Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật XXVIII Thường Niên – Năm C

0
348

Bài Ðọc I: 2 V 5, 14-17

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Naaman, quan lãnh binh của vua xứ Syria, xuống tắm bảy lần ở sông Giođan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.

Sau đó, ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: “Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông”.

Tiên tri trả lời rằng: “Có Chúa hằng sống, tôi đang đứng trước mặt Người: Thật tôi không dám nhận đâu”. Naaman cố nài ép, nhưng tiên tri không nghe. Naaman nói thêm rằng: “Tuỳ ý ông, nhưng tôi xin ông ban phép cho tôi, là đầy tớ của ông, được chở một ít đất vừa sức hai con la chở được, vì từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác”.

Bài Ðọc II: 2 Tm 2, 8-13

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, con hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô bởi dòng dõi Ðavít, đã từ cõi chết sống lại, theo như Tin Mừng cha rao giảng. Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích! Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Ðức Giêsu Kitô.

Ðây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người.

Phúc Âm: Lc 17, 11-19

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Thấy họ, Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế”. Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria.

Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”.

Bài giảng chủ đề: TẠ ƠN

Lm.Phêrô Mai Tình,SVD

Trong cuộc sống con người, một trong những tiếng quen thuộc gắn liền trên môi miệng con người qua mọi thời đại, đó là lời cảm ơn”. Lời cảm ơn tuy ngắn gọn nhưng lại hàm chứa biết bao ý nghĩa sâu thẳm trong cuộc sống. Nhưng trong xã hội hôm nay, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, dường như con người ngày càng lạm dụng và dè dặt tỏ lòng biết ơn khi đón nhận hồng ân. Từ “cảm ơn” có lẽ đã trở nên nhàm chán và tầm thường đến độ con người không biết cảm ơn nhau và tạ ơn Chúa, mặc cho con người đã đón nhận quá nhiều ơn phúc. Sự nghịch lý và vô ơn đó được thánh Luca thuật lại cho chúng ta qua thái độ của mười người phong cùi trong bài Tin mừng hôm nay.

Quan niệm của người Do thái

Người Do thái ngày xưaquan niệm rằng, bệnh phong là một căn bệnh nan y, khiến mọi người phải sợ hãi, kinh tởm và tìm mọi cách xa lánh. Những người mắc bệnh phong được coi như những xác chết biết đi. Họ là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, không được sống chung với những người thân yêu trong gia đình cũng như làng xóm. Họ bị đuổi ra những cách đồng, trong rừng núi hay một nơi cô tịch nào đó. Nếu ai tiếp xúc hay đụng chạm tới những người bệnh phong thì coi như bị ô uế và mắc tội nặng. Do đó, người bệnh luôn mang trong mình nỗi đau ám ảnh cùng tận về tinh thần lẫn thể xác. Có lẽ, mười người phong cùi trong bài Tin mừng hôm nay cũng không phải ngoại lệ.

Động lực dẫn người phong cùi tới gặp Chúa Giêsu

Trong sự vô vọng vì luật lệ và bệnh tật, mười người bệnh phong đã tìm được niềm hy vọng nơi Chúa Giêsu. Họ đã cố gắng kìm hãm những nỗi đau trên cơ thể và trong tâm hồn để đến gặp Chúa Giêsu. Họ đã vượt qua rào cản của luật lệ cũng như sự đố kỵ của mọi người xung quanh. Họ đặt tất cả niềm tin, sự hy vọng vào Đức Giêsu và chính trong đau khổ, quyền năng của Đức Giêsu được tỏ hiện. Khi gặp Đức Giêsu, họ chỉ dám đứng xa nài xin Đức Giêsu với lòng thương xót: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!” (Lc 17,13). Đức Giêsu không chữa họ ngay; Người muốn thử lòng tin của mỗi người nên bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế” (Lc 17,14). Mười người vâng phục lên đường và chính trên đường đi tất cả được khỏi bệnh. Đáng lẽ, sau khi nhận được hồng phúc đó, họ phải trở lại tìm Chúa Giêsu để nói lên lời cảm ơn.

Thế nhưng, trong số đó chỉ có một người quay lại chúc tụng và tạ ơn Chúa. Câu hỏi của Chúa Giêsu như là một lời trách móc: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Còn chín người kia đâu?” (Lc 17,17). Chỉ có một phần mười trong số những người được khỏi bệnh biết quay trở lại tạ ơn Chúa; thật là mộttỷ lệ quá thấp. Hơn nữa,một người hiếm hỏi biết quay lại tạ ơn lại là người Samari, một kẻ ngoại giáo. Mặc dù ngoại giáo, nhưng anh đã mạnh dạn công khai tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu và anh đã được chữa lành. Theo cái nhìn của Chúa Giêsu, người ngoại giáo này có đạo hơn chín người Do Thái kia, bởi vì anh ta đã thực thi nhân đức cao quý nhất của con người là lòng biết ơn đối với những ai giúp đỡ. Vậy Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta điều gì ?

Bài học cho mỗi kitô hữu hôm nay

Chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển, nhiều người trong chúng ta không được chứng kiến những người mắc bệnh phong hiểm nghèo, nhưng hình bóng bệnh phong trong tâm hồn vẫn luôn ẩn hiện nơi mỗi con người. Đó là những tính hư nết xấu, những lời nói lăng nhục, những xảo trá điêu ngoa và những gian dối, lừa bịp nhau trong cuộc sống. Tất cả những thứ đó giống như những con vi rút của bệnh phong ngày đêm đục khoét, bào mòn tâ, hồn và làm cho chúng ta xa lìa tình yêu Thiên Chúa. Hơn nữa, con người ngày nay quá vô cảm trước nỗi đau của những người bất hạnh; tâm hồn và con tim của chúng ta như đã chai lỳ khi nhìn thấy người khác gặp tai ương hoạn nạn.

Hằng ngày chúng ta chỉ biết mải miết chạy theo nhu cầu vật chất, lo lắng cơm áo gạo tiền mà quên mất tình người với nhau.Chúng ta không nói được từ cảm ơn với nhau trong gia đình. Khi không có lời tạ ơn với Chúa và cảm ơn nhau, chúng ta sẵn sàng bán rẻ những người thân quen cũng như những người cùng huyết tộc. Từ đó, làm cho mối tương quan trong gia đình và tình yêu Thiên Chúa ngày một khô cứng và nguội lạnh.

Khi nhu cầu cuộc sống đầy đủ, chúng ta lại thường khinh dể người khác, coi người khác không đồng hàng với mình, sẵn sàng xô đổ những mối tương quan thân thiết để chứng tỏ cái tôi của mình. Chúng ta tự hào với bản thân mà quên rằng tất cả những thành công trong cuộc sống đều có sự can thiệp và ban ơn của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng biết ơn Thiên Chúa và tạ ơn nhau trong mọi ngữ cảnh của cuộc sống, đừng vô cảm như chín người kia trong Tin mừng.

Là Kitô hữu, khi chúng ta nhận lãnh Bí Tích Rửa Tội, chúng ta đã được dìm vào trong dòng máu của Chúa Giêsu, được gia nhập vào Hội Thánh của Người. Chúng ta phải học lấy gương mẫu, cũng như họa lại con đường Đức Giêsu đã đi, để mang ánh sáng đến với muôn dân qua cách sống và làm việc. Việc tiếp nối con đường Giêsu đòi hỏi chúng ta phải soi mình trước mặt Chúa, từ bỏ những thứ tham sân si, thận trọng trong lời ăn tiếng nói và có tinh thần bác ái yêu thương.

Trong cuộc sống thực tại, chúng ta phải biết khiêm nhường và nhường nhịn nhau. Vì khiêm nhường là một trong những nhân đức trọng yếu của đời sống Kitô hữu.Nhờ khiêm nhường mà những người phong cùi bước ra khỏi vòng xoáy của bệnh tật, nhờ khiêm nhường mà họ vượt qua rào cản của lề luật và nhờ khiêm nhường mà Chúa Giêsu đã phục hồi nhân vị cho họ.

Mỗi chúng ta cũng phải cố gắng noi gương bắt chước hành động và cử chỉ của những người phong cùi, biết nhìn nhận mình là người tội lỗi, yếu đuối, bất xứng để dám mạnh dạn chạy đến với Chúa Giêsu nơi bí tích hòa giải, vì chỉ trong Chúa Giêsu, chúng ta mới khỏa lấp được niềm khát vọng của mỗi người chúng ta.

Ước gì lời Chúa ngày hôm nay thức tỉnh tâm hồn mỗi người chúng ta để luôn biết xác tín vào tình yêu của Thiên Chúa. Vì chỉ dưới bàn tay Thiên Chúa, chúng ta mới được hạnh phúc;chỉ bàn tay Thiên Chúa mới làm cho những điều không thể trở nên có thể; nhờ bàn tay Thiên Chúa,quyền lực sự dữ mới bị đập tan; và nhờơn Thiên Chúa, con người mới biết tạ ơn Ngài vàcảm ơn nhau. Amen.

 

Bài trướcTU SĨ VENARD NGUYỄN ĐÌNH BÁ,SVD
Bài tiếp theoAudio Lời Chúa + Suy niệm Chúa Nhật XXVIII Thường Niên – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.