CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
CHÚA NHẬT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
Bài Ðọc I: Cv 2, 42-47
“Tất cả mọi kẻ tin, đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện. Mọi người đều có lòng kính sợ. Vì các Tông đồ làm nhiều việc phi thường và nhiều phép lạ tại Giêrusalem, nên mọi người đều sợ hãi. Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người. Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng. Hằng ngày Chúa cho gia tăng số người được cứu rỗi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 2-4. 13-15. 22-24
Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. – Ðáp.
2) Tôi đã bị đẩy, bị xô cho ngã xuống, nhưng Chúa đã phù trợ tôi. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên Ðấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân. Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. – Ðáp.
3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. – Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Pr 1, 3-9
“Nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời. Anh em được bảo vệ trong quyền năng của Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết. Lúc đó anh em sẽ vui mừng, tuy bây giờ anh em phải sầu khổ một ít lâu giữa trăm chiều thử thách, để đức tin anh em được tôi luyện, nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần, nhờ đó, anh em được ngợi khen, vinh quang và vinh dự khi Ðức Giêsu Kitô hiện đến. Anh em yêu mến Ngài, dù không thấy Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Ngài; bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 20, 29
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 20, 19-31
“Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
CHỨNG NHÂN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
Lm. Urbanô Nguyễn Bảo Sơn, SVD
Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay trình thuật lại hai lần Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ cách nhau một tuần. Không phải ngẫu nhiên khi tác giả Gioan kể lại việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các Tồng đồ vào ngày thứ nhất trong tuần. Tác giả muốn nhắn gửi một thông điệp rằng “Sự Phục Sinh của Đức Kitô là khởi đầu của một thế giới hoàn toàn mới. Và thế giới này là một thế giới tràn đầy lòng thương xót của Thiên Chúa.”
Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ khi các ông còn ẩn mình sau những cảnh cửa đóng kín vì sợ người Do thái. Chúng ta thử hình dung rằng nếu có bất kỳ tiếng động nào mà các ông nghe thì chắc các ông đều cho rằng đấy là người Do thái đang tiến đến để bách hại các ông. Chúa đã đến giữa các ông khi các cửa đều đóng kín. Các ông có thể ngăn chặn kẻ thù bằng cánh cửa đóng kín nhưng điều đó không thể đối với Chúa Kitô. Do đó, việc Chúa Giêsu hiện đến trong phòng đóng cửa kín cho thấy thân xác phục sinh của Chúa không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian nữa.
Các môn đệ có thể đóng kín cánh cửa vì sợ hãi nhưng Chúa Giêsu đã không đóng cánh cửa trái tim của Ngài đối với họ. Ngài đến trao bình an cho họ. Ngài không đến để trách cứ họ tại sao lại mất niềm tin, phản bội, và bỏ chạy. Chúa làm điều mà các môn đệ không nghĩ tới. Điều ấy đem lại cho họ niềm vui và sự an toàn hơn biết bao cánh cửa đóng kín. Đây là món quà tình yêu và lòng thương xót Chúa trao ban cho họ. Chúa Giêsu đã không chỉ trao bình an cho các môn đệ mà Ngài còn cho họ xem tay và cạnh sườn. Họ xem những vết thương mà qua đó Chúa đã mở ra con đường cứu độ và ban sự sống đời đời cho họ và cho chúng ta sau này.
Nhờ sự hy sinh cao cả này, chúng ta được tha thứ tội lỗi và được mời gọi sống cuộc sống mới trong ân sủng và lòng thương xót của Ngài. Vì thế, các môn đệ đã hết sức vui mừng.
Chúa đã không muốn các ông giữ niềm vui ấy lại cho riêng mình mà hãy trao ban cho mọi người khác nữa. Vì vậy, Chúa đã sai các ông đi như chính Thiên Chúa Cha đã sai Ngài đến ở giữa thế gian này. Chúa đã Nhập Thể vì tất cả và giờ đây các môn đệ cũng như chúng ta được sai đi sống tinh thần Nhập Thể: đem bình an, tha thứ, sự thật, công lý và lòng thương xót của Đấng Kitô Phục Sinh đến cho muôn dân thiên hạ. Những điều này sẽ được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Tối ngày hôm ấy, khi Chúa Giêsu đến thì Tôma đã không có ở với các môn đệ khác nên khi các ông kể lại việc mình đã gặp Chúa cho ông Tôma thì ông đã không tin. Có thể nói thánh Tôma không nghi ngờ về sự Phục Sinh của Chúa cho bằng về lối sống thiếu chứng tá của các môn đệ sau khi đã gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh. Thánh nhân tự hỏi nếu họ đã gặp Chúa Phục Sinh và họ đã nghe kể lại về những lần Chúa đã hiện ra trong một ngày ấy (Chúa hiện ra với bà Maria Mađalêna (Ga 20,11-18), với các phụ nữ (Mt 28,9-10), với hai môn đệ trên đường Emmau (Mc 16,12-13, Lc 24,13-32), với Phêrô (Lc 24,33-35, 1Cr 15,5), và với mười Tông đồ trừ ngài (Ga 20,19-23) thì tại sao họ lại vẫn núp mình sau cánh cửa đóng kín? Nếu biến cố Chúa Phục Sinh là một niềm vui tại sao ngài vẫn không thấy được điều đó trên khuôn mặt các tồng đồ? Và nếu họ được ban Thánh Thần và được sai đi để tiếp tục sứ vụ của Đức Kitô thì điều gì khiến họ còn chờ đợi ở đây?
Thánh Tôma là một con người thẳng thắn, rõ ràng và thực tiễn. Ngài muốn đi theo Chúa những chính thánh nhân muốn biết con đường. Thánh nhân không nghi ngờ Thiên Chúa cho bằng ngài nghi ngờ những lời chứng của các tông đồ[1].
Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đã không từ bỏ một ai. Chúa đã đợi và hiện ra để gặp thánh Tôma. Chúa đã không từ bỏ thánh Tôma. Ngài đã đối xử với ông hết sức nhẫn nại và đầy lòng thương xót “như người y tá dịu dàng với một đứa trẻ bướng bỉnh.” Chúa đã dùng sự kiên nhẫn và tình yêu để củng cố lòng tin của thánh Tôma. Đây chắc chắn là “một tình yêu vượt quá sự hiểu biết, và một sự kiên nhẫn vượt quá sự hiểu thấu của ông.”
Chúng ta không biết liệu thánh nhân có làm như những gì mình yêu cầu khi gặp Chúa Phục Sinh không nhưng chúng ta chứng kiến được sự biến đổi hoàn toàn của thánh Tôma. Ông đã tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, một lời tuyên xưng chưa hề có ai nói lên: “Lạy Chúa của con và là Thiên Chúa của con” (c. 28). Ông đi theo một lộ trình dài hơn mọi anh em, nhưng ông đã đến gần Đức Giêsu hơn mọi anh em. Vì đối với cá nhân ông, Đức Giêsu là Đức Chúa và Thiên Chúa. Người là Đức Chúa, có quyền năng cứu độ. Quan hệ với Người có tính vững bền trọn vẹn mãi mãi vì Người là Thiên Chúa[2].
Gợi ý suy niệm:
Các môn đệ cần phải xác tín và dám sống chứng tá cho Tin Mừng của Đức Kitô Phục Sinh cho muôn dân thiên hạ. Thứ Sáu Tuần Thánh là thật. Hôm ấy, Chúa đã mang thương tích vào trong Người và đã chịu chết cho chúng ta. Và Chúa Nhật Phục Sinh là vinh quang và sự sống đức tin cứu độ cho chúng ta. Vì thế bài hát “Alleluia” là bài hát của chúng ta. Chúng ta được mời gọi để sống như là những chứng tá của niềm vui, sự hi vọng và lòng thương xót của Chúa cho mọi người.
Chúa đã đến với các môn đệ khi các cửa còn đóng kín. Không có một lý do nào có thể ngăn cản tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trên cuộc đời chúng ta. Tuy nhiên lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta là hãy mở cửa cho Chúa và hãy đến với Chúa khi đời chúng ta gặp nhiều thử thách và gian nan. Theo lẽ tự nhiên, khi chúng ta gặp khó khăn hay chúng ta thường tìm cách đổ lỗi. Chúng ta đổ lỗi cho người, cho đời và cho cả Chúa. Hôm nay, chúng ta được thúc đẩy hãy đến và tìm an ủi trong vòng tay thương xót của Chúa.
Chúa đã không bỏ rơi thánh Tôma lại phía sau. Ngài đã đến để củng cố niềm tin cho thánh nhân. Là những chứng nhân của Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta cũng được thúc đẩy để luôn biết quan tâm và yêu thương không phân biệt một ai. Có đó những con người khác biệt và dường như họ làm cho chúng ta dễ mất kiên nhẫn thế nhưng Chúa mời gọi chúng ta hãy học nơi Ngài, đi ra và trở nên kiên nhẫn, yêu thương hơn đối với họ. Vì không chỉ họ sẽ cảm nghiệm được tình yêu của Chúa nhưng chính chúng ta cũng sẽ nhận ra rằng Chúa đã kiên nhẫn với chúng ta thế nào.
Chú thích:
[1] Kathleen Hughes rscj: A Reflection for the Season of Easter (John 20: 19-31), accessed on August 25, 2024, https://rscjinternational.org/reflection-season-easter-john-20-19
[2] PX Vũ Phan Long, ofm: ĐỨC GIÊSU HIỆN RA VỚI CÁC MÔN ĐỆ, accessed on August 25, 2024, https://www.giaophanbaria.org/chia-se-loi-chua/chua-nhat-va-le- trong/suy-niem-chua-nhat/2013/04/02/cac-bai-chu-giai-tin-mung-chua-nhat-ii-phuc- html
TIN VÀ YÊU
Lm. Giuse Nguyễn Gia Hoàng, SVD
Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Gioan thuật lại cho chúng ta hai lần Đức Giêsu Phục sinh hiện ra với các Tông Đồ. Lần hiện ra thứ nhất không có mặt ông Tôma. Các Tông Đồ khác thuật lại cho ông sự kiện ấy và quả quyết: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,25a). Tuy nhiên, Tôma, một con người đa nghi trả lời: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Ngài, nếu tôi không thọc vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin” (Ga 20,25b).
Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra với các ông và có mặt ông Tôma để tiếp tục củng cố lòng tin cho các ông, đặc biệt với ông Tôma. Đức Giêsu âu yếm nhìn Tôma và nói: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy, hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy, chớ cứng lòng nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Tôma xúc động thưa với Chúa trong hối hận: “Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Tôma đã tin và ông trở thành chứng nhân sống động cho Chúa Phục Sinh.
Khi Đức Giêsu hiện ra và giải quyết những thách thức và đòi hỏi của Tôma, ông đã lấy lại được niềm tin và là một niềm tin sâu sắc bù lại những nghi ngờ trước kia. Theo truyền thống, Tôma đã đi truyền giáo ở Ấn độ, gặp nhiều gian nan thử thách, nhưng vẫn trung kiên rao giảng Đấng Phục Sinh mà chính mắt ông đã thấy.
Nơi Tôma, có cái gì rất đáng yêu, rất đáng để chúng ta ngưỡng mộ. Với ông, có đức tin không phải là chuyện dễ vì ông không bao giờ sẵn sàng vâng lời ngay. Tôma là người muốn biết chắc chắn. Một khi đã biết chắc, ông nhất quyết tin và vâng phục cho đến cùng. Đức tin như Tôma tốt hơn loại đức tin bằng đầu môi chót lưỡi – loại đức tin dễ dàng đến để rồi sau đó đi cách nhanh chóng.
Hôm nay đây, chúng ta đều không đòi hỏi được đặt tay vào cạnh sườn Đức Giêsu như thánh Tôma xưa để được trực tiếp cảm nghiệm được Đức Giêsu Phục Sinh. Tuy nhiên, chúng ta tin vào chứng cớ của Thánh Kinh. Chúng ta có lý trí để xác quyết thêm những điều Kinh Thánh đã truyền cho chúng ta. Và rồi, chúng ta cũng có thể quỳ gối xuống như thánh Tôma đã làm và thưa với Đức Giêsu: “Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con” (Ga 25,28).
Thực sự trong đời sống hằng ngày, ta dùng đến lòng tin rất nhiều. Ở gia đình, cha mẹ dạy ta biết bao điều dù ta chưa thấy mà vẫn tin. Ở trường học, thầy cô truyền đạt cho chúng ta biết bao nhiêu kiến thức ta chưa hề biết, cũng có khi không hiểu, nhưng ta vẫn tin cách không thắc mắc. Nếu ta không tin vào những sự kiện lịch sử thì làm sao ta có thể học được môn lịch sử. Dĩ nhiên, lòng tin của ta chỉ có tính cách tương đối vì những điều ta tin có thể là những điều sai lầm.
Đứng trong phương diện thiêng liêng, lòng tin của chúng ta không phải là cái gì phi lý hay là thái độ của những người thiếu hiểu biết. Trái lại, phải thừa nhận rằng ‘tin’ là thái độ của con người khôn ngoan, là cách sống của người biết dấn thân. Chúng ta không tin viển vông nhưng tin vào những điều Thiên Chúa đã mặc khải. Chúng ta tin những điều chúng ta không thấy và không hiểu, nhưng những điều ấy không bao giờ mâu thuẫn với lý trí con người.
Có một niềm tin thì dễ, tin suông càng dễ hơn, nhưng có được đức tin là chuyện khó. Vì đức tin bao giờ cũng đòi thử thách và cần phải có ơn Chúa thì mới đứng vững được. Đức tin bao giờ cũng là một cuộc từ biệt: từ biệt lòng tự phụ làm mình quá tự tin vào bản thân, tin rằng mình có thể giải quyết mọi vấn đề, có thể đối phó với các trở ngại bằng sức riêng mình, chẳng cần nhờ đến sự can thiệp bên ngoài, bên trên. Vĩnh biệt lòng tự phụ để chấp nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời.
Chúng ta ai cũng có đức tin hoặc mạnh hoặc yếu. Nhưng có đức tin chưa đủ, còn phải sống đức tin nữa. Nghĩa, là đức tin phải được thể hiện ra bằng việc làm như thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17.26). Kitô hữu là người có Đức Kitô trong mình, gắn bó với Đức Kitô và với giáo lý của Ngài, để rồi mỗi người biết lấy Đức Kitô là trung tâm điểm của đời mình.
Tại một ngôi trường nọ, có khoảng chừng 1.500 học sinh, nhưng duy có một em là người Công Giáo. Vì nhà ở xa nên em phải ở nội trú. Trước và sau mỗi bữa ăn, em đều chắp tay cầu nguyện. Nhiều bạn bè thấy vậy đã chế diễu và thưa với thầy giáo.
Một ngày nọ, thầy kêu em lại hỏi:
- Tại sao em lại làm như thế?
- Thưa thầy, con là Kitô hữu nên phải cầu nguyện với Chúa luôn, con không được vô phép lãnh thực phẩm của Chúa ban mà không cảm tạ Chúa.
Liền đó, thầy úp mặt xuống bàn, khóc và nói một cách hổ thẹn:
- Em ơi, ta đây là người tin Chúa song ta chẳng dám tỏ ra cho ai biết. Từ đây sắp tới, nhờ ơn Chúa, ta sẽ cố gằng làm tròn phận sự một Kitô hữu.
Chúng ta phải hiên ngang xưng Chúa ra mọi nơi, trong lời nói cũng như hành động với tất cả niềm tin của mình. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Ngày nay phải truyền giảng Phúc âm bằng đường lối mới. Điều đó không có nghĩa là có Phúc âm mới: Phúc âm luôn thế, nhưng lối truyền giảng phải mới nghĩa là sống đời chứng tá, diễn tả Phúc âm bằng lối sống hiện tại của mình.”
Ngoài việc thể hiện đức tin để tuyên xưng đức tin, chúng ta được mời gọi thể hiện đức tin bằng chính đời sống của mình. Hôm nay, Chúa Nhật của lòng Chúa thương xót, chúng ta hãy nhìn lên Đấng giàu lòng yêu thương để chúng ta xác nhận rằng chúng ta tin vào Ngài thể hiện qua cách thương yêu như Ngài.
Yêu thương được kết trọn qua lời mời gọi của Đức Giêsu “Hãy yêu thương nhau” là một sự từ bỏ triệt để hận thù, ghét ghen và bạo lực. Thay thế tình yêu cho thù hận dường như là một đòi hỏi khó khăn nhất trên đời.
Là những Kitô hữu, chúng ta lựa chọn yêu thương. Đó không phải là một chọn lựa nhu nhược hay thụ động. Chọn yêu thương có nghĩa là tin tưởng mạnh mẽ vào Đức Kitô, bởi nơi Ngài, sức mạnh của chân lý, của công bằng vượt thắng sức mạnh của chiến tranh và hận thù.
Là những Kitô hữu, chúng ta phải cố gắng học theo lòng quảng đại của Thiên Chúa, sẵn sàng tha thứ, không đòi trả thù và oán hận chống lại người khác. Nếu các Kitô hữu không cố gắng bắt chước tình yêu không phân biệt của Thiên Chúa, họ sẽ không tốt hơn những người khác.
Tin và yêu là hai thứ không thể tách rời nhau. Tin mà không yêu thì đó là đức tin hời hợt. Yêu mà không tin thì yêu không được đặt trên nền tảng vững chắc, bởi không được đặt nền nơi “Thiên Chúa là Tình yêu.” Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Ngài vẫn yêu thương con người khi họ còn ở trong vòng tội lỗi. Ngài kiên nhẫn chờ đợi, kêu mời và tạo mọi điều kiện để họ trở về sống trong ân tình của Ngài. Lời mời gọi yêu thương luôn thúc bách mỗi chúng ta biết sống cho đi và sống vì tha nhân. Muốn như vậy, chúng ta cần phải trau dồi cho cuộc sống của mình không chỉ về tri thức, tiền bạc nhưng cả về đời sống thiêng liêng nữa. Bởi vì chỉ khi chúng ta có chúng ta mới có thể cho.
BÌNH AN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH GIỮA NHỮNG BẤT AN CỦA ĐỜI NGƯỜI
Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD
“Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Đó là điều mà các thiên thần đã nguyện chúc cho nhân loại ngay trong ngày Đức Giêsu Giáng Sinh. Trong thời kỳ rao giảng, sau khi chữa lành bệnh tật cho một người nào đó, Đức Giêsu cũng thường căn dặn: Con hãy đi bình an (x. Lc 7,59; 8,48; Mc 5,34). Rồi, khi sai các môn đệ đi rao giảng, Ngài cũng dặn các ông: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này!” (Lc 10,5; Mt 10,12). Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu lại để lại món quà bình an cho các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Phụng vụ Thánh Lễ của Giáo Hội ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của sự bình an này. Các tín hữu trao ban bình an cho nhau ngay trước khi Hiệp Lễ và họ cũng được vị chủ tế chào chúc bình an trước khi ra về, bước vào lòng đời: “Lễ xong chúc anh chị em đi bình an!”
Sự bình an đích thực là món quà rất quý giá mà Đức Giêsu luôn khao khát trao ban cho các môn đệ và cho toàn thể nhân loại ngay từ lúc Giáng Sinh cho đến lúc Ngài “bỏ thế gian và đi về cùng Chúa Cha” (Ga 13,1). Thế nhưng, dường như sự bình an vẫn là cái gì đó hết sức xa xỉ đối với nhiều người và ngay cả đối với các môn đệ của Ngài. Chính vì thế, mà sau khi Đức Giêsu sống lại, trong các cuộc gặp gỡ với các môn đệ, Ngài luôn lặp lại điệp khúc: “Bình an cho anh em”. Trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta nghe Đức Giêsu lặp lại đến ba lần: “bình an cho anh em” (20,19.21.26). Sự lặp lại cách liên tục cho thấy tầm quan trọng của lời chúc này. Đó là điều cần thiết nhất đối với các môn đệ lúc bấy giờ.
Khi mà, một không khí khủng hoảng vẫn bao trùm cộng đoàn các môn đệ. Một đêm tối đức tin dày đặc vẫn đang phủ kín cõi lòng họ. Sự sợ hãi “những người Do thái” vẫn ám ảnh họ từng ngày. Sự thất vọng vì một giấc mộng vàng vỡ tan. Nỗi đau đớn trước sự chia ly, chết chóc của Thầy chí thánh. Dẫu rằng, lúc bấy giờ Phêrô đã chứng kiến ngôi mộ trống; Bà Maria Mácđala cũng đã nói với các môn đệ rằng: “Tôi đã thấy Chúa” và bà đã kể cho họ nghe những điều Đức Giêsu Phục Sinh đã nói với bà. Thế nhưng, những chứng cứ ấy là chưa đủ, để khỏa lấp cái vực thẳm bất an to lớn đang chôn vùi tâm hồn họ. Trong hoàn cảnh đó, chỉ có sự hiện diện và sự trao ban bình an của Đức Giêsu Phục Sinh mới làm cho các môn đệ an lòng.
Quả vậy, Đức Giêsu đã hiện ra, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Và các ông đã vui mừng khôn kể xiết khi được gặp lại Thầy Giêsu. Thật không may cho Tôma là ông không hiện diện và vì thế, không được gặp Thầy như các môn đệ khác. Tuy nhiên, chính sự vắng mặt ấy lại là cơ may cho một cuộc gặp gỡ ly kỳ, hấp dẫn khác, một hành trình đức tin có một không hai của Tôma. Tôma đã quả quyết rất mạnh: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (Ga 20,25)
Chính câu nói này đã khiến cho tên tuổi Tôma được người ta gắn liền với sự kém tin. Tuy nhiên, công bằng mà nói, tâm trạng của Tôma cũng là tâm trạng chung của tất cả các môn đệ lúc bấy giờ. Phêrô cũng phải thấy Chúa rồi mới tin, hai môn đệ trên đường về Emmaus cũng phải gặp Chúa, nói chuyện với Chúa cả buổi, rồi đến lúc Chúa bẻ bánh mới nhận ra Chúa; bà Maria Mácđala thì tưởng Chúa là người làm vườn, chỉ đến khi Chúa gọi tên bà: “Maria!” thì bà mới nhận ra Chúa.
Có thể nói, thánh Tôma như là người thay lời, nói lên tâm trạng nghi ngờ chung của tất cả các môn đệ. “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Quả vậy, nếu Phêrô không thấy Chúa, Phêrô cũng không tin, nếu Maria Mácđala không thấy Chúa, bà cũng không tin, nếu hai môn đệ trên đường Emmaus không thấy Chúa họ cũng không tin, nếu Chúa không hiện ra với các môn đệ thì các môn đệ cũng không tin. Sau khi gặp Chúa Giêsu, Bà Maria đã đi báo tin cho “những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc” (Mc 16,10). Nhưng mà, “nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin” (Mc 16,11). Rồi, hai môn đệ trên đường về Emmaus, sau khi đã thấy Chúa, cũng “trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này” (Mc 16,11-12). Tuy đòi hỏi mạnh mẽ là phải xỏ ngón tay, đặt bàn vào những thương tích khổ nạn của Chúa, thì mới tin, nhưng thực tế, Tôma cũng không cần xỏ tay vào lỗ đinh, cũng không cần đặt bàn tay vào cạnh sườn thầy mình mà chỉ cần được nhìn thấy Thầy như các môn đệ khác.
Vì thế, Chúng ta không nên chỉ nhớ đến Tôma như biểu tưởng của kẻ kém tin, mà nên nhớ đến Tôma nhiều hơn ở một lời tuyên xưng tuyệt vời, lời tuyên xưng mà chỉ có duy nhất một mình ông mới có được: “Lạy Đức Chúa, lạy Thiên Chúa của con”.[1] Chính Tôma là môn đệ đầu tiên xác tín Đức Giêsu là Thiên Chúa, chứ không phải Phêrô hay môn đệ thân tín nào khác. Như vậy, tuy tiến trình đến với niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh của Tôma có vẻ chậm hơn nhưng lại chắc hơn hết, niềm tin của ông đạt đến mức thập toàn.
Cũng chính nhờ thánh Tôma mà Đức Giêsu đã tuyên bố mối phúc khác, có thể gọi là mối phúc thứ 9: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. Đây là một mối phúc hết sức quan trọng đặc biệt cho cộng đoàn các tín hữu thế hệ đầu tiên và cho tất cả các tín hữu qua mọi thời đại, kể cả chúng ta nữa. Đức Giêsu đã về trời. Ngài không còn hiện diện cách hữu hình nữa. Chính vì thế niềm tin của chúng ta đòi hỏi một cảm nghiệm thiêng liêng về sự hiện diện vô hình, mọi lúc, mọi nơi của Ngài. Đó là thách đố không hề nhỏ mà mỗi tín hữu phải vượt qua trên hành trình đức tin.
Mỗi người chúng ta đều đã, đang hoặc sẽ đối diện với biết bao nhiêu lo lắng sợ hãi. Sợ hãi vì bệnh tật, chết chóc. Lo lắng vì nghèo khổ; vì nợ nần chồng chất; bất an vì những tai nạn thảm khốc; bất an vì tội lỗi, xa cách Chúa; bất an vì gia đình tan vỡ; bất an vì con cái, người thân, rơi vào nghiện ngập, sa đọa; đau khổ vì những bệnh tật thể xác và tinh thần. Những đau khổ trong cuộc đời nhiều khi quá lớn đến nỗi chúng ta đánh mất niềm tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa. Những nghịch cảnh quá trái ngang làm cho chúng ta nghi ngờ về sự hiện diện và đồng hành của Đức Kitô Phục Sinh trong đời mình. Đó mới thực sự là nỗi bất an đáng lo ngại nhất.
Thánh Phêrô đã nói rằng: “Anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1 Pr 1,6-7). Nguyện chúc cho mỗi người chúng ta luôn có được niềm tin vững chắc vào sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh trong từng phút giây của đời mình, để rồi luôn tìm được nguồn bình an đích thực giữa những sóng gió của cuộc đời mình, của người thân, của gia đình mình và được hưởng vinh quang nước trời mai sau. Amen!
[1] Theo R. Brown, thì đây là lời tuyên xưng mang tính Ki-tô học đỉnh cao của Tin Mừng Thứ Tư. Lời tuyên xưng này liên kết cách chặt chẽ với lời giới thiệu “Ngôi Lời là Thiên Chúa” trong Lời Tựa của Tin Mừng [R. E. BROWN, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes (Anchor Yale Bible; New Haven – London 2008) 29A, 1047].
BÌNH AN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH
Lm. G.B. Nguyễn Hữu Duy, SVD
Trong thời gian phải cách ly xã hội vì đại dịch covid-19, có một chị nhắn tin cho tôi: Cha cho con xin phép hỏi thăm, có một số vấn đề làm con hoang mang quá. Con nghe mọi người chia sẻ rằng phải mua nến, áo Đức Mẹ, nước thánh, gạo, muối … Theo cha thì con có nên làm vậy không? Tôi trả lời chị rằng: Hiện nay hãy ở nhà, giữ sức khoẻ, ăn uống đầy đủ. Chưa cần phải tích trữ lương thực, cũng không cần mua ảnh tượng gì. Cố gắng tích đức và sống cho ngay chính; hãy biết cầu nguyện xin Chúa ban bình an.
Sau đó, chị lại nhắn tin hỏi tôi: Cha ơi, sắp tới Đức thánh cha Phanxicô sẽ ban phép lành toàn xá phải không? Và cần những điều kiện gì để nhận ơn toàn xá? Tôi giải thích cho chị điều kiện để được ơn toàn xá là phải xưng tội rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng. Chị lại hỏi: Xưng tội là tự xưng tại nhà phải không cha? Vì đang trong thời gian cách ly, Giáo Hội cũng không cho phép xưng tội qua điện thoại nên tôi bảo: Nếu hiện tại không mắc tội trọng thì vẫn được.
Câu chuyện trên phản ảnh một thực tế rằng trong cơn đại dịch, người ta lo lắng, sợ hãi, hoang mang, tìm chỗ bám víu, tìm nguồn an ủi, đỡ nâng; tìm sự bình an trong tâm hồn mà tiền bạc, của cải, tài năng hay chức quyền không thể mang lại cho họ.
Bình an là thứ nhân loại vẫn khát khao kiếm tìm, nhưng cách người ta hiểu khái niệm bình an có thể không giống nhau và cũng không có cùng một cách tìm kiếm bình an. Bình an đối với người này có thể được hiểu như là tình trạng không có chiến tranh, nhưng đối với người kia, bình an là khi được đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết. Có người xem bình an là khi không có bệnh tật, không phải lo lắng hay ưu sầu về bất kỳ điều gì. Người khác lại cho rằng bình an là lúc mọi sự đều xuôi thuận, là khi mọi sự được theo ý mình muốn … Ngặt nỗi, thế giới chẳng bao giờ vắng bóng chiến tranh hoàn toàn; con người không bao giờ cảm thấy thoả mãn với những gì mình đang có hiện tại; cuộc sống bao giờ cũng có những điều không như ý, không thuận lợi. Vậy nên bình an theo cách hiểu bình thường của con người vừa là một nỗi khát khao, day dứt khôn nguôi, vừa là một thứ gì đó đầy bấp bênh vì không bao giờ ổn định lâu dài hay được thoả mãn hoàn toàn.
Chúa Giêsu Phục Sinh trong bài Tin Mừng hôm nay ba lần nói với các môn đệ: “Bình an cho anh em”. Đây là loại bình an nào vậy? Chúa Giêsu từng hứa với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Như thế bình an của Chúa Giêsu có gì đó khác biệt so với thứ bình an theo kiểu thế gian? Và phải chăng khi có bình an của Chúa Giêsu, các môn đệ sẽ không xao xuyến, sợ hãi?
Lần thứ nhất: Chúa Giêsu hiện ra với lời an ủi các môn đệ, “Bình an cho anh em” (Ga 20,19). Đặt vào bối cảnh bản văn, chúng ta có thể hiểu các môn đệ đang lo lắng, u sầu, sợ hãi, vì cái chết đau đớn và tức tưởi của Thầy, vì sự o ép và truy bắt của giới chức Do Thái, vì lý tưởng đã tan thành mây khói. Vậy nên lời đầu tiên của Đấng Phục Sinh là lời ủi an “Bình an cho anh em”. Đây không phải là một lời chào bình thường quen thuộc của người Do Thái mỗi khi gặp nhau, mà là một lời xác quyết về sự hiện diện của Đấng đã chết nhưng nay đang sống trước mặt các môn đệ. Quả vậy, sau lời chào bình an, Chúa Giêsu cho các ông xem tay và cạnh sườn. Sau những ngày lo lắng, bất an, hoang mang vì không có Thầy bên cạnh: Lo sợ bị bắt; hoang mang vì chưa biết phải làm gì, tương lai sẽ đi về đâu; bất an vì không biết dựa vào đâu, thì sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh mang lại bình an cho các môn đệ. Nhìn xem tay và cạnh sườn Thầy, các ông hiểu rằng Thầy đã chết thật; đồng thời, cũng xác tín rằng Thầy đã thật sự sống lại. Bình an của các môn đệ lúc này không chỉ là được gặp lại Thầy, mà trên hết là niềm xác tín rằng Thầy đã bước ra khỏi sự tăm tối của cái chết mà bước vào miền ánh sáng phục sinh; Thầy đã thoát khỏi sự đe doạ của cái chết, để mang lại niềm hy vọng tràn đầy.
Vì thế, phản ứng tức thời của các môn đệ là vui mừng vì được thấy Chúa. Vui vì các ông không còn phải một mình đối diện với khó khăn; vui vì được giải toả khỏi nhiều áp lực do sợ hãi và bất an. Các ông vui mừng và bình an vì Thầy đang sống, đang ở bên các ông trong giây phút hiện tại này. Tuy nhiên, liệu thứ bình an vì có Thầy hiện diện hữu hình bên cạnh có kéo dài được mãi?
Lần thứ hai, Chúa Giêsu Phục Sinh lại tiếp tục nhắn nhủ các môn đệ: “Bình an cho anh em” (Ga 20,21). Lời chúc bình an này chắc hẳn không còn là lời trấn an các ông khỏi sự sợ hãi như ban đầu, không còn chỉ để chứng tỏ Người đã sống lại, không còn chỉ để các ông có những giây phút đoàn tụ vui vẻ của tình Thầy trò, nhưng là lời mở đầu cho một sứ vụ lớn lao: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21b). Lời chúc bình an lúc này đi kèm với một sứ mạng mà Đấng Phục Sinh sắp trao cho các môn đệ.
Thật vậy, sứ mạng của Chúa Giêsu ở trần gian theo sự uỷ thác của Chúa Cha đã chấm dứt. Giờ đây Đấng Phục Sinh chuyển giao sứ mạng đó để các môn đệ của Người tiếp nối. Như Chúa Cha đã sai Người vào thế gian, giờ Người cũng sai các môn đệ ra đi: Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói (x. Lc 10,3; Mt 10,16). Đây là một sứ mạng có nhiều khó khăn, thử thách, lắm khi phải đối diện với nhiều sự đe doạ, sợ hãi và nao núng. Vì thế, trước khi đón nhận sứ mạng đó, Chúa Giêsu ban bình an của Người cho các ông: Bình an cho anh em. Bình an này không loại trừ khỏi cuộc đời các ông những khó khăn, thử thách, nhưng là thứ bình an vì có Đấng Phục Sinh đồng hành. Lời chúc bình an của Đấng Phục Sinh không giúp các ông miễn nhiễm với những bất trắc, những nghịch cảnh, những trái ý trong hành trình sứ vụ. Nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người môn đệ không hề đơn độc, vì Đức Giêsu Phục Sinh đã hứa sẽ “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28,20).
Ở cùng bằng cách nào đây? Thưa, trước khi đón nhận sứ mạng này, Chúa Giêsu Phục Sinh thổi hơi ban Thánh Thần cho các môn đệ: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Bình an của các môn đệ chính là có sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh thông qua Thánh Thần, Đấng sẽ ở cùng các ông trên mọi nẻo đường sứ vụ. Đức Giêsu Phục Sinh không còn hiện diện, cùng ăn uống, trò chuyện, hướng dẫn và đồng hành với các môn đệ nữa. Nhưng Người cũng không bỏ các ông đơn độc, không để các ông mồ côi, không bỏ rơi các ông giữa bao sóng gió của hành trình sứ vụ: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14,18). Giờ đây Thánh Thần chính là Đấng soi sáng, là người dẫn đường, là bạn đồng hành, là nguồn sức mạnh, là sự ủi an, và là nguồn động viên cho các môn đệ trong khi thi hành sứ vụ, đúng như lời Chúa Giêsu từng hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16).
Lần thứ ba trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu Phục Sinh lại cầu chúc bình an cho các môn đệ; lần này có sự hiện diện của ông Tôma: “Bình an cho anh em” (Ga 20,26). Rồi Người bảo ông Tôma: “Hãy đặt ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Ông Tôma không chỉ được “xem tay và cạnh sườn Thầy” như các môn đệ khác, mà còn được Chúa đồng ý cho “xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn Thầy”. Ông không chỉ muốn “thấy” mà con muốn được “sờ” và Chúa đã đồng ý đáp ứng mong muốn của ông. Tin Mừng không tường thuật chi tiết liệu ông có dám xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn Thầy hay không, nhưng có lẽ suốt đời ông sẽ chẳng bao giờ dám mảy may nghi ngờ hay đòi thấy, đòi sờ Chúa nữa. Đức tin của ông đã được nâng lên đến tột cùng: “Lạy Chúa của con (ὁ κύριός μου), lạy Thiên Chúa của con (ὁ θεός μου). Lòng ông được an bình đến lạ kỳ vì không còn bất cứ ước mong hay mảy may nghi ngờ nào nữa.
Từ kinh nghiệm của ông Tôma trở về sau, tất cả những ai tin vào Đức Giêsu Phục Sinh chắc chắn được chúc phúc: đó là phúc được bình an trong sâu thẳm tâm hồn, lấp đầy mọi khát khao của con người. Các Kitô hữu tiên khởi, theo tường thuật của sách Công Vụ Tông Đồ trong bài đọc một (x. Cv 2,42-47), hẳn đã cảm nếm được bình an đó của Đấng Phục Sinh đến nỗi họ sẵn sàng “bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu”; họ “để mọi sự làm của chung”. Họ chỉ tập trung “chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, sống hiệp thông với nhau, siêng năng dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”. Họ chia sẻ bữa ăn huynh đệ với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ hết lòng “ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến”. Nhờ đó mà mỗi ngày có thêm những người gia nhập vào cộng đoàn này, cộng đoàn của những người được cứu độ.
Đó là những người mà theo thư thứ nhất Phêrô trong bài đọc hai, đã “được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai” (1 Pr 1,4). Dẫu vậy, bao lâu còn sống giữa trần gian này, các Kitô hữu vẫn còn “phải ưu phiền ít lâu giữ trăm chiều thử thách” nhằm “tinh luyện đức tin là thứ quý hơn vàng gấp bội”. Nhưng những ai vững tin vào Đấng Phục Sinh thì luôn được “chứa chan một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin là ơn cứu độ con người” (x. 1 Pr 1,3-9). Đó thật sự là phúc lộc bình an mà Chúa Phục Sinh ban cho những ai tin vào Người và nhờ tin vào Người mà được thông phần sự sống của Đấng Phục Sinh (x. Ga 20,31).
Giữa đại dịch này, biết bao nhiêu người, bao gia đình, nhiều tổ chức, tập thể đang lo lắng, hoang mang, sợ hãi, vì cái ăn, cái mặc, vì sự đe dọa an nguy đến tính mạng của bản thân và người nhà và sâu xa đâu đó còn vì đói khát tâm linh. Chúng ta cầu xin Chúa Phục Sinh ban cho họ bình an của Người. Xin cho họ cảm nhận được sức mạnh của Đấng đã chết và đã sống lại để họ không bị sức nặng của phận người, nhất là khi đứng trước sự đe doạ của cái chết, nhấn chìm trong âu lo, sợ hãi. Và mỗi người chúng ta cũng hãy tự hỏi mình: Liệu chúng ta có đang tìm kiếm thứ bình an mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay không? Hay chúng ta đang kiếm tìm chỗ dựa nào khác, loại bình an nào khác hay chốn an bình nào khác?
BÌNH AN VÀ SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Lm. Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD
Ngay từ giây phút Phục Sinh, Chúa Giê-su đã trở về với sự sống vinh quang của Người. Tuy thế, Người còn muốn nhiều lần gặp gỡ các môn đệ, đó là để giúp họ hiểu rằng: Người đã phục sinh từ trong cõi chết và nay Người vĩnh viễn bước vào “cuộc sống viên mãn”. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, thánh Gio-an đã thuật lại một trong những cuộc gặp gỡ này, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su Phục Sinh với các Tông Đồ và ban bình an cùng sứ mạng cho các ông. Với sự bình an này, Chúa muốn các Tông Đồ hãy xác tín về mầu nhiệm Phục Sinh của Người, và hãy vui mừng ra đi làm chứng nhân cho Đấng Phục Sinh.
Đức Ki-tô trao ban bình an và trấn an các môn đệ
Lời đầu tiên của Chúa Phục Sinh gửi tới các môn đệ là lời: “Bình an cho các con!” Đọc những trình thuật Phục Sinh trong bốn cuốn sách Tin Mừng, chúng ta nhận thấy các tác giả đều nhắc lại lời chào của Đức Giê-su khi hiện ra đối với các môn đệ: “Bình an cho các con; hoặc bình an cho anh em”. Chúng ta có thể thắc mắc tại sao Đức Giê-su chúc bình an cho các ông nhiều như vậy? Hẳn nhiên, chúng ta biết rằng đây là giai đoạn các môn đệ đang trải qua cơn khủng hoảng và đầy sợ hãi sau thảm cảnh thập giá. Bao nhiêu hy vọng và hoài bão của các ông phút chốc tan thành mây khói. Vì thế, lúc này là lúc các ông rất cần có bình an, không chỉ là bình an thuộc diện thể lý, nhưng quan trọng hơn, đó là bình an trong sâu thẳm nội tâm. Sự bình an này chỉ có thể có được khi chính Đấng Bình An ban cho, còn mọi sự bình an khác chỉ là giả tạo. Bình an của Chúa không giống với bình an của thế gian. “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27). Đó chính là sự hiện diện của Chúa trong thâm sâu tâm hồn người môn đệ, bình an ngay cả khi đang sống trong nỗi sợ hãi, hoang mang, chán nản và mất phương hướng.
Mỗi lần Chúa Giê-su hiện ra, Ngài phải đối diện với sự nghi ngờ. Các Tông Đồ thấy Ngài mà không nhận ra Ngài, như thể có một tấm màn che mắt các ông. Trên đường Em-mau, Chúa Ki-tô Phục Sinh trong một thân xác mới và các môn đệ không nhận ra Ngài. Chính vì đã có biến cố thứ Sáu Tuần Thánh, nên các môn đệ không hiểu được sao Ngài lại còn có đó. Đức Giê-su đi bước trước, Ngài cho các ông thấy được Ngài. Ngài hiện ra giữa các môn đệ, như trong các cuộc thần hiện. Để trấn an và xóa tan sự hoài nghi nơi các môn đệ, Ngài cho các ông xem thấy những vết thương ở chân và tay. Ngài cho thấy thân xác ấy không phải là của một hồn ma, nhưng là thân xác vinh hiển của Đấng Phục Sinh. Thân xác phục sinh ấy vẫn còn mang những vết thương ở tay, chân và cạnh sườn, chứng tích của tình yêu thương mà Ngài đã trải qua. Việc các môn đệ đụng chạm đến các vết thương đồng nghĩa với việc các ông được chứng thực các vết thương và thân thể của Chúa là duy nhất, đang sống. Kinh nghiệm này đã làm cho các môn đệ không còn nghi ngờ gì nữa, lúc đó, các ông tràn ngập vui mừng hân hoan.
Đức Giê-su sai các môn đệ ra đi làm chứng nhân cho Ngài
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Bình an là món quà, là ân huệ mà các môn đệ đã được đón nhận cách nhưng không từ Chúa Giê-su Phục Sinh. Như thế, ân huệ luôn đi đôi với sứ mạng; và đó chính là cung cách hành động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, trong lịch sử của Giáo Hội. Sứ mạng loan báo Tin Mừng luôn là việc cấp thiết, mang tính sống còn đối với người môn đệ của Chúa. Chúa Giê-su đặt các môn đệ làm chứng nhân chính thức về Tin Mừng của Người; các ngài sẽ đứng ra đảm bảo cho đức tin. Sự bình an và kinh nghiệm đức tin mà các môn đệ đã được đón nhận từ Chúa Giê-su Phục Sinh sẽ kèm theo sứ mạng làm chứng nhân, sứ mạng này không được miễn chước, mà gắn liền với những gian khổ, thử thách, ngục tù, chết chóc… như bao cuộc đời của các môn đệ Chúa suốt hơn hai ngàn năm nay. Như thế, đứng trước sứ mệnh làm chứng nhân về Tin Mừng đầy gian khổ và thử thách, chắc hẳn các môn đệ phải có thêm sức mạnh trong nội tâm. Bình an cùng với kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Ki-tô Phục Sinh mà các ông có được là chưa đủ, phải cần thêm một trợ lực nữa mới có thể làm cho họ có đủ can đảm để ra đi. Điều này Chúa Giê-su đã tiên liệu từ trước và hôm nay chính Ngài đã ban Thánh Thần là nguồn trợ lực cho các môn đệ: “Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,21-22). Trong sách Sáng Thế, như Thiên Chúa đã thổi hơi ban sự sống vào con người đầu tiên thế nào, thì hôm nay Chúa Phục Sinh cũng thổi hơi ban Thần Khí vào các môn đệ để tái tạo họ cho sứ mệnh mới. Với sức mạnh của Thánh Thần các ngài mạnh dạn tung cửa ra ngoài, hiên ngang rao giảng về Đức Ki-tô, Đấng đã tự nguyện cho con người đóng đinh, giết chết, nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại. Người đang hiện diện sống động giữa các ngài và đang hoạt dộng mãnh liệt trong các ngài. Cũng như xưa các môn đệ là chứng nhân của Chúa Ki-tô Phục Sinh cho muôn dân, mỗi người chúng ta với tư cách là môn đệ của Người cũng được mời gọi tiếp tục công cuộc chứng nhân này.
Lời mời gọi này nhắc chúng ta nhớ đến bổn phận của mình, bổn phận truyền giáo cho thế giới. “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”. Chúng ta phải tiếp tục sứ mạng của các Tông Đồ, vinh dự đứng vào hàng ngũ các chứng nhân. Ðể sứ mạng truyền giáo mang lại kết quả tốt nhất, chúng ta phải có sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su, có kinh nghiệm gặp gỡ Người thật sâu lắng, sống với cái chết của Người mỗi ngày và nếm được niềm vui Phục Sinh mà Người ban tặng. Hãy dùng mọi phương tiện tốt lành chúng ta có được cùng với đời sống năng cầu nguyện để loan báo Tin Mừng, phần còn lại Chúa Thánh Thần sẽ hỗ trợ cho chúng ta, vì Chúa Thánh Thần mới là tác nhân chính của việc truyền giáo. Ngài sẽ làm những việc lớn lao mà chúng ta không ngờ, miễn là chúng ta tự nguyện trở nên khí cụ trong tay Ngài. Amen.
NIỀM TIN PHỤC SINH
Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thành Trung, SVD
Sau khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, các môn đệ của Người đã trở nên lạc lối như “rắn mất đầu”, không biết đi về đâu và nên làm gì. Họ rơi vào tình trạng thất vọng, sợ hãi, chán chường và khủng hoảng, thậm chí đánh mất thứ quí giá nhất nơi con người mình là niềm tin, thứ được xem là điểm tựa để họ vươn lên, là sức sống để họ tiếp tục tồn tại nhưng giờ đây đã không còn nữa. Nhưng rồi cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Phục Sinh đã xóa tan mọi bóng mây đen của cuộc đời, niềm vui như vỡ òa, cuộc sống lại trở nên ý nghĩa khi đón nhận bình an từ Đấng Phục Sinh: “Bình an cho các con” (Ga 20,19).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan thuật lại hai lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với các Tông Đồ. Lần thứ nhất, Người ban bình an và củng cố niềm tin cho các ông:“Bình an cho các con!Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”(Ga 20,19-21). Rồi Người còn trao ban Thánh Thần và quyền bính:“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha; anh em cầm buộc tội ai, thì tội người ấy bị cầm buộc” (Ga 20,22-23).Có thể nói, Chúa Phục Sinh đã trao ban cho các Tông Đồ những “hành trang” cần thiết để các ông đủ khả năng gánh vác và tiếp tục sứ vụ cứu độ nhân loại mà Người được Thiên Chúa Cha trao phó.
Lần hiện ra thứ nhất của Chúa Kitô Phục Sinh với các Tông Đồ chưa trọn vẹn vì thiếu vắng Tôma. Ông chưa gặp Chúa Kitô Phục Sinh nên vẫn còn sống trong cảnh buồn chán, thất vọng và mất niềm tin. Chính vì lẽ đó, khi nghe các Tông Đồ thuật lại việc họ gặp được Chúa Kitô Phục Sinh thì ông phản ứng một cách mạnh mẽ và đầy thách thức của một con người đang thất vọng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh; và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”(Ga 20,25).
Chúa Kitô Phục Sinh vẫn kiên nhẫn đáp lại ước nguyện của ông: Tám ngày sau, các môn đệ có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em. Rồi Người bảo ông Tôma: Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”(Ga 20, 26-27).
Đấng Phục Sinh không trách ông Tôma. Người biết ông, hiểu ông, thương mến ông và muốn củng cố lòng tin cho ông. Đáp trả lại sự bao dung và quảng đại đó, ông đã bày tỏ một thái độ đầy khiêm nhường và thiện chí đáng để chúng ta khâm phục. Đó là thái độ xứng đáng của một người tin thật sự. Chắc là ông không cần phải thực hiện lời nói của mình: phải chạm đến, phải sờ vào. Nhưng khi cảm nhận được những gì Thiên Chúa đặc biệt đối đãi với mình, trái tim ông đã tràn ngập một thứ duy nhất mang tên “Tin”. Ông tin vào một Thiên Chúa Tình Yêu, tin Thầy mình là Đức Giêsu đã chết và sống lại thật, là Chúa thật và là Đấng Cứu Độ. Đấng đó vì yêu thương nên đang hiện diện trước mắt ông, nói chuyện với ông để rồi ông phải sụp lạy và thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”(Ga 20,28). Đó là lời nói được thốt ra từ miệng của một con người tuyệt đối tin tưởng và phó thác. Là người đón nhận niềm tin phục sinh sau các Tông Đồ khác nhưng ông Tôma trở thành người đầu tiên tuyên xưng thần tính của Đức Giêsu cách trọn vẹn nhất.
Trải qua rất nhiều khó khăn, các Tông Đồ mới tin nhận Đức Kitô Phục Sinh. Nhưng khi đã tin nhận rồi thì các ngài đã hoàn toàn để cho Đấng Phục Sinh lôi kéo mình vào lối sống mới, can đảm ra đi làm chứng cho điều mình đã lãnh nhận dù có phải hy sinh mạng sống của mình. Niềm tin và hy vọng đã và đang cháy sáng trong lòng các ông.
Còn chúng ta thì sao? Là người Kitô hữu, chúng ta có sẵn sàng mang dấu tích của Chúa Kitô Phục Sinh không? Có sẵn sàng chịu đau khổ, chịu chết đi cho tội lỗi, cho cái tôi của mình để hoà giải nhân loại với Chúa, và với nhau không?
Đây là câu hỏi không dễ để trả lời, nhất là khi chúng ta đang sống trong một xã hội tục hóa, với một cơ chế giáo dục đang xuống cấp như hiện nay, khi sự dữ vẫn còn tồn tại và ngày càng tinh vi hơn.Tội lỗi và sự ích kỷ hưởng thụ của con người ngày càng ghê gớm, dẫn đến nạn môi trường ô nhiễm, rừng bị tàn phá, bầu khí quyển ô nhiễm; hơn nữa, chiến tranh, thù hận, giết người, bất công xã hội ngày càng gia tăng, một xã hội có quá nhiều trào lưu hưởng thụ, chạy theo những đam mê thấp hèn và bất chính… mất hết niềm tin vào nhau.
Vậy làm sao chúng ta có thể trình bày cho nhân loại gương mặt của Chúa Kitô Phục Sinh khi con người ngày nay không hề dễ tin? Họ cũng có những đòi hỏi như ông Tôma là phải được thấy, được sờ, được kiểm nghiệm, phải có dấu chứng mới chịu tin. Làm sao họ có thể nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô Phục Sinh nếu họ không thấy những vết thương, những chứng tích của Chúa Kitô đóng đinh nơi tay chân, nơi thân xác, nơi cuộc sống của chúng ta? Làm sao họ đón nhận được niềm vui nơi một khuôn mặt không có nụ cười?Làm sao họ có được niềm vui nơi một gương mặt giận dữ và những lời nói nặng nề, chua cay và gắt gỏng? Cũng thế, làm sao họ có được niềm vui nơi những người chỉ biết trốn chạy, đùn đẩy khó khăn cho người khác, với những lời lẽ khô khan, nguội lạnh, vô cảm? Làm sao họ có thể tin nếu họ không thấy chứng tích của những khuôn mặt hy sinh, quên mình phục vụ cho tha nhân và phục vụ Tin Mừng?
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta hay trách móc người khác sống không có niềm tin. Nhưng có khi nào chúng ta tự nhìn lại bản thân, nhìn lại cách sống của mình chưa? Nếu chúng ta mình chưa thật sự sống tốt với niềm vui Phục Sinh mà mình đã lãnh nhận, thì làm sao chúng ta có thể loan truyền tin vui đó cho người khác.
Thật vậy, chỉ khi chúng ta nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh và lắng nghe mệnh lệnh của Người, thì chúng ta mới có thể mang niềm vui và bình an đến cho người khác được. Nghĩa là chúng ta biết giúp đỡ và chia sẻ với người khác khi cần, biết nói những lời động viên an ủi, biết lắng nghe và khích lệ tinh thần, biết khiêm nhường, bớt nóng giận để có thể cho đi một nụ cười, biết nhẫn nhịn khi bị thiệt thòi, biết chấp nhận sự khác biệt văn hóa vùng miền… để cho cuộc sống được nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn.
Ước gì mỗi người chúng ta đều mang những chứng tích tình yêu của Chúa Kitô Phục Sinh chịu đóng đinh trên tay, chân, trên thân xác, trong cuộc sống… để chia sẻ với Chúa Kitô những vết thương của những người bất hạnh khổ đau đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, nhờ đó chúng ta mới có thể làm chứng về Chúa Kitô Phục Sinh.
Lạy Chúa,xin ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con nhạy cảm nhận ra Chúa trong mọi nơi, mọi lúc, nhất là nhận ra Chúa nơi từng người mà chúng con gặp gỡ.
LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA
Lm. Phêrô Lê Xuân Huy, SVD
Chúa Nhật II Phục Sinh hôm nay là Chúa Nhật kết thúc Tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh. Bài Tin Mừng Thánh Gioan có thể được xem như là: một tổng kết về mầu nhiệm Phục Sinh và là một tổng kết con đường đức tin của các tông đồ, từ ngày được gọi theo Đức Giêsu cho đến giây phút được củng cố đức tin bởi quyền năng của Đấng Phục Sinh. Chính quyền năng của Đức Giêsu Phục Sinh đã đổi mới con người và cuộc sống của các tông đồ, để các ông có thể làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh và chu toàn sứ mạng Ngài trao phó.
Ngôi mộ trống không đủ bằng chứng thuyết phục các Tông đồ tin Đức Giêsu Phục Sinh. Vì chưa tin nên các Tông đồ còn sợ hãi, đã giam mình trong căn phòng đóng kín cửa. Vì chưa tin nên Tôma đòi “phải nhìn tận mắt, sờ tận tay” (Ga 20,25). Vì thế, Đức Kitô Phục Sinh đã đích thân hiện ra đứng giữa các Tông đồ, cầu chúc bình an cho các ông, sai các ông ra đi với sứ mạng mà Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Cha và thông ban Thánh Linh và ơn tha tội cho các ông, để các ông làm chứng cho sự phục sinh của Ngài: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cần giữ” (Ga 20,23). Đồng thời, Đức Giêsu Phục Sinh mời gọi Tôma sờ vào những vết thương của Ngài: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27).
Tôma đã cứng lòng tin, trước chứng cứ của cả nhóm Tông đồ đã thấy Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với họ. Nhưng khi đã tin, thì niềm tin của Tôma được thể hiện một cách mạnh mẽ, không chỉ bằng lời tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28), mà Tôma còn thể hiện niềm tin, bằng cả cuộc sống chứng tá và nhất là bằng cái chết tử đạo của mình. Chính nhờ sự cứng lòng tin của Tôma, mà chúng ta được chúc phúc “phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). Chính nhờ lời tuyên tín cùng với cuộc sống và cái chết của Tôma, mà niềm tin của chúng ta được củng cố. Ngày nay, chúng ta không còn được thấy và sờ vào thân xác của Đức Giêsu Phục Sinh, để tin Ngài đã sống lại, nhưng chúng ta tin vào Đức Giêsu Phục Sinh qua thế giá của Kinh Thánh, của Giáo hội và của các bậc tiền nhân. Chúng ta không thấy Đức Giêsu sống lại, nhưng chúng ta tin, vì Kinh Thánh đã nói về việc Ngài Phục Sinh và lòng tin của Giáo hội hơn 2.000 năm qua. Chúng ta tin Đức Giêsu Phục Sinh đang sống và đang đồng hành với chúng ta trong mọi biến cố của cuộc sống như Ngài đã nói: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Con người ngày nay đang sống trong thời đại khoa học thực nghiệm, nên không dễ dàng chấp nhận điều mà họ chưa kiểm nghiệm: “Trăm nghe không bằng mắt thấy”. Hơn nữa, trong một xã hội “vàng thau lẫn lộn” quá nhiều mưu mô, lừa đảo, nên cần phải có những chứng nhân thực sự, không chỉ bằng lời nói, nhưng là sống niềm tin bằng những hành động cụ thể. Vì thế, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nghe người khác nói hay chính chúng ta cũng nói như Tôma: “Nếu tôi không thấy thì tôi không tin”, hoặc “Tôi thấy, tôi mới tin”. Nhưng có lẽ chúng ta không để ý hay không biết điều chúng ta đòi hỏi hoặc yêu cầu là mâu thuẩn và vô nghĩa. Bởi vì bản chất của tin là không thấy. Nếu thấy rồi thì không phải là tin nữa. Vì tin là chấp nhận một quả quyết của người khác là đúng sự thật mà mình không thấy và không chứng kiến. Tin là chấp nhận một điều gì chúng ta không thấy, nhưng chúng ta vẫn chấp nhận, vì điều đó hợp lý, hợp tình, dựa vào một thế giá nào đó như: sách vở, nhân chứng, sự kiện…
Chẳng hạn chúng ta không thấy vua Quang Trung, không thấy tổ tiên chúng ta, không thấy tình yêu hay sự thù ghét của người khác, nhưng chúng ta vẫn tin và không thắc mắc gì cả. Bởi vì có sách vở ghi lại, có người khác kể lại hay có dấu hiệu bên ngoài làm chứng. Do đó, niềm tin trong đạo của chúng ta cũng thế. Có những mầu nhiệm vượt qúa sức hiểu biết của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn tin, vì có Kinh Thánh ghi lại, có Giáo hội tông truyền thuật lại và có những bằng chứng của biết bao người đã sống trước chúng ta hoặc đang sống với chúng ta.
Sự kiện Đức Giêsu Phục Sinh là một trong những chân lý đức tin, và là một mầu nhiệm lớn nhất trong Đạo. Đây là chân lý nền tảng cho cuộc sống đức tin của nhười Kitô hữu chúng ta, như Thánh Phaolô đã xác quyết: “Nếu Đức Giêsu đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… Nhưng Đức Giêsu đã chổi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai an giấc ngàn thu”. (1Cr 15, 14-20).
Chân lý đức tin này giúp chúng ta có cái nhìn mới về Thiên Chúa, về chính mình, về cuộc đời, về sự sống, sự chết, đời này và đời sau, về lịch sử và những biến cố thăng trầm trong cuộc sống. Nhưng chính mỗi người chúng ta phải cảm nghiệm được những cái nhìn mới này, để hướng dẫn và giúp chúng ta sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Vì thế, đừng bao giờ chúng ta hài lòng với một đức tin lý thuyết và hình thức, nhưng phải sống với một đức tin chân thật và nhân ái. Chính đời sống tốt đẹp của chúng ta, như thực thi các việc đạo đức, sống hài hòa, công bình bác ái, quảng đại, phục vụ, yêu thương mọi người. Nếu chúng ta sống được như thế là chúng ta đang thể hiện niềm tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu và sự phục sinh của chính chúng ta.
Chúng ta đã tin, đã được chúc phúc và được mời gọi tiếp tục làm chứng cho niềm tin Phục Sinh, bằng chính con người và cuộc sống của chúng ta. Nhưng làm sao chúng ta có thể nói cho người khác tin vào một mầu nhiệm khó hiểu và khó tin trong thời đại khoa học ngày nay, nếu chúng ta không có một đời sống đức tin trưởng thành và kiên vững, được thể hiện qua đời sống bác ái, yêu thương, quảng đại, can đảm dấn thân, hy sinh phục vụ vì Chúa và vì anh chị em chúng ta.
Đức Kitô đã chết, đã phục simh vinh hiển và đã hiện ra với các môn đệ, để củng cố niềm tin cho các ông. Xin Đức Giêsu Phục Sinh củng cố niềm tin yếu kém của chúng ta, để chúng ta có thể mạnh dạn tuyên xưng Đấng Phục Sinh bằng chính con người và cuộc sống của chúng ta mọi nơi, mọi lúc. Xin cho chúng ta được trở nên những sứ giả của Đấng Phục Sinh, để đem yêu thương, an bình và niềm vui đến cho những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hàng ngày. Amen