Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 2 Mùa Chay – Năm C

0
714

Bài Ðọc I: St 15, 5-12. 17-18

“Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với Abraham”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Thiên Chúa dẫn Abram ra ngoài và nói với ông: “Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao”. Rồi Chúa nói tiếp: “Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế”. Abram tin vào Thiên Chúa, và vì đó ông được công chính.

Và Chúa lại nói: “Ta là Chúa, Ðấng dẫn dắt ngươi ra khỏi thành Ur của dân Calđê, để ban cho ngươi xứ này làm gia nghiệp”. Abram thưa rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, làm sao con có thể biết con sẽ được xứ đó làm gia nghiệp?” Chúa đáp: “Ngươi hãy bắt một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một con chim gáy mái và một con bồ câu non”. Abram bắt tất cả những con vật ấy, chặt ra làm đôi, đặt phân nửa này đối diện với phân nửa kia; nhưng ông không chặt đôi các con chim. Các mãnh cầm lao xuống trên những con vật vừa bị giết, song ông Abram đuổi chúng đi. Lúc mặt trời lặn, Abram ngủ mê; một cơn sợ hãi khủng khiếp và u tối bao trùm lấy ông.

Khi mặt trời đã lặn rồi, bóng tối mịt mù phủ xuống, có một chiếc lò bốc khói và một khối lửa băng qua giữa những phần con vật bị chia đôi. Trong ngày đó, Chúa đã thiết lập giao ước với Abram mà nói rằng: “Ta ban xứ này cho miêu duệ ngươi, từ sông Ai-cập cho đến sông Eu-phrát”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 7-8a. 8b-9abc. 13-14

Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng Cứu Ðộ tôi. (c. 1a)

Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là Ðấng Cứu Ðộ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? – Ðáp.

2) Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Về Chúa, lòng con tự nhắc lời: “Hãy tìm ra mắt Ta”.- Ðáp.

3) Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Ngài trong cơn thịnh nộ. Chúa là Ðấng phù trợ, xin đừng hất hủi con. – Ðáp.

4) Con tin rằng con sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa! – Ðáp.

Bài Ðọc II: Pl 3, 17 – 4, 1

“Chúa Kitô sẽ biến đổi thân xác chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh em, và giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này.

Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người.

Bởi thế, anh em thân mến và yêu quý, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn sau đây: Pl 3, 20 – 4, 1

Anh em thân mến, quê hương chúng ta ở trên trời nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người. Bởi thế, anh em thân mến và yêu quý, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 17, 5

Từ trong đám mây sáng chói có tiếng Chúa Cha phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.

Phúc Âm: Lc 9, 28b-36

“Ðang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.

Ðó là lời Chúa.


Bài giảng chủ đề:

DUNG MẠO MỚI CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

Lm. Gioan B. Trịnh Đình Tuấn, SVD

Có người nói chọn lựa là từ bỏ. Khi chúng ta chọn lựa một điều nào đó, nghĩa là đồng thời chúng ta cũng phải bỏ đi những thứ khác. Có những từ bỏ đôi khi làm ta đau đớn và trăn trở, nhưng đó là cách duy nhất để ta chọn phần tốt nhất.

Nói đến sự từ bỏ, con nhớ đến cảnh lần đầu con rời quê hương Việt Nam để đi truyền giáo tại Chile. Cảm giác một mình bước lên máy bay để đi tới một vùng đất xa xôi và lạ lẫm thật khó tả. Lúc đó con cảm thấy thật khó khăn khi phải rời bỏ quê hương để đến sống và làm việc tại đất khách quê người, với những con người và ngôn ngữ lạ. Nơi đó mình không có người thân, bạn bè. Nơi đó, con phải học và nói ngôn ngữ của họ, phải ăn những món ăn mà mình không thích, phải sống với thời tiết lạnh lẽo quanh năm… Nghĩ đến cảnh tượng đó con thật sự cảm thấy rất khó khăn để lên đường. Nhưng rồi với niềm tín thác vào Chúa, con đã can đảm ra đi và giờ đây, sau hơn tám năm sống và phục tại đất nước Chile này, con cảm thấy như đây là quê hương thứ hai của mình và bà con giáo dân Chile như là bà con thân thuộc của mình.

Trong bài đọc một trích sách Sáng thế, Thiên Chúa đã mời gọi Ápraham từ bỏ xứ Ur để tiến vào vùng đất Canaan. Ápraham đã tín thác trọn vẹn vào lời hứa của Thiên Chúa. Ông dám chấp nhận mạo hiểm cuộc đời mình với lời hứa của Thiên Chúa. Ápraham bỏ ruộng vườn, nhà cửa theo ơn gọi, tìm sự vất vả, sống thiếu thốn và khó khăn. Ông lùa đàn vật và dẫn gia nhân vào chốn vô định. Trước mặt ông là giải sa mạc mênh mông, nắng cháy da diết, cỏ cây úa vàng, giọt nước quý hơn kim cương. Vì tín trung với ơn gọi, Ápraham đã thành công, trở thành anh hùng lập quốc, được chúc phúc và trở thành cha của một dân tộc đông đúc.

Trong thời Tân Ước, Thánh Phaolô là một ví dụ điển hình của sự biến đổi. Từ thái cực là một kẻ thù địch, luôn hung hăng tìm kiếm và bắt bớ các Kitô hữu, Phaolô đã trở nên ngoan hiền dưới ánh sáng kỳ diệu với lời trách nhẹ nhàng: “Saun, Saun, sao người bắt bớ Ta?”(Cv 22,7). Phaolô đã biến đổi, đã làm bạn với Nhóm Mười Hai và trở thành Tông Đồ Dân Ngoại. Phaolô vui nhận thử thách, không ngừng thuyết giảng về một Đức Kitô chịu đóng đinh, được mặc lấy vinh quang và uy quyền. Và ông đã trung thành đến giọt máu cuối cùng. Trong Giáo Hội, chúng ta cũng đã, đang và sẽ có rất nhiều người được biến đổi nhờ đón nhận Tin Mừng như Phaolô; như Thánh Augustinô, hay thánh Inhaxiô Lôyôla, hay có người từng nghiện ngập xì ke, ma túy trỏ thành linh mục; từ người tham lam, hà khắc trở thành kẻ rộng lượng và khoan nhân… Đó là những cuộc canh tân và biến đổi nhờ Thần Khí mà chúng ta có thể gặp thấy rất nhiều trong đời sống Giáo Hội. Đồng thời, nó cũng chứng minh rằng ơn Chúa dư đủ cho mọi người và Chúa đang thắng ma quỉ, xác thịt và thế gian nơi cung lòng mỗi cá nhân.

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Thánh Luca kể lại rằng, Đức Giêsu đem ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan cùng đi với Người lên một ngọn núi cao. Tại đó, Đức Giêsu biến đổi dung nhan, Người trở nên rực rỡ, vinh quang trước sự ngỡ ngàng của các môn đệ. Vinh quang và rực rỡ ấy phát xuất từ chính thần tính của Đức Giêsu. Qua việc tỏ hiện này, Đức Giêsu muốn củng cố lòng tin của ba môn đệ. Người chuẩn bị để các ông có thể đối diện với những thử thách và bách hại trong tương lai, bằng cách cho họ nếm trước một chút vinh quang và niềm hoan lạc thần linh tuyệt vời của đời sống vĩnh cửu trên Quê Trời.

Không phải chỉ có Ápraham, Môsê, Êlia hay các Tông Đồ mới có ơn gọi và được biến hình. Trái lại, ơn gọi phổ quát: “Hãy nên hoàn thiện như Cha các con ở trên trời” (Mt 5,48) đã được trao tặng và mời gọi mỗi cá nhân. Thực thi ơn gọi ấy một cách hoàn hảo và trọn vẹn thì chúng ta ắt sẽ được biến hình, được biến đổi.

Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy ăn năn sám hối và trở về với Chúa để được biến đổi. Ăn năn sám hối là khiêm tốn nhìn nhận sự bất toàn yếu đuối, tội lỗi của mình, hối hận vì đã làm điều đó và thật lòng xin ơn tha thứ của Chúa. Mỗi người có những yếu đuối bất toàn riêng. Có người đang chìm đắm trong rượu chè, cờ bạc, lô đề; người khác đang sống trong khô khan nguội lạnh, bỏ xưng tội rước lễ lâu năm; người khác đang ngoại tình bất trung; lại có những cặp vợ chồng đang sống trong cảnh “chiến tranh lạnh”, “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, giận hờn, ghen ghét lâu ngày chưa tìm được tiếng nói chung; có những người con bất hiếu đang làm cha mẹ đau khổ vì sự hư đốn của mình…

Sống tinh thần biến đổi là một đòi hỏi hằng ngày của mọi Kitô hữu. Nói cách khác, từng ngày sống, mọi Kitô hữu chúng ta không ngừng lột xác, không ngừng đổi mới để được trở nên giống Đức Kitô hơn. Đây cũng là ý tưởng của thánh Phaolô trong bài đọc hai, Ngài nói: Đức Kitô sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta cho nên đồng hình đồng dạng với thân xác vinh quang của Người. Đồng thời Ngài rất đau buồn khi nhận thấy có những kẻ sống thù nghịch với thập giá. Mỗi người tín hữu được mời gọi biến đổi chính con người của mình bằng cách khử trừ mọi tội lỗi, uốn nắn sửa đổi lại những thói hư tật xấu, để trong ngày sau hết chúng ta sẽ được mặc lấy ánh vinh quang của Thiên Chúa.

Biến cố biến hình đã giúp các môn đệ can trường vượt qua mọi thử thách và sợ hãi, không chỉ suốt cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu mà còn trong cả cuộc đời của các ngài. Vậy thì chúng ta, những người đã được biến đổi nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta cũng hãy noi gương các môn đệ năm xưa, đó là biết nhìn lên Thiên Chúa, xem Người là cùng đích duy nhất của cuộc đời, nhận ra Người trong tất cả mọi sự, để rồi từ đó biết sống thật tốt lành, thánh thiện, và nên lời chứng cho Thiên Chúa giữa trần gian. Amen.


 

KHOẢNH KHẮC KỲ DIỆU

Lm Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD

Hôm nay là Chúa Nhật II Mùa Chay, trình thuật Tin Mừng kể lại cho chúng ta biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi. Chính vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau suy niệm biến cố thiêng liêng này dưới ánh sáng của mầu nhiệm mà chúng ta đang hướng tới, đó là mầu nhiệm Phục Sinh. Hy vọng mỗi người chúng ta sẽ biết cách nhận ra những khoảnh khắc kỳ diệu trong cuộc sống, tuy nho nhỏ nhưng đầy sức mạnh biến đổi, ngang qua những biến cố vui, buồn, sướng, khổ thường ngày, để rồi biết cách thăng tiến đời sống Kitô hữu của mình, trở nên lời chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh.

Quan sát trong phụng vụ Lời Chúa, chúng ta thấy rằng các bản văn Tin Mừng Nhất Lãm của ngày lễ hôm nay đều đề cập đến việc thay hình đổi dạng của Đức Giêsu trên một ngọn núi cao. Với một sự tương đồng đáng chú ý, cả ba đều kể lại biến cố này sau khi ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, và sau lần đầu tiên Đức Giêsu nói về việc Người phải chịu đau khổ cũng như loan báo về cái chết của Người. Thánh Luca kể lại rằng, Đức Giêsu đem ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan cùng đi với Người lên một ngọn núi cao. Tại đó Đức Giêsu biến đổi dung nhan, Người trở nên rực rỡ, vinh quang trước sự ngỡ ngàng của các môn đệ. Sự vinh quang và rực rỡ ấy phát xuất từ chính thần tính của Đức Giêsu. Qua việc tỏ hiện này, Đức Giêsu muốn củng cố lòng tin của ba môn đệ. Người chuẩn bị để các ông có thể đối diện với những thử thách trong tương lai, bằng cách cho họ nếm trước một chút vinh quang và niềm hoan lạc thần linh tuyệt vời của đời sống vĩnh cửu trên Quê Trời. Vâng, chỉ mới một chút vậy thôi mà các môn đệ đã cảm thấy ngất ngây tột đỉnh đến nỗi Phêrô, người vẫn được tiếng là nhanh nhẹn và “rất bộc trực” phải thốt lên lời cầu xin được ở lại mãi chốn này: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay!  Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” (Lc 9,38).

Khoảnh khắc biến hình mà thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan được đối diện ngày hôm nay quả thật kỳ diệu, linh thiêng và mầu nhiệm. Trong khoảnh khắc ấy, mọi thứ dường như ngưng đọng lại, cả không gian, thời gian, đất với trời, thần tính và nhân tính, tất cả đều hội tụ nơi Đức Giêsu. Cả một khối mầu nhiệm tuyệt vời đang hiện diện trước mắt các môn đệ. Các ông nhận thấy mình thật có phúc vì được là một phần của một điều gì đó thật lớn lao. Và chính trong khoảnh khắc ấy, các ông được biến đổi hoàn toàn, được căng tràn sức sống, niềm tin cũng như lòng dũng cảm để làm chứng cho Đức Giêsu sau này.

Trong cuộc sống, hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng được đối diện với những khoảnh khắc mầu nhiệm kỳ diệu ấy ngang qua những biến cố lớn, nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Những khoảnh khắc, những cuộc gặp gỡ đó có thể làm thay đổi bản thân mình. Đức hồng y Antonio Tagle, nguyên Tổng Giám mục Manila, Philippines đã kể lại kinh nghiệm được biến đổi khi ngài gặp đức cố hồng y Nguyễn Văn Thuận. Ngài kể lại rằng: tôi gặp ngài lần đầu trong Đại Hội Giới Trẻ ở Manila năm 1995. Tôi phải thuyết trình trước nhóm các giám mục Á Châu. Lúc đó tôi chưa làm giám mục. Tôi e sợ các đức giám mục. Tôi không dám nhìn các giám mục khi bước vào phòng thuyết trình. Tôi hết sức bối rối và cũng chẳng hiểu mình đang nói gì nữa. Rồi tôi cũng kết thúc bài nói và đi ra ngoài, tự nhủ rằng sẽ không bao giờ thuyết trình cho các đức giám mục nữa. Tôi đi đến một góc để uống cà phê. Rồi một vị giám mục mà tôi không quen biết đi theo tôi. Ngài vỗ vai tôi và nói: đừng lo lắng thế! cha có vẻ bối rối, nhưng bài thuyết trình cũng được đấy. Các giám mục chúng tôi cũng là những người bình thường mà. Đức giám mục đó chính là cố hồng y Nguyễn Văn Thuận. Cử chỉ quan tâm, lời động viên đã làm đức hồng y Tagle được biến đổi và trở nên can đảm hơn. Chắc chắn trong cuộc sống mỗi người chúng ta cũng đã từng trải qua những giây phút như thế. Một lời nói, một lời động viên, một nụ cười có thể là những khoảnh khắc kỳ diệu mà chúng ta dành cho nhau có thể trở thành động lực để giúp người khác thăng tiến.

Đây là những gì đã xảy đến cho ba môn đệ thân tín của Đức Giêsu hôm nay. Các ông không còn thấy điều gì khác ngoài một mình Đức Giêsu, bởi vì tất cả đều được chứa đựng trong Đức Giêsu. Và cũng đã được biến đổi như Người. Các môn đệ không chỉ được nhìn thấy ánh sáng, nhưng thực sự trở thành ánh sáng, vì nhân tính của ông đã được chiếu dọi bởi thần tính của Đức Giêsu, để rồi trở nên ánh sáng và muối men cho đời hầu dẫn đưa mọi người về với Thiên Chúa. Một lưu ý nhỏ ở đây là, Đức Giêsu đã không biến đổi để trở thành một điều gì đó khác trước. Người luôn luôn như thế, luôn luôn tràn đầy vinh quang Thiên Chúa và tỏa rạng ánh sáng thần tính của Người. Đức Giêsu không biến đổi, nhưng chính các môn đệ được biến đổi. Đôi mắt của họ được chữa lành, cách nhìn của họ được sửa đổi, và họ không còn mù tối nữa. Các môn đệ đã nhìn thấy đất trời được biến đổi và trở nên lời mặc khải vẻ đẹp thiêng liêng, thánh thiện của Thiên Chúa. Họ cảm nghiệm được mọi sự, cuộc đời, vạn vật trong vũ trụ, tất thảy đều là một bí tích lớn lao đưa con người bước vào tương quan mật thiết với Người. Họ đã thấy và đã cảm nghiệm được cuộc đời và trần gian này giống như những gì Thiên Chúa đã nhìn thấy và dự định cho chúng.

Mỗi lần cảm nghiệm một biến cố biến hình nào đó trong cuộc sống, chúng ta được chữa lành đôi mắt và nhìn thấy mọi sự theo một hướng hoàn toàn khác. Chúng ta được nhìn với đôi mắt của Thiên Chúa tình yêu. Trong biến cố biến hình, không phải chúng ta nhìn thấy gì, mà là chúng ta nhìn thấy như thế nào. Có một sự khác biệt giữa cái nhìn thể lý và cái nhìn được biến đổi. Chừng nào còn nhìn bằng đôi mắt thể lý, chúng ta vẫn còn phải tìm kiếm tình yêu, chán nản cuộc sống, thiếu đi niềm vui, bị ràng buộc bởi tội lỗi và sống trong nỗi sợ hãi sự chết. Liệu chúng ta sẽ tiếp tục sống như những gì đôi mắt thể lý nhìn thấy, hay để cho cái nhìn của sự biến đổi đưa chúng ta đến với các Mầu Nhiệm, đến với cái nhìn của tình yêu?

Vâng, đôi mắt được biến đổi không phủ nhận hay lờ đi những hoàn cảnh của sống hằng ngày, nhưng đúng hơn, đôi mắt ấy chỉ cho chúng ta thấy rằng, giữa những cảnh sống đó, không có gì khác ngoại trừ chính Thiên Chúa, không có gì khác ngoài chính cuộc đời, không có gì khác ngoại trừ chính tình yêu, và không có gì khác ngoại trừ chính ánh sáng thiêng liêng của Thiên Chúa. Nhờ đôi mắt đã được biến đổi, chúng ta được nên can đảm để đối diện, kiên trì chịu đựng và đáp lời với những biến cố xảy ra trong cuộc sống và trong thế giới này. Đó là lý do tại sao chúng ta dám đứng lên và không còn sợ hãi. Và đó cũng là điểm khởi đầu cho lời tạ ơn không ngừng mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa.

Sống sự biến hình là một đòi hỏi hằng ngày của mọi Kitô hữu. Nói cách khác, từng ngày sống, mọi Kitô hữu chúng ta không ngừng lột xác, không ngừng đổi mới để được trở nên giống Đức Kitô hơn. Đây cũng là ý tưởng của thánh Phaolô trong bài đọc hai, ngài nói: Đức Kitô sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta cho nên đồng hình đồng dạng với thân xác vinh quang của Người. Đồng thời Người rất đau buồn khi nhận thấy có những kẻ sống thù nghịch với thập giá. Hãy góp phần vào sự biến hình của chính thân xác mình bằng cách khử trừ mọi tội lỗi, uốn nắn sửa đổi lại những thói hư tật xấu, để trong ngày sau hết chúng ta sẽ được mặc lấy ánh vinh quang của Thiên Chúa.

Biến cố biến hình đã giúp các môn đệ can trường vượt qua mọi thử thách và sợ hãi, không chỉ suốt cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu mà còn trong cả cuộc đời của các ngài. Vậy thì chúng ta, những người đã được biến đổi nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta cũng hãy noi gương các môn đệ năm xưa, đó là biết nhìn lên Thiên Chúa, xem Người là cùng đích duy nhất của cuộc đời, nhận ra Người trong tất cả mọi sự, để rồi từ đó biết sống thật tốt lành, thánh thiện, và nên lời chứng cho Thiên Chúa giữa trần gian. Amen.


TRỞ NÊN NGƯỜI MỚI

Lm. Giuse Nguyễn Gia Hoàng, SVD

Một con sâu nhỏ bò mãi, bò mãi cho đến cuối cuộc đời thì tới thiên đàng. Nó gõ cửa và một giọng nói gắt gỏng vọng ra: “Sâu bọ không được phép vào đây.” – Sâu nhỏ run run hỏi: “Vậy xin dạy cho con biết phải làm gì bây giờ?” – “Cố gắng hơn một chút, chiến đấu thêm một chút nữa, và hãy lột xác đi.”

Thế là con sâu quay về trần gian và bắt đầu cuộc hành trình bò lên thiên đàng lần thứ hai. Lần này, nó bò nhanh hơn, cố gắng nhiều hơn. Mồ hôi vã ra như tắm. Gần tới cửa thiên đàng, sâu nhìn lại mình và chạnh lòng vì nó vẫn là con sâu xấu xí, khốn khổ. Nhưng nó nhanh chóng xua nỗi buồn bằng sự cố gắng. Nó rướn người lên và cảm thấy mệt mỏi. Nhưng, chính lúc nó cúi đầu tuyệt vọng lại là lúc nó chợt cảm thấy thân hình nó nhẹ nhàng lạ thường. Nó đã hóa thành chú bướm xinh xắn bay vào khung cửa thiên đàng đang rộng mở. Nó đã biến hình trọn vẹn thành chú bướm sặc sỡ.

Mùa Chay là thời gian tập chiến đấu và chiến thắng ma quỉ cũng như các khuynh hướng xấu để đổi mới con người cũ của mình. Vì thế, mỗi năm, vào Chúa Nhật thứ hai mùa Chay, dù là năm A, B hay C, Giáo Hội đều cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng về việc Đức Giêsu biến hình để khích lệ chúng ta biến đổi con người mình.

Triết gia Heraclite đã nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, điều đó có nghĩa là mọi sự luôn xoay vần, vạn vật luôn biến chuyển. Nước dòng sông không ngừng chảy và luôn mới. Bầu trời hôm qua với hôm nay đâu có hoàn toàn giống nhau mặc dù vẫn là một. Hay khi nhìn vào một cái cây, chúng ta ít để ý đến sự thay đổi của nó. Tuy nó vẫn là cái cây đó nhưng bên trong có biết bao biến đổi. Những chiếc lá nay còn mai rụng xuống nhường chỗ cho nhiều chiếc lá mới mọc ra. Nếu cái cây vẫn y như thế từ tháng này sang tháng khác, từ năm này qua năm nọ thì đó không còn là một cái cây sống nữa mà là một khúc gỗ. Đối với cuộc sống thân xác, không biến đổi cũng đồng nghĩa với chết, và đối với cuộc sống thiêng liêng cũng vậy. Mùa Chay mời gọi chúng ta biến đổi và tiến lên. Bởi nếu mình cứ sống y như cũ thì cũng có nghĩa là đã chết.[1]

Sách Sáng Thế cho thấy nhân loại đã chuyển mình, lịch sử đã bước sang một trang mới. Nhân loại cũ của Ađam đã hư mất vì tội lỗi. Thiên Chúa quyết định thành lập một nhân loại mới bắt đầu từ Abraham. Sự biến đổi đem lại cho con người niềm vui và hy vọng.

Còn thánh Máccô cho biết, khoảng sáu ngày sau khi thánh Phêrô truyên xưng Đức Giêsu tại Xêdarê Philípphê (x. Mc 8,27), Người đã đưa ba môn đệ yêu quý là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cao. Khi tỉnh dậy từ giấc ngủ mê mệt, các ông nhìn thấy cảnh lạ lùng. Đức Giêsu biến hình, “y phục Người trở nên trắng tinh chói loà … có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông ÊliaVà từ đám mây có tiếng phán rằng: ‘Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người’ (x. Lc 9,28b-36).  

Việc Chúa biến hình nhắc cho các môn đệ và mỗi người phải làm mới linh hồn mình. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô cũng nhắc nhở chúng ta phải cởi bỏ con người cũ tội lỗi để mặc lấy con người mới tốt lành thánh thiện hơn: “Hãy lột bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới. Hãy để Thần Khí Thiên Chúa canh tân đến tận tâm linh của anh em” (Ep 4,22-24).

Một nhà chính trị Ấn Độ đã viết lại trong tập hồi ký của ông rằng, lúc còn trẻ, tôi là một người có đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất của tôi là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để con thay đổi thế giới.”

Đến tuổi trung niên, tôi mới nhận thấy rằng, một nửa đời người của tôi đã qua đi mà tôi chưa thay đổi được gì cả. Lúc đó, tôi mới cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con được biến cải những người mà con gặp gỡ hằng ngày, nhất là gia đình, người thân, bạn bè con. Và như vậy là đủ cho con rồi.”

Nhưng lúc này đây, khi tóc đã bạc, răng đã long, ngày tháng còn lại chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, tôi mới thấy mình quá khờ dại. Và rồi, tôi chỉ biết cầu nguyện: “Chúa ơi, xin ban cho con được thay đổi chính con”.

Sám hối, nỗ lực hoán cải thay đổi bản thân, thực thi bác ái, ăn chay, cầu nguyện là lời mời gọi quen thuộc mà chúng ta nghe trong Mùa Chay. Và vượt qua chính bản thân mình, vượt qua những cao ngạo, những đam mê, những ích kỷ, những ghen tương đang tồn tại trong mình là cuộc vượt qua gian nan và khó khăn nhất.

Ngoài lời mời gọi thay đổi bản thân, bài Tin Mừng hôm nay cũng khuyên chúng ta theo gương các môn đệ mà trèo lên núi, bất chấp khó khăn, can đảm dấn thân bước theo Đức Giêsu trong cuộc tử nạn của Ngài. 

Cuộc đời sẽ đưa đẩy tới cho con người muôn vàn khó khăn, nhiều gian nan thử thách và có hàng ngàn lý do khiến chúng ta bỡ ngỡ, bối rối trước những hoàn cảnh éo le. Thật khó để lý giải tại sao lại có những thử thách ấy! Chả lẽ Chúa không thương yêu chúng ta sao? Chúng ta hãy bắt chước ông Ápraham: hoàn toàn tin tưởng phó thác đời mình trong tay Chúa quan phòng, vâng theo thánh ý Ngài, Ngài sẽ lo liệu; và ta hãy tâm niệm rằng, mọi sự không có gì ngoài ý Chúa. Rồi đây, Ngài sẽ có cách giải quyết.

Chính những đau khổ và gian nan thử thách sẽ làm cho chúng ta thêm giá trị trước mặt Chúa; nó thanh luyện, giúp chúng ta thay đổi bản thân và thể hiện lòng trung thành đối với Chúa. Thánh Giacôbê nói: Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người” (Gc 1,12). Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu đừng bắt chước những người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô vì họ là những kẻ hưởng lạc chỉ nhắm những sự thấp hèn đời này; trái lại, hãy kiên trì theo đuổi việc chạy đua đến Vương Quốc trên trời, nơi họ sẽ được hoàn toàn hóa thân trong Đức Kitô, vì “quê hương chúng ta ở trên trời” (x. Pl 3,20).

[1] Xem Carôlô, Sợi Chỉ Đỏ, năm B, tr. 134-135.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy Tuần 1 Mùa Chay)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 2 MC-C)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.