Bài Ðọc I: Cv 5, 27b-32. 40b-41
“Chúng tôi là chứng nhân các lời đó cùng với Thánh Thần”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, thầy thượng tế hỏi các tông đồ rằng: “Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?” Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa cha ông chúng ta đã cho Ðức Giêsu sống lại, Ðấng mà các ông đã giết khi treo Người trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Ngài làm thủ lãnh và làm Ðấng Cứu Ðộ, để ban cho Israel được ăn năn sám hối và được ơn tha tội. Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần, Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Người!” Họ ra lệnh đánh đòn các tông đồ và tuyệt đối cấm không được nhân danh Ðức Giêsu mà giảng dạy nữa, đoạn tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Ðức Giêsu.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 29, 2 và 4. 5 và 6. 11 và 12a và 13b
Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. – Ðáp.
2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ. – Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con, lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con; lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Kh 5, 11-14
“Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, …vinh quang và lời chúc tụng”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Tôi là Gioan, đã thấy và nghe tiếng các thiên thần đông đảo vòng quanh ngai vàng, tiếng các sinh vật và các vị kỳ lão; số họ đông hằng ngàn hằng vạn, họ lớn tiếng tung hô rằng: “Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, phú quý, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và lời chúc tụng”. Tôi lại nghe mọi thọ tạo trên trời, trên đất, dưới đất, trên biển và dưới biển, tung hô rằng: “Chúc Ðấng ngự trên ngai và chúc Chiên Con được ca tụng, danh dự, vinh quang, quyền năng đến muôn đời”. Bốn sinh vật thưa: “Amen”, và hai mươi bốn vị kỳ lão sấp mặt xuống và thờ lạy Ðấng hằng sống muôn đời.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 21, 1-14 {hoặc 1-19}
“Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: “Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ông là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
[Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.]
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
ƠN TRỜI
✍️ Lm. Giuse Nguyễn Gia Hoàng, SVD
Ba tôi, một người con của vùng đất cao nguyên bạt ngàn nắng gió, với sản vật nức tiếng là cà phê và tiêu. Là người nông
dân thực thụ, nên khi có ái đó hỏi ông kinh nghiệm về việc chăm sóc các loại cây công nghiệp thì ba tôi có thể nói cả ngày không hết. Nhưng trong thực tế, ba cũng đã nhiều lần thất bại trong việc trồng trọt vì nghề nông phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau: nước, phân, kỹ thuật chăm sóc, giống cây,… và yếu tố quan trọng nhất mà ba tôi hay nhắc đi nhắc lại đó là phải do “Ơn Trời”. Tôi liên tưởng về nghề của ba tôi và điểm nhấn mạnh của ông khi tôi đọc bài Tin Mừng hôm nay.
Sau khi Chúa Giêsu sống lại, Ngài đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ. Trong lần thứ ba này, Ngài đến với các ông trên biển hồ Tibêria. Ngài bảo các ông thả lưới bắt cá. Phêrô và các bạn chài của ông là những ngư phủ chuyên nghiệp. Với kinh nghiệm dày dạn, các ông biết lúc nào cá nhiều và lúc nào không có cá. Khi trời đã tảng sáng thì khó có thể bắt được cá. Vậy mà khi các ông thả lưới bên phải mạn thuyền theo lời của Chúa Giêsu, một người không có kinh nghiệm chài lưới, các ông lại bắt được một mẻ cá lớn. Chắc chắn đó là mẻ cá lạ.
Trước hết, sở dĩ có phép lạ này vì các môn đệ không tin vào sự thành công của mình, nhưng vì nể lời Chúa nên các ông mới thả lưới.
Sau khi Thầy Giêsu bị treo lên cây gỗ và giết chết, các môn đệ đều sợ hãi và thất vọng. Bao nhiêu viễn cảnh của họ về một tương lai tươi sáng đã tan thành mây khói. Họ không còn lý do gì để ở lại Giêrusalem nữa. Và rồi họ kéo nhau về lại quê cũ. Sau thời gian dài bỏ nghề, nay trở lại với nghề đánh cá, thật buồn thay vì họ đã “vất vả suốt đêm mà không bắt được gì” (Lc 5,5) .
Trong cơn buồn bã, tuyệt vọng và chán nản, các ông định kéo lưới lên và ra về. Chúa Phục Sinh đã hiện đến và hướng dẫn cho các ông như một người đầy kinh nghiệm: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, anh em sẽ bắt được cá” (Ga 21,6). Dù lúc đó chưa nhận ra Thầy mình nhưng có lẽ họ đã làm theo vì nể và những gì đạt được ngoài sức tưởng tượng. Chỉ vì vâng lời như được thúc đẩy từ bên trong mà họ thả lưới. Với “Ơn Trời”, các môn đệ đã thành công: “Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá” (Ga 21,6) .
Thứ đến, mẻ lưới đầy cá này khiến các ông nhận ra uy quyền của Đức Giêsu và đồng thời nhận ra sự yếu đuối bất lực và thân phận tội lỗi của mình.
Bài học mà Chúa muốn dạy các môn đệ hôm nay là các ông phải tùy thuộc vào “Ơn Trởi” và tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Các ông phải nhận thức rằng, dù mình có là thuyền chài chuyên nghiệp cũng chưa chắc đã bắt được cá. Cái dụng cụ mà Chúa dùng để thi hành công cuộc cứu độ không tùy thuộc vào tài năng và sự hiểu biết của con người, nhưng tùy thuộc vào sự cộng tác của loài người với ơn của Ngài. Quyền năng Chúa Phục Sinh đã biến đổi các môn đệ từ sợ những người sợ hãi trốn tránh thành những chứng nhân nhiệt thành[1].
Trong việc chọn Phêrô làm anh trưởng của nhóm mười hai và thủ lãnh Giáo Hội, Đức Giêsu không dựa vào những điều kiện như “văn hay chữ tốt” hoặc “tài đức vẹn toàn” mà chỉ dựa theo tiêu chí là người biết yêu mến và tuân theo ý Chúa như những dụng cụ hữu hiệu. Do đó, trong khi tham gia vào trong công cuộc rao giảng Tin Mừng, chúng ta đừng cậy dựa vào sức mình mà phải biết đặt tin tưởng vào “Ơn Trời” như những dụng cụ trung thành.
Tất cả cuộc đời của chúng ta đều nằm trong ý định của Thiên Chúa. Thiên Chúa tự do chọn lựa mỗi người vào chương trình của Ngài. Ngài chọn chúng ta không vì chúng ta có chức, có quyền cũng không vì chúng ta tài năng, đức độ… Điều quan trọng là chính sự đáp trả quảng đại của chúng ta đối với chương trình của Ngài. Chúng ta đừng tự ti về khả năng của mình vì tất cả đều là ân huệ của Thiên Chúa, tất cả đều được đặt trong sự quan phòng của Ngài. Nếu chúng ta biết để cho thánh ý Thiên Chúa hành động trong cuộc đời mình thì từ những cái tưởng như không thể sẽ trở thành có thể. Như lời Thánh Vịnh 36 viết: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 36,5).
Sau cùng, các môn đệ nhận ra Đức Kitô Phục Sinh và tình yêu bao la của Ngài.
Phép lạ không chỉ thể hiện quyền năng của Chúa nhưng còn tỏ cho chúng ta thấy tình yêu thương của Ngài. Phép lạ mạc khải cho chúng ta về lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Ngài không quay lưng và dửng dưng trước mọi đau khổ của con người.
Bài đọc thứ nhất trích từ sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta biết, thánh Phêrô và các đồng môn của ngài đã mạnh dạn trả lời những người Do Thái bắt bớ họ rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Quả thật, nhờ cảm được tình yêu của Chúa Phục Sinh, các ông mới có niềm tin mãnh liệt để làm chứng cho Ngài như thế. Hậu quả của việc “vâng lời Thiên Chúa” là các ông bị đánh đòn và tống giam. Nhưng dường như những đòn roi, khổ nhục mà các Tông Đồ phải chịu không thấm vào đâu khi tình yêu mến Thầy vượt lên trên tất cả, thậm chí các ngài sẵn sàng chết vì yêu.
Để có thể can đảm xác quyết: “Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,15) thì chỉ có tình yêu trong niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, thánh Phêrô mới mạnh dạn nói lên như vậy. Và nhờ đó Chúa mới giao cho Phêrô nhiệm vụ “hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21,17). Đây là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn! Để chèo lái con thuyền Hội Thánh, chắc hẳn thánh Phêrô, một con người nóng nảy, ít học và quê mùa phải có “Ơn Trời” mới đảm nhiệm được.
Là môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi phải sống theo gương Tin Yêu của Thầy Chí Thánh để khắc hoạ bức chân dung của Ngài trong cuộc đời chúng ta. Đó phải là bức chân dung của Người Mục Tử nhân lành, người Cha nhân hậu, người bạn cảm thông…Lòng yêu thương không đơn thuần là lời trên môi miệng mà còn có những thứ tiếng nói khác: nói bằng hành động, nói bằng con tim. Ngày nay, tiếng Anh, tiếng Trung hay một thứ ngôn ngữ nào đó rất cần để giao tiếp, nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được. Có một thứ ngôn ngữ của nhân loại mà dân tộc nào cũng có thể hiểu, đó chính là tiếng nói của yêu thương. Cha thánh Giuse Freinedmetz, SVD định nghĩa chữ yêu như sau: “ngôn ngữ mà mọi người đều có thể hiểu là ngôn ngữ tình yêu.”[2] Hai kẻ xa lạ gặp nhau, không sử dụng được tiếng nói của nhau, nhưng vẫn có thể hiểu nhau nhờ thứ ngôn ngữ phát xuất từ con tim, từ ánh mắt, từ nụ cười.
Lòng thương xót của Thiên Chúa gợi lên cho con người biết bao niềm tin tưởng và hy vọng. Cho dù tâm hồn đó có tội lỗi, có đau thương, có bị dập nát, sức sống có lụi tàn hay đức tin có yếu kém thì Thiên Chúa vẫn không bao giờ chê bỏ, chối từ. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết cậy vào “Ơn Trời” và biết lấy chính đời sống vâng phục, tin, yêu của mình làm lời rao giảng để cho dù chúng ta đang làm bất cứ điều gì thì tình thương Thiên Chúa luôn được rao truyền và được vinh danh.
[1] Xem: https://www.simonhoadalat.com/Suyniem/BaiGiang/GiangLeChuaNhat/ NamC/ChuaNhat3PhucSinh.htm
[2] Xem: http://www.vietcatholic.net/News/html/280860.htm
TỰA NƯƠNG CHÚA VÀ MỘT TÌNH YÊU TRỔI VƯỢT DÀNH CHO NGÀI
✍️ Lm. Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD
Wiliam Shakespeare là đại văn hào người Anh trong tác phẩm Hamlet có một câu nói nổi tiếng về triết lý sống của con người mọi thời đại: “To be or not to be, that is the question” (Sống hay không sống, đó là vấn đề). Nếu chọn sống thì đồng nghĩa với việc phải chiến đấu với thế lực sự ác để bảo vệ sự thiện. Còn nếu buông xuôi, mặc cho cuộc đời trôi nổi cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận sống một cuộc đời hèn nhát, mặc cho sự dữ hoành hành.
Kính thưa cộng đoàn, “sống hay không sống” đó cũng là tâm tình của các môn đệ Chúa Giêsu khi phải đối diện với những chọn lựa: vâng lời Thiên Chúa hay vâng lời người phàm. Nếu vâng lời Thiên Chúa thì phải can đảm chiến đấu với thế lực thế gian, chịu bắt bớ, thậm chí là phải chết; nếu chọn thỏa hiệp với thế gian thì chấp nhận chối bỏ Thiên Chúa. Câu trả lời phụ thuộc vào việc các môn đệ có dành cho Chúa Giêsu một tình yêu trổi vượt hơn hay không?
- Dựa Vào Thế Lực Nào?
Khi quỷ dẫn Chúa Giêsu lên ngọn núi cao, chỉ cho Ngài thấy tất cả vinh hoa phú quý của thế gian rồi ngỏ lời với Chúa: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4,9). Chọn lựa sống dựa vào quyền năng Thiên Chúa hay dựa vào thế lực satan để được vinh hoa phú quý chóng qua là chọn lựa của mỗi người chúng ta, ngay cả Chúa Giêsu khi nhập thể làm người cũng không tránh khỏi. Trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta thấy sự tuân phục Thiên Chúa một cách triệt để nơi Phêrô và các môn đệ khi các ngài ngang nhiên trả lời: “phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta” (Cv 5,29). Để dám thốt lên những lời này trước thế lực có chức quyền thời đó quả thật là Phêrô đã rất can đảm và kiên vững trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Vì như chúng ta biết, khi Phêrô tuyên xưng mạnh mẽ như vậy, hậu quả là có thể phải chịu máu đổ, đầu rơi bất cứ lúc nào.
Mặt khác, vâng theo thánh ý Chúa, con người sẽ làm được những chuyện lớn lao hơn rất nhiều so với dựa vào sức riêng. Trình thuật Tin Mừng cho chúng ta thấy, khi các môn đệ dựa vào sức riêng của bản thân, dù cho các ông là những ngư phủ có bề dày kinh nghiệm, kết cuộc là thức trắng đêm mà chẳng được gì. Các ông chỉ đánh được mẻ cá nhiều bất ngờ khi có Chúa hiện diện, khi vâng nghe Lời Chúa: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” (Ga 21,6). Sau mẻ cá bất ngờ, được cùng ăn với Thầy, các môn đệ từ đó trở thành những kẻ lưới người. Các ông ra đi rao giảng Tin Mừng Đức Kitô Phục Sinh cho mọi người.
Nhà vật lý Acsimet nói: “Nếu cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả trái đất này lên”. Lời khẳng định này cho chúng ta thấy tầm quan trọng của điểm tựa trong cuộc đời. Ở điểm này, chúng ta sẽ gặp thấy nơi tinh thần của Chúa Giêsu. Ngài không hành động dựa theo ý riêng, nhưng là theo ý Cha mọi đàng, trong mọi hoàn cảnh. Ngay cả khi gặp đau khổ, thử thách lớn nhất là phải đối diện với thập giá, có vẻ Ngài bị cám dỗ theo ý riêng là né tránh thập giá: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con” (Mt 26,39). Nhưng cuối cùng Ngài cũng xin thi hành theo Thánh Ý Cha. Đây chính là mục đích mà Đức Kitô nhắc đi nhắc lại cho các môn đệ của Ngài khi còn sống với các ông: “Ta đến không để làm theo ý Ta; nhưng làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Ga 4,34; 5,30; 6,38). Tiếp đến, qua Con Một yêu dấu, Chúa Cha ban lệnh truyền cho các môn đệ cách riêng và cho tất cả chúng ta hãy vâng nghe Chúa Giêsu. “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Cũng vì lấy Chúa làm điểm tựa, mà Phêrô và các môn đệ chọn sống vâng Lời Thiên Chúa là rao giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh; cũng bởi lấy Chúa làm điểm tựa, dựa vào quyền năng của Chúa mà các ngài được mẻ cá lạ lùng; cũng lấy Chúa làm điểm tựa cuôc đời nên các môn đệ từ những ngư phủ lưới cá, trở thành những kẻ lưới người. Vì lấy Chúa làm điểm tựa mà Phêrô đã nói với người què ăn xin tại cửa đẹp đền thờ: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!” (Cv 3,6).
Lời Chúa hôm nay đánh thức mỗi người chúng ta: chúng ta đã và đang sống dựa vào thế lực nào? Chúng ta chọn Chúa hay chọn thế gian, chọn hạnh phúc vĩnh cửu hay chọn cái tạm bợ chóng qua? Chúng ta đang nhân danh Chúa hay nhân danh các thế lực của thế gian? Qua đó, chúng ta lại được mời gọi sống theo tinh thần của Phêrô và các môn đệ, vâng nghe Lời Chúa, thi hành theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, bất chấp tất cả những hệ lụy.
- Một tình yêu trổi vượt hơn tất cả mọi tương quan khác
Nhìn lại lịch sử cứu độ, chúng ta thấy Thiên Chúa chăn dắt, cứu độ dân Ngài không phải bằng sự tính toán theo lý trí như những doanh nhân tính toán vì mục đích lợi nhuận. Chúa cứu dân Ngài, đồng hành với dân, đơn giản là chỉ vì Ngài yêu thương với một tình yêu vô biên. Có thể nói, nếu như Chúa không có lòng thương xót vô biên thì lịch sử nhân loại coi như chấm hết ngay sau khi nguyên tổ phạm tội. Vì tình yêu, Thiên Chúa đã lên cả một chương trình dài nhằm cứu độ con người. Nói như Blaise Pascal: “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không thể hiểu được”. Tinh thần đó chúng ta bắt gặp trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay, tác giả ghi lại cuộc phỏng vấn của Đức Giêsu Phục Sinh dành cho Phêrô tại biển hồ Tibêria. Chúng ta như được xem những thước phim quay lại cảnh Chúa tuyển chọn vị giáo hoàng đầu tiên để chèo lái con thuyền Giáo Hội của Ngài. Điều kiện duy nhất Chúa đưa ra khi phỏng vấn Phêrô là: “con có yêu mến Thầy không”? Trước khi giao phó sứ vụ là thuyền trưởng, dịu dắt con thuyền Giáo Hội, Chúa đòi buộc Phêrô phải có tình yêu dành cho Chúa lớn mạnh, trổi vượt hơn tất cả mọi tương quan khác. Phêrô xác tín rằng Chúa biết mọi sự, Chúa biết tình yêu của ông dành cho Chúa lớn hơn tất cả, mặc dầu trước đó ông có những yếu đuối, vấp ngã: “Thầy biết con yêu mến Thầy”. Như vậy, lòng mến là điều kiện không thể thiếu đối với người môn đệ Chúa. Vì chỉ khi người môn đệ có lòng mến dành cho Chúa đủ lớn, khi đó mới yêu thương và phục vụ đoàn chiên của Chúa.
Khi một phóng viên hỏi Mẹ Têrêsa Calcutta rằng: “động lực nào khiến mẹ phục vụ tha nhân cách hăng say như vậy?”. Mẹ trả lời: “vì tôi yêu mến Chúa Giêsu”. Khi chúng ta yêu mến Chúa, đương nhiên sẽ yêu thương và sẵn sàng phục vụ anh chị em. Cũng trong tinh thần này mà thánh Augustinô dám thốt lên câu nói: “cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Ngay giờ này, Chúa cũng hỏi từng người chúng ta như đã hỏi Phêrô: “con có yêu mến Thầy không”? Mỗi người chúng ta phải trả lời câu hỏi này bằng chính đời sống đức tin của mình. Khi có tình yêu mến Chúa đủ lớn, chúng ta sẽ luôn chọn lựa vâng lời Chúa mọi nơi, mọi lúc, bất chấp bất cứ thế lực nào uy hiếp.
Kính thưa cộng đoàn, Chúa Giêsu đã chết, nhưng không phải là một dấu chấm hết, mà từ trong cõi chết Ngài đã phục sinh. Như vậy, Chúa đã chiến thắng sự chết, chiến thắng mọi thế lực sự dữ. Sự chiến thắng của Chúa Kitô cũng được diễn tả trong bài đọc hai trích từ sách Khải Huyền: “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc” (Kh 5,12). Chúa đã phục sinh, tất cả chúng ta là những người đi theo Chúa, chúng ta đi trên con đường mang tên Giêsu, con đường không tránh khỏi thập giá, nhưng chúng ta tin rằng, phía cuối con đường là vinh quang phục sinh mở ra đón chúng ta. Như Chúa đã nói: “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12).
Nói tóm lại, khi chúng ta có tình yêu mến Chúa đủ lớn, lấy Chúa làm điểm tựa cuộc đời, sống tin thác vào quyền năng và tình thương của Chúa, chúng ta sẽ can đảm đi theo Chúa.
Lạy Chúa, cuộc sống vốn thiên hình vạn trạng, giữa dòng đời này chúng con dễ lạc lối, mất phương hướng bởi sự quyến rũ của thế gian, xin cho chúng con sáng suốt chọn vâng theo Thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh và yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Amen.
TRUNG THÀNH VỚI ƠN GỌI
Lm. Giuse Trần Minh Kiểm, SVD
Sự kiện Đức Giêsu đã chết và sống lại là trọng tâm, là cốt lõi và là nền tảng của đức tin Kitô giáo. Chính vì vậy, thánh Phaolô đã xác quyết hết sức mạnh mẽ: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em … Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15,17.19).
Chúng ta vừa lắng nghe tác giả Tin Mừng thứ tư thuật lại việc Đức Giêsu hiện ra với các tông đồ tại biển hồ Tibêria sau khi Ngài từ cõi chết sống lại. Đó là sự thật và sự thật này đã làm nhiều người không dám tin. Đây không phải là một cuộc thoáng hiện của Đức Giêsu, nhưng Ngài đã “ngồi lại”, cùng “dùng bữa” thật ấm cúng trong tình thầy trò. Sau bữa ăn đó, Chúa Giêsu đã “thẩm định” tình yêu của Phêrô trước khi trao cho ông một sứ vụ, một ơn gọi mới, đó là làm thủ lãnh Giáo Hội.
Sự kiện này đôi khi có thể làm cho chúng ta thắc mắc: Tại sao ông Phêrô chỉ là một ngư phủ tầm thường, không bằng cấp, thậm chí ông là một người đầy những yếu đuối, mới chối bỏ Thầy cách đây vài ngày, thế mà giờ đây Thầy đã không một lời trách móc hay hạch tội ông, mà còn trao cho ông một sứ vụ, một ơn gọi thật lớn lao như vậy? Phải chăng ông Phêrô có khả năng lãnh đạo tài tình? Không phải vậy! Nhưng chính tình yêu và lòng trung thành của ông Phêrô mà Thầy Giêsu đã trao cho ông một sứ vụ làm thủ lãnh Giáo Hội. Hay nói cách khác, Đức Giêsu không xây dựng Giáo Hội của Ngài trên sức mạnh của con người, nhưng xây dựng trên tình yêu và lòng trung thành của con người.
Khi đọc lại các sách Tin Mừng, chúng ta dễ dàng thấy rõ con người của ông Phêrô: Ông là người rất bộc trực, tính tình nóng nảy, nhiều sai sót và phản ứng rất mau lẹ trước mọi biến cố. Nhiều lần ông hành động mà không suy nghĩ và đã được Đức Giêsu sửa dạy nhiều điều. Có lần khi Thầy đang loan báo về cuộc thương khó, ông đã vội can ngăn Thầy và tức thì bị Thầy mắng: “Satan, hãy lui ra đằng sau Thầy” (Mc 8,33). Hoặc khi Thầy rửa chân cho ông để dạy cho ông bài học yêu thương phục vụ thì ông lại từ chối: “Không được, không đời nào Thầy mà lại đi rửa chân cho con…” (Ga 13,8). Chưa hết, khi binh lính đến bắt Chúa, ông Phêrô đã nhanh tay rút lấy gươm mà chém đứt tai của một người đầy tớ vị thượng tế (x. Ga 18,10). Và tệ hại hơn nữa, trong lúc Thầy mình đang gặp khốn khó, đáng lẽ ông Phêrô phải đứng ra bênh vực Thầy mình, như ông vừa mới hùng hồn thề hứa rằng dù mọi người có bỏ Thầy thì Phêrô này không bao giờ. Nếu có phải chết, Phêrô này cũng xin được sẵn sàng chết cùng Thầy (x. Mt 26, 33), nhưng ông Phêrô đã không làm như vậy; ông đã thẳng thừng chối bỏ Thầy mình, chối đến ba lần (x. Ga 18,17; 25-27).
Sau biến cố tử nạn của Thầy Giêsu, các tông đồ nói chung và ông Phêrô nói riêng hoàn toàn thất vọng và buồn chán vì đã ba năm bỏ gia đình, vợ con, bạn bè và nghề nghiệp mà đi theo Thầy, mong tìm được một chút địa vị. Thế mà bây giờ địa vị cũng chẳng có mà ngay cả người Thầy của mình cũng bị người ta giết chết. Thế là ông Phêrô đành an phận trở lại với nghề đánh cá cũ của mình.
Tuy vậy, tâm hồn ông vẫn ngấm ngầm một nỗi niềm mong chờ được gặp lại Thầy của mình. Do đó, khi vừa nghe môn đệ được Đức Giêsu yêu mến nói “Chúa đó” thì ông Phêrô không còn kịp chèo thuyền vào bờ nữa mà vội khoác áo vào rồi nhảy xuống nước để đến với Chúa cho nhanh hơn.
Gặp được Chúa rồi thì một bữa ăn thật ấm cúng tình thầy trò được dọn ra. Sau bữa ăn đó, Đức Giêsu bắt đầu thẩm vấn ông Phêrô về tình yêu và trao cho ông một ơn gọi, một sứ vụ mới, đó là làm thủ lãnh Giáo Hội. Đức Giêsu không hỏi Phêrô học ở đâu? Tốt nghiệp đại học nào? Hay có bằng cấp lãnh đạo chưa? Nhưng Đức Giêsu chỉ hỏi Phêrô rằng: “Phêrô, anh có yêu mến Thầy hơn những anh em khác không”? Ngài không chỉ hỏi một lần mà hỏi đến ba lần.
Thiết nghĩ, câu hỏi đó rất khó cho ông Phêrô để trả lời, bởi vì mới ngày nào đó ông đã chối Thầy tới ba lần, rồi hôm nay Thầy lại hỏi “có yêu mến Thầy không”. Hết sức ngại ngùng! Thế nhưng ông đã không bỏ lỡ cơ hội hiếm có và ông đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Thưa Thầy có, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Ba lần trả lời của Phêrô thì cũng là ba lần Chúa trao cho Phêrô sứ vụ cai quản Giáo Hội. Ba lần chối Chúa thì giờ đây cũng ba lần ông Phêrô nói lời yêu thương để tuyên xưng lại niềm tin. Từ đó, ông đã thực sự trở nên thủ lãnh của Giáo Hội, chăm sóc đoàn chiên của Thầy, và cuối cùng ông đã hiến mạng sống vì đoàn chiên của mình. Thật vậy, ông đã yêu “như chính Thầy đã yêu” (x. Ga 15,12).
Như vậy, ông Phêrô không những trung thành với ơn gọi của mình cho đến chết mà ông còn cảm thấy hân hoan vì được chịu khổ vì Thầy. Sự trung thành này chúng ta có thể thấy rõ trong bài đọc I: Khi bị cấm không được rao giảng Đức Kitô cho người khác thì các tông đồ, trong đó có ông Phêrô đã mạnh dạn trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29).
Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta cũng được Chúa trao cho một ơn gọi; đó là ơn gọi làm Kitô hữu, ơn gọi làm con Chúa. Đây là ơn gọi đầu tiên và quan trọng nhất. Mặc dù chúng ta cũng có nhiều sự yếu đuối, đầy những thấp kém nhưng Chúa luôn yêu thương và kêu gọi chúng ta để trở thành những Kitô hữu tốt. Điều đáng tiếc là có nhiều người Kitô hữu không sống đúng với danh nghĩa của mình.
Chúng ta là những Kitô hữu, không phải chỉ để cho có danh, nhưng chúng ta phải hành động, phải sống đời Kitô hữu của mình. Chúng ta phải là ngọn đèn chiếu tỏa ánh sáng của Chúa cho mọi người. Không có lời rao giảng nào hữu hiệu cho bằng việc rao giảng bằng chính đời sống gương sáng của chúng ta. Hay nói cách khác, chúng ta hãy không chỉ “giữ đạo” mà còn biết “sống đạo.” Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Côrintô đã kêu mời tín hữu của mình cứ sống theo địa vị: “Thưa anh em, khi được kêu gọi ở địa vị nào, mỗi người cứ ở địa vị đó trước mặt Thiên Chúa” (1 Cr 1, 24). Vậy chúng ta đã là những Kitô hữu thì chúng ta hãy sống trọn vẹn ơn gọi làm Kitô hữu của mình.
Xin Chúa ban ơn để mỗi người chúng ta biết ý thức lại và sống ơn gọi Kitô hữu của mình để chúng ta luôn là gương sáng cho người khác, để chúng ta luôn là men là muối ướp cho mặn đời.