Lời Chúa + Bài giảng Lễ Đêm Giáng Sinh

0
386

BÀI ĐỌC I: Is 9, 2-4. 6-7 (Hr 1-3. 5-6)

“Chúa ban Con của Người cho chúng ta”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết. Chúa đã làm cho dân tộc nên vĩ đại, há chẳng làm vĩ đại niềm vui? Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa, như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân hoan vì chiến lợi phẩm, khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian. [Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm thắm máu đào sẽ bị đốt đi và trở nên mồi nuôi lửa.]

Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là “Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình”. Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Đavít, và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó.

ĐÁP CA: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 11-12. 13

Đáp: Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta, Người là Đức Kitô, Chúa chúng ta (Lc 2, 11).

1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người. .

2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. .

3) Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan. Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên. Đồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui. Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở. .

4) Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành. .

BÀI ĐỌC II: Tt 2, 11-14

“Ân sủng của Chúa đã đến với mọi người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

Ân sủng của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.

ALLELUIA: Lc 2, 10-11

Alleluia, alleluia! – Ta báo cho anh em một tin mừng: Hôm nay Đấng Cứu Thế, là Chúa Kitô, đã giáng sinh cho chúng ta. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 2, 1-14

“Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứSyria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình. Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Đavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Đavít, để khai kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai.

Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán.

Bấy giờ trong miền đó có những mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quang của Thiên Chúa bao toả chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ. Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: “Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Đavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”.

Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Bài giảng chủ đề:

TIN MỪNG BÌNH AN

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế
cho loài người Chúa thương”(Lc 2,14).

Ngày xa xưa ấy, một trẻ thơ chào đời nơi trong bầu khí tĩnh mặc của khu đồng hoang vắng vẻ. Khi mọi vật như đang chìm trong bóng tối cô tịch thì bỗng bừng lên ánh sáng chói lòa, hòa cùng tiếng hát ca loan báo tin vui: một trẻ thơ nay ra đời đem lại bao niềm vui và hy vọng về một nền hòa bình viên mãn cho muôn người.

Giờ đâymỗi cuối năm, khi khí trời dìu dịu, gió trời se lạnh, khi ánh sáng chan hòa, lung linh khắp phố phường thôn xóm, đó đây rộn ràng vang tiếng nhạc vui tươi: một mùa lễ Giáng Sinh nữa lại về. Mỗi độGiáng Sinh về lại thắp lên mời gọi sống lại một tin mừng trọng đại, một niềm vui lớn lao cho nhân loại mọi nơi, mọi thời: Con Thiên Chúa mang bình an viên mãn đến cho nhân thế. Hơn bao giờ hết, phải chăng thế giới và lòng người hôm nay đang khát khao một tin mừng về một nền hòa bình như thế?

1/ Tin Mừng trọng đại

Trong Cựu Ước, giữa Thiên Chúa và con người có một khoảng cách thật lớn. Ai thấy Thiên Chúa coi như không thể tránh khỏi cái chết (Xh 33,20), trừ khi được một ân ban đặc biệt (St 32,31; Tl 6,22). Thiên Chúa là Đấng thánh, ai không đủ thánh thì không thể gặp Thiên Chúa. Vị thượng tế phải được thánh hiến cách đặc biệt mới được vào trong nơi cực thánh là nơi Thiên Chúa hiện diện để dâng lễ một năm một lần mà thôi (Xh 30,10; Lv 16,34; Dt 9,7). Theo quan niệm Cựu Ước, những con người bình thường không thể diện kiến Thiên Chúa. Do vậy, khi thần sứ của Chúa được sai đến để truyền tin cho ông Dacaria hay cho Đức Maria thì phản ứng tức thời của người nhận tin là sợ hãi, bối rối (Lc 1,12; 1,29) nên câu đầu tiên thần sứ nói là lời trấn an: “đừng sợ” (Lc 1,13.30). Tương tự như vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, những người chăn chiên đã “kinh khiếp hãi hùng” khi thấy thần sứ đứng bên họ, nên thần sứ lại phải trấn an họ rằng “anh em đừng sợ” (Lc 2,9-10).

“Anh em đừng sợ” vì thần sứ của Chúa đến không phải để đe dọa, hạch tội, haykết ánmà là để loan báo cho anh em “một tin mừng”, để công bố một “niềm vui lớn lao” (Lc 2,10). Không mừng sao được khi Con Thiên Chúa làm người đến với đám dân hèn mọn; Không vui sao được khi Thiên Chúa không những không còn đáng sợ mà còn rất gần gũi, dễ thương, dễ mến qua hình ảnh một hài nhi bé nhỏ (Lc 2,12). Tác giả Luca nhấn mạnh rằng tin mừng này không của riêng ai, không dành ưu tiên cho bất cứ đối tượng nào mà dành cho “toàn dân” (Lc 2,10). Con Thiên Chúa sinh ra giữa đồng hoang, giữa những kẻ thấp kém, nghèo hèn nhất trong xã hội là đám người chăn chiên. Người đã chạm đến đáy của xã hội, đã đụng đến những con người bị xem là tầm thường nhất, thì không có bất kỳ đối tượng nào mà Người không quan tâm tới, không có nỗi lòng nào mà Người không chạm đến. Không có ai đứng ngoài tin mừng trọng đại của ngày lễ giáng sinh; mọi người đều được chào đón trước niềm vui lớn lao của Con Thiên Chúa làm người, để thân phận thấp kém của con người được nâng lên, được thông phần sự sống thần linh của Thiên Chúa.

Con người mọi nơi, mọi thời luôn mang trong mình nỗi khát khao hướng về chân thiện mỹ. Tuy nhiên, những điều con người tìm kiếm trên trần gian này không mang lại cho họ một hạnh phúc an toàn và bền lâu,vì những yếu đuối, bệnh tật,tai họa và cái chết có thể phá hủy hoàn toàn những gì con ngườimất bao công sức vun vén, xây dựng.“Ấy, con người khác chi hơi thở, vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu” (Tv 144,4).Giáo lý HTCG, số 27 nói rằng: “Tận đáy lòng, con người khao khát Thiên Chúa vì con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với mình, và chỉ nơi Thiên Chúa con người mới tìm gặp chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm”. Thánh Augustinô đã diễn tả nỗi khát khao Thiên Chúa như sau: “Lạy Chúa, Ngài dựng nên con để sống với Chúa và tâm hồn con khắc khoải khôn nguôi cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Nỗi khát khao Thiên Chúa đã được thỏa mãn khi chính Con Thiên Chúa đến gặp gỡ con người. Gặp gỡ Thiên Chúa không còn là nỗi lo sợ mà là niềm vui. Đó thật sự là tin mừng cho con người qua bao thế hệ.

2/ Niềm vui hòa bình

Mỗi đứa bé chào đời trong hoàn cảnh bình thường luôn là niềm vui cho bố mẹ, cho gia đình, có khi là cho cả dòng tộc. Ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1 diễn tả niềm hoản hỷ, nỗi vui mừng của dân Ítraen khi được tin một trẻ thơ chào đời. Đối với họ, sự chào đời của trẻ thơ này như “ánh sáng huy hoàng”, “ánh sáng bừng lên chiếu rọi” cho dân đang “lần bước trong tối tăm” (Is 9,1). Trẻ thơ ra đời để cứu dân khỏi bị hà hiếp, khỏi cây gậy của ngoại bang đang đè nặng trên cổ họ; trẻ thơ này sẽ tiêu diệt mọi mầm mống chiến tranh và thiết lập nền hòa bình vô tận. Ngôn sứ nhấn mạnh rằng “vì yêu thương nồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó” (Is 9,4-6).

Lời hứa ban một trẻ thơ để cứu dân, để mang lại nền hòa bình vô tận nay ứng nghiệm với trẻ thơ Giêsu nằm trong máng cỏ: “Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em … và cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,11-12). Có cảnh thanh bình, an vui nào cho bằng hình ảnh một trẻ thơ yếu ớt, hồn nhiên, trong sáng nằm giữa đồng hoang thanh bình, giữa đất và trời, giữa súc vật và những con người đơn sơ, thật thà, chất phác. Đấng Cứu Độ mà như thế này ư? Đúng, Đấng Cứu Độ này không hề dùng quyền bính, sức mạnh, khí giới, bạo lực mà dùng tình thương, lòng nhân ái, sự cảm thương cả những người tội lỗi nhất để hoán cải lòng họ; Người sinh ra trong hòa bình, sống để xây dựng an bình và chấp nhận cái chết đầy thù hận để mang bình an mà hóa giải chính sự hận thù, như lời quả quyết của thánh Phaolô: “Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một ; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2,14).

Đó cũng chính là lý do mà các thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Thiên Chúa trên trời được vinh danh khi con người dưới thế là loài Chúa yêu thương được sống trong bình an. Thánh Irênê đã từng nói: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống, và sự sống của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa.Quả vậy, Thiên Chúa trên trời được vinh danh khi con người được sống và hơn thế nữa là được sống trong bình an, hòa thuận. Qua mầu nhiệm giáng sinh, con người đã được thấy chính Con Thiên Chúa; chính Người là sự sống, là nguồn bình an cho nhân loại.

Thế giới vẫn còn chiến tranh, hận thù, bạo lực là vì con người trên thế giới này chưa nhận ra khuôn mặt yêu thương và hòa bình của Con Thiên Chúa làm người. Mừng lễ giáng sinh, mỗi người chúng ta được mời gọi thắp lên ngọn lửa của sự sống, chung tay xây dựng hòa bình và lan tỏa hơi ấm của yêu thương, để tinh thần hòa bình và yêu thương của Thiên Chúa tiếp tục sưởi ấm báo cõi lòng lạnh giá vì ghen ghét và hận thù. Mỗi người được mời gọi sẵn sàng làm máng cỏ giữa thế giới này để Con Thiên Chúa lại được sinh ra trong lòng của bao tâm hồn tan vỡvì bạo lực và hận thù, đem niềm vui hòa bình và yêu thương đến cho họ. Amen!

 

Bài trướcVideo: Thánh ca Giáng Sinh 2017 – Giáo hạt Nha Trang, GP.Nha Trang
Bài tiếp theoCó những quốc gia không muốn sinh con

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.