Bài Ðọc I: Is 43, 16-21
“Ðây Ta sẽ làm lại những cái mới và sẽ cho dân Ta nước uống”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa là Ðấng mở đường dưới biển, mở lối đi dưới dòng nước; Chúa là Ðấng dẫn dắt xe, ngựa, quân binh và dũng sĩ. Tất cả đều ngủ và không chỗi dậy nữa; chúng bị ngộp thở và tắt đi như tim đèn. Người phán: “Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng, và đừng để ý đến việc thời xưa nữa. Ðây Ta sẽ làm những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện, như các ngươi sẽ biết; Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô khan. Thú đồng, muông rừng và chim đà sẽ ca tụng Ta, vì Ta đã làm cho hoang địa có nước và đất khô khan có sông, để dân yêu quý của Ta có nước uống; Ta đã tác tạo dân này cho Ta, nó sẽ ca ngợi Ta”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).
Xướng: 1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. – Ðáp.
2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. – Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. – Ðáp.
4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Pl 3, 8-14
“Vì Ðức Kitô, tôi đành chịu thua thiệt trong mọi sự, và tôi trở nên giống Người trong sự chết”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Người, tôi đành chịu thua thiệt, và coi mọi sự như phân bớn, để lợi được Ðức Kitô, và được ở trong Người, không phải do sự công chính của tôi dựa vào lề luật, nhưng do sự công chính bởi tin Ðức Giêsu Kitô: sự công chính bởi Thiên Chúa là sự công chính bởi đức tin để nhận biết Người và quyền lực phục sinh của Người, để thông phần vào sự đau khổ của Người và trở nên giống Người trong sự chết, với hy vọng từ cõi chết được sống lại.
Không phải là tôi đã đạt đến cùng đích, hoặc đã trở nên hoàn hảo, nhưng tôi đang đuổi theo để chiếm lấy, bởi vì chính tôi cũng đã được Ðức Giêsu Kitô chiếm lấy. Anh em thân mến, chính tôi chưa tin rằng tôi đã chiếm được, nhưng tôi đinh ninh một điều là quên hẳn đàng sau, mà hướng về phía trước, tôi cứ nhắm đích đuổi theo để đoạt giải ơn kêu gọi Thiên Chúa đã ban từ trời cao trong Ðức Giêsu Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 8, 12b
Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”.
Phúc Âm: Ga 8, 1-11
“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
HOÁN CẢI – CON ĐƯỜNG CỦA NIỀM HY VỌNG
Lm. Phêrô. Hoàng Văn Loan, SVD
Cổ nhân dạy “Nhân vô thập toàn” – không ai hoàn hảo, ai cũng bất toàn. Tuy nhiên, phần lớn người ta chỉ nhìn vào cái bất toàn của người khác mà mù quáng trước sự thiếu hoàn hảo của bản thân. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy rõ khuynh hướng đó nơi con người và mời gọi mỗi người hoán cải, nghĩa là nhìn lại những yếu hèn của bản thân để cải hóa đời sống hầu đón nhận ơn cứu độ.
Ganh tị – Con đường của sự chết
Dẫn người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình tới, các biệt phái và luật sĩ hỏi Đức Giêsu cách xử lý “hạng phụ nữ này” không nhằm tìm giải pháp nơi sự khôn ngoan của Ngài. Tin Mừng nói rõ “Họ nói thế có ý gài bẫy Ngài để có thể tố cáo Ngài”. Để giăng ra cái bẫy này, họ đã thăm dò giáo lý của Đức Giêsu và đã nhận ra sự đối nghịch của giáo lý này so với luật Môsê. Luật Môsê dạy phải ném đá phụ nữ phạm tội ngoại tình còn Chúa dạy phải yêu thương tha thứ cho người tội lỗi. Như vậy, trước câu hỏi gài bẫy của họ, nếu Đức Giêsu cho ném đá thì sẽ mâu thuẫn với lời dạy của Ngài và chứng tỏ Ngài không đáng tin; còn nếu Ngài bảo tha thì Ngài chống lại luật Môsê và họ sẽ tố cáo Ngài. Chọn đường nào cũng rơi vào bẫy của họ vì điều họ muốn là khử trừ Chúa hay ít ra cũng làm mất uy tín của Ngài.
Nguyên nhân sâu xa của hành động này là sự ghen tỵ. Các luật sĩ là các chuyên gia luật có trách nhiệm chú giải luật Môsê để dân áp dụng vào đời sống. Còn biệt phái là những người trí thức, đạo đức, nhiệm nhặt trong việc giữ luật. Do đó, chắc hẳn họ rất được dân mến mộ và kính trọng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Đức Giêsu, một ngôn sứ trẻ nhưng tầm ảnh hưởng mạnh, thu hút sự chú ý của dân chúng. Ngay ngày Sabát đầu tiên trong hành trình rao giảng của Đức Giêsu, Ngài đã trở nên nổi tiếng. Người ta kháo nhau: “Thế nghĩa là gì? Lời giảng thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1,27). Sự so sánh của dân chúng càng làm họ bực tức và họ quyết định tìm cách hãm hại Người.
Hình ảnh của những người biệt phái và luật sĩ hiện hữu trong mỗi người chúng ta. Không mấy ai trong chúng ta không ghen tỵ khi đồng nghiệp hay bạn bè thành công. Và lắm lúc sự ghen tỵ đó làm cho chúng ta trở nên cay cú với họ. Cũng không thiếu những trường hợp chúng ta tìm cách hạ bệ, làm mất uy tín hay thanh danh của những người công thành danh toại hơn chúng ta.
Cũng như các biệt phái và luật sĩ, chúng ta không chịu nhìn nhận giới hạn, khuyết điểm và cả tội lỗi của mình. Trái lại, chúng ta sẵn sàng “vạch lá tìm sâu”, bới móc những sai lỗi của người khác hầu làm họ “mất mặt”. Dân gian bảo “Chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Còn thánh Augustine thì coi đó là dấu hiệu của những người không có niềm hy vọng. Ngài nói “Kẻ nào càng ít để ý đến tội mình, thì càng xoi mói tội của người khác: đó là những người không có niềm hy vọng. Họ không lo sửa sai mà chỉ lo cắn xé. Vì không thể chữa mình, nên họ sẵn sàng đổ lỗi cho người khác.” (Bài đọc Kinh Sách – Chúa Nhật 14 TN B). Chúng ta được mời gọi để khử trừ sự ganh tị, lánh xa con đường sự chết này.
Hoán cải – Con đường của niềm hy vọng
Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay muốn biến chúng ta thành những con người “có niềm hy vọng” mặc dù chúng ta còn mang trong mình những bất toàn, yếu hèn và tội lỗi. Trước sự hung hăng của những kẻ tố cáo người phụ nữ và sự nham hiểm của những người gài bẫy mình, Đức Giêsu im lặng ngồi xuống và viết trên đất. Ngài im lặng để lòng nhân hậu của con người lên tiếng. Ngài ngồi xuống để lương tâm nhân thế đứng lên. Ngài viết trên đất để khai mở một con đường sống cho người bị tố cáo lẫn kẻ tố cáo. Tuy nhiên, các biệt phái và luật sĩ vẫn cố chấp, giữ thái độ cương quyết để dồn Chúa vào thế bí. Ngài đứng dậy và lên tiếng nhằm đánh thức ý thức tội lỗi đang ngái ngủ trong họ: “Ai trong các ngươi sạch tội thì ném đá chị này trước đi”. Trước câu nói đó, thay vì tiếp tục âm mưu hại người, họ đã nhìn lại chính mình và nhận ra mình cũng là tội nhân. Nhìn nhận mình có tội là bước đầu của việc hoán cải, là khởi đầu của hành trình nên thánh.
Ngang qua câu chuyện của ngôn sứ Nathan, ông đã nhận ra mình “đắc tội với Đức Chúa” (2Sm 11,13) để từ đó ông sám hối ăn năn, cải hóa tâm hồn đồng thời “không phạm tội nữa”. Do đó, ông vẫn được mệnh danh là vua thánh Đavit. Những lời Thánh Vịnh sám hối của ông thể hiện một “tấm lòng tan nát khiêm cung” nhưng cũng chất chứa một niềm hy vọng lớn lao.
“Vâng, con biết tội mình đã phạm,
lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài.
[…]
Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,
và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con.” (Tv 151)
Ý thức rõ ràng về tội lỗi nặng nề của mình, ông đau xót lắm, hối hận vô cùng nhưng ông đã không buông xuôi, ngược lại, ông cậy dựa vào lòng nhân từ của Chúa và hy vọng vào niềm vui cứu độ.
Thánh Phêrô cũng là một mẫu gương về sự hoán cải và niềm hy vọng. Ngài đã “khóc thảm thiết” khi nhận ra mình phản bội Chúa đến ba lần nhưng ngài đã không thất vọng như Giuđa. Bắt đầu bằng việc nhìn nhận lỗi lầm của mình, Phêrô đã gia tăng lòng mến và dấn thân để bù lại lỗi lầm đó. Ngài cũng xác tín: “Đấng đã bảo vệ tôi khi tôi lỗi phạm và ban sức mạnh cho tôi, chính Ngài cũng sẽ an ủi bạn để bạn yêu mến Ngài” (Cv 7, 20).
Vậy, nếu việc nhìn nhận rằng mình đã phạm tội, sai lỗi với Chúa và anh chị em là khởi đầu của hành trình nên thánh thì việc cải hóa cuộc sống là bước đi trên hành trình đó. Nếu đã khởi đầu mà không bước đi thì sẽ chẳng bao giờ đến đích. Nếu chỉ dừng lại việc cảm thấy hối lỗi, đau đớn với những sai lầm của mình mà không đi đến việc đổi mới đời sống theo tinh thần Tin Mừng thì vẫn “còn xa nước Thiên Chúa” lắm. Một sự ân hận đơn thuần sẽ chẳng giúp ích gì cho chúng ta. Điều quan trọng trong tiến trình hoán cải là “đừng phạm tội nữa” và “tin vào Tin Mừng”, là từ bỏ con đường tội lỗi và bước đi trên con đường hy sinh phục vụ theo mẫu gương Đức Kitô.
HÃY SUY ĐỂ BIẾT MÌNH
Lm. Giuse Trần Minh Kiểm, SVD
Trong cuộc sống, chúng ta sẽ không tránh khỏi những yếu đuối và lỗi lầm; có lúc chúng ta là người gây lỗi cho người khác; nhưng cũng có những lúc người khác gây lỗi cho ta. Tâm lý chung, chúng ta thường “khó người, dễ ta”; biết ai đắc tội ta “làm hùm làm hổ”, nhưng khi bản thân mình mắc tội, ta ra sức biện hộ hoặc chỉ muốn xí xóa bỏ qua.
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan kể về câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình và bị đưa ra xét xử. Đây là câu chuyện hay và hết sức ý nghĩa, bởi vì khi nhìn sâu vào câu chuyện, chúng ta sẽ có cơ hội để nhìn sâu vào đời sống nội tâm để kiểm điểm lại chính bản thân của chúng ta nhiều hơn; và câu chuyện này cũng mời gọi chúng ta chất vấn chính mình trước mặt Chúa. Hy vọng qua khuôn mặt của người phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình trong trình thuật sẽ giúp chúng ta khám phá lại khuôn mặt của chính mình, để từ đó chúng ta biết dứt bỏ mọi quá khứ tội lỗi, và biết mở ra cánh cửa mới cho ta và cho người khác.
- Chỉ Người Khác Mới Có Lỗi
Trong trình thuật trên, chúng ta thường chỉ chú ý đến người phụ nữ, như tựa đề của trình thuật đã định hướng “người phụ nữ ngoại tình”. Người phụ nữ này đang phải đối diện với nhóm Kinh Sư, dân chúng và cả Đức Giêsu trong một khung cảnh và bầu khí làm cho ta xúc động.
Trước hết, chúng ta nhận thấy được khung cảnh của hành vi tố cáo là đền thờ, thời gian là vào lúc tảng sáng, chắc chắn là hành vi ngoại tình này diễn ra vào ban đêm. Hành vi ngoại tình là một hành vi kín đáo, thì chắc hẳn những người tố cáo phải làm việc khá vất vả để có thể bắt được quả tang.
Giờ đây chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu diễn tiến của câu chuyện. Thoáng nhìn qua, chúng ta thấy vụ án này ta tạm gọi là vụ án “người phụ nữ ngoại tình”; bị cáo chính là người phụ nữ bị bắt quả tang. Vậy kẻ tố không ai khác chính là các Kinh Sư và những người Pharisêu. Đức Giêsu được mời gọi làm thẩm phán khi người ta đặt câu hỏi: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình vì “trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8, 5)
Dân chúng muốn được nghe tiếng nói phán quyết của Đức Giêsu. Thoáng qua chúng ta thấy là như vậy, nhưng để ý kỹ hơn thì đây là một sự gài bẫy khá nham hiểm của nhóm Kinh Sư và những người Pharisêu. Thiết nghĩ, nếu Đức Giêsu chỉ cần nói hãy tha cho chị ta, thì người ta sẽ kết án Người, sẽ tố cáo Người chống lại luật Môsê, chống lại cả dân tộc, chống niềm tin của mọi người. Còn nếu Đức Giêsu chỉ cần nói hãy kết án chị ta, thì họ sẽ chế nhạo Người. Họ sẽ cho rằng Người đã tự mâu thuẫn với chính mình vì Người luôn rao giảng về lòng nhân từ của Thiên Chúa. Thực ra, Đức Giêsu trả lời thế nào cũng lọt vào bẫy mà họ đang gài Đức Giêsu.

- Hãy Suy Để Biết Mình
Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó, khi dường như bị dồn vào thế chân tường, Đức Giêsu đã trả lời một câu rất độc đáo: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc ném đá người đàn bà này trước đi.” (Ga 8,7). Câu trả lời đó làm cho vụ án không còn là vụ án người phụ nữ ngoại tình, cũng không phải là “vụ án Giêsu”, mà trở thành “vụ án lương tâm” của mỗi con người. Chỉ một câu nói, Đức Giêsu khiến tất cả những người tố cáo người phụ nữ, và âm mưu làm hại Người “trở thành bị cáo”, vì ai cũng thấy mình có tội cả. Kẻ tố cáo không phải là Đức Giêsu mà là lương tâm của mỗi một người, và thẩm phán chính là Thiên Chúa.
Qua phân tích trình thuật, chúng ta khám phá ra câu chuyện không chỉ nhắm đến người phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình mà còn nhắm đến chính mình; nhìn nhận mình cũng là tội nhân, cùng một thân phận như người phụ nữ kia. Chúng ta nói mình là người có tội nhưng làm sao để khám phá được tội lỗi của mình? Thưa, chúng ta chỉ khám phá được theo nghĩa sâu xa nhất, nhờ cái nhìn về phía bên trong. Đức Giêsu bảo: “Ai trong các ngươi không có tội thì ném đá trước đi” (Ga 8,7), đó là lời mời gọi chúng ta nhìn về phía bên trong, vì nhìn bên ngoài thì không thấy gì hết, chỉ có người đàn bà này mới có tội thôi.
Thường khi nhìn bên ngoài, chúng ta thấy mình tốt, thấy mình lành, nhưng khi nhìn về phía bên trong thì chúng ta thấy được khuôn mặt thật của mình; và cái nhìn về phía bên trong là cái nhìn đích thực chỉ hoàn thành nhờ sự thinh lặng.
- Vụ Án Lương Tâm
Ở phần cuối của Bài Tin Mừng, thánh Gioan ghi lại hai lần Chúa Giêsu cúi xuống viết trên đất nhưng Ngài không nói gì. Có thể Ngài muốn trả lại cho những người đang hiện diện sự thinh lặng. Ngài mong rằng, khi có sự thinh lặng, họ có thể khám phá ra chính mình nhiều hơn. Lúc đầu, người ta hùng hổ đòi ném đá người phụ nữ, thế nhưng khi Đức Giêsu mời gọi: “Ai trong các bạn sạch tội thì ném đá trước đi” (Ga 8, 7) thì họ đã lần lượt rút lui, người lớn tuổi rút lui trước. Chắc hẳn, ai nấy đều cảm nhận tội lỗi của mình cũng đáng bị lên án, nhưng họ đã được Thiên Chúa xót thương và không đánh phạt. Họ phải nhận ra tình thương yêu của Thiên Chúa vì sự sống vẫn đang được trao ban cho họ. Như thế để cho thấy được, những người càng lớn tuổi chắc chắn sẽ cảm thấy mình có tội nhiều hơn nên mới rút lui trước. Trước đây, người ta tưởng mình vô tội, nhưng khi được mời gọi nhìn lại lương tâm chính mình thì người ta nhận ra mình lắm tội, nên không dám “ném đá” ai nữa.
Khi chúng ta nhìn những sự vật, những hiện tượng bên ngoài thì chúng ta nhìn bằng đôi mắt thể lý. Nhưng muốn nhìn về phía bên trong, chúng ta phải nhắm con mắt thể lý lại và hãy mở con mắt tâm hồn lúc đó chúng ta sẽ thấy được con người thật của mình. Chúng ta đang sống trong một xã hội hướng ngoại, bị rất nhiều điều chi phối và đã làm cho con mắt thể lý của chúng ta phải nhìn đủ thứ trên đời. Vì thế, chúng ta cần phải có thời gian để hướng nội, để quay trở về với lòng mình và lúc đó chúng ta sẽ dễ dàng thấy được lỗi lầm của chúng ta và thấy được bàn tay Thiên Chúa đang chạm đến cuộc đời tội lỗi của chúng ta.
Hôm nay, Chúa Giêsu đã đến để trao ban tình thương, tha thứ và sự sống của Thiên Chúa cho ta. Ngài mong muốn ta hãy mở rộng lòng đón nhận, để sự sống và tình thương của Thiên Chúa mãi sống động trong ta. Và nhờ đó, ta cũng biết mở rộng lòng bao dung, sống chan hoà yêu thương, đón nhận người khác. Thiên Chúa đã không kết tội ta, lẽ nào ta có thể kết tội người khác sao? Ước gì chúng ta đừng khóa chặt một người nào vào một quá khứ lỗi lầm nào đó, đừng đóng đinh họ vào lỗi lầm đó, để rồi mỗi khi nhớ đến họ, nhìn thấy họ là đồng thời phán đoán xấu cho họ. Xin Chúa giúp chúng ta hãy chiêm ngắm, học hỏi và sống đúng con đường Chúa Giêsu đã sống, để tình thương của Thiên Chúa luôn chan hoà cho ta và cho mọi người.
TÔI KHÔNG LÊN ÁN CHỊ ĐÂU
Lm. Phêrô Hồ Hà Tiến Nam, SVD
Theo luật tự nhiên, người phạm tội thì đáng bị lên án và đáng bị kết án tùy theo mức độ. Cách riêng đối với xã hội Do Thái lúc bấy giờ, theo luật Môsê, trường hợp phạm tội ngoại tình thì phải bị phán quyết với án tử hình, bằng hình thức ném đá cho đến khi chết. Thế nhưng, khi được đám đông luật sĩ và biệt phái xin ý kiến để xét xử người phụ nữ ngoại tình, đồng thời như một cách để cài bẫy và lên án, thì Chúa Giêsu lại không đưa ra một bản án nào, dù nặng hay nhẹ; trái lại Ngài đã gần như dành cho người phụ nữ phạm tội ngoại tình một phán quyết trắng án. Tại sao vậy? Phải chăng, Chúa Giêsu không hiểu gì về luật, hoặc phải chăng Ngài đang dung túng cho tội lỗi và dễ dãi đối với tội nhân?
Và vì sao Chúa Giêsu lại bảo với người phụ nữ ngoại tình rằng: “Tôi không lên án chị đâu” ?
Đứng trên khía cạnh của luật thì đúng là người phụ nữ này đã phạm tội ngoại tình, nên đáng phải chịu hậu quả là một hình phạt theo luật. Thế nhưng, đứng trên bình diện khác theo cái nhìn tình yêu của Chúa Giêsu thì người phụ nữ ấy đáng nhận được sự bao dung và tha thứ. Với tư cách là một “thẩm phán”, Ngài đã dùng “chiếc bàn cân tòa án” để đặt tất cả lên trên bằng cách nói với đám đông rằng“ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném người phụ nữ này trước đi” (Ga 8,7). Chúa Giêsu không cố tình lên án ai cả, nhưng Ngài chỉ muốn nhắc nhở mọi người cùng tỉnh thức để nhận ra mình là ai, là người như thế nào, và mình có thật sự xứng đáng và có đủ tư cách để lên án tha nhân hay không.
Nhiệm vụ của vị thẩm phán là đưa ra một phán quyết về những điều đúng sai dựa theo luật. Thế nhưng, Chúa Giêsu lại để cho lương tâm mỗi người tự đưa ra phán quyết của mình. Khi thinh lặng và viết trên đất, Ngài đã để cho mỗi người tự lắng nghe chính trái tim mình, đối diện với lòng mình, nhận ra những bất toàn tội lỗi của mình; đồng thời Ngài cho thấy sự thấu hiểu và cảm thông mà Ngài dành cho người phụ nữ ngoại tình. Ngài đòi buộc người ta phải chọn lựa hoặc kết án kẻ tội lỗi, mà họ cũng thấy mình trong đó, hoặc là tỏ tình thương, lòng bao dung và sự tha thứ như Ngài; chọn kết án để cũng bị Thiên Chúa kết án, hay chọn tha thứ để được Thiên Chúa thứ tha.
Hơn nữa, Chúa Giêsu cố tình cho đám đông nhận biết rằng, họ là những kẻ chỉ biết Lề Luật. Tuy Lề Luật có thể giúp cho con người, cho xã hội, cho tập thể và cho cá nhân được tốt hơn, nhưng nếu vì quá nặng và câu nệ Lề Luật, hoặc có khi nhân danh Lề Luật để làm hại nhau thì Lề Luật mất đi thiện ích của nó. Thánh Phaolô trong thư gửi cho Galát đã nói: “Anh em mà tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Kitô và mất hết ân sủng” (Gl 5,4). Từ trong Lề Luật, Chúa Giêsu muốn mở ra cho họ và cho chính chúng ta một cái nhìn, một hướng giải quyết và một cánh cửa mới bằng sự bao dung và tha thứ: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”.
Tuy Tin Mừng không nói gì thêm về người phụ nữ phạm tội ngoại tình này, nhưng có lẽ cuộc đời chị đã rẽ qua một cuộc sống mới, với tâm hồn mới sau khi đã nhận được tình thương và sự bao dung của Thầy Giêsu; Ngài đã không chỉ cứu mạng sống và nhân phẩm của chị mà còn cứu lấy linh hồn chị nữa. Cũng giống như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sau khi phục hồi sức khỏe vì bị ám sát, đã đến tận nhà lao để nắm lấy tay và nói lời tha thứ cho kẻ đã cầm súng cố giết hại mình, để rồi từ đó, phạm nhân đã không còn tiếp tục với một con người như xưa là đố kỵ, thù ghét, nhưng đã trở thành một người mới nhờ tình thương và sự tha thứ. Thiết nghĩ, nếu không nhờ lòng bao dung tha thứ của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, thì chàng trai đó đã không còn cơ hội được tiếp tục sống những tháng ngày bình an, hoặc có thể đã phải sống lâu năm trong nhà lao, vì đó là Luật.
Bài Tin Mừng về người Phụ nữ ngoại tình không còn mới mẻ đối với những tín hữu Kitô. Tuy nhiên, đối với bản thân tôi thì nó luôn mới, bởi lẽ, mỗi lần được đọc hoặc nghe lại, tôi cảm thấy mình vẫn còn là hiện thân của những nhân vật trong Tin Mừng, có khi là người phụ nữ ngoại tình, và có khi là người ném đá. Vì đã hơn một lần, tôi nhận được lòng thương xót và bao dung của Thiên Chúa qua tình thuơng mà anh em và tha nhân dành cho tôi, nhưng tôi lại đáp trả thiếu nhân ái. Bởi vậy, tôi thấy mình còn thiếu tha nhân một món nợ ân tình. Tôi luôn thiếu nợ với câu nói mà Chúa luôn thì thầm với tôi: “Tôi không lên án bạn đâu”.