Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXXII Thường Niên, Năm C (Lc 20,27-40)

0
412

SỰ SỐNG ĐỜI SAU CÓ HAY KHÔNG?

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Ban văn và dịch sát nghĩa (Lc 20,27-40)

Hy Lạp Việt
27 Προσελθόντες δέ τινες τῶν Σαδδουκαίων, οἱ [ἀντι]λέγοντες ἀνάστασιν μὴ εἶναι, ἐπηρώτησαν αὐτὸν

28 λέγοντες· διδάσκαλε, Μωϋσῆς ἔγραψεν ἡμῖν, ἐάν τινος ἀδελφὸς ἀποθάνῃ ἔχων γυναῖκα, καὶ οὗτος ἄτεκνος ᾖ, ἵνα λάβῃ ὁ ἀδελφὸς αὐτοῦ τὴν γυναῖκα καὶ ἐξαναστήσῃ σπέρμα τῷ ἀδελφῷ αὐτοῦ.

29 ἑπτὰ οὖν ἀδελφοὶ ἦσαν· καὶ ὁ πρῶτος λαβὼν γυναῖκα ἀπέθανεν ἄτεκνος·

30 καὶ ὁ δεύτερος

31 καὶ ὁ τρίτος ἔλαβεν αὐτήν, ὡσαύτως δὲ καὶ οἱ ἑπτὰ οὐ κατέλιπον τέκνα καὶ ἀπέθανον.

32 ὕστερον καὶ ἡ γυνὴ ἀπέθανεν.

33 ἡ γυνὴ οὖν ἐν τῇ ἀναστάσει τίνος αὐτῶν γίνεται γυνή; οἱ γὰρ ἑπτὰ ἔσχον αὐτὴν γυναῖκα.

34 καὶ εἶπεν αὐτοῖς ὁ Ἰησοῦς· οἱ υἱοὶ τοῦ αἰῶνος τούτου γαμοῦσιν καὶ γαμίσκονται,

35 οἱ δὲ καταξιωθέντες τοῦ αἰῶνος ἐκείνου τυχεῖν καὶ τῆς ἀναστάσεως τῆς ἐκ νεκρῶν οὔτε γαμοῦσιν οὔτε γαμίζονται·

36 οὐδὲ γὰρ ἀποθανεῖν ἔτι δύνανται, ἰσάγγελοι γάρ εἰσιν καὶ υἱοί εἰσιν θεοῦ τῆς ἀναστάσεως υἱοὶ ὄντες.

37 ὅτι δὲ ἐγείρονται οἱ νεκροί, καὶ Μωϋσῆς ἐμήνυσεν ἐπὶ τῆς βάτου, ὡς λέγει κύριον τὸν θεὸν Ἀβραὰμ καὶ θεὸν Ἰσαὰκ καὶ θεὸν Ἰακώβ.

38 θεὸς δὲ οὐκ ἔστιν νεκρῶν ἀλλὰ ζώντων, πάντες γὰρ αὐτῷ ζῶσιν.

39 Ἀποκριθέντες δέ τινες τῶν γραμματέων εἶπαν· διδάσκαλε, καλῶς εἶπας.

40 οὐκέτι γὰρ ἐτόλμων ἐπερωτᾶν αὐτὸν οὐδέν (Lk. 20:27-40 BGT)

27 Khi một vài người Xađốc, những người nói rằng không có sự sống lại, đến, họ hỏi Người [Đức Giêsu] rằng:

28 “ThưaThầy! Ông Môsê đã viết cho chúng tôi để mà lỡ như có một người anh em có vợ, chết mà không có con, thì người anh em của người này, có thể lấy người phụ nữ ấy và sinh con cho người anh em của mình.

29 Vậy, có bảy anh em, người thứ nhất lấy vợ, chết, không con cái.

30 Rồi người thứ hai,

31 Rồi người tứ ba đã lấy cô ấy, tương tự như thế, cả bảy người đều chết mà không để lại đứa con nào.

32 Sau đó, người phụ nữ này cũng chết.

33 Vậy thì, trong ngày sống lại người phụ nữ này là vợ của ai trong số họ, vì cả bảy người đều đã lấy cô ấy làm vợ.”

34 Đức Giêsu mới nói cùng họ rằng: “Con cái đời này cưới vợ và lấy chồng,

35 chứ những người được xét là xứng đáng đạt được đời ấy và đạt được sự sống lại từ cõi chết sẽ không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.

36 Bởi lẽ, họ không thể chết nữa, vì họ như các thiên sứ và là con cái Thiên Chúa, con cái của sự sống lại.

37 Vì rằng những người chết được làm cho trỗi dậy, ông Môsê đã tỏ cho biết về sự kiện bụi gai, khi ông nói rằng Chúa là Thiên Chúa của ông Ápraham, Thiên Chúa của ông Isaac, và Thiên Chúa của ông Giacóp.

38 Thiên Chúa không phải là của những người chết nhưng là của những người sống, vì đối với Người, tất cả đều sống.”

39 Rồi, một vài Kinh Sư trả lời rằng: “Thưa Thầy! Thầy nói tốt quá”

40 Bởi lẽ, họ không còn dám hỏi Người điều gì nữa.

 

 

Bối cảnh

Đây là câu chuyện được cả ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại (Lc 20,27-40; Mt 22,23-33; Mc 12,18-27). Trong bối cảnh gần, Lc 20,27-40 nằm trong bối cảnh trình thuật bài giảng tại Jêrusalem (Lc 19,28 – 21,38). Các nhân vật như “vài người Xađốc” được nhắc đến ở đầu và “vài Kinh Sư” ở cuối câu chuyện này, giới thiệu những nhân vật có vị trí lãnh đạo ở Jêrusalem đang tranh luận với Đức Giêsu nhiều vấn đề. Trong đoạn văn này, những người Xađốc tranh luận với Đức Giêsu về “sự sống lại”, đầu chương 20 (20,1-8), các Kinh Sư, Thượng Tế và Kỳ Lão chất vấn Người về “quyền thanh tẩy đền thờ” (19,45-46). Ngay trước câu chuyện này, những người “giả bộ công chính”, rình rập, bắt lý Người, đặt ra câu hỏi có được phép nộp thuế cho hoàng đế Xêda không (20,20-26). Trong bối cảnh rộng hơn, chủ đề “sự sống lại” là chủ đề quan trọng trong toàn bộ giáo huấn của Đức Giêsu. Trong ba lần tiền báo về mầu nhiệm Khổ Nạn, Đức Giêsu đều nhắc đến sự sống lại của Người (Mc 8,31; 9,31; 10,34). Phần cuối cùng của cả bốn sách Tin Mừng đều có nhiều câu chuyện sống động về sự phục sinh của Đức Giêsu. Trong các bài giảng, Đức Giêsu nhiều lần nói về sự sống lại (Lc 14,14; Mt 11,5; 10,8). Hơn nữa, có ít nhất ba lần Đức Giêsu làm phép lạ cho người chết sống lại (Lc 7,11-17; Ga 11,1-44; Lc 8,40-42.49-56 [Mc 5,21-24.35-43; Mt 9,18-19.23-26]). Câu chuyện này nối kết xa hơn nữa đến những quy định trong sách thánh Cựu Ước (Đnl 25,5-10) và trình thuật về cuộc thần hiện với ông Môsê (Xh 3,1-6.13-15).

Cấu trúc

Đoạn văn Lc 20,27-40 có thể được chia làm hai phần. Phần A gồm hai phần nhỏ, nói về vấn nạn của những người Xađốc (A’.28-33) và giải pháp của Đức Giêsu (A’’.34-36). Phần B (37-38) là lời khẳng định về sự sống lại bằng luận chứng Thánh Kinh của Đức Giêsu.

Mở đầu: Giới thiệu nhân vật (27)

A. Quan điểm của những người Xađốc: Không thể có sự sống lại

A’.Vấn nạn: Luật nối hôn để đảm bảo duy trì nói giống (28)

Bảy anh em cưới cùng một người phụ nữ (29-32)

Người phụ nữ này sẽ là vợ của ai? (33)

A’’. Giải quyết vấn nạn: Không là vợ của ai cả (34-36)

Con cái đời này cưới vợ và lấy chồng

Con cái đời ấy không cưới vợ, cũng chẳng lấy chồng

họ không thể chết nữa:

họ như các thiên sứ

con cái Thiên Chúa

con cái của sự sống lại

B. Quan điểm của Đức Giêsu: Có sự sống lại (37-38)

Ông Môsê đã tỏ lộ khi ông nói: “Kurios là Thiên Chúa …”

Không là Thiên Chúa của những người chết

Là Thiên Chúa của những người sống

Đối với Người, tất cả đều sống

Kết luận: Thừa nhận, không còn chất vấn (39-40)

 

Một vài điểm chú giải

  1. Người Xađốc[1]: Đây là lần duy nhất tác giả Luca đề cập đến nhóm Xađốc trong Tin Mừng thứ ba, dẫu rằng nhóm này xuất hiện nhiều lần trong sách Công Vụ (4,1;5,17; 23,6-8). Đây là danh xưng của một trong những nhóm, (hay phái) tiêu biểu trong Do Thái giáo ở vùng đất Palestine thời bấy giờ. Đa số họ là những người thuộc giới quý tộc và giàu có. Nhóm này nối kết chặt chẽ với những mối quan tâm và những cơ chế ngoại tại thời Jêrusalem có đền thờ làm trung tâm. Sau khi đền thờ bị phá hủy năm 70 CE, nhóm này dần biến mất.[2] Tên gọi Xađốc được truy nguồn về đến tên riêng ông Xađốc, một tư tế thời vua Đavíd (2 Sm 8,17; 15,24 tt.; 1 Sbn15,11; 19,11). Ông và gia quyến của ông nắm hệ thống các tư tế và đền thờ cho đến dưới thời vua Salomon (1 V 2,32; 1 Sbn 29,22). Những người tư tế Lêvi, những người con của Xađốc, phục vụ thánh địa trong thị kiến của ngôn sứ Êdêkiel về tái thiết đền thờ (Ed 44,14). Sau thời kỳ lưu đày, hậu duệ của nhà Xađốc được trao cho đặc quyền hành quyền như những tư tế trong đền thờ. Những người Xađốc này trở thành hạt nhân của dòng tư tế điều hành các hoạt động trong đền thờ.[3] Tuy nhiên, cũng phải nói rằng việc đồng hóa các thành viên phái Xađốc thời Đức Giêsu với những người thuộc gia đình Xađốc thời các vua cũng không hoàn toàn chắc chắn. Những người Xađốc thế kỳ thứ nhất có liện hệ với dòng tư tế Xađốc, không còn là nhóm đặc chất hoàn toàn tư tế như trước nữa. Nhóm Xađốc thường được sử gia Josephus nhắc đến như là “một trong những trường phái triết học” trong Do Thái giáo. Họ được cho là những người quý tộc giàu có và nắm giữ Sách Thánh viết, từ chối truyền thống truyền miệng của những người Pharisêu ( 13:297-298; 18,17). Họ thuộc trường phái bảo thủ, từ chối sự hiện hữu của các thiên sứ cũng như sự sống lại của người chat Ant 18:16; Jewish War 2:165).[4] Trong Tin Mừng Mátthêu, hai nhóm này thường đi cùng nhau như những lãnh đạo của những người Do Thái. Họ đến chịu phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả và bị ông khiển trách nặng nề: “Hỡi con cái của những con rắn độc!” [γεννήματα ἐχιδνῶν]: Mt 3,7-9). Đức Giêsu cũng cảnh báo các môn đệ về men Pharisêu và men Xađốc, ngụ ý là coi chừng giáo huấn của họ (Mt 16,5-12). Họ đến cùng nhau để thử Đức Giêsu bằng cách xin một dấu lạ từ trời (Mt 16,1-4). Trong câu chuyện này, họ được nhắc đến như những người nói rằng “không có sự sống lại” (Lc 20,27; Mc 12,18; Mt 22,23). Trong bài thuyết trình biện hộ của mình, ông Phaolô đã tận dụng sự khác biệt trong niềm tin vào sự sống lại giữa hai phái Pharisêu và Xađốc để chi rẽ họ và giải thoát cho mình (Cv 23,6-10).
  2. Luật nối hôn (thế huynh) Đnl (25,5-10): “Thưa Thầy! Ông Môsê đã viết cho chúng tôi”

Trước khi đặt vấn đề với Đức Giêsu, những người Xađốc gọi Người là “thưa Thầy!” Khi gọi Đức Giêsu là Thầy (διδάσκαλε), những người thuộc nhóm Xađốc đặt Đức Giêsu trong vị thế một người dạy về Luật, đối lại với ông Môsê. Vì là Thầy dạy, nên Đức Giêsu có tư cách và phải giải thích cho họ về Luật một cách hợp lý. Hợp lý theo suy nghĩ của người Xađốc là phải hợp với điều mà ông Môsê dạy.[5] Bởi lẽ, nếu nói về tư cách thầy dạy, không ai trong các bậc thầy trong suốt truyền thống Do Thái có thể sánh với ông Môsê: “Trong Ítrael không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Môsê, người mà Chúa biết rõ mặt giáp mặt” (Đnl 34,10). Trong con mắt của những người Xađốc, dĩ nhiên, Đức Giêsu, một thầy dạy trẻ mới nổi, không thể sánh bằng ông Môsê. Nội dung cụ thể về lời dạy của Thầy Giêsu mà họ đặt vấn đề là “sự sống lại” của những người đã chết.

Khi nhắc đến điều ông Môsê viết, họ muốn nhắc nhở Đức Giêsu về một nền tảng vững chắc về Luật trong truyền thống của Do Thái. Ông Môsê quả thực đã viết về chỉ dẫn rất chi ly về việc “nối hôn”, trong đó quy định những điều cụ thể sau (Đnl 25,5-10):

“Nếu những anh em ở chung với nhau, và một trong những người đó chết mà không có con trai, thì vợ của người chết không được lấy một người xa lạ, ngoài gia đình; Một người anh em chồng sẽ đến với nàng, lấy nàng làm vợ và chu toàn bổn phận của một người anh em chồng đối với nàng. Đứa con đầu lòng nàng sinh ra sẽ duy trì tên của người anh em đã chết; Như vậy tên của người chết sẽ không bị xóa khỏi Ítrael. Nhưng nếu người đàn ông ấy không thích lấy chị dâu hay em dâu mình, thì người vợ sẽ lên cổng thành, gặp các Kỳ Lão và thưa: “Người anh em chồng tôi từ chối không chịu lưu truyền tên tuổi của anh em mình ở Ítrael, người ấy không muốn chu toàn bổn phận của một người anh em chồng đối với tôi.” Các Kỳ Lão trong thành sẽ gọi người đàn ông ấy đến và nói cùng ông. Nếu ông ta phản đối mà nói: “Tôi không thích lấy cô ấy” thì người chị dâu hay em dâu sẽ đến gần người ấy trước mặt các Kỳ Lão, rút một chiếc dép người ấy ra khỏi chân ông ta, nhổ vào mặt người ấy và lên tiếng nói: “Kẻ không xây nhà cho người anh em mình thì phải xử như thế đó!” Trong Ítrael, người ta sẽ gọi tên người ấy là “nhà của kẻ bị lột dép” (xem thêm câu chuyện ông Bôát, một người bà con của người chồng quá cố của cô Rúth, đã cưới cô làm vợ đề duy trì nòi giống cho Máclôn, R 4,1-11).

Sáng thế 38 là một minh họa rõ nét cho tục “nối hôn” trong Do Thái giáo. Cả hai anh em trai (E và Ônan), con của ông Giuđa đều đã lấy bà Tama làm vợ, nhưng điều chết và không để lại đứa con nào. Lẽ ra, người con trai thứ ba (Sêla) cũng phải lấy bà làm vợ nhưng ông Giuđa sợ cậu cũng chết như hai anh của mình, nên ông không muốn cho cậu lấy bà. Ông khuyên bà về nhà cha ruột ở Timna mà ở. Chính vì vậy, mới xảy ra chuyện bà Tama phải giả làm gái điếm để ăn nằm với ông Giuđa, cha chồng của mình, để sinh ra ông Perét (St 38,1-29). Ở đây, nhóm Xađốc liệt kê đến “bảy người” rất quen thuộc với những người Do Thái[6] (cf. Lc 17,4; Mt 18,21.22), một con số tròn đầy, lý tưởng, đủ để tăng thêm độ hóc búa, ở mức cao nhất cho vấn nạn họ đặt ra cho Người. Đây là một luận chứng hùng hồn, chặt chẽ, chắc chắn có khả năng bảo vệ cho luận điểm rằng “không thể có sự sống lại” và vạch ra những sai lạc, bất hợp lý trong giáo huấn của Đức Giêsu.[7]

  1. Sự sống lại (ἀνάστασις): Sự sống lại là một trong những thông điệp Tin Mừng nền tảng nhất trong giáo huấn của Đức Giêsu. Sự sống lại của Đức Giêsu chính là nền tảng cho niềm tin của các Tông Đồ và của các tín hữu thời sơ khai và cho các tín hữu qua mọi thời đại. Một trong những năng lực phi thường của Đấng Kitô là quyền trên sự chết. Người có thể phục hồi sự sống cho con gái ông trưởng hội đường (Lc 8,40-42.49-56; Mc 5,21-24.35-43; Mt 9,18-19.23-26); Con trai bà góa thành Nain (Lc 7,11-17) và đặc biệt là làm cho ông Ladarô chết chôn bốn ngày được sống lại (Ga 11,1-44). Như đã nhắc đến trong phần “bối cảnh”. Trong thời kỳ rao giảng, Đức Giêsu nhiều lần nói đến “sự sống lại”: Người truyền cho các môn đệ làm cho người chết sống lại (Mt 10,8); Người loan báo ngày “kẻ lành sống lại” (Lc 14,14; Cf. Ga 5,29). Mặc khải về “sự sống lại trong ngày cuối cùng”, được Đức Giêsu lặp đi lặp lại nhiều lần trong Tin Mừng Gioan (Ga 6,39.40.44.54). Cả ba lần Đức Giêsu tiền báo về mầu nhiệm khổ nạn đều được kết thúc bằng thông điệp quan trọng: “Sau ba ngày, Người sẽ trỗi dậy” (Mc 8,31 [Lc 9,22]; 9,31; 10,34 [Lc 18,33]). Chính các môn đệ lúc đầu đã không thể hiểu và không muốn đón nhận thông điệp mặc khải về cuộc khổ nạn (Mc 8,32-33; 9,32; 10,35-40; Lc 9,45), và có lẽ vì thế, đã có lúc nghi ngờ về sự phục sinh của Người (Lc 24,8-11; Mc 16,13), nhưng rồi họ đã có kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Kitô Phục Sinh (Lc 24,13-35.36-43; Mc 16,14-18) và chứng kiến Người được đưa lên trời (Mc 16,19-20; Lc 24,50-53; Cv 1,9-11). Nhờ vậy, họ mới có thể mạnh dạn làm chứng về Đức Giêsu như là Đấng chịu khổ nạn, chịu chết, và Phục Sinh: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại. Chính tất cả chúng tôi là chứng nhân của điều này” (Cv 2,32; Cf. 3,15; 5,32). Đây chính là thông điệp nền tảng trong những bài giáo lý của các tông đồ. Chính ông Phaolô, sau khi hoán cải, cũng rao giảng điểm nòng cốt này cho những người Do Thái (Cv 13,30.33; 17,3) và đặc biệt là cho dân ngoại (Hy Lạp) nữa (Cv 17,31). Nghe về mầu nhiệm “người chết sống lại”, có người cười nhạo, có người nói rằng: “Để lần khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về điều này”, nhưng cũng có một số người tin (ông Dyonisio và bà Damari) (Cv 17,32-33). Trong các lá thư của mình, ông Phaolô cũng rất nhiều lần giải thích về mầu nhiệm Phục Sinh, đặc biệt là trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, trong đó, ông đã chứng minh về sự phục sinh của Đức Giêsu và bàn về vấn nạn “người chết sống lại” (1 Cr 15,1-58). Ông đã khẳng định rằng: “Nếu Đức Kitô không sống lại thì niềm tin của anh em thật hão huyền … Nếu chúng ta hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những người đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15,17.19). Sách Macabê cũng đã đề cập đến sự sống lại và hưởng sự sống đời đời (x. 2 Mcb 7,9.14; 12,43).
  2. Con cái đời này (οἱ υἱοὶ τοῦ αἰῶνος) … những người được xem là đạt được đời kia và sự sống lại (οἱ δὲ καταξιωθέντες τοῦ αἰῶνος ἐκείνου τυχεῖν καὶ τῆς ἀναστάσεως τῆς ἐκ νεκρῶν): Đức Giêsu dùng một cặp nhân vật tượng trưng cho hai thời khác nhau. “Con cái thời này” đối lại với “những người được xem là xứng đáng hưởng đời sau và sự sống lại từ cõi chết”.[8] Trong Tin Mừng thứ ba, Đức Giêsu nhiều lần mô tả “con cái đời này” như là những người bất trung và gian ác (Lc 7,31; 9,41; 11,20-32; 16,8-9).[9] Động từ “xem xét” được dùng ở thì bị động (Được xem là: καταξιωθέντες), với tác nhân rất có thể là Thiên Chúa. Thiên Chúa mới có thẩm quyền quyết định ai là người xứng đáng với lòng thương xót của Người.[10] Động từ “đạt được, tìm được, trải nghiệm, chia sẻ, là những người tham sự vào” (τυχεῖν) có hai túc từ: “Đời ấy” (τοῦ αἰῶνος ἐκείνου) và “sự sống lại từ cõi chết”. “Sự sống lại từ cõi chết” có thể có chức năng như là bổ nghĩa cho “đời ấy”. Nói cách khác “đạt được đời ấy” cũng có nghĩa là “được sống lại từ cõi chết”.[11] “Sự sống lại từ cõi chết” trong “đời ấy” được Đức Giêsu giải thích thêm nữa là một sự sống vĩnh viễn: “Họ không thể chết nữa”. Trong dụ ngôn, thường được gọi là “dụ ngôn người quản gia bất chính” (Lc 16,1-8), Đức Giêsu so sánh “con cái đời này” (οἱ υἱοὶ τοῦ αἰῶνος τούτου) với “con cái ánh sáng” (τοὺς υἱοὺς τοῦ φωτὸς): “Con cái đời này khôn ngoan hơn con cái ánh sáng khi đối xử với đồng loại” (Lc 16,8). “Đời ấy” cũng được Đức Giêsu báo trước như là “thời sẽ đến” (Lc 18,30): Thầy bảo thật anh em, không có ai đã bỏ nhà cửa, mạng sống, anh em, cha mẹ, hay con cái vì Nước Thiên Chúa, sẽ không lãnh nhận được gấp nhiều lần trong thời này và sự sống vĩnh cửu ở thời sẽ đến” (ἐν τῷ αἰῶνι τῷ ἐρχομένῳ). Như thế, “thời sẽ đến” gắn liền với “sự sống vĩnh cửu” (ζωὴν αἰώνιον), rất giống với ý tưởng “họ không thể chết nữa” ở trong câu chuyện này.[12]
  3. Không lấy vợ – cưới chồng: Đức Giêsu không trả lời trực tiếp cho nghi vấn mà nhóm Xađốc đặt ra, người phụ nữ ấy sẽ là vợ của ai trong số bảy người đã lấy bà? Người cho biết rằng trong “thời ấy”, người ta không lấy vợ cũng chẳng lấy chồng”, ngụ ý rằng, người phụ nữ này không còn là vợ của bất cứ ai trong số bảy người anh em ấy. Đây là một khẳng định rõ ràng dứt khoát về sự khác biệt về tình trạng hôn nhân giữa con người thuộc hai “đời” khác nhau. Đức Giêsu của Tin Mừng Máccô còn nhấn mạnh về sự sai lầm của những người Xađốc liên quan khi nhận định về sự sống lại, mặc dù họ dựa trên nền tảng Thánh Kinh: “Điều này không phải vì các ông sai lầm, vì không biết Thánh Kinh cũng không biết quyền năng Thiên Chúa?” (Mc 12,24) … “Các ông hoàn toàn sai lầm” (Mc 12,27)”.
  4. Vì họ cũng không thể chết nữa, vì họ như những thiên sứ … con cái Thiên Chúa … con cái của sự sống lại: Hai mệnh đề đi kép chỉ lý do đi sau mệnh đề “không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng”: (1) “Vì họ cũng không thể chết nữa” và (2) “Vì họ như thiên sứ”. Tính từ “ἰσάγγελος” có thể được hiểu là “như thiên sứ” hoặc là “ngang bằng với thiên sứ”. Mệnh đề chỉ lý do thứ nhất dường như bổ nghĩa cho mệnh đề “họ không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng”: Họ không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng vì họ không thể chết nữa; Trong khi đó, mệnh đề thứ hai bổ nghĩa cho mệnh đề lý do thứ nhất: “Họ không thể chết nữa, vì họ như thiên sứ”. Các thiên sứ không có thể xác và bất tử.[13] Mệnh đề chỉ lý do thứ hai, lại được giải thích thêm bằng hai mệnh đề nữa: (i) Con cái Thiên Chúa; và (ii) Con cái của sự sống lại. Như thế, “thiên sứ”, nghĩa là “con cái Thiên Chúa” và cũng là “con cái của sự sống lại”. “Con cái của Thiên Chúa” thì cũng được chia sẻ bản chất bất tử của Chúa.[14] Trong câu trả lời của Đức Giêsu có đến ba ý tưởng về sự phục sinh: “Những người được xét là xứng đáng đạt được đời ấy, và đạt được sự sống lại” = “Không thể chết nữa” = “Con cái sự phục sinh”. Cách nói của Đức Giêsu như muốn nhấn mạnh đến mầu nhiệm “phục sinh” và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Một số tác giả cho rằng Đức Giêsu liên kết vấn đề lập gia đình với sự chết. Một khi không còn sự chết nữa, thì không còn lập gia đình nữa.[15]

Vấn đề đặt ra là làm sao nối kết lý do “vì họ không thể chết nữa” với khẳng định “họ không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng”. Hay nói cách khác “không chết nữa” = “không cưới vợ hay lấy chồng”. Điều này có thể giải thích dựa trên lý chứng rằng: Mục đích của hôn nhân thời xưa là sinh con, nối dõi cho một người đàn ông. Đây là mục đích chính yếu của tục lệ nối hôn, mà cả bảy anh em đều phải tuân thủ như những người Xađốc đặt ra.[16] Vậy, nếu như một người không chết nữa, thì sẽ không cần phải có người nối dõi.[17] Họ như các thiên sứ, con cái của sự sống lại và sống mãi thì họ không cần để lại con cái nữa. Chính sự chết mới làm cho người đàn ông hay người phụ nữ phải lấy nhau để sinh con nối dõi.

So với tác giả Luca, Máccô diễn tả đơn giản hơn nhiều: “Khi người ta sống lại từ cõi chết, không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng, nhưng như các thiên sứ trên trời” (Mc 12,25). Tuy nhiên, tác giả Luca bỏ đi phần Đức Giêsu nhấn mạnh về sự sai lầm của những người Xađốc khi đóng và mở phần đáp trả của Người bằng hai câu: “Điều này không phải vì các ông sai lầm vì không biết Thánh Kinh cũng không biết quyền năng Thiên Chúa?” (Mc 12,24) … “Các ông hoàn toàn sai lầm” (Mc 12,27).

Có thể nói rằng, những người Xađốc chỉ chú trọng đến những rắc rối, hóc búa khó giải quyết, giả như có một cuộc sống sau cái chết. Họ không nhìn thấy được nét đẹp như là hạnh phúc viên mãn của cuộc sống sau cái chết. Đức Giêsu không những giải quyết cho họ vấn nạn hóc búa, mà còn mặc khải cho họ một viễn ảnh huy hoàng về tính vĩnh cửu, của người “giống như các thiên sứ”, “con cái Thiên Chúa” và “con cái của sự phục sinh”. Người Xađốc không những thất bại trong việc hiểu sự khác nhau của cuộc sống đời sau, so với cuộc sống đời này mà còn thất bại trong việc hiểu điều gì đảm bảo chắc chắn về một cuộc sống vô tận. Họ hiểu lầm, hay không hiểu rõ về bản chất của Thiên Chúa hằng sống. Thiên Chúa luôn bất tử và con cái Chúa cũng sẽ được sống vĩnh cửu với Người.[18]

  1. Ông Môsê – Chúa – Thiên Chúa của Ápraham, Ixaác, Jacóp: Sau khi giải đáp vấn nạn mà họ đặt ra, mặc khải về tình trạng con người sau khi sống lại, Đức Giêsu tiếp tục bổ sung chứng cứ nền tảng cho niềm tin về sự sống lại. Đức Giêsu cho rằng ông Môsê nói về “người chết sống lại” khi ông nói rằng “Chúa (κύριος) là Thiên Chúa của ông Ápraham, Thiên Chúa của ông Ixaác, và Thiên Chúa của ông Giacóp” (Xh 3,15-16).[19] Làm sao để nối kết giữa ý tưởng “Chúa, Thiên Chúa của các tổ phụ” với mầu nhiệm “người chết sống lại” trong lý chứng nền tảng của Đức Giêsu”? Sự nối kết có lẽ nằm ở danh của Thiên Chúa: Chúa (κύριος). Tác giả Luca thay đổi khúc đầu trong lời trích dẫn Cựu Ước của Đức Giêsu trong Tin Mừng Máccô. Theo đó, Đức Giêsu của Máccô nói rằng: “Các ông đã không đọc trong sách Môsê đoạn nói về bụi gai sao? Người đã nói với ông ấy thế nào? Người đã nói rằng…” (Mc 12,26), nhưng Đức Giêsu của tác giả Luca nói rằng: “Chính ông Môsê đã tỏ cho biết trong sự kiện bụi gai, khi ông nói rằng …” (Lc 20,37). Trong câu chuyện sách Xuất Hành, chính Chúa xưng mình là “Thiên Chúa của ông Ápraham, Thiên Chúaa của ông Ixaác và Thiên Chúa của Jacóp (Xh 3,6) và Thiên Chúa cũng truyền hai lần cho ông Môsê nói danh xưng ấy cho dân (Xh 3,15.16). Trong hai lần mà Thiên Chúa truyền cho ông Môsê nói có thêm hai điều quan trọng: (1) Danh của Chúa – “κύριος” trong tiếng Hy Lạp và [יְהוָ֞ה] trong tiếng Do Thái, khác với (אֱלֹהִים). Thường được dịch là “Đức Chúa”, (CGKPV) “Ta có” (NTT) khác với “Thiên Chúa” (trong tiếng Do Thái là [אֱלֹהִים], đọc là Êlohim, trong tiếng Hy Lạp là [θεὸς], đọc là Thêos)[20]; (2) Đây là danh Ta muôn đời và vì thế Ta được nhớ đến qua muôn thế hệ”. [יְהוָ֞ה] là danh mà Thiên Chúa mặc khải cho ông Môsê, và là danh muôn đời theo như Chúa khẳng định. Tuy nhiên, không ai biết danh đó phải phát âm thế nào cho đúng hay là có nghĩa chính xác là gì. Người ta dựa trên bốn chữ cái ấy (Yod, Heh, Waw, and Heh) và đoán cách phát âm là “Yahweh” hay “Yehowah” (Yavê, hay Giavê, trong tiếng Việt), nhưng chắc chắn là không ai có thể thẩm định là đúng hay sai. Người Do Thái, khi gặp danh này, họ đọc thành “Adonai” (nghĩa là Chúa tôi, Chủ tôi), vì họ tránh gọi danh Chúa cách trực tiếp. Tiếng Hy Lạp chuyển thành “Kurios”, có nghĩa là “Chúa”, “Chủ”, “Ngài”. Đức Giêsu của hai tác giả, khi trích lại ý hướng của sách Xuất Hành, nhấn mạnh đến hai chủ thể khác nhau. Chủ thể tác giả Luca muốn nhấn mạnh là ông Môsê, trong khi chủ thể mà tác giả Máccô muốn nhấn mạnh là Thiên Chúa. Việc Đức Giêsu nhắc đến ông Môsê là rất cần thiết, vì những người Xađốc đã dùng điều mà ông Môsê đã viết, để làm nền tảng cho quan điểm của họ. Tác giả Luca dường như muốn tạo nên sự đối xứng giữa lời ông Môsê đã viết về điều luật “nối hôn” trong ví dụ của nhóm Xađốc, và điều ông Môsê tỏ cho biết về Thiên Chúa hằng sống.[21] Câu mà Đức Giêsu của tác giả Máccô dùng là Xh 3,6, nơi là danh của Thiên Chúa chưa được mặc khải, còn câu của Đức Giêsu mà tác giả Luca dùng có thể là Xh 3,15 hay 3,16 vì đã xuất hiện danh Thiên Chúa “Chúa là Thiên Chúa của…” [ יְהוָ֞ה אֱלֹהֵ֣י]. Điểm mà Đức Giêsu của tác giả Luca muốn nhấn mạnh mà danh của Thiên Chúa, vì danh này biểu lộ tính  “vĩnh cửu, trường sinh” của Chúa. Danh này có thể hiểu như là “Ta có” (NTT); “Đấng Hiện Hữu” (CGKPV) hay là “Đấng Hằng Hữu”. Như vậy, trong danh xưng này, danh xưng mà Chúa mặc khải cho ông Môsê (Xh 3,142; 3,15.16), người ta có thể khẳng định rằng Chúa Hằng Hữu, bất tử, và là Chúa của những người sống. Danh xưng này rất quan trọng đối với cả ông Môsê và dân Ítrael. Ông Môsê cần một danh xưng đủ ý nghĩa để thưa cùng dân Ítrael và Thiên Chúa đã mặc khải cho ông rằng Người là “יְהוָ֞ה” (Kurios, Adonai, Chúa, Chủ, Đấng Hằng Hữu).
  2. Thiên Chúa của những người sống: Khi nối danh ngữ “Thiên Chúa của những người sống” với danh ngữ “Thiên Chúa của ông Ápraham, Thiên Chúa của ông Ixaác và Thiên Chúa của ông Jacóp”, Đức Giêsu muốn ngụ ý rằng các tổ phụ “Ábraham, Ixaác và Jacóp” vẫn đang sống với Chúa.[22] Sự sống sau cái chết của các tổ phụ được Đức Giêsu nhắc đến hơn một lần trong các giáo huấn của Người: Hình ảnh ông Ladarô ở trong lòng tổ phụ Ápraham như là một sự “an ủi” sau một cuộc đời đau khổ (Lc 16,19-31); Hình ảnh nhiều người từ Đông, Tây, “đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Jacóp trong Nước Trời” (Mt 8,11). Khi nói như vậy, Đức Giêsu cũng muốn đặt vấn đề với nhóm Xađốc là chẳng lẽ các tổ phụ chúng ta, những người sống công chính, đẹp lòng Chúa lại chết mãi mãi hay sao? Không phải vậy! Vì “đối với Người (trong con mắt của Người, khi Người trông đến)[23], tất cả đều sống” (Lc 20,38). Thiên Chúa Hằng Sống, sẽ đoái trông đến con cái của Người và ban cho họ được chia sẻ sự sống vĩnh cửu với Người. Dĩ nhiên, sự sống mà Đức Giêsu muốn nói là sự sống lại, sống mãi và không bao giờ chết nữa.
  3. Thưa thầy, thầy nói tốt quá: Nhóm “Kinh Sư” xuất hiện và đóng lại cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và nhóm “Xađốc” với một xác nhận tích cực. Các “Kinh Sư” cũng thường xuất hiện như những nhân vật đối nghịch với Đức Giêsu trong nhiều vấn đề (x. Lc 5,21.30; 6,7; 15,2) thậm chí, có nhiều lần, họ tìm cách loại trừ Đức Giêsu (x. Lc 9,22; 11,53;19,47; 20,19; 22,2). Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này họ đã bị luận chứng của Đức Giêsu khuất phục. Vì họ là những chuyên gia về Thánh Kinh và sách Luật, nên chứng nhận của họ là cần thiết và có mức độ tin cậy cao. Chính vì thế, sau lời khen của họ về cách trả lời của Đức Giêsu, thì không ai bàn đến vấn đề này nữa. Vì “Kinh Sư” là đối thủa của Đức Giêsu, nên xác nhận của họ càng có giá trị hơn, theo nghĩa là, ngay cả những người không đồng thuận với Đức Giêsu trong nhiều vấn đề, vẫn phải đồng ý với Người về vấn đề này.

 Bình luận tổng quát

Cách đặt vấn đề có tính mỉa mai, bài trừ về niềm tin vào “phục sinh của những người chết” và sự sống vĩnh cửu đời sau, mà nhóm Xađốc nhắm đến Đức Giêsu, có thể cũng là thắc mắc chung cho tất cả những người hoài nghi về mầu nhiệm này. Sở dĩ, họ chất vấn, bắt bẻ Đức Giêsu về điều này vì Người là một thầy dạy nổi tiếng trong dân. Một trong những giáo huấn của Người là “sự sống lại của những người chết”. Có lẽ, đây cũng là câu hỏi hóc búa mà họ đã từng nhiều lần tranh luận với nhóm Pharisêu, những người cũng chủ trương có sự sống sau cái chết, có sự sống đời sau. Câu hỏi của họ bắt đầu từ một nền tảng được lấy ra từ những điều mà ông Môsê đã viết về luật “nối hôn” (thế huynh) để sanh con nối dõi. Dựa vào ông Môsê là dựa vào một cột trụ về Lề Luật cách chắc chắn nhất, và không ai có thể làm ngược lại được. Điều mà những người Xađốc nhắm đến là những vấn nạn khó có thể nào giải quyết được nếu như có sự sống lại, cụ thể là: Rất khó có thể xác định một người phụ nữ là vợ của ai nếu như cả bảy anh em đều đã lấy bà làm vợ. Đức Giêsu không đưa một câu trả lời trực tiếp nhưng mở ra một chân trời mới về sự khác biệt giữa tình trạng con người đời này và đời sau. Những con người được Thiên Chúa xem xứng đáng đạt được sự sống đời sau là những con người giống như thiên thần, ngang bằng với thiên thần, là con cái của Thiên Chúa, con cái của sự phục sinh. Họ không thể chết nữa, và cũng không cần ai phải giúp họ duy trì nòi giống nữa. Vì thế, không còn cần phải cưới vợ lấy chồng theo nghĩa truyền sinh và duy trì nòi giống nữa. Giả như người ta sống lại mà vẫn tiếp tục tình trạng giống như trước khi chết thì sống lại chẳng có ý nghĩa gì. Sự sống lại, bao gồm một sự thay đổi tốt hơn về phận người, đạt đến mức độ hạnh phúc viên mãn và vĩnh cửu. Đức Giêsu nhập, nhập thế để giới thiệu cho người ta một sự sống đời đời viên mãn với Chúa và hướng dẫn cho họ con đường để đạt đến sự sống ấy. Để minh chứng cho giáo huấn “người chết sống lại”, Đức Giêsu, trích dẫn lời chứng của ông Môsê, cột trụ vững chắc mà những người Xađốc đã dựa vào. Nếu như ông Môsê đã nói về luật “nối hôn”, thì ông Môsê cũng đã nói đến mặc khải về Thiên Chúa trong đoạn văn “bụi gai”. Đó là một Thiên Chúa tự giới thiệu mình là “Đấng Hằng Hữu”, một Thiên Chúa luôn hiện hữu, không bao giờ thôi hiện hữu. Thiên Chúa ấy muốn giải thoát dân Ítrael khỏi ách nô lệ, ban cho họ sự tự do và sự sống trong đất hứa. Thiên Chúa Hằng Hữu không phải là Thiên Chúa của những người chết, mà là Thiên Chúa của những người sống. Những ai Người ghé mắt nhìn đến đều sống. Các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Jacóp, tuy chết rồi nhưng họ vẫn đang sống. Và dĩ nhiên, những ai được gọi là con Thiên Chúa, đều là con cái sống lại và con cái của sự sống vĩnh cửu. Câu chuyện được những người Xađốc mở ra, nhưng được đóng lại bởi những người Kinh Sư, những người nghiên cứu và am hiểu Thánh Kinh. Và khi chuyên gia Thánh Kinh đã đồng ý với Đức Giêsu cách hoàn toàn, thì không ai còn dám hỏi Người bất cứ điều gì nữa.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích

[1] X. J.J. Scott, “Sadduccees”, The New International Dictionary of New Testament Theology Vol.3 (ed. C. Brown) (Grand Rapids 1978) 439-441.

[2] “Surprisingly little is known of them, undoubtedly owing to their loss of position following the destruction of the Jerusalem temple” [J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 718].

[3] “The descendants of Zadok (bĕnê Ṣādôq) were granted the privilege of officiating as priests in the Temple after the return from the Babylonian Captivity. These “Zadokites” formed the nucleus of the priesthood staffing the Jerusalem Temple. 1 Chr 5:30–35 [6:4–10E] traces the lineage of Zadok back to Eleazar, elder son of Aaron” [J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 28A, 1302-1303].

[4] L.T. Johnson, the Gospel of Luke (SP3; Collegeville 1997) 312.

[5] “Jesus’ identity as “teacher” is juxtaposed with the authority of Moses (vv 28, 37, 39), and the position of the Sadducees is evidently contrasted with that of the legal experts, who side with Jesus on the question of the resurrection The Sadducees, known for their emphasis on the Torah, attempt to set Jesus up; appealing to Moses, they concoct a scenario that, in essence, requires Jesus to answer the question, Do you follow Moses?” (Ibid.).

[6] “No reason emerges in the story itself; it was, however, a favorite number among the Jews and suits well a storytelling purpose” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1304).

[7] “Within this co-text, however, it can hardly be read as anything but a further attempt to ensnare Jesus by embarrassing him before the people” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 717).

[8] “Of Pharisaic belief in an afterlife, Josephus writes: They hold that “every soul is imperishable, but only the soul of the good passes into another body, whereas the souls of the wicked are punished with eternal penalties” (J.W. 2.8, 14 § 163). He further explains the passage into another body: “Their souls remain spotless and obedient, obtain a very holy place in heaven, from which, at the turn of the ages they will again inhabit bodies” (J.W. 3.8, 5 § 374)” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1032).

[9] J.B. Green, The Gospel of Luke, 720.

[10] “their “worth” is not measured by comparison with others in a perpetual tug-of-war for honor and prestige in the agonistic culture of “this world,” but is granted by God. On what basis? Earlier, “children of God” were understood to be those whose dispositions are marked by mercy, giving without expectation of return, love of enemies (6:35–36); here, people are marked as “children of God” by virtue of their being “children of the resurrection” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 720-721).

[11]To that age and to the resurrection from the dead is basically a hendiadys, the second phrase modifying or explaining the first; hence e.g. ‘that age, when the dead come to life again’.—That age, i.e. ‘the age to come” [J. Reiling & J.L. Swellengrebel, A handbook on the Gospel of Luke (USB Handbook Series; New York 1993, c1971) 654].

[12] Xem thêm “Con cái thời này … con cái của ánh sáng” trong LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: MUA NGƯỜI THÂN TỪ TÀI SẢN BẤT CHÍNH. Chú giải Tin Mừng Chúa Nhất XXV TN C (Lc 16,1-13) (josephpham-horizon.blogspot.com).

[13] “They are equal to the angels: in their future immortality, not just in not being mairried” [E. Schweitzer, The Good News According to Luke (Atlanta 1984) 307]; Stöger, Das Evangelium, 182.

[14] Schneider, Das Evangelium, 406; SCHMITHALS, Das Evangelium,196; Soger, Das Evangelium, 182; Lagrange, Evangile, 516.

[15] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1300; B. WEISS, Die Evangelien des Markus und Lukas (Gottingen 1901) 608.

[16] “Such persons participate in the system envisioned and advocated by the Sadducees, itself rooted in the legislation governing levirate marriage women given and taken, even participating in their own objectification as necessary vehicles for the continuation of the family name and heritage” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 721).

[17]Marriage and procreation are necessary so that the human race not die out, so that the life of this age be continued(J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1035).

[18] “the Sadducees not only fail to understand how the age to come differs from this age, but fail to understand what it is that makes this life without end a certainty. Ultimately, their question and their refusal to believe in the resurrection from the dead reveals a painful misunderstanding of the nature of the God they claim to know. It is for this failure that Mark feels constrained to note twice the grossness of their error” (J.J. Kilgallen, “The Sadducees and Resurrection from the Dead: Luke 20,27-40”, Biblica 67/4 (1986) 478-495, 487).

[19] Danh xưng “Thiên Chúa” được lặp lại ba lần như để nhấn mạnh (τὸν θεὸν Ἀβραὰμ καὶ θεὸν Ἰσαὰκ καὶ θεὸν Ἰακώβ).

[20] Trong tiếng Anh, Pháp, Ý, Latinh, tương đương là: “The Lord” khác với “God”; “Le Seigneur” khác với “Dieu”; “Il Signore” khác với “Dio”; “Dominus” khác với “Deus”

[21] “The second half of Jesus’ rejoinder engages the Sadducees more directly on exegetical grounds. Because they accord privilege to the Torah, he himself also turns to Moses in order to provide scriptural warrant for resurrection-belief” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 721-722).

[22] “The very grammar – genitival phrase – evokes the sense of “possessiveness” which the phrase expresses. It means lit- tie or nothing to argue that the phrase need not be understood as Jesus understands it; he is claiming that this highly revered phrase of Jewish tradition professes a love of God for Abraham which can only mean that Abraham will be forever with God” (J.J. Kilgallen, “The Sadducees and Resurrection”, 488); “Yahweh identified himself to Moses as the God of the patriarchs who were long since dead—then they must be living in some sense, for this identification not only shows that “the dead are raised” (v. 37), but even that Yahweh is a God of the living, not of the dead, and furthermore (Luke adds) that “to him they are all alive” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1301).

[23] “if Yahweh is left to Himself Human beings ‘for their part, however, can thwart Yah-weh’s intention to give life. By refusing Him they can destroy the intentions of Yahweh’s love. Thus, in practice, the gift of love will reach only those dead who had Yahweh as their one and only God in such a way that they can be judged worthy of life forever with Him: these are His children. It is sin which causes death; Yahweh is God only of living beings.” (J.J. Kilgallen, “The Sadducees and Resurrection”, 493).

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 32 TN – C)
Bài tiếp theoCẢM TẠ