Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm B

0
456

Bài Ðọc I: Gr 31, 31-34

“Ta sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Chúa phán: “Ðây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta đã ký kết với tổ phụ của chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập; giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng”. Chúa phán: “Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”. Chúa phán: “Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: “Ngươi hãy nhìn biết Chúa”, vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 12-13. 14-15

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch (c. 12a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. – Ðáp.

2) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. – Ðáp.

3) Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 5, 7-9

“Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời”.

Trích thư gởi tín hữu Do-thái.

Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu Người khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 12, 26

Chúa phán: “Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó”.

Phúc Âm: Ga 12, 20-33

“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng chủ đề:

PHỤC VỤ TRONG THẦN KHÍ  (Lm. Micael Trần Phúc Ca, SVD)

Phục vụ là sứ mạng quan trọng của Đức Giêsu khi được Chúa Cha sai đến trần gian. Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống cho nhân loại (x. Mt 20,28). Lời giáo huấn về phục vụ của Đức Giêsu không chỉ dừng lại ở lý thuyết, mà được chứng minh bằng chính đời sống của Người. Trong bữa tối sau cùng, Đức Giêsu đã bưng chậu, quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ trước sự ngỡ ngàng của các ông (x. Ga 13,1-11). Trong xã hội Do Thái thời ấy, rửa chân cho thực khách là bổn phận của những nô lệ. Đức Giêsu đã làm công việc của người nô lệ, để chứng tỏ tình yêu thương của Người đối với các môn đệ, và để nêu gương cho các ông. “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Người cũng căn dặn các môn đệ: “Ai làm muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em”(Mt 20,26)

Trong Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng nói đến tầm quan trọng của phục vụ: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12, 26). Như thế, Đức Giêsu đã khẳng định một cách quả quyết rằng: việc phục vụ là trung tâm và là chóp đỉnh của đời sống với Thiên Chúa và tha nhân.

Là Kitô hữu, chúng ta chúng ta được mời gọi bước theo theo Đức Giêsu: chuyên tâm cầu nguyện, phục vụ Lời Thiên Chúa (x. Cv 6,4), rồi lo việc tế tự và rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa (x. Rm 15,16) với “tất cả lòng khiêm nhường dù có gặp nhiều gian nan thử thách” (x. Cv 20,19). Điều đáng lưu ý là, chúng ta phục vụ Thiên Chúa như con cái của Ngài, chứ không phải người nô lệ (x. Gl 4,4-7) vì chúng ta phục vụ trong sự mới mẻ của Thần Khí chứ không phải trong sự cũ kỹ của chữ viết (x. Rm 7,6), ngõ hầu chúng ta được Chúa Cha chúc phúc và mời đến thừa hưởng vương quốc dọn sẵn cho chúng ta từ thuở tạo thiên lập địa (x. Mt 25,34).

Đức Giêsu là Chúa, là Thầy nhưng “Người không đến để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và ban sự sống mình làm giá cứu chuộc cho muôn người” (Mc 10,45). Cho nên, cả đời Ngài là một chuỗi hành vi phục vụ con người. Ngài phục vụ như một người tôi tớ: cúi mình xuống thật sâu để mặt mình ngang hàng với chân của học trò và thậm chí kẻ phản bội mình (x. Ga 13,1-15) để rửa chân.

Còn chúng ta có làm được như thế cho mọi người nhất là những người nghèo, người bệnh tật hay không, chúng ta có khả năng tươi cười, tha thứ yêu thương hay phục vụ họ như Chúa đã phục vụ không? Chắc chắn Đức Giêsu phải có một trái tim yêu thương cao thượng đến tột độ mới phục vụ chúng ta như thế! Đức Giêsu lại ban cho chúng ta tình yêu cao quí đó qua việc chúng ta liên kết và hợp nhất với Ngài trong Bí tích Thánh Thể, cùng hiệp thông với Chúa Thánh Thần. Giờ đây, chúng ta hãy cất bước vào đời thi hành tinh thần phục vụ mọi nơi, mọi lúc và trong từng việc chúng ta làm; phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình, phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ân nghĩa không chờ, và phục vụ tất cả vì Chúa Kitô. Trong cuộc sống, nếu chúng ta không yêu thương tha nhân, không ao ước phục vụ tha nhân, hãy tự hỏi lòng mình rằng: liệu Đức Giêsu Kitô có thật sự ở trong tôi không? Và tôi có phải là môn đệ Chúa Kitô không? Đức Giêsu khẳng định: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,24-25).

Trong sứ điệp Loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc, Đức Thánh Cha mời gọi: “Mỗi cộng đoàn Kitô hữu được kêu gọi ra khỏi chính mình để dấn thân vào đời sống của xã hội rộng lớn hơn mà mình cũng là thành phần, nhất là với những người nghèo và những người ở xa Giáo Hội. Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo, Giáo Hội không co cụm vào mình, nhưng được sai đến với mọi quốc gia và mọi dân tộc” (số 3) để phục vụ họ.

Tính thần phục vụ mà Đức Giêsu kêu gọi chúng ta hoàn toàn khác với khái niệm “phục vụ” của thương trường. Đó là sự dấn thân quên mình, quan tâm đến người khác và lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình. “Phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình, phục vụ không chờ đền đáp, phục vụ ơn nghĩa không chờ…” (Bài ca phục vụ – Mi Trầm). Thế nhưng, tính chất phục vụ theo nghĩa thị trường đã len lỏi vào gia đình, nhà trường, văn phòng và mọi lãnh vực cuộc sống. Mọi thứ đều có thể được coi là hàng hóa để trao đổi, kể cả những gì thiêng liêng như tình nghĩa huynh đệ, nghĩa thiết vợ chồng. Chính trong bối cảnh xã hội này, hơn bao giờ hết, chúng ta cần trở về với khái niệm chính xác của hai từ “phục vụ”: Phục vụ trong yêu thương, không phải nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng là yêu thương cách chân thành và bằng việc làm (x. 1Ga 3,18). Còn theo Thánh Phaolô, phục vụ là biểu lộ tình yêu không ích kỷ (x. 1Cr 13,5), không tìm tư lợi, nhưng tìm lợi ích của người khác, không tìm kiếm mình, nhưng là hiến mình.

Nhìn ảnh Thánh Tâm Chúa, ta thấy Chúa mở Trái Tim Ngài ra, một Trái Tim bừng cháy lửa yêu mến. Và Chúa chỉ ngón tay vào đó như muốn nói với ta rằng: chính nhờ Trái Tim này mà Ta đã yêu thương và phục vụ con người.

Chúng ta hãy nhân rộng tinh thần ấy trong cuộc sống này, vì “chính lúc hiến thân, là khi được nhận lãnh” (Kinh Hòa bình) và “Những điều duy nhất ta còn giữ lại được là những gì ta đã cho đi.”

Xin Chúa ban cho ta sức mạnh tứ chính Trái Tim ấy và xin Chúa “uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa để có được một con tim mạnh mẽ và biết xót thương, ân cần và quảng đại mà phục vụ anh chị em mình. Vì nếu anh em thực hành, thì thật là phúc cho anh em” (Ga 13,17). Amen.

 


NHỮNG ĐIỀU NGHỊCH LÝ (Lm. Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD)

Qua “bài giảng trên núi hay các mối phúc”, Chúa Giêsu đã gây ngỡ ngàng và kinh ngạc cho bao người vì những điều có vẻ ngược đời và nghịch lý. Sự nghịch lý ấy dường như lại càng tăng thêm qua bài Tin Mừng hôm nay khi Đức Giêsu nói đến thập giá và vinh quang, bị treo lên là được tôn vinh, chết đi để được sống, cho là còn, giữ thì mất…

Nghịch lý thứ nhất mà ta nhận thấy trong Tin Mừng hôm nay chính là thập giá và vinh quang. Vào thời Chúa Giêsu, khổ hình thập giá chỉ dành cho hạng cùng đinh hoặc tội phạm nguy hiểm. Cái chết treo thân trên thập giá bị coi là cái chết ô nhục nhất. Thập giá là nổi ám ảnh ghê sợ cho cả người Do Thái lẫn dân ngoại “người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,23). Vì thế, không ai điên rồ muốn làm anh hùng qua cái chết tức tưởi trên thập giá. Tuy nhiên, Con Thiên Chúa lại tự nguyện chọn khổ hình thập giá để hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc tội nhân loại. Thánh Gioan diễn tả giờ Đức Giêsu bước lên thập giá là giờ vinh quang: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Vinh quang của Con Thiên Chúa không dừng lại ở khổ hình thập giá, mà còn là sự Phục Sinh, nhưng thập giá là nơi Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài cho nhân loại được coi là khởi đầu cho vinh quang ấy. Không có thập giá thì không có Phục Sinh, không có ơn cứu độ và nhân loại tiếp tục bị chôn vùi trong nô lệ tội lỗi và sự chết. Chỉ khi Con Thiên Chúa bị treo trên thập giá thì con người mới được giải thoát đúng như lời Đức Giêsu đã nói: “Phần tôi, khi được dương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Nhờ cái chết của Chúa Giêsu mà thập giá không còn là đau khổ, là ô nhục, nhưng thập giá trở nên thánh giá mang lại ơn cứu rỗi cho con người.

“Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Đây là điều nghịch lý thứ hai mà Chúa nói đến trong Tin Mừng hôm nay. Theo quan niệm thông thường của con người thì sống là còn, chết là mất, nhưng Đức Giêsu lại dạy các môn đệ phải chấp nhận mục nát, phải chết đi để làm trổ sinh sự sống. Đức Giêsu chính là hạt lúa được Chúa Cha gieo vào thế giới này để chung chia những buồn vui sướng khổ của phận người trong cõi nhân sinh: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Hạt lúa mì Giêsu đã chấp nhận mục nát và chết đi để trở thành tấm bánh cho đời. Nhờ cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu mà ác thần và sự chết bị tiêu diệt, sự sống được khơi nguồn, Giáo Hội được khai sinh để tiếp tục mang ơn cứu độ cho nhân loại.

Hình ảnh hạt lúa mì gieo vào lòng đất chết đi để không trơ trọi một mình, nhưng là trổ sinh nhiều bông hạt dồi dào cũng là hình ảnh sống động của người Kitô hữu dấn thân và một Giáo Hội lên đường như lời Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong Tông Huấn “Niềm vui Tin Mừng” số 49: “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô… Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục”.

Điều nghịch lý thứ 3 là cho thì còn, giữ lại thì mất: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25). Con người thường tìm mọi cách để chiếm hữu và tích lũy, ngại trao ban và sẻ chia cho tha nhân vì sợ thiệt thòi mất mát, nhưng Chúa Giêsu lại trao ban mọi sự kể cả mạng sống và Ngài cũng mời gọi nhân loại hãy sống tình yêu tự hiến ấy. Cuộc sống này chỉ có ý nghĩa và đạt được hạnh phúc đích thực khi ta thoát khỏi ốc đảo của tâm hồn mình để hướng tới người khác trong tinh thần yêu thương phục vụ, sống với, sống vì và sống cho tha nhân. Có thể nói rằng yêu mến tha nhân là thước đo lòng mến của ta đối với Thiên Chúa. Đức Giêsu đã hứa phần thưởng xứng đáng cho những ai yêu mến và phục vụ Ngài: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12,26).

Đời sống đức tin của người Kitô hữu luôn phải lội ngược dòng, đối diện với nhiều thách đố và nghịch lý điên rồ theo lý luận của con người, nhưng Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta đón nhận trong niềm tín thác. Xin Chúa ban thêm đức tin để trong mọi hoàn cảnh chúng ta đều sống như Đức Giêsu là chọn con đường thập giá để tiến tới vinh quang, biết chết đi cái tôi ích kỷ để được sống dồi dào, biết trao ban để được nhận lãnh. Amen.


SỐNG ĐẸP (Lm. Micae Trần Phúc Ca, SVD)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hạt lúa mì được gieo, chết đi để tạo nên sự sống mới: “Hạt lúa mì gieo vào long đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt khác” (Ga 12,24). Ðó là một chân lý, một định luật tất yếu của cuộc đời. Nếu thế giới này không có những con người dám quên đi bản thân, thì làm sao có những phát minh khoa học, làm sao có những công trình vĩ đại để lại cho đời sau? Có lẽ thế giới hôm nay sẽ thiệt hại biết bao, nếu không có những người dám quên đi sự an nhàn cá nhân, sự yên vui vị kỷ, những lợi lộc cá nhân để sống vỉ lợi ích tha nhân! Thế giới này đang mắc nợ những con người đã tận tụy làm việc quên mình ngày đêm để xây dựng một thế giới mỗi ngày một tốt đẹp hơn! Chân lý này đã được Thánh  Phanxico Assisi cảm nghiệm một cách sâu sắc, nên  ngài đã cất tiếng ca ngợi: “Chính khi hiến than là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản than. Chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời…

Đức Giêsu  Kitô, Chúa của chúng ta, đã sống điều đó. Ngài đã đi qua đau khổ để tiến tới vinh quang. Ngài đã trở nên bất diệt khi Ngài trở thành hạt lúa chịu nghiền nát để trổ sinh muôn vàn bông lúa. Ngài như một hạt lúa mì bị chết trong lòng đất, nhưng sẽ dẫn tới một mùa lúa bội thu. Ngài đã trở nên vĩ đại khi Ngài dám chết vì bạn hữu: “không có tình yêu nào nào cao hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga15,12). Tình yêu cao quí hơn cuộc sống và mãnh liệt hơn sự chết gấp ngàn lần. Chính vì dám chết cho tình yêu, nên luật yêu thương của Đức Giêsu đã trở thành một điều răn mới để mời gọi con người hãy thoát ra khỏi vỏ ốc ích kỷ của mình, ra khỏi những bận tâm, toan tính, vun vén cho mình, để sống cho tình Chúa và tình người.

Thực ra, sống và chết là hai việc đi song song với nhau trong cùng một đời người. Bởi vì có tới hai sự sống và hai sự chết: sự sống chết của con người thể xác và sự sống chết của con người đích thực. Câu nói của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay đã chứng minh sự sống và cái chết đó: “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được nó cho sự sống đời đời” (Ga 12,25). Ai cố bám víu vào sự sống của con người thể xác thì sẽ đánh mất sự sống của con người đích thực; còn ái dám để cho sự sống của con người thể xác chết đi thì đồng thời bồi dưỡng cho sự sống của con người đích thực. Cảm nghiệm được điều này, thần học gia thời danh Michael Kobell đã thốt lên: “Chết là một phần của sống. Chúng ta sinh ra là để chết, hầu có thể sống sung mãn hơn”. Thực vậy, mỗi một hành vi khiêm tốn là một phần kiêu ngạo chết đi. Mỗi một hành vi can đảm là một lần tính hèn nhát chết đi. Mỗi một hành vi dịu dàng là một phần tính hung bạo chết đi. Mỗi một hành vi yêu thương là một phần tính ích kỷ chết đi (Viết theo Flor McCarthy).

Cuộc sống quanh ta có biết bao người ngày đêm hy sinh, chịu nghiền nát vì chúng ta. Họ là những người cha chân lấm tay bùn, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, đang đổ mồ hôi nơi nương đồng, đang miệt mài nơi công trường. Họ là những người mẹ đang lặn lội ngược xuôi nơi bến chợ, một nắng hai sương đang hao gầy vì đàn con…  Ðó là những con người cao cả, là những hạt lúa miến đang chịu nghiền nát vì tha nhân để trở thành tấm bánh cho con cháu. Ðó là những con người dám quên đi niềm vui riêng của bản thân để lo cái lo của đồng loại, để sinh ích lợi cho nhiều người khác.

Nhưng thật đáng tiếc! Ý niệm phục vụ tha nhân, ý niệm sống vì người khác đang mất dần trong thế giới hôm nay. Người ta đang lo cho bản thân. Người ta đang chạy theo danh lợi, thú vui để thoả mãn nhu cầu của chính mình. Có mấy ai dám quên mình để sống cho thân nhân và tha nhân? Có mấy ai chịu nghiền nát đời mình để đem lại niềm vui cho anh chị em đồng loại?

Thiết tưởng, Mùa Chay là mùa mời gọi chúng ta hãy sống cao đẹp hơn. Xin Chúa đánh tan mọi ích kỷ, sợ khó và nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta, để chúng ta biết quảng đại hy sinh sẵn sàng phục vụ mọi người chung quanh chúng ta để: “Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ được ở đó” (Ga 12,26). Amen.

 

Bài trướcCHÚ GIẢI TIN MỪNG CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – NĂM B (Ga 12,20-33)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 5 MC – B)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.