Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 2 Mùa Vọng – Năm C

0
900

Bài Ðọc I: Br 5, 1-9

“Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi”.

Trích sách Tiên tri Barúc.

Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi. Chúa sẽ mặc cho ngươi áo công lý, và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu ngươi. Vì chưng, Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian. Vì Thiên Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hoà bình trong công lý và Vinh dự trong hiếu nghĩa.

Hỡi Giêrusalem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông. Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây họp lại theo lệnh của Ðấng Thánh, họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ. Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã đem họ về cho ngươi trong vinh dự như các hoàng tử. Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa.

Theo lệnh Chúa, những cánh rừng, những cây có hương thơm, đã cho Israel núp bóng, vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Israel đến ánh vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).

Xướng: 1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. – Ðáp.

2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. – Ðáp.

3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. – Ðáp.

4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Pl 1, 4-6. 8-11

“Anh em hãy ăn ở trong sạch và không đáng trách, cho đến ngày của Ðức Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, luôn luôn trong mọi lời cầu nguyện của tôi, tôi hân hoan khẩn cầu cho tất cả anh em, vì anh em đã thông phần vào việc rao giảng Phúc Âm từ ngày đầu cho tới nay. Tôi tin tưởng rằng Ðấng đã khởi đầu việc lành đó trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày của Ðức Giêsu Kitô.

Vì Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Ðức Giêsu Kitô. Ðiều tôi cầu nguyện bây giờ là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, để anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Ðức Kitô, anh em được Ðức Giêsu Kitô ban cho dư đầy hoa quả công chính, hầu tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 3, 4. 6

Alleluia, alleluia! – Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 3, 1-6

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ðời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa.

Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng chủ đề:

THÔNG BẤT THỐNG, THỐNG BẤT THÔNG

Lm. Antôn Võ Công Ánh, SVD

Đời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa (Lc 3,1-2).

Bằng một lối hành văn trang trọng, được định vị với những quy chiếu lịch sử tôn giáo và chính trị, bởi những nhân vật lãnh đạo giáo quyền và thế quyền, của dân IsraEL lẫn dân ngoại, bản văn Luca 3,1-6 giới thiệu một khuôn mặt nổi bật là Gioan Tiền Hô, với một nhiệm vụ rất cao trọng: chính thức loan báo Đấng Cứu Thế đang đến gần. Con Thiên Chúa đã bước vào cõi trần gian, sống giữa nhân loại, mang lấy thân phận loài người. Cánh cửa cứu độ đang mở ra, không chỉ giới hạn trong dân riêng của Thiên Chúa là IsraEL nữa, mà bùng lên toả sáng ra cho toàn nhân loại.

Ông Gioan “rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội”

Theo truyền thống Do Thái, phép rửa là một thực hành khởi đi từ một tâm hồn thống hối (metanoia), đoạn tuyệt với tội lỗi, hoán cải từ tận đáy lòng để trở lại với Thiên Chúa, đón nhận ơn thanh tẩy, đó là một thái độ đáp trả tích cực với ơn cứu độ mà Thiên Chúa mang đến. Phép rửa của Gioan không có khả năng xoá tội như của Kitô giáo sau nầy. Vai trò chính yếu của Gioan là “bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1, 77). Và ông chính thức thông báo: “Có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến (…) Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.” (Lc 3, 17). Chính cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu sẽ hoàn tất phép rửa với ơn cứu độ toàn vẹn nầy (Lc 24, 47; Cv 3, 19; 5, 31).

Tiếng kêu ngôn sứ: hãy dọn một con đường nội tâm, đón nhận Đấng Cứu Độ.

Trình thuật về sứ vụ của Gioan Tẩy Giả tràn ngập những hình ảnh gợi lại cuộc Xuất Hành khỏi Ai Cập và cuộc trở về sau lưu đày Babylon. Ông sống trong thinh lặng của hoang địa, cất tiếng lên giữa sa mạc, nhắc nhớ đến hình ảnh đoàn dân Chúa lang thang trong sa mạc để thoát ách nô lệ, tìm về miền Đất Chúa hứa: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Trước khi cất lên tiếng kêu ngôn sứ đó, từ nơi cõi lòng tịch liêu sâu thẳm của mình, Gioan đã thanh luyện đời sống mình trong thinh lặng hoang địa, đã sốt mến trọn vẹn dọn lòng và lắng nghe được bước chân của Thiên Chúa cứu độ đang đến bên cánh cửa tâm hồn. Sức mạnh của lời ngôn sứ nằm ở chỗ: ông đã sống hết mình để dọn đường Chúa nơi chính tâm hồn mình. Tiếng kêu của ngôn sứ không chỉ là âm thanh nhưng vang dội từ sâu thẳm của một đời sống thuộc trọn về Chúa vì đã nghe tiếng Chúa. Chính nhờ sức mạnh đó mà lời ngôn sứ đã làm rúng động khắp cõi IsraEL, làm thay đổi bao cõi lòng khô khan sỏi đá, khiến bao tâm hồn tìm về sám hối và trở lại với Chúa. Ngày nay Thiên Chúa và Hội Thánh cũng đang cần những lời ngôn sứ nóng bỏng và cháy lửa Thần Khí như vậy.

Đông y quan niệm: “Thông bất thống, thống bất thông”, thông thì không đau bệnh, đau bệnh tức do không thông. Y học cổ truyền quan niệm, khí huyết trong con người phải được lưu thông thì “âm dương mới cân bằng”, chức năng các tạng phủ mới bình thường và cơ thể mới khỏe mạnh. Nếu sự lưu thông khí huyết bị cản trở sẽ dẫn đến ứ tắc, gây đau yếu bệnh tật bởi “bất thông tất thống”. Do đó, nguyên lí trị bệnh của y học cổ truyền là làm cho khí huyết được lưu thông, “thông bất thống” sẽ hết đau. Tuy vậy, muốn huyết mạch thông suốt còn phụ thuộc vào khí, vì “khí là soái của huyết”, “khí có hành” thì “huyết mới thông”, “khí tắc thì huyết sẽ bị trệ”. Lịch sử cứu độ luôn được vận hành bởi Thánh Thần là Thần Khí mà Thiên Chúa phái đến. Thánh Thần dẫn dắt, thúc đẩy Đức Giêsu vào hoang địa (Mt 4, 1; Mc 1,12; Lc 4,2) trước khi khởi đầu sứ vụ và khẳng định rằng Ngài đã chiến thắng ác thần. Thánh Thần ở cùng Đức Giêsu suốt hành trình cứu độ, và Ngài ban tặng lại Thánh Thần đó một cách tràn đầy nơi cái chết và sự phục sinh. Đó chính là Thần Khí tiếp tục giúp nhân loại được chữa lành và hoán cải. Căn bệnh trầm kha của nhân loại là đánh mất mối tương quan liên vị với Thiên Chúa, Đấng làm chủ sự sống. Con đường liên thông giữa tâm hồn họ với Chúa bị tắc nghẽn. Lời Chúa vang lên trong Mùa Vọng hôm nay như một thần dược chữa lành, dọn lại con đường đang bị bế tắc, kêu gọi mỗi người quy chiếu về Chúa để định hướng lại lối sống của mình. Bước từ bóng tối ra ánh sáng.

Những hình ảnh thật đẹp và sống động lại đang trở về một cách thiết thực trong Mùa Vọng nầy: Hãy dọn đường cho Chúa trong tâm hồn ta: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến” (Kh 22,20). Hãy sửa lại cho thẳng những lối đi quanh co còn đầy lươn lẹo dối trá đang ẩn núp dưới những mặt nạ nhân nghĩa đạo đức giả nơi mình. Hãy lấp mọi hố sâu ghen ghét đố kỵ và hãy bạt mọi núi đồi kiêu ngạo gian manh. Con đường cong queo ngụy biện cố chấp hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề tham lam ích kỷ hãy san cho bằng. Hãy ngước ánh mắt ngắm nhìn về phía Chúa, bạn sẽ chỉnh sửa được đời sống ngay chính, công bình và yêu thương. Hãy nối lại nguồn sóng đang bị che lấp và tắc nghẽn bấy lâu nay với Chúa, và nhờ tổng đài Thánh Thần để tái lập mối tương giao tri kỷ tri âm với Thiên Chúa đang chờ đợi mình ngay trước cửa lòng.

Ơn gọi của chúng ta là cố gắng “sống cho tinh tuyền, không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm, nhờ đó chúng ta mang lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính”, như thánh Phaolô nhắn nhủ giáo dân Philiphê (Bài đọc II).

Trong Tông huấn “Niềm Vui của Tin Mừng” Đức Thánh Cha Phanxicô đã cất lời tha thiết: “Tôi kêu mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin tất cả anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không phải dành cho mình, vì “không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến”. Chúa không làm thất vọng những ai chấp nhận sự liều lĩnh này; mỗi khi chúng ta bước một bước đến gần Chúa Giêsu, chúng ta hiểu ra rằng Người đã đang ở đó, đang mở rộng vòng tay chờ đón chúng ta” (số 3).


 

DỌN ĐƯỜNG CHÚA ĐẾN

Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD

Khởi đầu Mùa Vọng, ngang qua các bài đọc Lời Chúa trong Chúa Nhật I, Giáo Hội mời gọi các tín hữu hãy mặc lấy một tâm tình và thái độ sống mới, đó là sống “tỉnh thức và cầu nguyện” để chờ đón Chúa đến. Và để hiện thực hoá tâm tình và thái độ sống ấy, các bài đọc Lời Chúa trong Chúa Nhật II Mùa Vọng hôm nay giúp chúng ta thực hiện tâm tình và thái độ sống tỉnh thức và cầu nguyện bằng việc làm cụ thể là: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa” (Lc 3,4). Đây là một lời mời gọi không chỉ được gióng lên từ trong hoang địa bởi thánh Gioan Tẩy Giả mà còn là một mệnh lệnh của Thiên Chúa ngỏ với dân Người qua các tiên tri từ trong Cựu Ước nhằm giúp họ biến đổi để có một đời sống xứng hợp đón Chúa quang lâm.

  1. Dọn Đường Chúa Đến Trong Cựu Ước

Câu hỏi được đặt ra là “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa” là dọn con đường nào, là làm những gì, là chuẩn bị điều gì? Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Barúc cho thấy dân Chúa đang sống trong tình cảnh Giêrusalem bị sụp đổ và dân chúng bị lưu đầy, họ đang tìm cho mình một con đường, một lối thoát để trở về đất hứa. Đức Chúa ra lệnh cho tiên tri Barúc kêu mời dân hãy dọn một con đường để Dân Chúa trở về đất hứa. Và song song trên hành trình tiến về đất hứa, tiên tri Barúc cũng kêu mời dân Ítraen “hãy khoác vào mình chiếc áo choàng công chính của Thiên Chúa” (Br 5,2). Khoác lên mình chiếc áo choàng công chính của Thiên Chúa, có nghĩa là cởi bỏ chiếc áo cũ và mặc vào chiếc áo mới, đồng nghĩa là cởi bỏ con người cũ, lối sống cũ; giã từ lối sống của con người bất chính, tội lỗi và mặc lấy con người mới, con người của sự công chính và thánh thiện; con người của lòng trung tín và biết ơn; bỏ đi những gì không thuộc về Thiên Chúa và mang vào mình hình ảnh Thiên Chúa, những gì là của Chúa.

Tiên tri Barúc còn mời gọi dân chúng “hãy đứng ở nơi cao, và hướng nhìn về phía đông” (Br 5,5). Theo nghĩa biểu tưởng trong Kinh Thánh, nơi cao thường mang ý nghĩa linh thánh, là nơi Thiên Chúa ngự và là nơi thường diễn ra những cuộc gặp gỡ thân tình giữa Thiên Chúa và những vị đại diện cho Dân Người. Do đó, khi con người đứng nơi cao là con người tìm đến với Thiên Chúa để gặp gỡ thân tình với Người. Còn “hướng nhìn về phía đông”, theo lối cắt nghĩa của các thánh giáo phụ La Tinh, đặc biệt là thánh Cyrillô, hướng đông là hướng của ánh sáng, hướng của mặt trời mọc, là hướng mà Đức Kitô sẽ tái quang lâm trong vinh quang. Như thế, lời mời gọi của tiên tri Barúc không chỉ dừng lại ở chỗ dọn một con đường vật chất trong sa mạc, tìm một con đường, tìm một lối đi để Dân Chúa đi vào đất hứa mà còn là lời mời gọi Dân Chúa dọn một con đường tâm hồn, mặc lấy một đời sống mới để đón Chúa đến, gặp gỡ và lắng nghe tiếng Người.

  1. Dọn Đường Chúa Đến Trong Tân Ước

Đối với thánh Phaolô Tông Đồ, dọn sẵn con đường cho Đức Chúa không phải là sửa soạn hay dọn dẹp một con đường bằng đất, bằng đá, bằng xi măng hay bằng thảm nhựa mà là dọn con đường của tâm hồn, con đường của đời sống nơi chính mỗi người. Với thánh Phaolô, dọn đường tâm hồn cho Đức Chúa là sống thế nào để lòng mến trong anh em được thêm dồi dào và phong phú. Thánh nhân muốn kêu mời mỗi tín hữu làm tăng triển lòng mến, tức là đức ái trong tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em mình. Một con đường được xây dựng trên tình thương và lòng nhân ái, đó mới là cách dọn con đường tốt nhất, tuyệt hảo nhất để Chúa ngự đến.

Một khía cạnh khác mà thánh Phaolô Tông Đồ cũng muốn mời gọi các tín hữu thời sơ khai cũng như chúng ta hôm nay lưu tâm, đó là trở nên tinh tuyền và không có gì đáng trách trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm. Thánh Phaolô tha thiết cầu xin cho các tín hữu Philípphê cũng như cho chúng ta hôm nay luôn có được một đời sống thánh thiện, trong sạch không chỉ nơi hình thức bên ngoài mà là sâu thẳm trong tâm hồn. Và đó cũng là cách thế dọn con đường lòng mình tốt nhất để đón Chúa.

Còn thánh Gioan Tiền Hô đã kêu mời dân chúng trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lòi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3,5). Con đường mà thánh Gioan Tẩy Giả nói tới chính là cõi lòng ta, là tâm hồn ta, là đời sống của ta chứ không phải con đường trong sa mạc như tiên tri Isaia và tiên tri Barúc đề cập tới. Đối với thánh Gioan Tẩy Giả, thung lũng và núi đồi hàm ý nói đến một sự cách biệt giữa người giàu và kẻ nghèo trong xã hội thời bấy giờ giống như giữa núi cao và vực sâu của thung lũng vậy. Bởi sự giàu sang mà người ta có được cũng được xây dựng bởi những khúc quanh co, lồi lõm trong cuộc sống, có nghĩa là bằng những tính toán, âm mưu, thủ đoạn, luồn lách, lọc lừa, bóc lột, tham nhũng, hối lộ, thu lợi bất chính trong cuộc sống mà có được.

Nhìn dưới khía cạnh tinh thần, thánh Gioan cũng muốn nói với mỗi chúng ta rằng, “dọn đường cho Đức Chúa và sửa lối cho thẳng để Người đi” là phải làm thế nào để lấp cho đầy cái hố sâu cách biệt giữa người sang và kẻ hèn; mọi âm mưu, thủ đoạn, tính toán quanh co trong đời sống phải uốn nắn, tu chỉnh lại cho ngay thẳng; núi đồi của tính kiêu căng, tự mãn phải san cho phẳng; khúc quanh co của sự gian dối, luồn lách, lọc lừa, mưu mô, quỷ quyệt trong tương quan với Chúa cũng như với anh chị em mình cũng cần phải được uốn cho ngay và lấp cho đầy. Thực hiện được điều này trong đời sống là chúng ta đã thực sự dọn cho Chúa một con đường tâm hồn và đời sống đúng nghĩa, tuyệt đẹp để cho Ngài ngự đến trong cõi lòng và đời sống của mỗi người chúng ta vậy.

  1. Dọn Đường Chúa Đến Nơi Mỗi Người Chúng Ta

Nhìn vào thực trạng của thế giới hôm nay, hơn bao giờ hết, nhân loại đang sống trong thời kỳ ảm đạm và bất an nhất. Chiến tranh, thảm hoạ thiên nhiên, bệnh tật và đặc biệt là nạn dịch Covid-19 đang hoành hành và làm cho con người phải sống trong sự khốn đốn, hoang mang, sợ hãi, mệt mỏi, chán nản, thất vọng, chết chóc và cả khủng hoảng đức tin. Một con Covid nhỏ bé, mắt thường con người không thể thấy nhưng lại là một thảm hoạ khủng khiếp cho cả nhân loại. Nó đã cướp đi biết bao sinh mạng, đẩy bao gia đình vào cảnh mất mát tang thương, làm cho bao người lâm vào cảnh sống không bằng chết, nghèo đói, phá sản, thất nghiệp. Thử hỏi là Kitô hữu, sống đời đức tin, chúng ta nhận ra điều gì, đọc được dấu chỉ gì trong thời kỳ đầy khó khăn và trong chính thảm hoạ Covid này?

Phải chăng những gì đang xảy ra là dấu chỉ mà Thiên Chúa muốn cảnh tỉnh chúng ta nhìn lại chính mình và đời sống của ta để biết: “sống tỉnh thức và cầu nguyện và dọn sẵn con đường cho Đức Chúa”. Vậy chúng ta dọn sẵn đường cho Chúa đến như thế nào? Nhìn vào đời sống thực tế của chính mỗi người, hẳn là tâm hồn và đời sống của chúng ta vẫn còn nhiều thứ ngổn ngang cần được tu chỉnh. Ta vẫn còn khoác trên mình chiếc áo cũ kỹ, dơ bẩn và hôi hám của những điều xấu xa, đen tối và tội lỗi. Lời mời gọi của tiên tri Barúc như vẫn thôi thúc ta hãy cởi bỏ chiếc áo cũ bẩn thỉu ấy và mặc cho mình một chiếc mới, chiếc áo trắng tinh tuyền, công chính và thánh thiện. Tâm hồn ta vẫn còn chất chứa những khúc quanh co và lồi lõm của những mưu toan và suy tính thiếu thiện tâm và lành thánh; của tính kiêu căng, ương ngạnh; của tính ích kỷ, ghen tương và ác ý,… Ta cần uốn nắn và gột rửa tâm hồn khỏi những thứ uế tạp đó để tâm hồn ta được trong sạch, thánh thiện, không có gì đáng trách và không thiếu sót điều gì. Đời sống của ta cũng đang bị bao phủ và đầy dẫy những điều khuất tất, mờ ám; những đồi núi và vực thẳm của một lối sống tham sân si, lối sống thực dụng, hưởng thụ và tự do phóng túng,… Chúng ta hãy chỉnh đốn và uốn nắn đời sống ta để bước đi trên đường ngay nẻo chính, có một đời sống đẹp lòng Chúa, phù hợp với thánh ý của Ngài, phản chiếu được các giá trị Tin Mừng và dung mạo yêu thương của Thiên Chúa. Xin Thiên Chúa ban ơn và chúc phúc để trong suốt Mùa Vọng này, chúng ta luôn hướng lòng mình lên Chúa và biết dọn con đường tâm hồn và đời sống mình thật tốt lành và thánh thiện để đón mừng đại lễ Giáng Sinh và đón Chúa đến trong cuộc đời ta. Amen.


 

HÃY QUAY VỀ

Tu sĩ Phaolô Trần Phúc Chân,SVD

Bài Tin Mừng được phân ra thành hai phần rõ ràng; phần đầu liệt kê những người nắm quyền hành trong tay, là những người đứng đầu bộ máy chính trị lẫn tôn giáo lúc bấy giờ. Phần hai xuất hiện một con người xem ra có vẻ tầm thường, không chức tước gì và cũng không được mấy ai biết đến: ông Gioan Tẩy Giả. Thế nhưng, nội dung chính yếu mà tác giả Tin Mừng muốn ngỏ lời với độc giả lại nằm ở phần hai, nơi ông Gioan đang loan báo cho dân chúng hay sẽ có một Đấng thánh xuất hiện, và mọi người cần phải chuẩn bị tâm hồn để đón rước Ngài. Lời mời gọi của vị thánh nhân là: hãy san lấp những thứ lồi lõm của cuộc đời, những thứ cản lối bước đến với sự công chính, hầu xứng đáng đón nhận niềm hy vọng mà họ đã chờ đợi bấy lâu.

Thánh Luca chỉ giới thiệu rất vắn tắt nhưng cũng đủ để người đọc hình dung được cơ cấu điều hành của chính quyền La Mã cũng như phẩm trật tôn giáo thời Đức Giêsu chuẩn bị bước vào sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. “Đời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônít; Lyxania làm tiểu vương miền Abilên; Khanan và Caipha làm thượng tế”. Đây là những con người đứng đầu đầy uy quyền trong xã hội và trong Do Thái giáo lúc bấy giờ; họ cai trị người dân bằng những đạo luật khắt khe, thậm chí cả những thủ đoạn mang tính bạo lực. Trong một khung cảnh như thế, ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện để chuẩn bị cho Con Thiên Chúa đến.

Tác giả Luca đặt việc này trong bối cảnh lịch sử xen lẫn giữa đạo và đời giúp chúng ta xác tín thêm rằng Thiên Chúa luôn muốn đụng chạm vào lịch sử của nhân loại. Trong khung cảnh Gioan Tiền Hô đang rao giảng kêu gọi người ta sám hối, thì Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể đã sẵn sàng cho sứ vụ của mình trên mảnh đất Israel. Như vậy, bằng cách này, tác giả Tin Mừng trưng dẫn sứ vụ của Gioan không hẳn chỉ giới thiệu công việc của ông nhưng nhằm mục đích hướng người đọc chú ý vào sự xuất hiện trong nay mai của Con Thiên Chúa làm người trên dương thế.

Vậy Gioan đã rao giảng gì và đã có những hành động nào để chứng tỏ cho người nghe thấy được để họ tin?

Trước hết, cuộc sống Gioan Tẩy Giả gắn liền với cảnh cô tịch của sa mạc và nơi đó ông mới gặp được Chúa và nghe thấy những lời mầu nhiệm. Thế rồi ông đã không để cho lời ấy chết dần trong sự cô quạnh của sa mạc, nhưng ông đã ra đi và rao giảng cho muôn người được tỏ tường. Chính qua cuộc sống khổ hạnh cùng với những lời xác quyết đầy lòng tin của mình, ông đã kêu gọi được nhiều người thống hối để đón nhận ơn cứu độ.

Sau nữa, ông kêu gọi mọi người hãy dọn một con đường cho Đức Chúa. Con đường này ắt hẳn không phải là con đường vật chất, hữu hình, nhưng là con đường tâm linh, con đường của lòng sám hối và biết quay về với Ngài. Con đường Thiên Chúa mong chờ nơi mỗi người là phải biết nắn lại cho thẳng những gì đang quanh co của gian dối, lừa đảo; lấp đi mọi hố sâu đam mê, ích kỷ, tham vọng; bạt đi mọi gò nổng kiêu căng, tự mãn, để tâm hồn chúng ta chứa đựng sự bình an thật sự hầu xứng đáng đón nhận Tin Mừng cứu rỗi của Chúa.

Thật vậy, đây là những trở ngại khiến Chúa không đến được với ta, hay nói khác hơn, chúng ta không mở lòng để cho Chúa ngự vào. Những trở ngại ấy ở từng người, không ai giống ai, nhưng chắc chắn có một điểm chung: để chuẩn bị một con đường cho Chúa ngự đến trong tâm hồn, mỗi người chúng ta chắc hẳn phải luôn ý thức được tình trạng yếu đuối và tội lỗi của mình để sám hối và thay đổi. Thay đổi nếp sống, thay đổi lối nhìn, thay đổi cách suy nghĩ.

Như lời gọi mời của ngôn sứ Barúc trong bài đọc một: Muốn thấy được vinh quang của Thiên Chúa thì không gì khác hơn ngoài việc “phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời”. Cụm từ “có tự lâu đời” như muốn ám chỉ những thói hư tật xấu đã bám rễ sâu trong tâm hồn. Vì thế, chúng ta phải cải hóa con người cũ để mặc lấy con người mới và sống trong tâm tình của niềm hy vọng mới, là sự sẵn sàng đón chào Con Thiên Chúa xuất hiện trong ánh vinh quang. Với chúng ta, những người Kitô hữu luôn xác tín Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, chúng ta hãy bắt chước các tín hữu Philípphê, những người đã được thánh Phaolô yêu mến hết lòng vì đã sống chứng tá của của niềm vui Tin Mừng trong cuộc sống thường nhật của họ. Họ trở thành những người rao giảng Tin Mừng bằng chính đời sống chính trực không mảy may gian dối; họ làm gương trong cuộc sống gia đình cũng như trong các mối tương quan ngoài xã hội. Dù có gặp cảnh gian nan thì họ vẫn vui vẻ đón nhận, và xem đó như là những thử thách mà Thiên Chúa gửi đến để tôi luyện họ, nhằm rèn luyện đức tin ngày thêm vững mạnh hơn, cũng như biểu lộ được niềm phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Họ không những đã được hồng phúc đón nhận niềm vui Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, mà còn hướng lòng về niềm hy vọng chung cục của ngày Đức Giêsu trở lại trong vinh quang.

Lời mời gọi “Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” đặt ra cho chúng ta sự chọn lựa là phải ưu tiên những gì thuộc về Chúa. Điều này luôn đòi hỏi mỗi chúng ta cần biết nỗ lực hằng ngày để cải thiện cuộc sống, đổi mới cách sống, hầu xứng đáng hơn với tình thương mà Thiên Chúa dành cho. Chúa đã và đang đến thật gần. Vì thế, chúng ta đừng chậm trễ, đừng ươn hèn trong chính những lẫm lỗi của mình, nhưng hãy can đảm trở về để ngày một xứng đáng hơn với tình yêu của Thiên Chúa.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 1 MV)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật Tuần 2 MV-C)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.