Lời Chúa + Bài giảng Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo

0
205

Bài Ðọc I: Is 60, 1-6

Trích sách Tiên Tri Isaia.

Ðứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Ðức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi.  Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Ðức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.  Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.  Ðưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông.  Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi.  Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha: tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Ðức Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-5

Ðáp: Âm thanh họ truyền khắp địa cầu.

Xướng: 1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. – Ðáp.

2) Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. Chúa căng lều cho thái dương tại đó. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1Tm 2,1-8

Trích Thư Thánh Phaolô Tông Ðồ Gửi Tín Hữu Timôthê.

Vậy tiên vàn mọi sự, tôi truyền phải dâng lời khẩn xin, cầu nguyện, kỳ đảo, tạ ơn cho hết mọi người, cho vua Chúa và hết các người quyền cao chức trọng, ngõ hầu ta được qua một đời yên hàn, ổn định, trong đạo đức vẹn toàn và nghiêm chỉnh. Ðó là điều tốt lành, đẹp lòng Thiên Chúa, Cứu Chúa của ta. Người muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật. Vì chỉ có một Thiên Chúa và cũng chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại: một người, là Ðức Yêsu, Ðấng đã thí mình làm giá chuộc thay cho mọi người; chứng đã tuyên ra vào chính thời chính buổi, mà tôi đã được đặt làm lệnh sứ, làm tông đồ — và tôi nói thật, chứ không nói dối — làm tấn sĩ dân ngoại, trong đức tin, trong sự thật.

Vậy tôi muốn nam nhân cầu nguyện mọi nơi thì giăng lên những bàn tay lành thánh, không nóng giận, không cãi cọ.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài đọc sau đây:

Bài Ðọc II: Cv 1, 3-8

Trích sách Công Vụ Tông Ðồ.

Sau khi Chúa Giêsu sống lại, Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Ðồ, Ðức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.

Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?” Người đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 28, 19-20

Alleluia, alleluia! – Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 16,15-20

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.

Và Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận tội. Những dấu lạ này sẽ tháp tùng kẻ tin: nhân danh Ta, chúng sẽ trừ quỉ, nói các thứ tiếng, Chúng sẽ cầm rắn trong tay, và dẫu có uống nhằm thuốc độc, thuốc độc cũng chẳng hại được chúng; chúng sẽ đặt tay cho kẻ liệt lào và họ sẽ được an lành mạnh khỏe”.

Vậy sau khi đã nói với họ rồi, Chúa Yêsu được nhắc về trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn họ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họ hoạt động, và củng cố lời bởi phép lạ kèm theo.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài Phúc Âm sau đây:

Phúc Âm: Mt 28, 16-20

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài Phúc Âm sau đây:

Phúc Âm: Lc 24, 44-53

Khi hai môn đệ từ Emmau trở về còn đang nói với nhóm Mười Một, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông. Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”

Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này. Và đây, chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”

Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ, và hằng ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.


 

Bài giảng

TRUYỀN GIÁO THỜI ĐẠI MỚI (Lm. Giuse Trần Minh Kiểm, SVD)

Cuộc thi “The Voice Italy” diễn ra cách đây khá lâu. Tôi không nhớ rõ năm nào nhưng có một điều làm tôi nhớ mãi và ấn tượng đó là một nữ tu trong bộ tu phục đen, đeo thánh giá, vừa hát vừa nhún nhảy và trình diễn ca khúc có tên là: “No One”. Khi nhìn thấy nữ tu trình diễn, toàn thể khán giả cũng như giám khảo đều đứng dậy vỗ tay và dường như họ không thể tin vào mắt mình. Sau khi trình diễn xong, một vị giám khảo đã hỏi nữ tu rằng: “Chị có thật là một nữ tu không?”.

Chị trả lời rằng: Vâng dĩ nhiên rồi, tôi đích thực là nữ tu. Tôi là Christina, Dòng chị em Thánh Gia Ur-su-line.

Vị giám khảo khác lại hỏi thêm: Điều gì khiến sơ tham gia cuộc thi giọng hát tài năng này?

Nữ tu trả lời rằng: Thưa ban giám khảo và toàn thể cộng đoàn. Tôi đến đây vì tôi có một món quà muốn tặng cho thế giới. Tôi đến đây để Loan Báo Tin Mừng. Lúc nhận giải thưởng quán quân, sơ cũng nhấn mạnh: “Tôi muốn Chúa Giê-su đến đây và sau đó sơ mời gọi mọi người đứng dậy đọc một Kinh Lạy Cha cùng với Sơ để cầu nguyện cho công việc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội”.

Hành động của sơ Chris-ti-na đã gây nên một hiệu ứng mạnh mẽ, một lời nhắc nhở mạnh mẽ cho chúng ta về sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Đức Giê-su luôn mời gọi mọi. Trong Tông Huấn đầu tiên của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, có tựa đề là “Evangeli Gaudium” – Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến sứ vụ đi ra của Giáo Hộ: “Giáo Hội phải đi ra đến với người khác”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo Hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình” (EG, số 49).

Trong những thông điệp nhân ngày Khánh Nhật Truyền giáo hằng năm, Đức Thánh Cha thường nhắc lại rằng: “Tự bản chất của Giáo hội là truyền giáo: Hội thánh sinh ra để ra đi” (Lời mở đầu). Bản chất ấy đặt nền tảng nơi lời mời gọi của Đức Giê-su mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Vậy chúng ta phải loan báo Tin Mừng với bộ mặt nào? Và bằng cách nào?

Vậy chúng ta phải loan báo Tin Mừng với bộ mặt nào?

Đức Thánh Cha đã trả lời thay cho chúng ta và ngài nhấn mạnh rằng: “Một nhà loan báo Tin Mừng đừng bao giờ mang một bộ mặt đưa đám” (EG, số 10). Phần đầu tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha nói: “Niềm Vui Tin Mừng phải tràn ngập tâm hồn và đời sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giê-su”.

Vâng, với kinh nghiệm truyền giáo của mình, Đức Thánh Cha đã cho ta một câu trả lời thật ý nghĩa, loan báo Tin Mừng là loan báo về tin vui, tin vui con Thiên Chúa xuống thế làm người, vì yêu Người đã đến thế gian, đã chết và sống lại là vì ta. Vui hơn và mừng hơn nữa là Người đến để cứu độ chúng ta.

Nhưng truyền giáo bằng cách nào?

Thưa, chúng ta biết hiện nay trăm ngàn cách để loan báo Tin Mừng. Dù ở địa vị nào, nơi đâu chúng ta cũng có thể loan báo được. Loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ của mỗi người chứ không chỉ dành riêng cho những người có trách nhiệm trong Giáo Hội. Thánh Phao-lô đã nói: “Khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng”. Trong tâm tình của ngày Khánh Nhật Truyền giáo, tôi xin mạo muội được nêu ra những cách mà ai trong chúng ta cũng có thể làm:

1.Trước hết là cầu nguyện.

Chúng ta ít khi nghĩ cầu nguyện là một trong những cách truyền giáo hữu hiệu. Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su là một tu sĩ dòng kín. Thế mà ngài đã được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Ngài không đi rao giảng Tin Mừng như thánh Phao-lô, các thánh Tông Đồ, Phan-xi-cô Xa-vi-ê, hay các thánh khác, … nhưng dù ở trong tu viện của dòng kín, ngài đã cầu nguyện cho Hội Thánh, cho các linh mục, cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội…

Vâng! Nhờ những lời cầu nguyện như vậy; nhờ sự tín thác, Chúa đã ban thêm sức mạnh, giúp đôi chân các nhà truyền giáo bớt mệt mỏi, tâm hồn các ngài bớt nặng nề, để các ngài kiên trì rảo bước khắp nơi, loan Tin Mừng cho mọi dân mọi nước. Hỏi rằng trong cuộc sống ta có quan tâm cầu nguyện cho việc truyền giáo hay dâng những hy sinh hãm mình để cầu cho công cuộc truyền giáo chưa? Hiện nay, có nhiều Dòng Tu có linh đạo là Lao Động và Cầu Nguyện. Và họ đã dành nhiều thời gian để cầu nguyện cho Giáo Hội và công việc truyền giáo của Giáo Hội. Điều đó cho thấy, lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta là rất cần thiết trong công cuộc truyền giáo.

  1. Thứ đến ta có thể truyền giáo: bằng đời sống bác ái yêu thương và phục vụ:

Trong thông điệp “Đấng Cứu Chuộc con người”, Đức thánh Giáo Hoàng Phao-lô II đã viết: “Hội Thánh quan tâm săn sóc con người, Hội thánh coi việc lo cho con người, cho tương lai mọi người trên trái đất, cho hướng phát triển và tiến bộ như là một yếu tố căn bản của Hội Thánh … Con người là con đường của Hội thánh”. Như vậy, tất cả các sinh hoạt trần thế mà chúng ta dấn thân vào, như: văn hóa, nghệ thuật, lao động sản xuất, dịch vụ, giáo dục, y tế, thương mại v.v… nếu nhằm phục vụ con người, xây dựng và phát triển con người, thì đó là cách truyền giáo có sức thuyết phục, bởi vì ngày nay, người ta để ý đến hiệu quả hơn là lời nói suông.

Người ta dễ tin vào Giáo Hội do thái độ của Giáo Hội đối với con người hơn là thái độ của Giáo Hội đối với Thiên Chúa.

Thế giới của chúng ta khoảng 7,8 tỷ người, trong khi Ki-tô giáo chỉ có 1,4 tỷ, một con số thật khiêm tốn. Vì thế, đời sống bác ái yêu thương và phục vụ rất cần thiết trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

Phương châm truyền giáo của Mẹ Tê-rê-xa là yêu thương và phục vụ. Mẹ đã làm theo lời dạy của Đức Giê-su: “Cứ dấu này mà mọi người biết các con là môn đệ Thầy, là các con hãy yêu thương nhau”. Thời gian qua, người dân Việt Nam gánh chịu một sự khó khăn rất lớn khi phải đối diện với Covid 19, miền Trung bị bão lụt… Nhưng thật ấm lòng khi khi mọi người trong cả nước luôn biết chia sẻ cho và trao gởi yêu thương cho nhau không phân biệt bạn là ai chỉ biết bạn cần thì tôi giúp. Chính sự chia sẻ đó cũng là một sự truyền giáo rất hữu hiệu, một hiệu ứng được tỏa lan và vang xa. Vâng đây là những công việc mà nhiều người xưa nay đã làm và có những người làm rất quảng đại.

  1. Truyền giáo bằng kỹ thuật số

Một trong những cách truyền giáo ngày nay khá hữu hiệu đó là dùng truyền thông. Các bài giảng, bài chia sẻ, bài cầu nguyện qua bài viết hoặc qua file Audio, như thế nhiều người sẽ dễ dàng theo dõi. Hiện nay có rất nhiều dòng tu, có nhiều giám mục, linh mục thâu những bài suy niệm rồi đưa lên mạng và nhiều người rất thích nghe, đặc biệt là những người lớn tuổi, hoặc những người khó có hội đi đến nhà thờ.

Có nhiều cách thức truyền giáo, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất và cần thiết nhất chúng ta phải canh tân đời sống chúng ta trước đã. Tức là chúng ta hãy sống tốt, hãy sống là người có Chúa rồi mới hy vọng đem Chúa đến cho người khác. Thiết nghĩ, mỗi thành viên trong gia đình của chúng ta cứ sống thật tốt thì đó là cách truyền giáo tốt nhất. Trong một gia đình chẳng ai chịu nghe ai, ai cũng có cái tôi thật cao, ai cũng thích làm theo ý riêng, ai cũng muốn thể hiện, … thế thì gia đình làm sao mà bình an. Không bình an thì làm sao có thể truyền giáo và làm chứng cho người khác. Trong trong đời sống gia đình; người vợ sống tốt sẻ cảm hóa được người chồng, người cha sống tốt sẽ làm gương cho con cái. Một gia đình thánh thiện đạo đức thì đương nhiên sẽ có sức lan tỏa đến những người xung quanh.

Khi một số Ki-tô hữu tham gia trại hè quốc tế, người ta đưa ra nhiều ý kiến tranh luận để tìm ra cách truyền giáo tốt nhất. Một Bé gái Châu Phi đã phát biểu: “Ở nước tôi, khi muốn truyền bá Tin Mừng cho một làng ngoại đạo, người ta không gửi sách đạo nhưng gởi các nhà truyền giáo đạo đức hay gửi một gia đình người Ki-tô hữu tốt đến sống giữa họ, vì gương sáng của gia đình đó là lời rao giảng hùng hồn nhất về Tin Mừng, hơn tất cả những cuốn sách trên thế giới”.

Thật vậy, không có lời rao giảng nào có sức thuyết phục bằng sự hiệp nhất yêu thương trong gia đình, khu phố, trong xóm đạo của chúng ta. Trong thực tế, những người lương dân không hề thấy Chúa, cũng không biết Tin Mừng dạy gì. Họ chỉ nhìn thấy chúng ta và đánh giá đạo của chúng ta qua cung cách sống đạo của mỗi người chúng ta. Thiên Chúa đã, đang và sẽ ban cho chúng ta muôn vàn cơ hội và vô số khả năng để chúng ta góp công sức vào việc loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy luôn biết tận dụng những khả năng Chúa ban để thực thi Lời Chúa dạy: “làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa”. Amen.

 

 

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật XXIX Thường Niên, Năm A (Mt 22,15-22)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 29 TN – A)