Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá – Năm A

0
1048

PHẦN KIỆU LÁ

Bài Phúc Âm: Mt 21, 1-11

“Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi các ngài đến gần Giêrusalem, vào địa hạt Bếtphaghê, giáp núi Cây Dầu, Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và bảo rằng: “Các con hãy đến làng trước mặt kia, sẽ gặp ngay một con lừa mẹ cột ở đó với con lừa con. Các con hãy mở dây, dẫn về đây cho Thầy; và nếu có ai bảo các con điều gì, thì hãy nói: Chúa cần đến chúng, và Ngài sẽ gởi trả lại ngay”. Mọi việc này xảy ra để ứng nghiệm lời tiên tri đã phán:

“Các ngươi hãy bảo thiếu nữ Sion rằng: Kìa vua ngươi nhân ái đến cùng ngươi, ngồi trên lừa mẹ và lừa con, là con của con vật chở đồ”.

Các môn đệ ra đi và làm theo lời Chúa Giêsu dạy bảo. Hai môn đệ dẫn lừa mẹ và lừa con về, trải áo lên mình chúng và đặt Chúa ngồi lên trên. Phần đông dân chúng trải áo xuống đường, kẻ khác thì chặt nhành cây trải lối đi. Dân chúng kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: “Hoan hô con vua Ðavit! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời!”

Khi Ngài vào thành Giêrusalem, thì cả thành phố náo động và nói rằng: “Người đó là ai vậy?” Dân chúng trả lời rằng: “Người ấy là Tiên tri Giêsu, xuất thân từ Nadarét, xứ Galilêa”.

Ðó là lời Chúa.

PHẦN THÁNH LỄ

Bài Ðọc I: Is 50, 4-7

“Tôi đã không giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”.

(Bài ca thứ ba về Người Tôi Tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 21, 8-9. 17-18a. 19-20. 23-24

Ðáp: Ôi Thiên Chúa! Ôi Thiên Chúa! sao Chúa đã bỏ con? (c. 2a)

Xướng: 1) Bao người thấy con đều mỉa mai con, họ bĩu môi, họ lắc đầu: “Hắn tin cậy Chúa, xin Ngài cứu hắn, xin Ngài giải gỡ hắn, nếu Ngài yêu thương”. – Ðáp.

2) Ðứng quanh con là đàn ưng khuyển, một lũ côn đồ bao bọc lấy con. Chân tay con chúng đều chọc thủng, con có thể đếm được mọi đốt xương con. – Ðáp.

3) Phần chúng thì nhìn xem con và vui vẻ, đem y phục của con chia sẻ với nhau, còn tấm áo dài, thì chúng rút thăm… Phần Ngài, lạy Chúa, xin chớ đứng xa con, ôi Ðấng phù trợ con, xin kíp ra tay nâng đỡ. – Ðáp.

4) Con sẽ tường thuật danh Chúa cho các anh em, giữa nơi công hội, con sẽ ngợi khen Người. “Chư quân là người tôn sợ Chúa, xin hãy ca khen Chúa, toàn thể miêu duệ nhà Giacóp, hãy chúc tụng Người, hãy tôn sợ Người, hết thảy dòng giống Israel!” – Ðáp.

Bài Ðọc II: Pl 2, 6-11

“Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Pl 2, 8-9

Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

Bài Thương Khó: Mt 27, 11-54 (bài ngắn)

Bài Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đứng trước tổng trấn Phi-latô, và quan hỏi Người rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Ông nói đúng!” Nhưng khi các thượng tế và kỳ lão tố cáo Người thì Người không trả lời chi cả. Bấy giờ Philatô bảo Người: “Ông không nghe thấy tất cả những điều họ tố cáo ông sao?” Chúa Giêsu cũng không đáp lại về một điều nào, khiến quan tổng trấn hết sức ngạc nhiên. Vào mỗi dịp lễ trọng, quan tổng trấn có thói quen phóng thích cho dân một người tù tuỳ ý họ xin. Lúc ấy có một phạm nhân nổi tiếng tên là Baraba. Vậy Philatô nói với dân chúng đã tụ tập lại đó rằng: “Các ngươi muốn ta phóng thích ai, Baraba hay Giêsu mà người ta vẫn gọi là Kitô?” Quan biết rõ chỉ vì ghen ghét mà chúng đã nộp Người. Vậy trong khi quan ngồi xét xử, bà vợ sai người nói cùng quan rằng: “Xin ông đừng can thiệp gì đến vụ người công chính ấy, vì hôm nay trong một giấc chiêm bao, tôi đã phải đau khổ rất nhiều vì người ấy”.

Nhưng các thượng tế và kỳ lão xúi giục dân xin tha Baraba và giết Chúa Giêsu. Quan lại lên tiếng hỏi họ: “Trong hai người đó các ngươi muốn ta phóng thích ai?” Họ thưa: “Baraba!” Quan lại lên tiếng hỏi họ: “Vậy đối với Giêsu gọi là Kitô, ta phải làm gì?” Họ đồng thanh đáp: “Ðóng đinh nó đi!” Quan lại hỏi: “Nhưng người này đã làm gì nên tội?” Chúng càng la to: “Ðóng đinh nó đi!” Bấy giờ Philatô thấy mất công, lại thêm náo động, nên ông lấy nước rửa tay trước mặt dân chúng và nói: “Ta vô can về máu người công chính này, mặc kệ các ngươi”. Toàn dân đáp: “Hãy để cho máu nó đổ trên chúng tôi và trên con cái chúng tôi”. Bấy giờ quan phóng thích Baraba cho họ, còn Chúa Giêsu thì trao cho họ đánh đòn, rồi đem đi đóng đinh vào thập giá.

Bấy giờ lính tổng trấn liền điệu Chúa Giêsu vào trong công đường và tập họp cả cơ đội lại chung quanh Người. Họ lột áo Người ra, khoác cho Người một áo choàng đỏ, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người và trao vào tay mặt Người một cây sậy, họ quỳ gối trước mặt Người mà nhạo báng rằng: “Tâu vua dân Do-thái!”

Ðoạn họ khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy đập trên đầu Người. Khi đã chế nhạo Người xong, họ lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục cũ lại cho Người và điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Lúc đi ra, họ gặp một người thành Xyrênê tên là Simon, liền bắt ông vác đỡ thánh giá cho Người.

Họ đi đến một nơi gọi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Họ cho Người uống rượu hoà với mật đắng, Người chỉ nếm qua nhưng không muốn uống. Khi đã đóng đinh Người trên thập giá rồi, họ rút thăm chia nhau áo Người, để ứng nghiệm lời tiên tri rằng: “Chúng đã chia nhau áo Ta, còn áo ngoài của Ta, chúng đã bắt thăm”. Rồi họ ngồi lại canh Người. Họ cũng đặt trên đầu Người bản án viết như sau: Người này là Giêsu, vua dân Do-thái. Lúc ấy, cùng với Người, họ đóng đinh hai tên trộm cướp, một tên bên hữu, một tên bên tả.

Những người đi ngang qua, lắc đầu chế diễu Người và nói: “Kìa, ngươi là kẻ phá đền thờ và xây cất lại trong ba ngày, hãy tự cứu mình đi, nếu là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá đi!” Các thượng tế cùng luật sĩ và kỳ lão cũng chế nhạo Người rằng:”Nó đã cứu được kẻ khác mà không cứu nổi chính mình! Nếu nó là vua dân Do-thái, thì bây giờ hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta sẽ tin nó. Nó đã trông cậy Thiên Chúa, nếu Ngài thương nó thì bây giờ Ngài hãy cứu nó, vì nó nói: “Ta là Con Thiên Chúa!” Cả những tên cướp bị đóng đinh trên thập giá với Người cũng nhục mạ Người như thế. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt. Vào khoảng giờ thứ chín thì Chúa Giêsu kêu lớn tiếng: “Eli, Eli, lema sabachtani!” Nghĩa là: “Lạy Chúa con, lạy Chúa con! sao Chúa bỏ con!”

Có mấy người đứng đó nghe vậy nói rằng: “Nó gọi tiên tri Elia”. Lập tức một người trong bọn chạy đi lấy một miếng bọt biển, nhúng đầy dấm và cuốn vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. Nhưng có kẻ lại bảo: “Hãy chờ xem Elia có đến cứu nó không?”

Ðoạn Chúa Giêsu lại kêu lên lớn tiếng và trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Bỗng nhiên màn đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới, đất chuyển động, đá nứt ra. Các mồ mả mở tung và xác của nhiều vị thánh đã qua đời được sống lại. Và sau khi Chúa sống lại, họ ra khỏi mồ, vào thành thánh và hiện ra cùng nhiều người. Còn viên sĩ quan và những kẻ cùng ông canh giữ Chúa Giêsu, thấy đất chuyển động và các sự xảy ra, thì thất kinh sợ hãi và nói: “Ðúng người này là Con Thiên Chúa”.

 

Tin Mừng: Mt 26,14 – 27,66 (bài dài gồm 22 trang, PDF)


 

Bài giảng chủ đề:

CHỌN LỰA (Lm. Phêrô Hoàng Văn Loan, SVD)

Cuộc sống của mỗi người được thêu dệt nên bởi những chọn lựa lớn nhỏ. Từ việc ăn gì mặc gì đến việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai, mỗi người đều cần có những lựa chọn cho mình. Từ việc “chọn bạn mà chơi” cho đến việc “tìm một con đường tìm một lối đi” thì “ngày qua ngày” mỗi người phải có những quyết định riêng. Từ việc chọn một tôn giáo đến việc chọn mức độ dấn thân cho tôn giáo đó đều đòi buộc những quyết định cá nhân. Và những lựa chọn trong cuộc sống quyết định vận mệnh của cá nhân và cả tập thể liên quan. Có lẽ cũng vì thế mà người xưa dạy “kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt, gây dựng cơ đồ làm nên cơ nghiệp lớn” . Những người biết nhận định rõ thời thế và nhận ra sứ mệnh của bản thân đồng thời lựa chọn hành động đúng với đạo Trời mới được gọi là anh hùng hào kiệt. Như vậy, chọn lựa đóng vai trò quyết định trong đời sống của mỗi con người cũng như xã hội.

Đức Giê-su tự nguyện chết cho nhân loại tội lỗi

Lễ Lá khởi đầu Tuần Thánh suy niệm về một lựa chọn làm rúng động cả nhân thế và là hồi chuông cảnh tỉnh giúp con người nhìn lại những chọn lựa của mình, đó là cuộc khổ nạn của Đức Giê-su. Con Thiên Chúa lựa chọn chết cho con người tội lỗi (x. Rm 5,8). Ngài đã chọn lựa chết cho mọi người bất chấp việc họ vong ân bội nghĩa và ngay cả phản bội Ngài. Lựa chọn của Ngài dường như làm đảo lộn mọi quy chuẩn trong xã hội.

Giữa một xã hội “mạnh được yếu thua, lấy vũ lực làm thước đo công lý”, Ngài chọn “xỏ gươm vào bao, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ phải chết vì gươm” (x. Mt 16,52). Trong khi Phê-rô sợ hãi rồi chối bỏ Chúa, Giu-đa tham lam nên phản bội Ngài, các môn đệ đang tâm bỏ trốn, Ngài vẫn chọn sống lý tưởng “Không tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Giữa một đám đông bị “cuốn theo chiều gió” để trở mặt với Ngài một cách nhanh chóng, Ngài vẫn một mực chọn “Vâng theo ý Cha,” mắt đau đáu hướng về đồi Gôn-gô-tha. Trong khi Phi-la-tô ích kỷ chỉ lo cho bản thân, nhát sợ phủi tay trước bản án bất công, Ngài ngoái cổ nhìn số phận đáng thương của Giê-ru-sa-lem và an ủi họ. Trong một xã hội “mắt đền mắt, răng đền răng – Ăn miếng trả miếng” Ngài chọn “Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ làm hại mình” (x. Mt 5,44) để xin Chúa Cha tha cho những kẻ hành hình Ngài.

Tóm lại, mặc dù thế nhân tội lỗi thù ghét và loại trừ, Ngài vẫn chọn yêu họ và thí mạng vì họ. Trong khi thế giới đang chìm đắm trong ghen ghét và bạo lực thì Ngài đã nhóm lên ngọn lửa yêu thương những mong hóa giải hận thù.

Thần học gia Karl Rahner giải thích về mầu nhiệm thập giá rằng sự căm ghét độc ác trong tội lỗi đã thực sự bùng cháy tiêu tan khi được tiếp xúc với tình yêu Thiên Chúa. Với tình yêu tự hiến trên thập giá, Chúa Ki-tô biến các tội nhân thành những thánh nhân. Chúng ta hãy để thân phận tội lỗi của chúng ta được tình yêu Thiên Chúa chạm vào và chữa lành trên con đường nên thánh.

Chúa Giê-su ý thức hoàn toàn khi chọn chết cho chúng ta

Chúa Ki-tô thấu tỏ sự bội bạc và ngay cả độc ác của con người, nhưng Ngài vẫn quyết định thi thố tình yêu của Ngài cách trọn vẹn nhất là khi hiến dâng chính mình để làm giá chuộc muôn người. Lựa chọn đi vào cuộc khổ nạn là một lựa chọn với toàn bộ ý thức hầu hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa để sinh ơn cứu độ cho nhân loại tội lỗi. Henry Newman xác quyết rằng Chúa Ki-tô “quyết tâm chịu đựng nỗi đau của cuộc khổ nạn của Ngài thay cho người khác… Ngài đã quyết tâm… với sức mạnh của mình; Ngài đã không làm điều đó nửa vời”. Ngài đã hiến dâng chính mình một cách trọn vẹn vì Ngài yêu thương nhân loại một cách trọn hảo. Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI cũng viết: “Đức Giê-su đón nhận cái chết tự nội tâm Người và biến nó thành một cử chỉ yêu thương. Xem bề ngoài đó là chuyện tàn bạo dữ dội – việc đóng đinh vào thập giá – nhưng bên trong là hành vi yêu thương tận hiến toàn vẹn” (Youcat 210).

Đành rằng Chúa Giê-su chịu khổ hình vì yêu thương nhận loại lầm than, nhưng “Trong khi đang chết mòn trên thập giá, tôi có chỗ trong lòng Ngài không?” (Karl Rahner). Hay nói khác đi, tình yêu của Ngài trong cuộc khổ nạn xa xưa ấy có vượt qua không gian và thời gian để đến với tôi ở đây và bây giờ trong cuộc đời ngắn ngủi này không? Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy “Trước kia, hiện nay cũng như sau này, không có một ai mà Đức Ki-tô không chịu khổ nạn cho” (số 605). Còn thánh Phao-lô tuy chưa từng gặp Chúa Giê-su khi Ngài còn sống cuộc đời nhân thế nhưng đã khẳng định: “Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi” (1 Tm 1,15). Ngài cũng nói thay cho chúng ta rằng: “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo hạn, Chúa Ki-tô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,8). Như vậy, mỗi người trong chúng ta phải xác tín chắc chắn một điều rằng: “Chúa Ki-tô yêu tôi và hiến mình vì tôi!”. Tình yêu tự hiến của Ngài không phải là một thực tại xa xa hay là những gì đã qua, Ngài yêu tôi ở đây và lúc này.

Chọn chết đi cái tạm thời để sống đời đời

Suy niệm về chọn lựa tự hiến của Chúa Ki-tô, chúng ta được mời gọi mở lòng ra cho tình yêu Ngài nung nấu hầu đến lượt mình cũng chọn lựa hiến dâng chính mình cho Ngài. Suy ngắm những chọn lựa của Chúa Ki-tô trong cuộc thương khó, chúng ta cũng ý thức những chọn lựa trong đời sống của chúng ta. Tất cả những chọn lựa của Chúa Giê-su đều hướng đến một sứ vụ duy nhất là mặc khải tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Do đó, những lựa chọn trong cuộc sống của chúng ta cũng cần phải qui hướng về việc làm sáng tỏ tình yêu vô biên của Thiên Chúa, vì “Sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta.”

Khi lựa chọn cây thập giá để làm phương tiện diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta từ bỏ mọi sự và ngay cả chính bản thân, chọn vác thập giá mình mà theo Ngài (x. Mt 16,24). Như vậy, lựa chọn cũng chính là từ bỏ, hay từ bỏ để lựa chọn. Từ bỏ chính mình để lựa chọn Thiên Chúa. Từ bỏ xác thịt để lựa chọn Thần Khí. Từ bỏ làm tôi tiền của để lựa chọn làm môn đệ Chúa Ki-tô. Từ chối sống cho chính mình để lựa chọn sống cho Thiên Chúa. Từ bỏ tội lỗi để sống trong ân sủng. Như vậy, từ bỏ không chỉ để mất mát, thua thiệt, nhưng để đạt được một cái gì cao cả hơn. Từ bỏ không phải là chọn sống yếu nhược, đóng vai kẻ thua cuộc nhưng là chọn theo đuổi một khát vọng sống dồi dào và một khát khao chiến thắng toàn diện, bằng con đường tình yêu tự hiến. Linh mục Canisius Niyonsaba trong khảo luận về sự từ bỏ đã viết: “Từ bỏ tất cả mọi sự là biểu tượng của cái chết để được sự sống. (…) Từ bỏ tất cả mọi sự là mong muốn của những người muốn sự hiện hữu của họ được đầy tràn, của những người tìm kiếm cuộc sống viên mãn”. Hay như thánh Phao-lô khẳng định: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6,8). Chúng ta chết đối với tội lỗi để sống cho Thiên Chúa. Như vậy, theo Chúa Ki-tô là chọn chết đi cái tạm thời để sống vì sự đời đời.

Ngược lại sự kỳ vọng của các môn đệ và sự mong chờ của Ít-ra-en, Đức Ki-tô đã chọn con đường khổ nạn để cứu nhân độ thế. Như vậy, bước theo Đức Giê-su, chúng ta không chỉ cùng chung chia với Ngài niềm vui bước vào thành thánh giữa tiếng hoan hô của đoàn người đông đảo, nhưng còn chia sẻ nỗi cô đơn tủi nhục cùng những cực hình trên con đường hướng đến đỉnh đồi Gôn-gô-tha. Hay nói khác đi, sống đạo không chỉ trung thành với Chúa trong những ngày an bình vui vẻ, nhưng còn những lúc bị hiểu lầm, bị bỏ rơi, khước từ, bị đối xử bất công. Để lựa chọn trong hoàn cảnh an yên có lẽ không khó, nhưng để quyết định trong lúc sóng gió thì cần một sự dấn thân quyết liệt. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta cách quyết liệt trên cây khổ giá để cứu chuộc chúng ta, chúng ta cũng phải dấn thân trọn vẹn cho Ngài trong mọi cảnh huống của cuộc đời để được ơn cứu độ và để danh Chúa được rạng rỡ vinh quang. Amen.

 


 

ĐƯỜNG THẬP GIÁ (Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD)

Đức Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt từng viết: “Lễ Lá có một khởi đầu vui nhưng lại có một kết cục buồn. Khởi đầu Chúa Giêsu long trọng vào thành Giêsusalem. Kết cục, Chúa Giêsu chịu kết án, chịu khổ hình và chết trên thập giá. Con đường vào thành của Người là con đường vinh quang vương giả. Nhưng con đường lên Núi Sọ lại là con đường của kẻ tội đồ.”

Lễ Lá khởi đầu Tuần Thánh, tuần thương khó và bước vào hành trình thập giá của Đức Kitô. Bản án thập giá là án tử. Đón nhận bản án thập giá là chấp nhận sự chết. Tử tù Giêsu đã biến sự chết thành niềm hy vọng cho mọi người trong niềm hy vọng sống lại sau cái chết của mình. Và như thế, với Chúa Giêsu và qua Chúa Giêsu thập giá là con đường tình yêu mà ai muốn hướng đến sự sống đều phải đi qua.

  1. Thập Giá Chúa

Hơn hai ngàn năm qua, cái chết của Chúa Giêsu được xem như là một tội ác của người Do Thái và người Rôma. Mọi người đổ lỗi cho Giuđa bán thầy, than trách Phêrô chối Chúa, lên án Philatô đã không dám lên tiếng bảo vệ chân lý và người vô tội, kết án Hêrôđê đã bẻ cong sự thật khi hướng về đám đông cuồng tín kêu gào đóng đinh Chúa Giêsu. Tuy nhiên, với niềm tin của người Kitô hữu, cái chết của Chúa Giêsu là một một mầu nhiệm, một kết cục của công trình cứu độ.

Để xóa đi đau khổ và giải thoát đau khổ cho con người, Đức Giêsu phải đi vào con đường đau khổ của thập giá. Và từ trong chính đau khổ của thân xác và tinh thần mà Đức Giêsu đã cảm nhận sự đau đớn của con người khi bị tội lỗi thống trị. Con đường thập giá phải đi qua để hướng đến vinh quang phục sinh; đó là niềm hy vọng của mọi Kitô hữu. Đi qua đau thương để đến hạnh phúc, đi qua gian khổ để đến vinh quang và đi qua sự chết để đi vào sự sống lại.

Một sự thật phũ phàng và đau đớn trong hành trình thập giá của Chúa là những đồ đệ thân tín phản bội và dân chúng chối từ. “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Mt 26,21). Ông Phêrô “chối Chúa trước mặt mọi người” (Mt 26,71). Giuđa “nộp Đức Giêsu” (Mt 26,16.48). “Các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết” (Mt 26,56). Dân chúng gào thét “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Mt 27,23.25.26). Quả thật, Chúa Giêsu đã không thoái thác nhưng đón nhận con đường đau khổtheo thánh ý Chúa Cha. Chính trong thinh lặng và cầu nguyện thông hiệp với Cha, Đức Giêsu đã vâng phục thánh ý Cha và khám phá được dịu ngọt của tình yêu Thiên Chúa. “Lạy Cha, nếu có thể được xin cất chén đắng này cho con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lên thập giá để nhận ra ơn cứu độ, như xưa dân Israel“nhìn lên con rắn đồng để được chữa lành”(x. Ds 21,9). Như viên đại đội trưởng nhìn lên thánh giá Chúa và thốt lên “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54), chúng ta nhìn lên thánh giá để thấy được tình yêu bao la của Thiên Chúa, và để thấy được án phạt của tội lỗi. Quả thật, khi tội lỗi đã bị kết án, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi khát vọng của con người. Chính vì thế, việc suy gẫm về sự im lặng vô tội của Chúa Giêsu trước tòa Philatô làm cho mỗi người chúng ta nhận thức rõ hơn tội lỗi của mình và tự hỏi phải chăng mình đã và đang đóng góp vào việc xét xử và đóng đinh Chúa. Trong Kinh Tin Kính,chúng ta tuyên xưng rằng “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta,…Người chịu đóng đinh vào thập giá.”

  1. Thập Giá Cuộc Đời

Trên thập giá Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta bài học yêu thương cho đến cùng:“Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Chúa Giêsu được sinh ra để đem yêu thương mà hóa giải đau khổ của con người. Sứ mạng này đã dẫn Người đến con đường đau khổ của thập giá và qua đó Người đã biến con đường thập giá thành con đường tìnhyêu.

Hành trình thập giá cuộc đời chúng ta đôi lúc cũng diễn tiến như hành trình ngày Lễ Lá; chúng ta cùng đi vào đoàn người cầm lá tung hô Chúa qua các Thánh Lễ, giờ kinh và những sinh hoạt giáo xứ trong nhà thờ thật dễ dàng. Tuy nhiên, để tiếp tục đi theo Chúa vào cuộc đời khi khó khăn thử thách đến, khi phải đối diện với những hy sinh và chọn lựa đứng về chân lý trong cuộc sống, thì nhiều lúc chúng ta cũng dám chối Chúa như thánh Phêrô, hay đứng về sự gian dối như dân chúng, hoặc tệ hơn nữa là bán Chúa như ông Giuđa. Vì thế, con đường thập giá cuộc đời chúng ta có lúc vui có lúc buồn, lúc vinh quang lúc tủi nhục; theo Chúa trên đường lên Giêrusalem thì cũng phải can đảm theo Chúa lên đồi Canvê thập giá và sẵn sàng làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời.

Trong suốt Tuần Thánh này, Giáo Hội mời gọi chúng ta tham dự vào cuộc thương khó của Chúa, tìm cách đến bên thập giá Chúa, nhớ lại những giây phút Chúa đối diện với đau khổ, nhớ lại từng chặng đường thập giá Chúa đi qua, nhớ lại từng lời nói yêu thương của Chúa, nhớ lại từng ánh mắt dịu dàng Chúa nhìn thẳng vào tâm hồn chúng ta. Đặc biệt, chúng ta nhớ lại hành động yêu thương của Chúa khi vác thánh giá nặng là tội lỗi của loài người chất lên thân xác của Chúa mang đầy thương tích vì tội lỗi chúng ta. Chỉ vì yêu nhân loại tội lỗi mà Chúa đã biến thập giá trở thành thánh giá và biến đau khổ thập giá thành giá cứu chuộc con người.

Bước vào hành trình thập giá trong cuộc thương khó của Chúa trong Tuần Thánh này, mỗi người chúng ta có dám đón nhận thập giá cuộc đời trong ý thức rằng mình cùng vác thập giá với Chúa và cùng gánh lấy thập giá đau khổ của anh chị em mình hay không? Dân chúng đứng về phía sự gian dối khi gào thét “tha Baraba.” Sống trong một xã hội hưởng thụ và đầy những sự gian dối, chúng ta có dám mạnh dạn nói không với lối sống buông thả và vô đạo đức để chọn Chúa và chọn chân lý của Ngài hay không?

Đi theo Chúa, chúng ta không vác thánh giá một mình, vì có Chúa là bạn đồng hành cùng vác thập giá với chúng ta. Hơn nữa, Chúa đã qua thập giá và đau khổ để đến vinh quang phục sinh, chúng ta cùng theo Ngài trên hành trình thập giá cuộc đời để cùng đạt đến vinh quang phục sinh với Ngài. Xin Chúa ban thêm sức mạnh cho chúng ta để mỗi người vác trọn thánh giá cuộc đời mình trên hành trình theo Chúa.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 5, Mùa Chay)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật Lễ Lá, Năm A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.