Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 14 Thường Niên – Năm B

0
399

Bài Ðọc I: Ed 2, 2-5

“Ðây là nhà phản loạn, và họ sẽ biết rằng giữa họ vẫn có một tiên tri”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Trong những ngày ấy, sau khi nói với tôi, Thần Linh nhập vào tôi, và đỡ tôi đứng dậy. Tôi nghe Người nói với tôi rằng: “Hỡi con người, Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân nổi loạn phản nghịch Ta, chúng và cha ông chúng vi phạm giao ước của Ta cho đến ngày nay. Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng rằng: ‘Chúa là Thiên Chúa phán như vậy’. Hoặc chúng nghe, hoặc chúng không nghe, vì đây là bọn phản loạn, và chúng sẽ biết rằng giữa chúng có một tiên tri”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 122, 1-2a. 2bcd. 3-4

Ðáp: Mắt chúng con nhìn vào Chúa, cho tới khi Người thương xót chúng con (c. 2cd).

Xướng: 1) Con ngước mắt nhìn lên Chúa, Ngài ngự trị ở cõi cao xanh. Kìa, như mắt những người nam tôi tớ, nhìn vào tay các vị chủ ông. – Ðáp.

2) Như mắt của những người tỳ nữ, nhìn vào tay các vị chủ bà, mắt chúng tôi cũng nhìn vào Chúa, là Thiên Chúa của chúng tôi như thế, cho tới khi Người thương xót chúng tôi. – Ðáp.

3) Nguyện xót thương, lạy Chúa, nguyện xót thương, vì chúng con đã bị khinh dể ê chề quá đỗi! Linh hồn chúng con thật là no ngấy lời chê cười của tụi giàu sang, nỗi miệt thị của lũ kiêu căng. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Cr 12, 7-10

“Tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ngự trong tôi”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, để những mạc khải cao siêu không làm cho tôi tự cao tự đại, thì một cái dằm đâm vào thịt tôi, một thần sứ của Satan vả mặt tôi. Vì thế đã ba lần tôi van nài Chúa, để nó rời khỏi tôi. Nhưng Người phán với tôi rằng: “Ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối”. Vậy tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ngự trong tôi. Vì thế, tôi vui thoả trong sự yếu hèn của tôi, trong sự lăng nhục, quẫn bách, bắt bớ và khốn khó vì Ðức Kitô: vì khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Pr 1, 25

Alleluia, alleluia! – Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 1-6

“Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người.

Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng/ chia sẻ chủ đề:

NHẬN RA CHÚA (Lm. Phêrô Nguyễn Đình Khiêm, SVD)

Nhận thấy và nhận biết là hai sự việc khác biệt nhau. ‘Thấy’ là sự nhận thức về giác quan, còn ‘biết’ là sự nhận định về tri thức. Có những sự việc ta thấy đó những ta không biết, không hiểu hoặc có khi hiểu sai sự việc. Dân thành Nadarét trong bài Tin Mừng hôm nay nghĩ rằng họ biết rõ về Đức Giêsu, nhưng thật sự họ chẳng biết gì về Ngài.

Đức Giêsu trong một lần trở về Nadarét là quê hương của mình, vào Hội đường giảng dạy như một Đấng có uy quyền. Điều này được chính những người đồng hương của Ngài công nhận. Tuy nhiên, đằng sau sự công nhận đó là một sự phủ nhận phũ phàng: “Bởi đâu ông ta được như thế, ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Nhiều câu hỏi họ đặt ra vừa tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng đồng thời là sự khinh thường sự xuất thân thấp kém của Đức Giêsu. Thái độ của họ không quá khó hiểu, khi họ không thể nhận biết Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa. Thật sự mà nói, làm sao họ nhận ra Ngài khi biết quá rõ về gốc gác của Ngài. Chúng ta thấy, chính các môn đệ của Đức Giêsu, những người theo Chúa, được nghe biết bao lời khôn ngoan, được chứng kiến rất nhiều phép lạ Ngài làm, nhưng thử hỏi có ai nhận ra thầy mình là Con Thiên Chúa, ngoại trừ Phêrô, người được Chúa Cha mạc khải để nói những lời ấy. Dù chính miệng thánh Phêrô tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống,” nhưng ông cũng chẳng hiểu gì về Thầy mình. Bằng chứng là ông đã can ngăn Đức Giêsu, không cho Ngài lên Giêrusalem chịu tử nạn, rồi chính ông cũng đã chối Chúa 3 lần. Đến đây, chúng ta có thể đặt ra một câu hỏi: Nếu các môn đệ đã nhận ra Đức Giêsu là con Thiên Chúa qua lời tuyên tín của Thánh Phêrô, thì tại sao các ông lại bỏ Chúa chạy tán loạn khi Ngài bị bắt? Chúng ta không xoáy vào câu hỏi này để không bị chuyển sang một khía cạnh khác về đức tin và thân phận yếu đuối của con người. Tôi chỉ muốn nêu ra một câu hỏi để thấy rằng, thật khó để người đồng hương Nadarét của Đức Giêsutin nhận Ngài.

Niềm tin thật sự được bắt đầu sau sự kiện Đức Giêsuphục sinh từ cõi chết. Các môn đệ phải được Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra cũng cố niềm tin và dưới ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần thì mới thật sự tin và can đảm ra đi rao giảng Tin Mừng. Chúng ta là những người được thừa hưởng niềm tin từ các thánh Tông đồ, chúng ta xác tín thật Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống. Vậy chúng ta đã sống Lời Chúa dạy như thế nào? Đó mới là câu hỏi mà tôi và mỗi người chúng ta cần đặt ra cho chính bản thân mình? Hằng ngày, chúng ta tham dự Mầu Nhiệm Thánh, nơi mà chính Đức Giêsu hiện thân trong Bí Tích Thánh Thể. Khi chúng ta rước lấy, chúng ta đã đón nhận Chúa như thế nào, có đủ kính trọng hay không, hay làm một cách máy móc, bởi việc làm này quen quá hóa bình thường? Nếu thật sự như thế, chúng ta khác nào những người Nadarét xưa nghĩ rằng mình biết ông Giêsu nhưng sự thật thì chẳng biết gì. Tương tự thế, khi chúng ta không ý thức việc tôn kính Chúa thì khác nào chúng ta đang xem thường Chúa. Hằng ngày chúng ta được nghe Lời Chúa, được nghe rất nhiều lời giảng từ cha này cha kia. Có khi chúng ta thán phục cha đó giảng hay quá, nhưng Lời Chúa nhắn nhủ chúng ta sống, chúng ta đã sống thế nào? Có lẽ khi nhìn lại bản thân, chúng ta cũng chẳng khác nào người Nadarét xưa vì chúng ta thán phục những lời khôn ngoan và đầy uy quyền của Ngài nhưng chỉ dừng lại ở đó mà thôi. Đó là chưa nói đến những thành kiến của chúng ta về ai đó để rồi chúng ta không thể nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi họ.

Lạy Chúa, chúng con nghĩ rằng con biết Chúa, nhưng chúng con đã không nhận ra Chúa nơi người anh em của chúng con. Chúng con tưởng rằng đang tin Chúa, nhưng chúng con đã chưa thi hành thánh ý Ngài. Biết bao lần trong cuộc sống hằng ngày chúng con nói yêu Chúa, nhưng chúng con đã chẳng yêu mến tha nhân là hỉnh ảnh của Chúa. Xin củng cố niềm tin cho chúng con, để chúng con luôn nhận ra Chúa nơi người anh em và trong từng biến cố của cuộc sống chúng con. Xin cho chúng con biết thể hiện niềm tin của mình bằng chính hành động sống của chúng con. Amen.


 

CHÂN DUNG CÁC NGÔN SỨ (Tu sĩ Nguyễn Trung Tâm, SVD)

Khi nghe bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ nhiều người sẽ rất ấn tượng nhưng cũng khá ngạc nhiên vì câu nói của Đức Giêsu: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4).

Qua câu nói đó làm chúng ta liên tưởng đến câu thành ngữ: “Bụt nhà không thiêng”. Vâng, sứ vụ ngôn sứ là thế đó! Sẽ bị chống đối, gặp rất nhiều khó khăn và giết chết. Tuy nhiên, đó chỉ là một khía cạnh nào đó mà thôi. Chúng ta sẽ thấy chân dung về các ngôn sứ toàn diện và đẹp hơn nhiều khi tìm hiểu các bài đọc Lời Chúa hôm nay.

Bài đọc thứ nhất trích trong sách ngôn sứ Êdêkien nói về cuộc lưu đày của dân Ítraen ở Babylon. Ngôn sứ Êdêkien đã được Đức Chúa chọn và sai đến với con cái nhà Ítraen để làm ngôn sứ cho Người. Đức Chúa muốn cho dân biết rằng có ngôn sứ ở với họ: “Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng” (Ed 2,5). Như vậy, Đức Chúa không bỏ dân, Đức Chúa vẫn hiện diện giữa dân, ở nơi đất khách quê người qua trung gian là các ngôn sứ. Ngoài ra, lời sai phái của Đức Chúa một cách nào đó cho thấy sứ vụ của vị ngôn sứ sẽ gặp ít nhiều những khó khăn, những chống đối vì phải đối diện với một dân cứng đầu cứng cổ.

Trở lại bài Tin Mừng, chúng ta thấy được Đức Giêsu thất bại trong sứ vụ ngôn sứ ngay tại chính quê hương của Người khi phải đối diện với một dân lòng chai dạ đá. Sau khi nghe Người giảng dạy, dân chúng phản ứng rất mãnh liệt và mâu thuẫn: một đàng họ vừa thừa nhận Đức Giêsu là Đấng khôn ngoan trong lời nói và việc làm, đàng khác họ lại đi tìm nguyên do bởi “đâu ông Giêsu được như thế” thì họ lại bị vấp ngã và không tin. Họ vấp ngã và không thể đi xa hơn để thấy nguồn gốc của Đức Giêsu là từ Thiên Chúa. Họ chỉ nhìn Ngài ở cặp mắt thể lý, chỉ thấy ngài là con bác thợ mộc chất phác nghèo khó, con bà Maria đơn sơ, giản dị, và anh chị em của Người cũng chỉ là bà con lối xóm với họ không hơn không kém.

Trong bài đọc thứ hai thánh Phaolô đã phải thú nhận những khó khăn và những yếu đuối của ngài khi thi hành sứ vụ ngôn sứ, nào là bị xỉ nhục, bắt bớ… Tuy nhiên dù như thế nào đi chăng nữa, thánh nhân luôn tin tưởng vào Lời Chúa nói với ngài: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9). Chính vì lẽ đó mà ngài hăng say thi hành sứ vụ. Hơn thế nữa, ngài còn cảm thấy vui sướng khi bị đau khổ vì Chúa Kitô.

Như thế, các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy được ba hình ảnh về người ngôn sứ từ ba khía cạnh khác nhau.

Bài đọc thứ nhất diễn tả ngôn sứ Êdêkien là đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người và hiện diện giữa con người; ở bài đọc hai thì thánh Phaolô thể hiện được niềm tin của mình trong khi thi hành sứ vụ dù phải trải qua khó khăn nhưng ngài vẫn một lòng tin tưởng phó thác. Và bài Tin Mừng, nói đến một ngôn sứ không được chấp nhận tại quê hương của mình.

Ba hình ảnh đó nói lên ba nét đặc trưng trong chân dung của mọi ngôn sứ nói chung. Nét đặc trưng mà chúng ta thấy nơi ngôn sứ Êdêkien cũng như tất cả ngôn sứ trong Cựu Ước. Đó là những nét đặc trưng mà chúng ta thấy rõ nhất nơi Chúa Giêsu, ngôn sứ của mọi ngôn sứ. Đức Giêsu chính là Đấng Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Bộ phim có tựa đề “Người của Chúa và tha nhân” được xuất bản vào năm 1933 với nội dung kể về những câu chuyện thật của các đan sĩ Dòng Xitô.

Dòng Xitô ở Pháp, có 9 đan sĩ dòng đã đến sống giữa những anh em Hồi Giáo tại Tibhirine, Algeria. Ở đó, có một nhóm người Hồi Giáo cực đoan luôn tìm cách sát hại những người lao động ngoại quốc nên nỗi lo sợ đã bao trùm cả vùng đó, và nhóm khủng bố cũng đã đến chính đan viện đe doạ. Nhiều người dân đã bỏ đi nơi khác sinh sống và nhằm mục đích bảo toàn mạng sống, chính quyền cũng khuyên các đan sĩ hãy trở về Pháp hay đến một đan viện khác. Lúc đầu có một số đan sĩ định ra đi nhưng rồi tất cả đã quyết định ở lại. Cuối bộ phim, nhóm khủng bố đã đến đan viện bắt các đan sĩ để làm con tin. Bảy đan sĩ bị bắt và bị giết chết, có hai đan sĩ thoát trong vụ việc đó. Bộ phim cho thấy các đan sĩ đúng là những chứng nhân trung thành của Chúa. Trước những đe doạ, các đan sĩ có được sức mạnh để quyết định ở lại là nhờ ơn Chúa qua những lời cầu nguyện liên lỉ của các ngài. Các đan sĩ quyết định ở lại là muốn làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, như lời của một đan sĩ đã thốt lên rằng: “chúng ta phải để cho Thiên Chúa đến ngự giữa nơi này, nơi mọi người, dù đó là bạn hay thù”.

Nói đến đây, ắt hẳn ai cũng thấy chân dung các ngôn sứ thật là đẹp biết bao, thật vĩ đại dường nào. Không dừng lại ở những tâm tình đó, Lời Chúa còn muốn chúng ta đi xa hơn khi muốn mời gọi, muốn chất vấn chúng ta ý thức lại sứ vụ ngôn sứ của chính mỗi người trong chúng ta hôm nay. Sứ vụ ngôn sứ không phải chỉ dành riêng cho những người sống trong bậc tu trì nhưng đó cũng là sứ vụ của mỗi Kitô hữu. Nhờ Bí tích Thánh Tẩy các Kitô hữu được tham dự vào chức vụ ngôn sứ của chứng tá của mỗi người chúng ta. Thiên Chúa muốn hiện diện trong các xóm làng, phố phường qua đời sống gương mẫu của mỗi người chúng ta. Hơn hết, Thiên Chúa muốn hiện diện ở khắp mọi nơi, mọi ngõ ngách qua sứ vụ chứng tá của chúng ta trong mọi hoạt động của đời sống thường ngày. Đó cũng là cơ hội để chúng ta tự vấn lại chính mình, chúng ta thể hiện khuôn mặt của Thiên Chúa như thế nào qua đời sống của chính mình? Làm ngôn sứ cho Chúa không phải là việc đơn giản. Chính Chúa Giêsu đã từng bị hiểu lầm, chống đối và bị lên án. Làm chứng cho Chúa, ắt hẳn chúng ta cũng sẽ phải chịu như thế! Tuy nhiên, những khó khăn, thử thách của người Kitô hữu ngày nay không phải là cảnh đầu rơi, máu chảy, hay những bắt bớ, nhưng là những hành động dám nói lên sự thật, những hành động thiết thực trong cuộc sống thường nhật. Chẳng hạn, khi đi ăn giữa những người không cùng tôn giáo, liệu chúng ta có cảm thấy ngại ngùng khi phải làm dấu thánh hoá bữa ăn không? Chúng ta có cảm thấy như bị mặc cảm khi phải ghi vào những giấy tờ, lý lịch là chúng ta là người Công Giáo không?

Trong những lúc khó khăn như thế, chúng ta học được nơi thánh Phaolô lòng cậy trông vào Thiên Chúa. Sức mạnh để chúng ta vượt qua những khó khăn thử thách trong đời sống sứ vụ, đồng thời hân hoan trong đời sống chứng tá cho Chúa. Một lòng trông cậy tín thác nơi Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta sống tốt đời sống sứ vụ và cũng nhờ ơn Chúa chúng ta chu toàn sứ vụ trong mọi hoàn cảnh.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể can đảm và hân hoan làm chứng cho Tin Mừng của Chúa, dù có gặp bất cứ khó khăn thử thách nào trong đời sống chứng tá cho Tin Mừng của Chúa. Amen.


 

ĐIỀU MỚI VÀ ĐIỀU CŨ (Lm. Antôn Pađôva Ngô Hồng Tú, SVD)

Trong phần giới thiệu của Tông Huấn “Niềm Vui Phúc Âm”, Đức Thánh Cha Phanxicô tha thiết mời gọi “Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin tất cả anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày” (số 2). Quả thật, con người luôn có nhu cầu tương quan, gặp gỡ. Vậy việc gặp gỡ này sẽ đưa con người tới đâu trong ý nghĩa cuộc sống? Con người mở lòng đón nhận với niềm vui hay khép kín từ tâm mà loại bỏ?

Trở về quê nhà, trở về xóm làng của mình, cùng với các môn đệ, Đức Giêsu không nghỉ ngơi như thói quen mọi người, mà Người vẫn tiếp tục vào hội đường giảng dạy. Nơi đó, Đức Giêsu được đón tiếp và nhiều người rất ngạc nhiên về giáo lý Người giảng dạy. Dân làng cho rằng Đức Giêsu là người thật khôn ngoan, giáo lý thì mới mẻ và có đầy sức mạnh thần linh. Đó chính là một hình ảnh mới – mới từ sự khôn ngoan và mới từ Lời đầy quyền năng của một ngôn sứ. Nhưng họ vẫn đặt một nghi vấn “Bởi đâu ông này được như vậy?” (Mc 6,2).

Vấn nạn người dân làng Nadarét đặt ra đã làm cho họ tiếp tục tìm hiểu về thân thế và nguồn gốc Đức Giêsu. Và họ càng ngạc nhiên hơn khi biết Đức Giêsu là con của ông Giuse và bà Maria – là những người hàng xóm láng giềng của họ. Họ đã vấp ngã vì họ không tin vào những gì Đức Giêsu nói và làm.

Sự vấp ngã của dân làng Nadarét đã tạo nên hai chiều kích tương quan tiêu cực. Chiều kích tương quan thứ nhất là tương quan hàng xóm. Họ thành kiến về nguồn gốc gia đình trần thế của Đức Giêsu. Họ đã loại trừ và vô hình trung, họ đẩy Đức Giêsu ra khỏi làng của họ. Đức Giêsu đã bỏ họ mà đi đến những làng chung quanh để rao giảng. Chiều kích thứ hai là tương quan với Thiên Chúa. Dân làng Nadarét đã không đón nhận Đức Giêsu như là một Đấng Mêsia, thậm chí như là một vị ngôn sứ cũng không được, mặc dù họ công nhận Lời của Đức Giêsu có một sức mạnh đầy quyền năng. Chính vì như thế, Đức Giêsu nhấn mạnh rằng: “không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình” (Mc 6,4).

Quả thật, Tin Mừng hôm này cho chúng ta bắt gặp được một hình ảnh sống động nơi tương quan giữa Đức Giêsu và những người làng xóm của mình. Họ nghe và biết Đức Giêsu có những giáo lý mới lạ. Họ nghe và biết Đức Giêsu có những hành động đầy quyền năng. Đó là cái mới. Nhưng họ e ngại không dám mở lòng bước lên thêm một bước nữa trong niềm tin. Họ e ngại không dám can đảm bước ra khỏi những gì là quen thuộc hằng ngày. Đó là cái cũ. Giữa cái mới và cái cũ, dân làng Naaarét chọn cho mình một lối sống an toàn và quen thuộc với chính mình. Họ vẫn tiếp tục chọn cái lối sống cũ cho chính họ và họ đã đánh mất niềm vui của ơn cứu độ của Thiên Chúa. Trong Tông huấn “Niềm Vui Phúc Âm” với phần giới thiệu số 2, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Khi mà đời sống nội tâm của chúng ta bị trói chặt trong những lợi ích và những mối quan tâm riêng của nó, thì không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của tình yêu của Người không còn được cảm thấy, và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ. Đây chính là một mối nguy cho cả người tín hữu. Nhiều người rơi vào mối nguy này, và kết cục là cảm giác bực bội, tức giận và chán nản. Đó không phải là cách để chúng ta sống một đời sống xứng đáng và sung mãn; đó không phải là ý muốn của Thiên Chúa đối với chúng ta, cũng không phải là đời sống trong Thần Khí bắt nguồn từ trái tim của Đức Kitô phục sinh.”

Lối sống của dân làng Nadarét có phản ảnh lên lối sống của tôi –  người Kitô hữu hôm nay? Tôi có bị ràng buộc bởi những quan niệm về văn hoá và truyền thống để bóp nghẹt sức sống của Tin Mừng không? Tôi có bị những thói quen hằng ngày làm cản trở cho niềm vui của Tin Mừng không? Tôi có bị những nét đặc thù chung quanh cuộc sống làm bó buộc sự đi ra của tôi với môi trường chung quanh không? Và tôi có thành kiến về một vết nhơ nào đó trong quá khứ của người anh chị em không?

Mỗi câu hỏi, tôi chỉ trả lời được rõ ràng dưới ánh sáng của Tin Mừng mà thôi. Để qua đó, tôi luôn được mời gọi vượt thoát những gì là lối sống an toàn cho chính mình và chạm đến một lối sống mới với những thực tại thánh thiêng.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật Tuần 14 TN – B)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 14 TN)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.