Bài Ðọc I: Cv 8, 5-8. 14-17
“Các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Philipphê đi xuống một thành thuộc sứ Samaria, rao giảng Ðức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cũng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm. Quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó cả thành được vui mừng khôn tả.
Khi các tông đồ ở Giêrusalem nghe tin Samaria đón nhận lời Thiên Chúa, liền gởi Phêrô và Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ngài cầu nguyện cho họ được nhận lãnh Thánh Thần: vì chưa có ai trong họ được nhận lãnh Thánh Thần, họ mới chỉ được chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 65, 1-3a. 4-5. 6-7a. 16 và 20
Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa! (c. 1)
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa! Hãy ca ngợi vinh quang danh Người; hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa! – Ðáp.
2) Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta! – Ðáp.
3) Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa! Với quyền năng, Người thống trị tới muôn đời. – Ðáp.
4) Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao. Chúc tụng Chúa là Ðấng không hất hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi. – Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Pr 3, 15-18
“Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, anh em hãy tôn thờ Chúa Kitô trong lòng anh em, hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh em, nhưng phải làm cách hiền từ, kính cẩn, hãy có lương tâm ngay chính, để những kẻ lăng mạ đời sống đạo đức của anh em trong Ðức Kitô, phải hổ thẹn về điều họ gièm pha anh em. Vì nếu Thiên Chúa muốn, thì thà làm việc thiện mà đau khổ còn hơn là làm điều gian ác. Vì Ðức Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Ðấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 14, 15-21
“Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con. Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó”.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
YÊU VÀ ĐƯỢC YÊU (Lm. Giuse Lâm Văn Việt, SVD)
Truyện cổ tích Ả Rập kể rằng: có một người bán thịt nướng rất keo kiệt và khó tính, vì tính khí khó chịu của anh ta nên cửa hàng luôn bị ế ẩm, anh đã làm đủ mọi cách để câu khách nhưng chẳng ai thèm mua. Có một người ăn xin ngồi bên lề đường, thèm thuồng nhìn những miếng thịt nướng treo lủng lẳng, rồi ông móc trong bị ra một khúc bánh mì, lẳng lặng đem hơ nóng trên khói, hy vọng khói thịt sẽ ướp vào miếng bánh. Sau đó, ông ngồi ăn miếng bánh cách ngon lành. Anh chàng bán thịt nhìn thấy, chạy ra túm lấy áo người ăn xin đòi tiền. Người ăn xin phân trần: “Tôi đâu có mua thịt của anh, khói thịt đâu có phải là thịt”. Anh bán thịt quát lên: “Khói thịt cũng thuộc về miếng thịt, ông phải trả tiền cho tôi”. Hai người cãi nhau, không ai chịu ai và đưa nhau đến quan tòa xét xử. Vị quan toà truyền cho người ăn xin móc ra một đồng tiền cắc và ném xuống nền nhà phát ra tiếng kêu, ông nói: “Đây là giải pháp công bằng nhất, người ăn xin hưởng khói thịt của anh, và anh thì hưởng âm thanh đồng tiền của ông ta. Thế là công bằng nhé”.
Nghe qua câu chuyện trên, có thể chúng ta sẽ cười chê thái độ ích kỷ, keo kiệt, vớ vẫn của người bán thịt, thế nhưng có rất nhiều người ta gặp trong cuộc sống đã cư xử với tha nhân như thế.
Vâng! Yêu và được yêu là khát vọng thiết yếu của con người. Một ai đó đã từng nói: “Không ai có thể sống mà không yêu”. Như thế sống yêu thương là yếu tố hàng đầu và cần thiết của con người. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay diễn tả tình yêu thương đó.
Bài đọc I, cho chúng ta thấy cách thức các Tông Đồ và các thừa tác viên trong Hội Thánh sơ khai đã thực hiện giới răn của Đức Giê-su, đó là rao giảng, làm phép lạ, trừ quỷ, chữa lành bệnh tật. Sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật: “Trong những ngày ấy, Phi-lip-phê đi xuống một thành thuộc sứ Sa-ma-ri-a, rao giảng Ðức Ki-tô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Phi-lip-phê rao giảng, vì họ cũng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm. Quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó cả thành được vui mừng khôn tả” (Cv 8,5-8).
Bài đọc II cũng cho chúng ta biết, sau khi thấm nhuần giáo huấn của Thầy Chí Thánh, thánh Phê-rô gửi thư dặn dò các Ki-tô hữu hãy sống niềm tin của mình như thế nào? Đối với Thiên Chúa, Ngài dạy: “Anh em hãy tôn thờ Thiên Chúa trong lòng anh em” (x. 1 Pr 3,15). Trước mặt những người lương dân: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh em, nhưng phải làm cách hiền từ, kính cẩn, hãy có lương tâm ngay chính, để những kẻ lăng mạ đời sống đạo đức của anh em trong Ðức Ki-tô, phải hổ thẹn về điều họ gièm pha anh em” (1 Pr 3,15-16). Rồi, Ngài còn nhấn mạnh: “Vì nếu Thiên Chúa muốn, thì thà làm việc thiện mà đau khổ còn hơn là làm điều gian ác” (1 Pr 3,17). Đó là lòng yêu mến một cách vô vị lợi qua tinh thần giữ luật Chúa của các Tông Đồ.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ tuân giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15). Chúa Giê-su còn cho biết thêm mối liên hệ giữa lòng yêu mến Chúa và việc tuân giữ các điều răn của Chúa: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14,21). Như vậy, yêu mến Chúa thì giữ các điều răn, và ngược lại, giữ các điều răn là yêu mến Chúa. Chúa Giê-su nói với các môn đệ của Ngài về sức mạnh của tình yêu. Nếu tình yêu còn hiện diện thì còn sự sống, mà sống trong tình yêu thì không còn lo âu sợ hãi điều gì nữa. Tình yêu mách bảo cho biết phải làm gì để chứng tỏ lòng yêu thương thật sự, và khi sống cho tình yêu thì trong mọi công việc, như có chính người yêu hiện diện trong cuộc sống mà không phải lo lắng gì nữa. Chúa Giê-su truyền cho các môn đệ Ngài sức mạnh để các ông sống và chu toàn trách nhiệm mà Ngài trao phó cho các ông. Sức mạnh mà các tông đồ lãnh nhận và đã sống, các ông cũng đã truyền lại cho những ai tin theo lời rao giảng của các Ngài.
Khi người ta đã hết lòng yêu thương ai thì họ sẽ sống như chính mình đang sống với chính người mình yêu. Dù cho người được yêu vắng mặt nhưng khuôn mặt, lời nói, cử chỉ, ước muốn của người yêu vẫn luôn hiện diện canh cánh bên lòng. Từng cử chỉ, thái độ và ước muốn của lý trí, ý chí và con tim cũng được thể hiện rõ nét trong người mình yêu. Như thế, tình yêu không chỉ diễn tả bằng việc thấy, nghe, biết mà còn là hiểu bằng con tim và còn là thể hiện bằng những hành động cụ thể trong đời sống của mình. Do đó, dù có “xa mặt nhưng không thể cách lòng”. Dù có xa cách thể lý nhưng vẫn hiện diện trong sự gần gũi tấm lòng và của toàn diện con người đang yêu bằng việc giữ lời và làm điều của người mình yêu mong muốn.
Con người được hiện hữu vì yêu thương nên tình yêu là động lực, là ánh sáng chỉ đường, là phương thế để con người thực thi sự yêu thương ấy. Con người còn có bản chỉ đường là tiếng nói lương tâm yêu mến Chân, Thiện, Mỹ hay chính lương tâm làm lành lánh dữ, lương tâm sống bác ái vô vị lợi. Hơn nữa, người Ki-tô hữu còn có tiếng nói của Lời Chúa, giáo huấn của Giáo Hội, giới răn của Thiên Chúa… để làm tiêu chuẩn, để con người có thể dựa vào đó mà kiểm điểm mỗi khi sai lệch phương hướng và là con đường để tiến bước trong an bình theo Chúa Ki-tô.
Nếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta nhìn thấy được những công việc phải làm, cho dù vất vả, khó nhọc đến đâu, nhưng chúng ta vẫn can đảm vượt qua, để khi nhìn lại, đôi khi chúng ta cũng ngỡ ngàng không biết làm sao mình có thể sống được đến ngày hôm nay. Đó là vì chúng ta biết yêu thương, nên sức mạnh của tình yêu giúp chúng ta vượt qua.
Nếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta biết lắng nghe, cho dù đó là những lời chói tai, những lời làm cho mình phải đau đớn, hay những lời nói làm cho mình phải bị mất mát thiệt thòi, nhưng nhờ những lời nói đó làm cho con tim chúng ta rung động, thôi thúc ta làm những việc nên làm. Đó là chúng ta đang sống trong tình yêu. Nếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không thể ngồi yên khi có việc cần đến mình, để luôn hành động khi biết đó là một việc tốt, có khi công việc đó chiếm thời giờ và công sức không ít, nhưng vẫn không ngần ngại. Đó cũng là nhờ sức mạnh của tình yêu. Ca dao có câu:
“Yêu nhau mỗi thứ mỗi cho,
Ghét nhau thì mảnh quạt mo cũng đòi”.
Nhưng nếu chúng ta so đo và tính toán thiệt hơn, chỉ mong muốn lợi lộc về cho mình, còn người khác thì “sống chết kệ họ”. Khi đó con tim chúng ta đã ù lỳ khô cứng, nó đã chết từ thuở nào. Khi đó làm sao chúng ta có cái cảm giác yêu thương được. Như thế làm sao chúng biết được cuộc sống có ý nghĩa như thế nào, nếu không biết yêu thương. Hơn nữa, là một người Ki-tô hữu, là môn đệ Chúa Giê-su, làm sao chúng ta có thể chu toàn lề luật của Ngài được, nếu không biết yêu thương.
Chúng ta có yêu mến Chúa và yêu tha nhân một cách vô vị lợi không? Hay nói cách khác, chúng ta có tuân giữ luật Chúa một cách vô vị lợi không? Bởi vì, tình yêu vô vị lợi là tình yêu không so đo tính toán. Tình yêu vô vị lợi là tình yêu quảng đại, vị tha, cho đi, luôn muốn cho người mình yêu được hạnh phúc. Tình yêu vô vị lợi là tình yêu chỉ nghĩ đến Chúa đến tha nhân chứ không nghĩ đến mình. Tình yêu vô vị lợi là tình yêu đòi hỏi phải có sự hy sinh. Pierre l’Ermite đã nói: “Nếu biết tình yêu có chân thật hay không, hãy bỏ tình yêu vào máy ép, nếu nó tiết ra chất hy sinh vô vị lợi, đó là tình yêu thật”. Đó chính là tình yêu của Đức Giê-su dành cho nhân loại mà chóp đỉnh của tình yêu này là thí mạng sống cho nhân loại. Chính Ngài đã nói: “Không có tình yêu nào lớn bằng tình yêu của người chết cho người yêu” (Ga 15,13). Đó là tình yêu của cha thánh Ma-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kol-bê, chấp nhận chết thay cho người bạn tù vì anh ta còn vợ trẻ con thơ.
Ước gì, qua cuộc sống mỗi ngày, chúng ta luôn cảm nhận được sự hiện diện yêu thương của Chúa, và đáp trả tình yêu ấy bằng những cố gắng sống yêu thương, quảng đại để sự hiện diện và tình yêu của Chúa cũng được lan tỏa cho mọi người chung quanh. Amen.
CHÚA THÁNH THẦN VỊ BẢO TRỢ TUYỆT VỜI (Lm. Phêrô Lê Trung Phước, SVD)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi… Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (Ga 14,16-18). Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ mà Chúa Cha sẽ gởi đến cho các môn đệ. Vậy điều kiện nào để nhận được Chúa Thánh Thần? Và đâu là vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống người môn đệ?
- Nếu anh em yêu mến Thầy
“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”. Nếu người vợ yêu mến chồng, thì chồng bảo gì cũng làm, chồng nói gì cũng nghe. Nếu người chồng yêu mến vợ, thì vợ bảo gì chồng cũng làm. Thật hạnh phúc cho những gia đình vợ chồng yêu mến nhau như vậy. Ngược lại, nếu vợ chồng không thương mến nhau, thì vợ chồng nói gì cũng chẳng ai nghe ai. Thật bất hạnh cho một gia đình vợ chồng không còn thương yêu nhau mặn nồng.
Mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa cũng vậy. Tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người quá sức tưởng tượng. Nếu nhìn lại quá khứ về mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, có lẽ đã bao lần chúng ta phản bội Ngài, đã bao lần chúng ta thất tín, thất trung với Ngài. Thế nhưng Thiên Chúa không trả đũa, không cắt đứt mối tương quan của Ngài với ta; Thiên Chúa không ghi nhớ những lầm lỗi để báo oán. Trái lại, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương, vẫn tiếp tục ban ơn để con người nhận ra tình thương của Ngài mà trở về với Ngài. Thiên Chúa mời gọi chúng ta tuân giữ các điều răn của Ngài.
Nếu chồng yêu thương vợ thì sẽ không bao giờ dám đi ngoại tình với người khác, vì điều đó sẽ làm đau lòng người vợ biết bao, sẽ làm người vợ khổ tâm biết chừng nào. Chưa nói đến là sẽ có những hậu quả nào đang chờ sẵn. Nếu chúng ta thực sự yêu mến Thiên Chúa, thì hãy thương yêu nhau, vì điều răn của Chúa là: “Các con hãy thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12). Yêu thương nhau thực sự thì sẽ không bao giờ phản bội nhau, không bao giờ làm cho nhau phải buồn khổ, phải đau lòng, sẽ không bao giờ xúc phạm đến nhau, dù chỉ là một câu nói làm mất lòng nhau. Yêu thương nhau thực sự thì sẽ tìm mọi cách để làm vừa lòng nhau, làm mọi cách để tốt cho nhau, có lợi cho nhau và làm cho tình yêu mỗi ngày một cháy mãi, cháy nóng như tình yêu thuở ban đầu.
- Thầy sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ
Nếu anh em yêu mến Thầy, “Thầy sẽ xin Chúa Cha ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”. Vị bảo trợ là người nâng đỡ bằng nhiều cách khác nhau, để cuộc sống của người được bảo trợ được bảo đảm hơn, tốt đẹp hơn. Bao lâu còn nhận được sự trợ giúp của vị bảo trợ, người được bảo trợ cảm thấy được nâng đỡ, chở che và an tâm. Chúa Giêsu hứa sẽ ban cho chúng ta một Đấng Bảo Trợ đến ở với chúng ta luôn mãi. Chúng ta có cảm thấy sung sướng vì được nghe lời hứa này không? Nếu chúng ta chưa biết Đấng Bảo Trợ đó là ai, chúng ta sẽ chẳng thấy vui gì khi nghe lời hứa ấy. Nếu chúng ta chưa tin vào lời hứa của Chúa Giêsu, thì chúng ta cũng chẳng thấy có điều gì hạnh phúc mà hy vọng và mong đợi.
Sách Công Vụ Tông Đồ cho biết, ngày mà Đấng Bảo Trợ đến với các Tông Đồ, các ông đã nói được nhiều thứ tiếng mới lạ, các ông đã lôi cuốn được ba ngàn người theo Chúa ngay trong ngày Đấng Bảo Trợ đến (Cv 2,41). Đó là một sự kiện lạ, đó là một ơn trọng đại đối với các Tông Đồ.
Còn chúng ta thì sao? Ngày Đấng Bảo Trợ đến cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, chúng ta có vui mừng sung sướng không? Đấng Bảo Trợ chính là Chúa Thánh Thần; Ngài hằng ở với chúng ta từ khi chúng ta chào đời đến nay. Ngài đã gìn giữ, hướng dẫn, ban ơn nâng đỡ chúng ta suốt bao năm qua. Chúng ta hãy tuân giữ các điều răn của Chúa, để Ngài tiếp tục ban Đấng Bảo Trợ đến với chúng ta luôn mãi.
- Thầy sẽ không để anh em phải mồ côi
Chúa Giêsu đãhứa với các Tông Đồ và với mỗi người chúng ta rằng“Thầy sẽ không để anh em mồ côi”. Tại sao Chúa Giêsu lại nói với các Tông Đồ và chúng ta như vậy? Bởi các Tông Đồ đã bỏ mọi sự mà theo Thầy rồi, các ông đã không còn gia đình nữa, chỉ còn có ta với Thầy và Thầy với ta. Vậy mà bây giờ Chúa Giêsu lại về cùng Chúa Cha, thì chắc chắn các ông sẽ cảm thấy hụt hẫng, đơn độc. Điều đó Chúa Giêsu đã biết trước, nên Ngài đã hứa sẽ không để các ông mồ côi.
Cuộc đời người Kitô hữu cũng vậy; chúng ta đã bỏ mọi sự mà theo Chúa. Thế gian sống gian dối lừa lọc, còn người Kitô hữu thì không thể làm vậy được. Thế gian sẵn sàng bất chấp thủ đoạn để dành giật miếng ăn, còn người Kitô hữu thì không thể như thế. Thế gian tìm mọi cách lo cho bản thân sống sung sướng, còn người Kitô hữu thì được mời gọi lo cho người khác nữa. Chính cách sống đó là làm cho người Kitô hữu trở nên lạc lõng giữa dòng đời. Cũng vì thế mà Chúa Giêsu hứa sẽ không để chúng ta mồ côi.
Chúng ta cầu xin Chúa đốt nóng ngọn lửa mến trong lòng mỗi người chúng ta, để nhờ lòng mến, chúng ta biết tuân giữ các điều răn của Chúa. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết cầu xin với Chúa Thánh Thần, để được Ngài ban ơn trợ giúp, nâng đỡ và hướng dẫn cuộc đời chúng ta đi theo con đường của Chúa. Xin cho từng người chúng ta luôn được ở trong Chúa và Chúa ở trong chúng ta, để dù chúng ta có bị người đời bỏ rơi, dù chúng ta có bị người đời loại trừ, chúng ta vẫn được bình an, được hạnh phúc vì có Chúa luôn ở cùng.