: “Mắt đền mắt, răng đền răng”, thực thi sự công bằng đã là tốt lắm rồi. Nhưng Đức Giêsu lại bảo: “Hãy yêu kẻ thù”. Điều này có quá sức con người không?

“Yêu kẻ thù” quả là điều không dễ. Yêu thương người bên cạnh mình nhiều khi cũng đã thấy khó khăn rồi chứ nói gì yêu kẻ thù, nhưng việc yêu kẻ thù không phải là không thể. Chuyện kể rằng: Bà Corrie Ten Boom là một người sống sót trong trại tập trung của Đức Quốc Xã. Sau chiến tranh, bà đi diễn thuyết khắp Châu Âu để thúc đẩy sự tha thứ cho nhau giữa các dân tộc thù nghịch. Một lần sau buổi nói chuyện ở Munich, có một người đàn ông bước đến và giang rộng tay trong cử chỉ hòa giải. Bà nhận ra ông chính là tên cai ngục khốn khiếp trong trại tập trung mà bà từng sống. Bà không thể nắm tay hắn. Bà đã cầu nguyện xin Chúa trợ giúp và với nỗ lực của ý chí, cuối cùng bà cũng làm được, bà nắm lấy tay ông ta trong tâm tình tha thứ.

Tha thứ và yêu kẻ thù không phải lời nói suông, cũng không phải tìm cách để quên lãng chuyện đã xảy ra nhưng là đối diện với thực tế của mối tương quan. Nó đòi hỏi sự nỗ lực vượt thắng chính mình của những người khôn ngoan và can đảm, cùng với sự trợ giúp của ơn thánh nữa.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy hướng về tình yêu thuần túy của Chúa Cha, Đấng đã “cho mưa rơi xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”.

Lạy Chúa, xin giúp chúng ta biết mở rộng vương quốc tình yêu của Ngài bằng cách “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục…”

Thứ Hai – Ngày 20 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII

Bài đọc : Hc 1,1-10

Tin Mừng : Mc 9,14-29

[…] Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép. Người hỏi cha nó: “Cháu bị như thế từ bao lâu rồi?” Ông ấy đáp: “Thưa từ thuở bé. Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.” Đức Giêsu nói với ông ta: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin.” Lập tức, cha đứa bé kêu lên: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giêsu quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa!” Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi […]

SỐNG LÌ TRONG TỘI LỖI

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Thìn, SVD

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chữa lành người mắc bệnh động kinh và bị quỷ ám từ thuở bé. Ta thấy rằng cậu ta đã chấp nhận sống chung với bệnh như một điều hiển nhiên, trong suốt một thời gian dài.

Cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng thế. Ngày ngày, chúng ta đang sống chung với biết bao “loại bệnh”: bệnh của lòng tham, ích kỷ, giả dối, ghen ghét… mà dường như chúng ta chấp nhận sự tồn tại, cũng như sống chung với nó như là điều bình thường của cuộc sống. Điều đó làm cho chúng ta mất đi ý thức về tội, không còn quyết tâm và nỗ lực chống lại những thói hư tật xấu, là những “căn bệnh” thường ngày của con người. Lời Chúa Giêsu thốt lên trong bài Tin Mừng hôm nay, “Ôi thế hệ cứng lòng…”, như một lời cảnh tỉnh và nhắc nhở mỗi người chúng ta ý thức và nhìn lại cuộc sống của mình. Là Kitô hữu, chúng ta đã có thái độ thế nào trước những căn bệnh của lòng tham, ích kỷ, giả dối, ghen ghét? Đã khi nào chúng ta đấu tranh tư tưởng để làm chứng cho mọi người biết, tôi là một người Kitô hữu, tôi đang sống theo lời mời gọi của Đức Giêsu? Hay chúng ta cũng như những người khác, hiển nhiên chấp nhận sống chung với những thói hư tật xấu, xem đó là điều bình thường, lẽ hiển nhiên.

Xin cho mỗi người chúng ta biết ý thức thân phận con người, biết nhìn lại cuộc sống của mình, ý thức rằng mình là những Kitô hữu, là con cái Thiên Chúa, để biết sống tốt hơn. Đặc biệt là luôn có thái độ quyết tâm và nỗ lực chống lại những thói hư tật xấu trong đời sống thường ngày.

Lạy Chúa, xin cho con biết luôn sống lời Chúa mỗi ngày, cho dù lắm lúc điều mà chúng con nhận được chỉ là sự thua thiệt.

Thứ Ba – Ngày 21 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII

Bài đọc : Hc 2,1-11

Tin Mừng : Mc 9,30-37

[…] Đức Giêsu đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”

PHỤC VỤ LÀ HÀNH ĐỘNG CỦA YÊU THƯƠNG

Tu sĩ Phanxicô X.  Nguyễn Du Trí, SVD

“Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Tiêu chuẩn để được ‘đứng đầu’ theo Đức Giêsu gồm hai vế: “làm người rốt hết” và “làm người phục vụ mọi người”. Xem ra đây là một tiêu chuẩn khác biệt so với các hệ thống phẩm trật trong xã hội, nơi đó người đứng đầu phải được người khác phục vụ. Nhưng bài học chúng ta cần rút ra phải được quy chiếu nơi hành động rửa chân của Đức Giêsu cho các môn đệ, một hành động của yêu thương và vì yêu thương (x.Ga 13,1-21).

Trong nhãn quan đó, “làm người rốt hết” không có nghĩa là tự thấy mình thấp kém hay xem thường bản thân mình, nhưng là trở nên khiêm tốn để nhận ra mình được Thiên Chúa quý trọng và yêu thương, đồng thời cũng để nhận ra sự hoạt động của Thiên Chúa nơi anh em mình. Từ đó, tôi biết quý trọng và yêu thương họ như Chúa đã đối xử với tôi. Tình yêu như thế không đơn thuần là bổn phận nhưng còn là sự thôi thúc của một tấm lòng biết ơn sâu xa dành cho Chúa. Khi đã “làm người rốt hết” như thế rồi, việc “phục vụ” trở nên hành động vì tình yêu và có động lực nơi tình yêu. Đó như một sự kéo theo tất yếu và khi đã được yêu người ta sẽ đáp trả cũng bằng tình yêu.

Điều ấy cho thấy rằng, sự phục vụ không giống việc gác bỏ tạm thời địa vị của mình rồi sau đó lấy lại. Việc phục vụ đúng nghĩa cũng không phải là một chương trình hành động theo ý thích rồi ‘bắt ép’ người ta đón nhận như một ân huệ mà không nhắm đến sự tôn trọng và phát triển phẩm giá con người. Như thế, phục vụ nhất thiết phải mang đến điều con người cần chứ không phải điều tôi thích hay tôi nghĩ là họ cần.

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương và phục vụ anh em con hết lòng.

Thứ Tư – Ngày 22 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII

LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ – Lễ kính. (Tr)

Bài đọc : 1 Pr 5,1-4

Tin Mừng : Mt 16,13-19

Khi ấy, khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” […]

SỐNG LỜI TUYÊN XƯNG

Tu sĩ Giuse Lê Văn Tuấn, SVD

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” là câu hỏi được đặt ra cho chính những người theo Đức Giêsu hàng ngày. Thánh Phêrô đã thay mặt các môn đệ trả lời và đó như là lời tuyên tín của Nhóm Mười Hai: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16,16).

Chính Thiên Chúa Cha đã mạc khải nơi miệng lưỡi thánh Phêrô để rồi căn tính Đấng Mêsia được biểu lộ. Việc tuyên xưng căn tính của Đức Kitô đã làm thay đổi gần như hoàn toàn cuộc sống của thánh Phêrô. Ngài đã được đặt làm đầu trong Nhóm Mười Hai, được đặt làm cột trụ của Giáo Hội, được giao chìa khóa Nước Trời. Đức Giêsu cảm thấy hài lòng không phải do tài năng, do trí phán đoán của thánh Phêrô, nhưng vui vì ngài dám chấp nhận để ơn Chúa biến đổi, sẵn sàng đón nhận ơn Chúa trao ban. Thánh Phêrô không nhận hồng ân đó cho riêng mình, mà nhận để rồi thay mặt cho nhân loại tuyên xưng Đức Kitô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Một lời tuyên tín sâu sắc tuyệt vời, là kết quả của ơn mặc khải đến từ Thiên Chúa và sự tín thác của của thánh Phêrô.

Trong cuộc sống hằng ngày, dẫu biết Đức Kitô là Con Thiên Chúa Hằng Sống nhưng liệu mỗi người chúng ta có dám tuyên xưng niềm tin ấy trước mặt người đời? Những lợi lộc, những bon chen của cuộc sống khiến chúng ta dễ dàng khước từ danh Đức Kitô hơn là tuyên xưng. Chúng ta có dám chấp nhận thiệt thòi vì danh Đức Kitô hay chỉ là những lời tuyên xưng qua loa ngoài miệng? Thiết nghĩ rằng, việc tuyên xưng là cần thiết nhưng sống và thi hành lời tuyên xưng ấy còn quan trọng hơn. Mang danh Kitô hữu nhưng có mấy người dám sống đúng nghĩa của một người Kitô hữu!

Lạy Chúa, xin cho mỗi người trong chúng con biết sống và loan truyền tình yêu của Đức Kitô hầu thế gian nhận ra ơn cứu độ mà trở về cùng Chúa là Cha nhân từ.

Thứ Năm – Ngày 23 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII

Thánh Pôlycáp, giám mục, tử đạo – Lễ nhớ. (Đ)

Bài đọc : Hc 5,1-8

Tin Mừng : Mc 9,41-50

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau.”

TRÁNH LÀM CỚ VẤP PHẠM

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Quốc Hưng, SVD

Đoạn Tin Mừng là bài học mà Đức Giêsu dạy cho các môn đệ của mình: chớ “làm cớ cho những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã” (Mc 9,42). Vì mỗi người là “muối” ướp mặn cho đời. Nếu muối mà hết mặn… chuyện gì sẽ xảy ra?

Chuyện nhiều năm trước tưởng đi vào quên lãng, giờ được nhắc lại, khi bộ phim Spotlight (Đèn Chiếu) đoạt giải Oscar ngày 28/02/2016 vừa qua, trình bày cuộc điều tra của báo Boston Globe về những “xì-căng-đan” giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong Tổng Giáo Phận Boston, Hoa Kỳ. Những điều này thật sự gây sốc và làm nhiều người hoang mang. Nó như một hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta về vấn đề này trong cuộc sống hiện tại.

Khi trả lời về vấn đề này, tôi thích câu nói của Đức Giáo Hoàng Benêđíctô XVI khi ngài nói với Peter Seewald, một phóng viên Công Giáo Đức rằng: “Sẽ là một tội rất nặng, khi một người, thay vì có nhiệm vụ dẫn người khác hay được giao phó dẫn con em họ tới Chúa, thì lại lạm dụng chúng và đưa chúng xa Chúa”; nhưng Ngài thêm “Chúa cũng đã nói với chúng ta là trong ruộng lúa có cả cỏ lùng cùng mọc, dù vậy hạt giống của Chúa vẫn sẽ tiếp tục lớn lên”.

Thật vậy, “Hạt giống của Chúa vẫn sẽ tiếp tục lớn lên”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cảnh tỉnh, biết ý thức rằng, mỗi người chúng con là hạt giống của Lời, để chúng con ý thức hơn về đời sống mình và tình liên đới với tha nhân. Ngõ hầu chúng con không phải là cớ để người khác sa ngã, vấp phạm, nhưng là để đưa họ đến gần Ngài hơn.

Thứ Sáu – Ngày 24 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII

Bài đọc : Hc 6,5-17

Tin Mừng : Mc 10,1-12

[…] Đức Giêsu nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

LY DỊ, VẤN ĐỀ MUÔN THUỞ

Tu sĩ Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD

Nếu lướt một vòng trên Internet hay các phương tiện truyền thông khác, chúng ta có thể bắt gặp vấn đề ly dị ở khắp mọi nơi. Dường như ly dị càng ngày càng trở nên bình thường cho tất cả mọi người! Tuy nhiên, nếu chúng đọc lại bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ nhận ra rằng: vấn đề ly dị đã có từ thời xa xưa. Vấn đề này đã từng làm ông Môsê nhức đầu đến nỗi ông đã cho phép viết chứng thư ly dị (x. Mc 10,4). Đến thời Đức Giêsu, vấn đề ly dị cũng được nhóm Pharisêu đem ra để gài bẫy Người (x. Mc 10,2). Vậy giáo huấn của Đức Giêsu và ông Môsê về vấn đề ly dị như thế nào, có mâu thuẫn với nhau không?

Trước tiên, chúng ta cần khẳng định một cách chắc chắn rằng: lời giảng dạy của Đức Giêsu và ông Môsê không có gì trái ngược nhau nếu không muốn nói rằng Đức Giêsu đã kiện toàn và đưa lời giảng dạy của ông Môsê về nguyên gốc của nó. Đức Giêsu đã khôn khéo giúp những người đang tìm cách gài bẫy mình nhận ra bản chất thật sự của hôn nhân. Hôn nhân đó được chính Thiên Chúa tác hợp và hôn nhân đó giúp cả hai trở nên một thân thể. Vậy đã là một thân thể thì không thể phân ly.

Nếu chúng ta tìm hiểu một chút về hôn nhân trong những thế kỷ đầu của người Do Thái ở Palestine, thì chúng ta nhận ra rằng hôn nhân thời đó không phải là sự tự nguyện của hai người đến với nhau nhưng là sự sắp đặt giữa chú rể và bố vợ. Điều đó cho thấy sự thiếu tôn trọng nhân phẩm người phụ nữ và sự chai lì của người Do Thái như được đề cập trong Đệ Nhị Luật (x. Đnl 24,1-4).

Lạy Chúa, điều Ngài dạy khi xưa vẫn còn đó, dù chúng con đã cố tìm cách che dấu, cố tìm những lý lẽ thế gian để biện minh cho sự cố chấp của chúng con. Xin cho chúng con ý thức được sự cao quý của sợi dây hôn nhân để càng ngày chúng con càng hiểu và tôn trọng nó hơn.

Thứ Bảy – Ngày 25 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII

Bài đọc : Hc 17,1-15

Tin Mừng : Mc 10,13-16

Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

ĐỨC GIÊSU VÀ TRẺ EM

Tu sĩ Gioan Trần Nam Phong, SVD

Chúng ta thường nghe nói “trẻ em như búp trên cành”, hoặc “trẻ em là mầm măng non” để khẳng định trẻ em là tương lai của xã hội. Vì vậy người lớn phải có trách nhiệm yêu quý, dưỡng dục các em thật tốt.

Con đường dẫn đến việc chấp nhận giá trị của trẻ em trong xã hội như vậy cũng cần trải qua một quá trình nhận thức lâu dài. Đối với Đức Giêsu, trẻ em có một giá trị đặc biệt. Người khẳng định: “Nước Thiên Chúa là của những ai giống như trẻ em” “ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mc 9,37a).

Vào thời Đức Giêsu, trẻ em không được coi trọng và các em cũng không được đến trường và được chăm sóc như ngay nay. Vì vậy, khi người ta mang trẻ em đến với Đức Giêsu, các môn đệ đã la rầy chúng vì cho rằng chúng chỉ mang đến sự phiền toái, làm cản trở công việc giảng dạy của Người. Chính vì họ đối xử với trẻ em như thế, nên Đức Giêsu đã bực mình với họ. Đây là một trong những lần hiếm hoi trong Tin Mừng nói đến việc Đức Giêsu bực mình. Sự bực mình của Người đối với các môn đệ là lời nhắc nhở tới các môn đệ của Người, tới những người xung quanh và cả tới chúng ta nữa. Người không chỉ nói suông nhưng là bằng hành động cụ thể: “Người ôm lấy các trẻ em và dặt tay chúc lành cho chúng”.

Lạy Chúa, ngày nay nhiều nơi trên thế giới còn rất nhiều trẻ em vẫn chưa được sự quan tâm chăm sóc đúng mức. Xin Chúa dạy mỗi người chúng con biết bắt chước cách yêu mến trẻ em của Ngài.

Bài trướcVài nét về Thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud và ý nghĩa của nó trong đời sống cá nhân
Bài tiếp theoAudio Lời Chúa + Suy niệm Chúa Nhật 7 TN – A

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.