Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật XXVII Thường Niên – Năm C

0
436

Bài Ðọc I: Kb 1, 2-3; 2, 2-4

Trích sách Tiên tri Khabacúc.

Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa cho đến bao giờ mà Chúa không nghe? Con phải ức ép kêu lên cùng Chúa, mà Chúa không cứu con sao? Cớ sao Chúa tỏ cho con thấy sự gian ác và lao khổ, cướp bóc và bất lương trước mặt con? Dù có công lý, nhưng kẻ đối nghịch vẫn thắng.

Chúa đáp lại tôi rằng: “Hãy chép điều con thấy, hãy khắc nó vào tấm bảng, để đọc được dễ dàng. Bởi hình lạ còn xa, nó sẽ xuất hiện trong thời sau hết, và sẽ chẳng hư không. Nó kết duyên với ngươi, hãy chờ đợi nó, vì nó sẽ đến không trì hoãn. Chắc chắn nó sẽ đến, không sai. Người không có lòng ngay thì ngã gục, nhưng người công chính sẽ sống nhờ trung tín”

Bài Ðọc II: 2 Tm 1, 6-8, 13-14

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timô-thêu.

Con thân mến, cha khuyên con hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa đã ban cho con do việc đặt tay của cha. Vì chưng, Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần khí nhát sợ, mà là thần khí dũng mạnh, bác ái và tiết độ. Vậy con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, và cho cha nữa, là tù nhân của Người, nhưng con hãy đồng lao cộng tác với cha vì Tin Mừng, nhờ quyền năng của Thiên Chúa.

Con hãy lấy những lời lành lẽ phải, con đã nghe cha nói, làm mẫu mực trong đức tin và lòng mến nơi Ðức Giêsu Kitô. Con hãy cậy nhờ Thánh Thần là Ðấng ngự trong chúng ta mà gìn giữ kho tàng tốt đẹp.

Phúc Âm: Lc 17, 5-10

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các Tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Chúa liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: ‘Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển’, nó liền vâng lời các con.

“Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về, liền bảo nó rằng: ‘Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa’, mà trái lại không bảo nó rằng: ‘Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống’. Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng: Không. Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: ‘Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm'”.

Bài giảng chủ đề: ĐỨC TIN LÀ ƠN CHÚA BAN

Linh mục Phêrô Nguyễn Đình Phụng,SVD

rong cuộc sống, khi đã gọi là đức tin tất nhiên phải vượt trên lý trí,vì tin không thể đồng nghĩa với cái ta thấy, hay ta biết. Đã biết, đã thấy thì đâu còn gọi là tin. Trong kinh Tin Kính đã xác nhận điều đó: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất, tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi bởi phép Đức Chúa Thành Thần mà người xuống thai sinh bởi bà Maria trọn đời đồng trinh…”. Nếu không có đức tin thì làm sao chấp nhận được một sự khó hiểu như vậy. Cũng thế, khi ta nói về “Sự Phục Sinh của Đức Kitô”, nếu như một ngườikhông có đức tin thì điều này là hết sức nhảm nhí, vì làm gì có chuyện bị giết chết chôn trong mồ rồi sau ba ngày sống lại.

Qua đó, ta thấy niềm tin là một ân ban của Thiên Chúa. Một đúc kết theo kiểu luận lý của con người không thể nào mang đến một niềm tin đích thực. Niềm tin là một điều sâu thẳm và cao xa hơn, là một ân sủng của Thiên Chúa giúp ta nhận biết Con Thiên Chúa dưới một dáng dấp của con người trần thế trông giống như bao người khác.

Có thể nói điểm cốt yếu của các bài đọc hôm nay xoay quanh chủ đề đức tin. Đức tin giúp con người có sự khiêm tốn và sẵn sàng lắng nghe giáo huấn của Thiên Chúa và các vị sứ giả của Ngài. Cũng chính đức tin giúp người ta nhận biết các việc kỳ diệu Thiên Chúa đã và đang làm trong thế giới, để ban ơn cứu độ cho mọi người. Tại nơi nào con người khép kín lại với Thiên Chúa, khi Ngài đang ngỏ với họ trong phép lạ, thì phép lạ trở thành chuyện lạ kỳ. Cũng như quyền năng của Ngài trở thành bất lực đối với sự cứng lòng của con người.

Đức tin có một tầm nhìn khác, vì là nền tảng của toàn thể đời sống Kitô giáo. Không có đức tin thì không có tình yêu Kitô giáo, bởi ta nhận được tình yêu của Thiên Chúa nhờ đức tin. Không có đức tin thì không có đức cậy, không có sự hoàn thiện Kitô giáo. Vì thế, ta cần phải ý thức về tầm quan trọng không nhỏ của đức tin đối với cuộc sống của chúng ta.

Đức Giêsu đã giáo huấn các môn đệ của Người nên thấy được tầm quan trọng của đức tin. Vì lẽ đó mà họ xin Ngài: “Thưa Thầy xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5). Quả là một lời cầu xin tuyệt vời, vì ở đây các môn đệ không xin ân huệ vật chất, cũng không xin những đặc quyền để làm phép lạ như Thầy.Nhưngcác ông xin ơn đức tin, là nền tảng cho cuộc sống: ơn nhận biết Thiên Chúa và được ơn trong tương quan mật thiết cùng Người, nhận từ Người tất cả các ân ban, kể cả ơn can đảm và trông cậy.

Để khơi thêm ước muốn đức tin trong lòng các môn đệ, Đức Giêsu trả lời: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em(Lc 17,6). Đức tin làm được những điều mà khả năng con người hầu như không làm được. Trong Tin Mừng, khi một người bệnh đến gặp Chúa với một thái độ tin tưởng và xin Người chữa lành, thì Chúa Giêsu chữa ngay và nói: “Đức tin của con đã cứu chữa con” (Mt 9,22, Lc 17,19; Mt 8,13; 9,29).

Vậy đức tin là nguồn ơn cứu rỗi. Trong trường hợp người bệnh được Đức Giêsu chữa lành về thể lý, nhưng đồng thời cũng được ơn cứu rỗi tâm linh (Lc 7,50), được hiệp thông cùng Thiên Chúa.

Bài đọc một trình bày cho chúng ta rằng Khabacúc kêu cầu Chúa trong sự kinh hoàng của bạo lực, gian ác và thống khổ: Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa,con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe,con la lên: “Bạo tàn !” mà Ngài không cứu vớt ?Sao Ngài bắt con phải chứng kiến tội ác hoài,còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau?Trước mắt con, toàn là cảnh phá phách, bạo tàn,chỗ nào cũng thấy tranh chấp và cãi cọ (Kb 1,2-3).

Và Chúa đáp lại: Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục,còn người công chính thì sẽ được sống,
nhờ lòng thành tín của mình”
(Kb 2,4). Chúa khơi lên sự trung tín, mời gọi tin tưởng, đòi hỏi đức tin, chính nhờ bởi đức tin ta có được tương quan thẳm sâu cùng Chúa và chính là nền tảng cho mọi ân huệ thiêng liêng khác.

Trong thư của thánh Phaolô gửi Timôthê cũng nói về đức tin. Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Kitô Giêsu, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy (2 Tm 1,13). Timôthê được mời gọi hãy có đức tin và nhờ đức tin mà thực thi đức ái, lòng mến. Phải gìn giữ kho tàng đức tin và làm sống lại đức tin cũng như ân huệ của Thiên Chúa qua việc đặt tay của thánh Phaolô, thánh hiến làm tác vụ tông đồvà là cộng sự viên của thánh Phaolô.

Nhưng lắm khi trong cuộc sống ta dễ gặp những cám dỗ chối từ đức tin, hổ thẹn làm chứng về Đức Kitô cho người khác. Đây cũng là lời mà thánh Phaolô khuyên Timôthê: Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa ; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng (2 Tm 1,8).

Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhấn mạnh nhiều về đức tin. Vậy đức tin của chúng ta cần được vực dậy. Đức tin phải được thẩm thấu vào đời sống của chúng ta, và ta luôn thực thi theo tinh thần đức tin. Điều này cũng thúc đẩy chúng ta sống trong đức ái, vì nhờ đức tin ta nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy tâm hồn chúng ta tình yêu của Thiên Chúa (Rm 5,5), làm cho chúng ta tràn ngập yêu thương, quảng đại và vị tha.

Phần thứ hai trong Tin Mừng là lời giáo huấn của Chúa Giêsu về sự khiêm nhường mà không thể không tương quan với đức tin. Đức Giêsu cho ta ý thức một điều hệ trọng, trước mặt Thiên Chúa chúng ta chỉ là những đầy tớ của Ngài mà thôi. Chúng ta là những con nợ của Ngài, vì tất cả mọi sự chúng ta đều nhận được từ Ngài.

Vì thế, Thiên Chúa có quyền đòi hỏi chúng ta làm theo ý của Ngài. Ta cần ý thức rằng trong thực tế không bao giờ ta có thế thực hiện đủ ý Ngài. Nên ta cần nói như lời Đức Giêsu dạy trong Tin Mừng này: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10). Trong cuộc sống, hẳn nhiên mọi người đều có một khát vọng tìm kiếm vinh quang và danh dự cho mình, nhưng nếu ta muốn có được nó do tự bản thân mình, thì ta lại rơi vào thái độ tự phụ, kiêu căng, không những thế, chúng còn hạ thấp phẩm giá của chúng ta. Nếu ta thực sự có phẩm hạnh thì không cần tìm kiếm, vinh dự tự động sẽ tìm đến, vì ông bà ta cũng có câu thật chí lý “hữu xạ tự nhiên hương”. Ở đây, Đức Giêsu muốn ta có một thái độ khiêm nhường thực sự chứ không phải là khiêm nhường giả tạo, để tự phô trương bản thân mình, vì khiêm nhường thực sự biểu lộ trạng thái tuyệt đẹp của tâm hồn, và tâm hồn đó là cánh cửa đưa ta đến con đường tình yêu và được người khác quý trọng.

Những cản trở tồi tệ nhất đối với tình yêu chính là sự tự phụ, ích kỷ, tự phô trương danh giá vô thực của mình. Trái lại, khiêm nhường giúp ta thăng tiến trong tình thương yêu.

Vâng, đây là thái độ mà chúng ta cần có, cần để tâm lưu ý. Để rồi với đức tin và sự khiêm nhường đó được thể hiện, Chúa lại ban chan hòa tình yêu của Ngài trên đời sống chúng ta. Khi ta gặp phải những khó khăn, khi ta cảm thấy dường như Chúa không muốn can thiệp, khi ta không tìm ra giải pháp cho bế tắc của mình, thì ta cần phải lắng nghe lời Đức Giêsu nói với chúng ta: “Đừng sợ, hãy cứ tin”. Chắc chắn Đức Giêsu không muốn chúng ta nhắm mắt khi đứng trước giới hạn của khả năng con người, hoặc chao đảo giữa ảo tưởng và thất vọng. Hơn nữa, những khó khăn trong cuộc sống phải giúp ta triển nở trong niềm tin. Nếu tin tưởng tuyệt đối vào Đức Giêsu, ta sẽ tiếp tục tiến bước, dù con đường trước mắt có vẻ như đã khép lại, thì vẫn có ánh sáng ở cuối đường hầm.

 

Bài trướcPhim Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu
Bài tiếp theoAudio Lời Chúa + Suy niệm Chúa Nhật XXVII Thường Niên – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.