Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 21 Thường Niên – Năm A

0
559

Bài Ðọc I: Is 22, 19-23

“Ta sẽ để chìa khoá nhà Ðavít trên vai nó”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa phán cùng Sobna, quan cai đền thờ rằng: “Ta sẽ trục xuất ngươi ra khỏi địa vị ngươi, và Ta sẽ cách chức ngươi; trong ngày đó, Ta sẽ gọi đầy tớ Ta là Êliaqim, con trai Helcia. Ta sẽ lấy áo choàng của ngươi mà mặc cho nó, lấy đai lưng của ngươi mà thắt cho nó, sẽ trao quyền ngươi vào tay nó, nó sẽ nên như cha các người cư ngụ ở Giêrusalem và nhà Giuđa. Ta sẽ để chìa khoá nhà Ðavít trên vai nó: nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được; nó đóng cửa lại và không ai mở ra được. Ta sẽ đóng nó vào nơi kiên cố như đóng đinh, và nó sẽ trở nên ngai vinh quang nhà cha nó”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 6 và 8bc

Ðáp: Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa (8).

Xướng: 1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa; con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. – Ðáp.

2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. – Ðáp.

3) Quả thực Chúa cao cả và thường nhìn kẻ khiêm cung, còn người kiêu ngạo thì Ngài ngó tự đàng xa. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời; xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 11, 33-36

“Mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa: sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được! Vì chưng, nào ai biết được ý Chúa? Hoặc ai đã làm cố vấn cho Người? Hay ai đã cho Người trước để Người sẽ trả lại sau? Vì mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người: nguyện Người được vinh quang đến muôn đời. Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống: không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 16, 13-20

“Con là Ðá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô.

Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng chủ đề:

ĐƯỜNG LỐI CỦA THIÊN CHÚA (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Đạt, SVD)

Trong đời sống đức tin, con người phải đối diện với nhiều khó khăn và thử thách. Mỗi khi lâm phải cảnh ấy, con người buộc phải tìm một đường lối để ứng phó. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tái khám phá lại đường lối của Thiên Chúa để duyệt xét lại xem đường lối mà chúng ta đã chọn liệu có phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa hay không?

  1. Thiên Chúa mới là vị cứu tinh

Đứng trước sức mạnh quân sự của hai cường quốc Át-sua và Ai Cập, dân Chúa cảm thấy mình thật nhỏ bé và tỏ ra run sợ. Lại nữa, do nhiều lần phải nếm trải ách đô hộ tàn bạo của lân bang nên dân Ít-ra-en thấy rằng họ cần phải liên minh với Ai Cập. Tôn giáo giờ đây không còn là một đảm bảo cho sự tồn vong của đất nước. Biểu tượng của niềm kiêu hãnh vì tin vào Chúa là đền thờ Giê-ru-sa-lem đã bao lần bị phá đổ tan hoang và bị chà đạp. Thậm chí giờ đây đền thờ ấy lại trở thành nguyên cớ để các dân tộc khác đem ra cười nhạo họ. Những chiến thắng anh dũng vẻ vang của các bậc tiền nhân do có niềm tin vào sự cứu giúp của Thiên Chúa trong lịch sử giờ đây đã bị họ lãng quên và gạt bỏ ra ngoài. Thay vì hết lòng bước theo đường lối của Thiên Chúa để được ơn cứu độ thì nay họ đi dựa vào các cường quốc ngoại bang không cùng niềm tin. Họ cũng chẳng còn tâm trí để lắng nghe Lời Chúa phán qua miệng các ngôn sứ vì nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ và chẳng còn trung tín với giao ước đã ký kết với dân.

Trong bối cảnh đó, ngôn sứ I-sai-a vẫn miệt mài kêu gọi dân Ít-ra-en hãy giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa. Những cường quốc quân sự kia rồi cũng có ngày phải lụi tàn. Đứng trước sức mạnh và quyền năng của thần thiêng của Người thì các nước ấy chẳng khác nào “giọt nước bám miệng thùng” hay như “hạt cát dính bàn cân” (x. Is 40,15), đều sẽ phải chịu khuất phục khi Ngài ra tay. Chỉ Thiên Chúa mới là vị cứu tinh đích thực. Duy chỉ có mình Ngài là Đấng quyết định và an bài mọi sự. Do đó, việc họ cần làm bây giờ là vâng phục Thiên Chúa; trung thành với Lề Luật; và dấn thân vào công cuộc phát huy công lý chứ không phải là lún sâu vào các cuộc chiến vô nghĩa nhưng không mang lại kết cục tốt đẹp. Thiên Chúa là đấng trung tín tuyệt đối. Đến thời đến buổi, chính Ngài sẽ thực hiện lời hứa là ra tay đập tan ách đô hộ ngoại bang để cứu thoát Ít-ra-en và khôi phục lại vương quyền cho con cháu vua Đa-vít là En-gia-kim (x. Is 22,15-21). Ngài sẽ củng cố cũng như làm cho triều đại của vua ấy được vinh hiển (x. Is 22,21-23).

Trong cuộc sống hằng ngày, không ít lần con người phải rơi vào hoàn cảnh khó khăn bi đát. Lúc này con người thường tìm và chạy đến nương tựa vào Thiên Chúa. Thế nhưng, khi đứng trước sự “thinh lặng của Ngài”, con người thường dễ dàng mất đức tin và đi cậy dựa vào những thực tại trần thế. Lời Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng, dù phải đối diện với những giông tố của cuộc đời hãy vững niềm trông cậy và phó thác nơi Chúa. Các thực tại trần thế kia sớm muộn rồi cũng sẽ qua nhưng chỉ có Chúa mới là cứu cánh duy nhất của toàn thể nhân loại. Phải chăng tôi thiếu lòng tin tưởng và cậy trông vì không hiểu đường lối của Chúa?

  1. Giữ vững lòng tin vào đường lối của Thiên Chúa

Theo thánh Phao-lô đã quả quyết, tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng con người (x. Rm 11,34-35). Vì bản chất con người là hữu hạn, nên cách nhìn nhận và đánh giá một vấn đề cũng hữu hạn. Chúng ta không thể hiểu được tất cả mọi khía cạnh của vấn đề cũng như không thể có được một cái tổng thể để biết được điều này có ý nghĩa gì cho tôi ngay lúc hiện tại và ở tương lai. Bởi đó, khi đứng trước những biến cố bi đát của cuộc đời, thay vì cố gắng tìm kiếm để hiểu cho được Thánh Ý Thiên Chúa thì chúng ta thường nhìn vào những điều tiêu cực hay những điều được-mất trước mắt.

Hiểu được điều này, trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô mời gọi chúng ta giữ vững niềm tin và cậy trông phó thác vào đường lối của Thiên Chúa. Người là Đấng “khôn ngoan và thông suốt” mọi sự (x. Rm 11,33). Quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng ta cũng như của cả vũ trụ này đều nằm trong tay Người. Chính Người là “Đấng tạo thành, củng cố và an bài mọi sự” (x. Rm 11,36). Nói cách khác, mọi sự đều nằm trong kế hoạch và sự quan phòng mầu nhiệm của Người. Do đó, chúng ta cần phải quy hướng về Người cũng như phải bước theo đường lối của Người hầu có thể đạt được ơn cứu độ và phẩm giá đích thực.

Dẫu biết rằng mọi sự đã được Thiên Chúa an bài, thế nhưng khi phải đối diện với những đau khổ cũng như khó khăn vượt quá khả năng chịu đựng, chúng ta thường không dễ dàng chấp nhận ngay sự quan phòng của Thiên Chúa. Đường lối của Ngài thường là quá khó để nắm bắt được. Đang khi đó, những thực tại trần thế xem ra là giải pháp hữu hiệu tức thời. Lúc này tôi thường dễ ngả lòng theo những điều đó. Vậy đường lối của Người là gì? Làm sao tôi biết được đường lối ấy?

  1. Đường thập giá

Tự sức riêng, trí hiểu của con người không thể biết được đường lối của Thiên Chúa. Chúng ta cần được mặc khải của Thiên Chúa soi dẫn. Đức Giê-su chính là mặc khải trọn vẹn và cuối cùng của Thiên Chúa. Ngài “là đường, là sự thật và là sự sống” (x. Ga 14,6). Bởi thế, việc tìm hiểu mặc khải về đường lối Chúa đồng nghĩa với việc chúng ta cần phải biết Đức Giê-su là ai? Chỉ khi biết được Ngài là ai thì chúng ta mới có thể biết được đường lối nào mà Ngài đã được Chúa Cha trao phó để đưa dẫn chúng ta đến ơn cứu độ.

Để trả lời cho câu hỏi trên thì một điều dễ dàng mà chúng ta thường hay làm là tìm kiếm xem “người ta nói Ngài là ai?” (x. Mt 16,13). Hệt như khi xưa các môn đệ được nghe dân chúng phỏng đoán về danh tính của Đức Giê-su, ngày nay chúng ta cũng có muôn vàn cách lý giải về Ngài. Chỉ cần đọc lại kinh thánh, sách giáo lý, các văn kiện chính thức của Hội Thánh hay thậm chí là các công trình nghiên cứu của các học giả vô thần chúng ta cũng có thể tìm thấy những điều được viết một cách chi tiết về Ngài. Danh tính của Ngài có độ phổ biến đến nỗi hầu như ai cũng biết. Hẳn là nhiều lần chúng ta cảm thấy hãnh diện khi nghe Danh ấy được tuyên dương. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở những câu trả lời này mà thôi thì chưa đủ. Để cho đời sống đức tin của tôi thực sự có ý nghĩa tôi cần phải có một kinh nghiệm cá nhân về Ngài. Tôi phải trả lời được câu hỏi: với chính bản thân tôi, Đức Giê-su là ai? Câu trả lời này sẽ quyết định đến thái độ sống của chính tôi.

Tin Mừng hôm nay thuật lại rằng, sau khi được Đức Giê-su hỏi “còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” thánh Phê-rô đã tuyên xưng rằng Ngài là “Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (x. Mt 16,16). Câu trả lời này có lẽ là xuất phát từ kinh nghiệm bao ngày đi theo Ngài. Ngang qua câu trả lời này, ông và các môn đệ xác tín rằng vị cứu tinh duy nhất của các ông và của mọi người không ai khác chính là Đức Giê-su. Khi nhận thấy các môn đệ cũng đã xác tín vào lời tuyên xưng ấy, Chúa đã mặc khải cho các ông biết con đường mà Chúa và chính các ông sẽ phải đi đó là “đường thập giá” (x. Mt 16,21). Đây chính là con đường để đạt đến ơn cứu độ. Bởi nhận ra điều này mà các môn đệ đã trung thành bước theo Chúa dù có phải chịu bách hại hay bị giết chết.

Ngày nay, tôi cũng được mời gọi tuyên xưng Đức Ki-tô là vị cứu tinh duy nhất của đời mình. Chỉ khi ấy tôi mới rập khuôn cuộc đời mình theo khuôn mẫu của Ngài. Tôi sẽ từ bỏ tất cả những ngẫu tượng, liên lỉ hằng này vác thập giá mình mà bước đi trên con đường mà Ngài đã đi. Thập giá Chúa là niềm vinh dự của tôi. Hơn nữa, mỗi khi phải đối diện với những hy sinh mất mát, những đau khổ hay cả những lúc cảm thấy dường như thập giá Chúa ban là quá sức chịu đựng, tôi cũng được mời gọi hãy chấp nhận và phó thác cho Chúa. Chỉ khi biết chấp nhận và bước trên con đường thập giá này tôi mới có thể bước vào vinh quang cũng như được chung hưởng niềm hoan lạc cùng Chúa trong nước của Ngài. Amen.

 


 

ĐỨC KITÔ LÀ AI? (Lm. Phêrô Lê Đức Bắc, SVD)

Sau bao năm tin Chúa Giêsu và sống theo giáo huấn của Người, chúng ta có bao giờ tự hỏi, Đức Kitô là ai đối với tôi?

  1. Câu trả lời của quần chúng

Đức Giêsu và các môn đệ đến vùng kế cận Xêdarê Philípphê; đây là vùng đất của phần đa dân ngoại. Người ta tôn thờ nhiều thần: thần Baan, thần Hy lạp, … Trong hoàn cảnh như thế,  không lạ gì khi Đức Giêsu hỏi các môn đệ về dư luận trong dân chúng về mình. Các môn đệ đã thông tri cho Đức Giêsu biết: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ” (Mt 16,14). Rõ ràng dân chúng có thái độ tôn trọng Đức Giêsu. Thử hỏi còn ai cao trọng hơn những vị ngôn sứ tầm cỡ như Êlia, Giêrêmia của thời Cựu Ước, hoặc gần đây nhất như ông Gioan Tẩy giả?  Đối với họ, ít nhất Chúa Giêsu cũng phải là hiện thân của những vị ấy.

Mặc dù dành cho Đức Giêsu một sự ngưỡng mộ như thế, nhưng dân chúng vẫn không hiểu biết cách rõ ràng về thân thế Đức Giêsu. Tuy nhận thức dân chúng không hoàn toàn sai và có nhiều cái nhìn khác biệt như vậy, nhưng tất cả đều nhất trí công nhận Chúa Giêsu là một ngôn sứ. Nhiều lần họ đã tỏ lòng ngưỡng mộ: “Ông này thật là vị ngôn sứ” (Ga 7, 40).  Đó là tột đỉnh nhận thức của quần chúng về Đức Giêsu.

Hôm nay trong bối cảnh Châu Á, số người theo đạo Công Giáo chỉ chiếm gần 2% và cụ thể ở Việt Nam là cứ 100 người, mới có khoảng 8 người Công Giáo. Hơn thế nữa, chúng ta bị ảnh hưởng của văn hoá Phật Giáo, Nho Giáo, v.v… nênnếu Chúa Giêsu hỏi chúng ta: “Người ta bảo Thầy là ai ?”, có thể Chúa Giêsu cũng sẽ nhận được những câu trả lời:  là ông Phật, là ông Khổng Tử, hay một vị nào đó đáng kính.

Nhưng ngay trong cái nhìn này, Chúa vẫn thấy còn nhiều thiếu sót. Chính Chúa Giêsu quả quyết:“Đây còn hơn cả ngôn sứ nữa” (Mt 11,9).

  1. Câu trả lời của thánh Phêrô, đại diện các môn đệ

Sau khi Chúa Giêsu nghe các môn đệ liệt kê những ý kiến khác nhau của dân chúng nói về Người,Người chưa thỏa mãn với câu trả lời của dân chúng. Vì thế, Người đã hỏi trực tiếp các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Phêrô nhanh nhẹn thưa: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 15-16). Việc tuyên xưng của ông Phêrô cho thấy Đức Giêsu là con Thiên Chúa, ngang bằng với Thiên Chúa, và Người là Đấng tự hữu.

Ông Phêrô giỏi thế! Thông minh thế sao! Câu trả lời của ông Phêrôđã được Chúa Giêsu khen: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời” (Mt 16,17)

Ai cũng biết thân thế, gốc gác, sự nghiệp của ông Phêrô; ông chỉ là làm nghề chài lưới, chứ đâu có được học hành, hay có bằng cấp này nọ để có được câu trả lời ngắn gọn, súc tích và chuẩn xác như thế!Do đó, câu trả lời của ông Phêrô không còn ở bình diện trí thức, sự hiểu biết của con người ông mà là do ân ban mà Chúa mặc khải cho ông. Chính Chúa Giêsu cũng khẳng định điều đó ở một nơi khác: không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11,27).Chúa thương những người bé mọn như ông Phêrô. Cũng chính vì thế sau lời tuyên tín của ông, Chúa Giêsu kết hợp với lời tạ ơn của chính Người: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25).

Khi tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, thì đích thực ông Phêrô sống hết mình với niềm tin đó, và ông cũng dám chết vì niềm tin đó. Chính vì thế, ông đã tuyên bố những điều phát xuất từ trái tim của mình: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã… Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26,33.35). Tuy nhiên, với thân phận mỏng dòn và yếu đuối, ông không ngờ được là có ngày ông bị Đức Giêsu khiển trách: “Simon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao?” (Mc 14,37); hoặc ông không ngờ lời báo trước của Đức Giêsu lại có thể ứng nghiệm được đối với bản thân mình: “Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần” (Mc 14,72).

  1. Câu trả lời của bản thân, với tư cách là Kitô hữu

Câu hỏi của Đức Giêsu với các môn đệ ngày xưa cũng như đang hỏi tôi: còn con, con bảo Thầy là ai? Thật dễ nhưng cũng thật khó đưa ra câu trả lời, bởi vì, câu trả lời này phải nói lên kinh nghiệm sống của tôi với Người hàng ngày, và cho thấy tương quan giữa tôi với Chúa, và với tha nhân. Đây không còn là câu trả lời mang tính lý thuyết, sách vở.

Tôi còn nhớ khi chập chững bước vào Dòng Ngôi Lời, thầy phụ trách mới ra đề văn mang nội dung này: “Đối với bạn, Đức Kitô là ai?”. Tôi cố nhớ lại thầy cô giáo lý dạy gì về Chúa Giêsu; các linh mục giảng như thế nào về Chúa Giêsu; tài liệu, giáo lý, Kinh Thánh nói về Chúa Giêsu. Thế là có câu trả lời dễ ợt, theo sách vở, hoàn toàn lý thuyết. Câu trả lời theo kiểu trả bài đó chẳng có ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của tôi hoặc làm tôi thay đổi bao nhiêu.

Trong suốt thời gian hơn 20 năm trải qua Đệ Tử Viện, Thỉnh Viện, Tập Viện,Học Viện, và trong sứ vụlinh mục, câu hỏi của Đức Giêsu “đối với tôi, Đức Kitô là ai?” vẫn còn vang vọng, thôi thúc tôi mỗi ngày. Nhờ đó mà tôi phải duyệt xét lại quan niệm thật sự của chính tôi về Người; thái độ, cách sống và cách xử sự thực tế của tôi đối với Người, chứ không thể trả lời cách lý thuyết được. Và điều mà tôi sợ nhất là vô tình hay hữu ý tôi có thể trở thành những kẻ “ngôn hành bất nhất”, trái với mệnh lệnh của Đức Giê-su: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ (Mt 5,37).

Và tôi nhận thấy chỉ khi nào thật sự coi Người là Chúa tể của lòng tôi, là lẽ sống của tôi, là cái quí giá nhất ở trong tôi, thì lúc đó tôi mới cảm nhận được sức mạnh, tình yêu, bình an, và hạnh phúc thực sự. Lúc đó, tôi có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy Tuần 20 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 21 TN-A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.