Lời Chúa + Bài giảng Lễ Truyền Tin

0
1545

Bài Ðọc I: Is 7, 10-14

“Này trinh nữ sẽ thụ thai”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: “Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!” Nhưng vua Achaz thưa: “Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử Chúa”. Và Isaia nói: “Vậy nghe đây, hỡi nhà Ðavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 11

Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).

Xướng: 1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. – Ðáp.

2) Như trong cuốn sách đã chép về con, lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và luật pháp của Chúa ghi tận đáy lòng con. – Ðáp.

3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. – Ðáp.

4) Con chẳng có che đậy đức công minh Chúa trong lòng con; con đã kể ra lòng trung thành với ơn phù trợ Chúa; con đã không giấu giếm gì với đại hội về ân sủng và lòng trung thành của Chúa. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 10, 4-10

“Ở đoạn đầu cuốn sách đã viết về tôi là, lạy Chúa, tôi thi hành thánh ý Chúa”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, máu bò và dê đực không thể xoá được tội lỗi. Vì thế, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho con một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên con nói: Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách. Sách ấy bắt đầu như thế này: Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật”. Ðoạn Người nói tiếp: “Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa”. Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau, chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia hoặc Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 1, 14ab

(Mùa Chay: bỏ Alleluia)

Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta, và chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của Người. -Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

“Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ họi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt Bà.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng chủ đề:

SỐNG VÂNG PHỤC NHƯ ĐỨC GIÊSU, MẸ MARIA VÀ THÁNH GIUSE (Tu sĩ Phaolô Phan Tấn Thịnh, SVD)

Công trình cứu độ là sáng kiến của Thiên Chúa nhưng phải có sự đáp trả của con người. Công trình của Thiên Chúa sẽ trở thành hư không nếu không có sự cộng tác của con người. Sau khi nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế (x. St 3,15). Trải qua dòng thời gian, Thiên Chúa đã dần dần uốn nắn con người biết sống vâng phục Người bằng việc thực thi lời của Thiên Chúa: “Này Ta sai thiên sứ đi trước ngươi, để giữ gìn ngươi khi đi đường và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn. Trước mặt người, hãy ý tứ và nghe lời người. Đừng làm cho người phải chịu cay đắng; người sẽ không tha lỗi cho các ngươi, vì danh Ta ngự trong người” (Xh 23, 20t).

Sách Samuel quyển thứ nhất kể rằng: Ông Samuel nói với vua Saun: ‘Tôi đã được Chúa sai đến xức dầu tấn phong ngài làm vua cai trị dân Người là Israel. Giờ đây ngài hãy nghe lời Chúa phán. Chúa các đạo binh phán thế này: Ta sắp hạch tội Amalếch về cách nó đã đối xử với Israel khi chặn đường Israel đang từ Ai cập lên. Giờ đây ngươi hãy đi đánh Amalếch. Các ngươi phải tru hiến tất cả những gì thuộc về nó. Ngươi không được tha chết cho nó” (1 Sm 15,1-3b).

Vua Saun đã thi hành lệnh của ngôn sứ Samuel nhưng vua đã tha chết cho Agác, vua Amalếch, và những con vật tốt nhất trong đoàn chiên dê và bò, những con mập, các chiên con. Vì thế, Chúa lại phán với ông Samuel: “Ta hối hận đã đặt Saun làm vua, vì nó đã bỏ không theo Ta và không thi hành các lệnh của Ta” (1 Sm 15,11). Do đó, ông Samuel đến gặp vua Saun và nói: “Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Chúa không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu. Phản nghịch cũng có tội như bói toán, ngoan cố là tội ác giống như thờ ngẫu tượng. Bởi vì ngài đã gạt bỏ lời của Chúa, nên Người đã gạt bỏ ngài, không cho làm vua nữa” (1 Sm 15,22t). Tác giả của Thánh vịnh bốn mươi đã tuyên xưng rằng:

Thiên Chúa không ưa thích các thú vật làm hy lễ. Điều vui lòng Thiên Chúa, chính là từng giây phút sống thánh ý Ngài, hiến tế chính mình bằng tình yêu:

“Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con;

lễ toàn thiêu và lễ xá tội Chúa không đòi, con liền thưa: ‘Này con xin đến!

Trong sách có lời chép về con rằng: con thích làm theo thánh ý,

và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con” (Tv 40,7-9)

Trong bài đọc hai của phụng vụ Lời Chúa hôm nay, tác giả của thư gửi tín hữu Hípri dựa vào các lời của đoạn Thánh vịnh này để suy tư về lễ vật hy tế mà Đức Giêsu dâng chính mình Người cho Thiên Chúa thay thế cho các hy tế của Cựu ước (Hr 10,5-7). Theo tác giả, Đức Giêsu đã áp dụng Thánh Vịnh này khi hiến dâng chính mình hoàn toàn cho Chúa Cha và cho anh em Người, cho đến bằng lòng chịu chết trên Thập tự giá và như thế trở thành hy tế hoàn hảo. Thánh Phaolô cũng đã trình bày lý lẽ tương tự trong thư gửi tín hữu Philipphê: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8).

Trong cuộc sống tại thế, Đức Giêsucòn nói với các môn đệ: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34); và với người Do thái: “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30). Vào giờ quyết định hiến tế chính mình, Người còn lập lại lời của Thánh vịnh trên: “Lạy Cha, xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Thực hiện điều này, Đức Giêsu không vong thân, nhưng Người được tự do hoàn toàn, bằng chứng là nhờ cái chết vâng phục, Người đã được Chúa Cha tôn vinh (Pl 2,9-11). Vì thế, Thánh Phaolô đã nói với tín hữu Rôma: “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19).

Đức Maria, một thiếu nữ đã đính hôn với thánh Giuse, tin vào lời ngôn sứ Isaia nói với vua Akhát rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” như bài đọc một hôm nay đã trình bày cùng tin vào lời thiên sứ truyền tin trong bài Tin Mừng: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và Quyền Năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” Mẹ đã đáp lại bằng cách sẵn sàng vâng theo kế hoạch của Thiên Chúa mà không có bất kỳ sự lưỡng lự, dè dặt, do dự nào cả. Mẹ để cho Lời Chúa được lấp đầy hoàn toàn trong tâm hồn trước khi được thành hình trong thân xác ngõ hầu chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện. Phải có một đức tin mạnh mẽ và sâu sắc vào Lời Chúa để đáp lên bằng hai tiếng “Xin Vâng” ngõ hầu ý Chúa được thực hiện.

Tương tự như thế, thánh Giuse cũng phải có một đức tin vững mạnh vào lời thiên sứ Chúa: “Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” để chấp nhận Đức Maria làm vợ mình. Thánh nhân đã tin vào sự can thiệp của Thiên Chúa vào đời sống nhân loại, đã hiểu tình mẫu tử thần linh của Đức Maria. Thánh nhân đã thể hiện sự công chính vượt trội hơn điều mà các Kinh Sư đòi hỏi, nghĩa là tin vào ân sủng của Thiên Chúa chứ không phải do công trạng của mình.

Quả thật, như thánh Augustinô đã nói: “Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu độ con, Chúa cần sự cộng tác của con.” Tác giả thư Hípri khuyên nhủ các tín hữu biết vâng phục các vị lãnh đạo tinh thần như là vâng phục Chúa qua giáo huấn sau đây: “Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa. Như thế, họ sẽ vui vẻ thi hành phận sự của mình mà không than thở, bởi vì điều đó chẳng ích gì cho anh em” (Hr 13,17).

Đây phải là kinh nguyện của chúng ta, nhưng với điều kiện là đừng rơi vào đường lối vụ hình thức: điều Thiên Chúa mong đợi nơi chúng ta, không phải là những lễ vật bên ngoài nhưng chính là tâm hồn chúng ta, chính là cuộc sống mỗi ngày của chúng ta được tiến dâng, chính là hy lễ thiêng liêng (1 Pr 2,5). Thiên Chúa mong chờ cung cách sống đạo xứng hợp của chúng ta: sung sướng vì niềm tin của mình¬¬ thán phục Thiên Chúa, thi hành thánh ý Chúa suốt đời, loan báo tin mừng, tin vui về sự công minh, về ơn cứu độ, về tình thương và chân lý của Thiên Chúa.

Lời nguyện: Lạy Đức Giêsu, Ngài đã dạy bảo và thi hành ý Cha trọn hảo. Xin Ngài ban sức mạnh và tinh thần khiêm tốn để chúng con luôn thực hiện điều Ngài muốn: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Amen.


 

XIN VÂNG (Lm. Giuse Nguyễn Văn Chín, SVD)

Ngày hôm nay Hội Thánh kính nhớ một biến cố quan trọng, làm biến đổi toàn thể nhân loại và mở ra một chương mới trong lịch sử cứu độ, đó là biến cốthiên thần báo tin cho Đức Mẹ. Tin Mừng kể lại: sự kiện truyền tin xảy ra tại làng Nadarét, thuộc miền Galilê, nước Do Thái. Sứ Thần Gáprien được Thiên Chúa sai đi, đem mệnh lệnh Thiên Chúa đến cho một thiếu nữ tên là Maria. Lúc đó, Đức Maria đã đính hôn với thánh Giuse, nhưng chưa chung sống.

Sứ thần báo cho Đức Maria biết một tin vui rất trọng đại: Thiên Chúa muốn Đức Maria làm mẹ Đấng Cứu Thế. Sau phút giây do dự, suy nghĩ và tìm hiểu, Đức Maria tin rằng đây là thánh ý Thiên Chúa, nên Mẹ an tâm mà thưa tiếng “xin vâng”: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần nói”(Lc 1,38).

  1. Truyền tin mầu nhiệm nhập thể

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại sự kiện sứ thần Gáprien truyền tin cho Đức Maria. Tiếng “xin vâng” của Mẹ đã đưa Mẹ đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa làm người. Thánh Luca tường thuật một cách nhẹ nhàng, gây một niềm vui khôn tả: và đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và được gọi là con Đấng Tối Cao.

Sự kiện trọng đại này đã được tóm tắt thành Kinh Truyền Tinmà các Kitô hữu đạo đức vẫn đọc lên hàng ngày: “Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin cho rất thánh Đức Bà Maria, và rất thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần…Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời. Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền”. Lời kinh ngắn gọn, nhưng gói gém toàn bộ chân lý đức tin của Kitô giáo. Vì thế, khi chúng ta đọc Kinh Truyền Tin, chúng ta không những chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô mà còn nguyện xin ơn được thông hiệp vào mầu nhiệm ấy nữa.

Qua biến cố truyền tin, Thiên Chúa đi vào lịch sử loài người và ở cùng chúng ta, để cứu độ chúng ta. Vì thế, trong Kinh Tin Kính, Giáo Hội tuyên xưng niềm tin về biến cố này như sau: “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã xuống thế làm người…”. Để có thể cứu độ con người, Thiên Chúa sẵn sàng đón nhận thân phận thấp hèn của con người, để từ đó nâng phẩm giá con người lên.

  1. Đức Maria đón nhận mầu nhiệm

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Mẹ đã lắng nghe Thiên Thần đưa tin, rồi tìm hiểu trước khi đón nhận một cách khiêm tốn. Thật vậy, Mẹ đã chất vấn sứ thần Gáprien: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng(Lc 1,34). Sau khi được sứ thần giải thích, Mẹ đã chấp nhận với một tâm hồn cởi mở, tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Mẹ quả thật là người biết lắng nghe lời Chúa và cất giữ những lời ấy để suy đi nghĩ lại trong lòng. Đồng thời, Mẹ đã nói lên tiếng thưa “xin vâng” trong niềm tín thác, biểu lộ một đức tin và lòng tuân phục chân thành. Vì thế, đối với Đức Maria, chức làm mẹ thuần túy chưa phải là niềm vinh dự lớn lao nhất, mà là niềm tín thác mẹ đặt nơi Chúa, như lời thánh Augustinô đã dạy:“Đức Maria có đức tin vào Đức Kitô hơn là vì Mẹ cưu mang nhục thể Đức Kitô… mối quan hệ mẫu tử của Mẹ có thể chẳng ích lợi gì đối với Mẹ nếu Mẹ chẳng vui sướng cưu mang Đức Giêsu trong trái tim hơn là trong dạ Mẹ. Mẹ đã thụ thai Đức Kitô trong đức tin trước khi Mẹ thụ thai Ngài trong dạ…Chính qua đức tin, Mẹ đã sinh hạ Ngài”.

Chính vì vậy, Công đồng Vaticanô II, trong hiến chế về Giáo Hội gọi Đức Maria là mẫu gương phi phàm cho Giáo Hội trong đức tin và đức mến. Di sản ngàn đời của Mẹ để lại cho chúng ta là đức tin và đức mến. Đức tin phải có một địa chỉ đi về đó là đức ái. Mà đức ái là việc lắng nghe và tuân giữ lời Chúa.

  1. Đến lượt chúng ta

Những chia sẻ vắn tắt trên đây có thể giúp chúng ta phần nào cảm nghiệm được hai tiếng xin vâng của Đức Mẹ. Nhờ việc sùng kính Đức Mẹ cách sốt sắng, đặc biệt noi gương Mẹ nói tiếng “xin vâng” để chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống mỗi ngày, chúng ta sẽ đón nhận nhiều ơn lành qua tay Đức Mẹ. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn thiện, chúng ta là con người yếu đuối và tội lỗi, nênchúng ta không xứng đáng đón nhận nguồn ân sủng nơi Ngài. Vậy nên chúng ta cần có Mẹ như là chiếc cầu nối để chuyển thông ân sủng cho chúng ta. Như thánh Bênađô đã nói: “Tội nhân ạ, chính vì bạn không xứng nhận ơn Chúa, mà Chúa đã ban mọi ơn cho Mẹ, để bạn đến nhận lấy từ tay Mẹ”.

Chuyện kể rằng: một hôm có hai mẹ con được vào diện kiến nhà Vua. Nhà Vua đã bảo người hầu đưa ra rất nhiều kẹo. Rồi nhà vua bảo đứa bé ngửa bàn tay ra và nói: “Bây giờ trẫm chỉ cho con vừa đủ trong hai bàn tay thôi”. Khi đó, đứa bé rất khôn ngoan đã nói rằng: “Thưa Đức Vua, vậy thì con sẽ nhờ mẹ của con lấy dùm, vì bàn tay của mẹ to hơn”. Nhà vua đã khen đứa bé khôn ngoan và đã thưởng cho nhiều kẹo và những phần thưởng có giá trị khác.

Trong cuộc sống đức tin của chúng ta hôm nay cũng thế, nếu chúng ta biết tin tưởng, sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt, thì Đức Mẹ sẽ che chở, cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, và chúng ta sẽ nhận được rất nhiều ơn lành từ Thiên Chúa. Chúng ta có rất nhiều hy vọng vì Đức Mẹ rất thương yêu và sẵn sàng nâng đỡ chúng ta. Thánh Bênađô đã nói: “Xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời”. Với niềm hy vọng đó, những khi gặp khó khăn thử thách, đau khổ, chúng ta hãy đến với mẹ và cùng với Đức Mẹ hát lên bài ca xin vâng: Mẹ ơi, đường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây đó, xin Mẹ dạy con hai tiếng “Xin Vâng”.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 2 Phục Sinh, Lòng Thương Xót của Chúa)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Lễ Truyền Tin, Lễ trọng)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.